Vào nội dung chính
PHÁP - MÔI TRƯỜNG

Môi trường : Cuộc chiến giữa khí đốt và than đá

Nhân Hội nghị Thế giới về khí đốt lần thứ 26, được tổ chức tại Paris, từ 01 đến 05/06/2015, sáu tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã đưa ra lời kêu gọi thiết lập cơ chế giá khí carbone – giá phải trả khi phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Ben van Beurden, giám đốc điều hành của tập đoàn Royal Dutch Shell, phát biểu tại hội nghị khí đốt thế giới lần thứ  26, Paris, France, 02/06/2015
Ben van Beurden, giám đốc điều hành của tập đoàn Royal Dutch Shell, phát biểu tại hội nghị khí đốt thế giới lần thứ 26, Paris, France, 02/06/2015 REUTERS/Benoit Tessier
Quảng cáo

Đề nghị này được đưa ra nhân danh chống biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn dầu khí bởi vì hiện nay, khí đốt đang ở thế yếu và bị than đá cạnh tranh quyết liệt.

Các tập đoàn đưa ra lời kêu gọi lập giá carbone là Total, BG Group, BP, Eni, Royal Dutch Shell và Statoil và lãnh đạo của những doanh nghiệp này, đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố bảo vệ việc dùng khí đốt thay cho than đá.

Tổng Giám đốc tập đoàn Shell đã kêu gọi chính phủ các nước không khuyến khích dùng than đá. Trong khi đó, Tổng Đại diện tập đoàn năng lượng Pháp Engie (trước là GDF Suez) nhấn mạnh cần phải thay thế than đá bằng khí đốt.

Vài ngày trước khi có Hội nghị Thế giới về khí đốt ở Paris, ông Jérôme Ferrier, Chủ tịch Liên minh Quốc tế về khí đốt giải thích với AFP : « Hiện nay, chúng tôi rất buồn khi thấy năng lượng than đá mà người ta đã nghĩ rằng đó là năng lượng của thế kỷ trước, bây giờ lại được ồ ạt sử dụng tại một số nước Châu Âu ».

Bởi vì than đá cạnh tranh trực tiếp, được sử dụng nhiều và rộng rãi hơn trong việc sản xuất điện. Trong khi đó, tại Châu Âu, từ hai năm nay, giá khí đốt, nhìn chung, cao hơn gấp ba lần giá than đá. Theo nhận xét của bà Nathalie Desbrousses, thuộc văn phòng nghiên cứu tư vấn về năng lượng Enerdata. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai nguồn năng lượng này, các nhà sản xuất điện vẫn dựa vào than đá nhiều hơn là dự tính.

Tại Châu Âu, trong những tháng qua, nhiều nhà máy nhiệt điện dùng khí đốt đã phải đóng cửa vì kém cạnh tranh so với nhà máy nhiệt điện dùng than đá và giá điện trên thị trường lại xuống thấp.

Năm ngoái, nhu cầu về khí đốt của Châu Âu đã giảm mạnh, 11%, một mặt do thời tiết không quá rét, mặt khác giá của khí đốt vẫn tương đối ổn định trong nhiều năm trước đó.

Do Hoa Kỳ có nguồn khí đốt dồi dào, trong đó có khí phiến đá, các tập đoàn khai thác khí đốt Châu Âu phải tìm kiếm thị trường khác, đặc biệt là Châu Á, nơi vẫn dùng rất nhiều than đá.

Hơn nữa, so với khí đốt, thì nguồn dự trữ than đá có ở nhiều nơi trên thế giới, không bị tác động bởi các yếu tố chiến lược-ngoại giao, đòi hỏi ít đầu tư về hạ tầng cơ sở để có thể khai thác và chuyên chở.

Khi kêu gọi thiết lập cơ chế giá khí carbon tương đối cao, áp dụng trên thế giới, các tập đoàn khí đốt Châu Âu muốn bắn một mũi tên trúng hai mục tiêu : Vừa thể hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vừa muốn thấy giá than đá phải được điều chỉnh so với giá khí đốt.

Bởi vì than đá là năng lượng hóa thạch phát thải CO2 nhiều nhất. Theo văn phòng Enerdata, đốt một tấn than đá thì phát thải ra 3,5 tấn CO2, còn đối với khí đốt là 2,3 tấn CO2 và dầu lửa là 2,7 tấn.

Bà Lili Fuhr, chuyên gia về khí hậu, thuộc hiệp hội Đức Heinrich-Boll, bình luận : « Đương nhiên, các công ty dầu khí chỉ làm việc này để phát triển việc dùng khí đốt, họ không hề muốn từ bỏ dùng các nhiên liệu hóa thạch và khai thác điểm yếu của than đá ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.