Vào nội dung chính
PHÁP - KHÍ HẬU

Chuẩn bị cho COP 21: Mới chỉ có 33 nước thông báo mục tiêu

Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu ở Lima, Perou, các nước đã cam kết, muộn nhất là vào ngày 31/03/2015, sẽ đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí CO2, để làm cơ sở cho việc thúc đẩy soạn thảo một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Thế nhưng, đến hạn định 31/03 vừa qua, mới chỉ có hơn ba chục nước thực hiện cam kết này.

Từ trái sang phải: Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Latvia Laimdota Straujuma và Chủ tịch Ủy ban Châu ÂuJean-Claude Juncker chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu COP-21.
Từ trái sang phải: Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Latvia Laimdota Straujuma và Chủ tịch Ủy ban Châu ÂuJean-Claude Juncker chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu COP-21.
Quảng cáo

Mục tiêu của Hội nghị Paris về Khí hậu 2015 (COP 21) là đạt được một thỏa thuận quốc tế kiềm chế nhiệt độ trên trái đất không tăng thêm quá 2°C, từ nay đến 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để làm được việc này, các nước tham gia Công uớc Liên Hiệp Quốc về Khí hậu cam kết thông báo những nỗ lực và mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cho giai đoạn sau 2020. Công việc này giúp đánh giá được sự cách biệt giữa thực tế và các mục tiêu, qua đó, xây dựng được một thỏa thuận quốc tế phù hợp với những mục tiêu mà các nước đề ra. 

Đối với các nước công nghiệp hóa, thời hạn để thông báo các mục tiêu cam kết là 31/03. Thế nhưng, trong số 195 nước tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Khí hậu, mới chỉ có 33 nước thực hiện lời hứa này, như Thụy Sĩ, Liên Hiệp Châu Âu, Na Uy… Vào giờ phút chót, Hoa Kỳ và Nga mới thông báo. Ngược lại, những nước gây ô nhiễm nặng nề như Trung Quốc ( phát thải tới 25% tổng lượng khí CO2 toàn cầu), Nhật Bản, Brazil, Canada, Úc, lại nuốt lời hứa. Đối với các nước nghèo, đang phát triển, thời hạn thông báo mục tiêu được kéo dài cho đến tháng 06/2015. 

Ngay từ đầu tháng Ba, Liên Hiệp Châu Âu, hiện phát thải 12% tổng lượng khí CO2 toàn cầu, là đối tác đầu tiên thông báo mục tiêu giảm 40% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, vào năm 2030, so với mức của năm 1990. 

Thụy Sĩ phấn đấu giảm 50% vào năm 2030. Nga thông báo giảm từ 25 đến 30%, chủ yếu nhờ vào các nỗ lực quản lý rừng và thảm thực vật. Hoa Kỳ nhắc lại cam kết đã đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái : giảm từ 26 đến 28% từ nay đến 2025, so với mức của năm 2005.

Theo Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu – GIEC, lượng khí CO2 phát thải ra không ngừng tăng. Để thực hiện mục tiêu kìm giữ nhiệt độ trên trái đất không tăng quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ, thì cần phải giảm từ 40 đến 70% lượng khí CO2 phát thải, từ nay đến 2050. Như vậy, mục tiêu mà các nước đề ra, cho đến nay, quá thấp, chỉ bằng một phần ba tổng lượng khí CO2 cần giảm. 

Giới chuyên gia hy vọng là tại Hội nghị Bonn, được tổ chức từ ngày 01 đến 11/06/2015, để chuẩn bị cho COP21, các nước chậm trễ và các nước đang phát triển sẽ thông báo các nỗ lực và mục tiêu giảm phát thải khí CO2. Hội nghị Paris về Khí hậu - COP 21, sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 đến 11/12/2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.