Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - KHÍ HẬU

Khai mạc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thiên tai tại Nhật Bản

Hôm nay 14/03/2015, tại Sendai, Nhật Bản, khai mạc hội nghị lần thứ ba của Liên Hiệp Quốc về phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu. Hội nghị này là một sự kiện quan trọng trước Thượng đỉnh về khí hậu tại Paris cuối năm nay. Hội nghị tại Sendan diễn ra đúng vào lúc một cơn bão nhiệt đới rất lớn đổ vào quần đảo Vanuatu, phía nam Thái Bình Dương, gây thiệt hại nghiêm trọng. 

Tổng thư ký Liên hiệp quốc phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế giảm thiểu thiên tai tại Sandai, Nhật Bản ngày 14/03/2015.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế giảm thiểu thiên tai tại Sandai, Nhật Bản ngày 14/03/2015. REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Mở đầu hội nghị, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon khẳng định các thảm họa thiên nhiên là một thực tế mà hàng triệu dân cư trên hành tinh đang phải chịu đựng, và « việc giảm thiểu nguy cơ thiên tai là biện pháp hàng đầu để tự vệ trước các hệ quả của biến đổi khí hậu ». Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng cảnh báo, cứ theo đà hiện nay, rất nhiều khả năng là các thảm họa thiên nhiên sẽ vượt quá khả năng kiểm soát của các thế hệ tương lai.

Có mặt tại hội nghị với tư cách nước Chủ tịch thượng đỉnh COP 21 tại Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh đến việc hai phần ba thảm họa thiên nhiên hiện nay là do hệ quả của quá trình Trái đất bị hâm nóng, tăng gấp đôi so với hai thập niên trước, mà hơn 70 quốc gia dễ bị tổn thương nhất là các nước nghèo.

Tìm biện pháp để trợ giúp các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu là mục đích của hội nghị tại thành phố Sendai, nơi cách nay bốn năm đã phải chịu hậu quả kinh hoàng của thảm họa hạt nhân, động đất – sóng thần. Những người tham dự hội nghị Senda điểm lại các tiến bộ đạt được kể từ hội nghị trước, được nhóm họp ít tháng sau trận sóng thần tại vùng Ấn Độ Dương, khiến khoảng 250.000 người chết năm 2004. Mục tiêu cụ thể của hội nghị là « xác định một khuôn khổ hành động cho thời gian sau 2015 ».

Theo một báo cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc về giảm thiểu hậu quả thiên tai, thiệt hại hàng năm về kinh tế do các thảm họa thiên nhiên sẽ lên tới từ 250 đến 300 tỷ đô la.

Một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu

Vẫn theo Ngoại trưởng Pháp, thành công tại Sendai sẽ tạo điều kiện cho Thượng đỉnh Paris cuối năm đạt kết quả và khiến năm 2015 trở thành năm đột biến. Ông hy vọng trong tương lai « tất cả các vùng lãnh thổ và cụm cư dân dễ bị tổn thương sẽ có một hệ thống cảnh báo sớm để nhận được các thông tin về một thảm họa sắp xảy ra », với việc xây dựng một cơ chế toàn cầu « báo động thiên tai do khí hậu ».

Để làm được những việc này, cộng đồng quốc tế cần tập hợp được những nỗ lực từ phía các quốc gia cũng như từ các tổ chức tư nhân. Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề này, bà Margareta Wahlstrom, kêu gọi các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đóng góp.

Về phần Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hứa Tokyo sẽ chi 4 tỷ đô la từ nay đến 2018 cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vệ tinh…, cùng với việc đào tạo 40.000 nhà chuyên môn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.