Vào nội dung chính
MỸ - XÃ HỘI

Thành phố Selma kỷ niệm 50 năm ngày Bloody Sunday của Mỹ

 Hoa Kỳ vào hôm nay, 07/03, kỷ niệm ngày ‘Bloody Sunday’ của họ, tức ngày mùng 7/03/1965. Vào ngày này năm ấy, một hôm Chủ nhật, tại thành phố Selma, bang Alabama, người da đen đã xuống đường biểu tình ôn hòa đòi quyền được đi bầu. Cho dù đã có luật ban hành chấm dứt nạn phân biệt đối xử, chính quyền tại đây không cho ghi danh cử tri da đen. Cuộc biểu tình bị đàn áp dữ dội. 

Hai mẹ con tự chụp hình trước cầu Edmond Pettus, ngày 6/3/2015, 50 năm sau cuộc tuần hành lịch sử đòi quyền công dân của người da màu năm 1965.
Hai mẹ con tự chụp hình trước cầu Edmond Pettus, ngày 6/3/2015, 50 năm sau cuộc tuần hành lịch sử đòi quyền công dân của người da màu năm 1965. REUTERS/Tami Chappell
Quảng cáo

Tổng thống Obama cùng với phu nhân và hai cô con gái sẽ đến Selma hôm nay, cùng tuần hành với những người đã xuống đường năm xưa và tổng kết thành quả đấu tranh 50 năm qua. Hiện nay nếu người da đen có mọi quyền công dân, đi bỏ phiếu..., nhưng quan sát kỹ thì kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn chưa biến mất, đôi khi xuất hiện dưới những hình thức mới. Thông tín viên RFI, Anne-Marie Capamaccio tường thuật từ Hoa Kỳ :

Selma, một thành phố nhỏ xinh xắn miền Nam nước Mỹ, với khoảng hơn 20.000 dân, đã sôi sục từ 2 ngày nay vì phải chuẩn bị đón Tổng thống Obama. 

Đối với cộng đồng người da đen ở Alabama, sự hiện diện của Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ trên chiếc cầu Edmond-Pertus, nơi mà cảnh sát đã tấn công vào người biểu tình, là một sự kiện lớn lao mà ai cũng muốn ghi lại. Đây cũng là dịp để tổng kết thành quả 50 năm sau cuộc đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử.

Della Bryant, 87 tuổi, đấu tranh cho quyền người da đen từ những năm 1940, sẽ ngồi ở khán đài danh dự. Bà cho biết bà không chỉ kỷ niệm cuộc biểu tình mà thôi, vì 50 năm qua tuy có tiến bộ « nhưng bây giờ cũng đang thụt lùi », và điều này bà sẽ nói với ông Obama.

Linda Lowery mới 15 tuổi vào năm 1965. Cô đã đi trên cầu Edmond-Pertus vào ngày ấy. Hôm nay điều làm cho Linda không mấy vui trong Selma của thế kỷ XXI này, là sự kỳ thị và phân biệt đối xử đang trở lại một cách nham hiểm Bà nói : « Chúng tôi đã đấu tranh cho một trường học hội nhập, không phân biệt mà da, thế mà ngày nay, trong các trường học, lại là kỳ thị, phân biệt. Người da trắng đã rời bỏ trường học, và như thế là sự phân biệt lan rộng trong toàn thể hệ thống giáo dục. Nhưng bây giờ là người da đen kỳ thị.

Đây là một sự kỳ thị đẳng cấp, xã hội. Nhà sử học Alton Fitts, một người da trắng, từng là một tác nhân trong việc xóa phân biệt ở trường học ở miền Nam Hoa Kỳ, cũng có cảm nhận chua xót như Linda : « Đây là thất bại đắng cay nhất của cuộc đời tôi : Không giữ được các trường hội nhập. Con cái tôi đã ở lại mấy năm trời trong các trường học này, trong lức bạn bè da trắng của chúng đă đi mất. Chúng tôi đã nghĩ là sẽ tạo được sự khác biệt, nhưng không. »

 

Người da đen tức giận, người da trắng chua chát. Selma chờ đợi Barack Obama với hy vọng Tổng thống Mỹ không đến đây để chụp ảnh biểu tượng mà thôi, 50 năm sau cuộc đấu tranh cho quyền được bỏ phiếu của người da đen.

 

Đối với những người từng đấu tranh vào năm 1965, sở dĩ ông Barack Obama vào được Nhà Trắng, đó là nhờ sự can đảm của những người đã biểu tình ở Selma ngày 07/03 50 năm trước đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.