Vào nội dung chính
MANDELA - QUỐC TẾ

Nelson Mandela : Biểu tượng thế giới của hòa giải

« Tôi không phải là một vị thánh. Trừ phi bạn tin rằng thánh là một kẻ phạm tội đang tự sửa mình ». Tuy không là thánh, nhưng cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã được toàn thế giới tôn vinh như một biểu tượng mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã thu gọn lại trong lời phát biểu :« Một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của thời đại chúng ta và của mọi thời đại ».

Một buổi cầu nguyện, tưởng niệm Nelson Mandela tại Ấn Độ, 06/12/2013.
Một buổi cầu nguyện, tưởng niệm Nelson Mandela tại Ấn Độ, 06/12/2013. REUTERS/Babu
Quảng cáo

Từ lúc sinh thời, danh tiếng của khôi nguyên Nobel Hòa bình 1993, Nelson Mandela, đã lan ra ngoài lục địa châu Phi : giải phóng Nam Phi ra khỏi chế độ kỳ thị màu da và cùng lúc từ bỏ mọi hành động trả thù cộng đồng da trắng đã bỏ tù ông suốt 27 năm dài.

Dân tộc yêu mến và thế giới tôn vinh vì Nelson Mandela, từ hành động đến lời nói đều chứng tỏ ông là con người biết tha thứ. Trong cẩm nang chỉ đạo cuộc tranh đấu chống chế độ phân biệt đối xử mang lại dân chủ cho Nam Phi, ông viết : "tha thứ giải thoát tâm hồn và làm tan biến sợ hãi. Do vậy, tha thứ là vũ khí tối thượng".

27 năm tù khổ sai, nhà tranh đấu mà dân bộ tộc của ông gọi là Madiba (cha già) không lấy oán trả oán. Ngay khi đắc cử Tổng thống, ông đã tiến hành xây dựng một chế độ đa sắc tộc trong đó cộng đồng da trắng vẫn có chỗ đứng, duy trì sức mạnh kinh tế, tài chính, không bị kỳ thị trả thù tước đoạt tài sản nhân danh cách mạng.

Khác với Lênin và thánh Gandhi, ông Nelson Mandela không giới hạn mình trong cái gọi là ý thức hệ cách mạng. Từ thời tuổi trẻ, ông ham mê thể thao và từng là võ sĩ quyền Anh và có tiếng là thích chạy theo các bóng hồng xinh đẹp.

Tự do đối với Nelson Mandela là giá trị cao quý nhất nhất, cho nên khi còn là sinh viên luật đầy triển vọng, ông vẫn bất chấp hậu quả bị đuổi học, thẳng thừng đứng lên tranh đấu chống ban giám hiệu đại học Fort Hare. Tiếp theo đó, để phản đối gia đình buộc ông lấy vợ, Nelson Mandela bỏ nhà trốn về thủ đô Johannesburg nơi đang sôi sục không khí đấu tranh. Dần dần, Nelson Mandela cũng tốt nghiệp luật sư và bắt đầu có ý thức chính trị. Lòng hăng say tranh đấu đã làm Nelson Mandela xa dần người vợ đầu tiên để rơi vào vòng tay của cô nữ y tá trẻ tuổi, xinh đẹp và cũng là một trong những « phát ngôn viên » của giới trẻ nổi dậy.

Cùng với một nhóm thành viên trẻ trong đảng, Nelson Madela nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo tổ chức ANC. Cuộc chiến mang lại dân chủ và công lý đã đưa ông vào giai đoạn gian lao nhất, nhiều lần bị bắt, có lần bị kết án tử hình và lần cuối cùng bị đày ra đảo cô lập suốt 26 năm.

Tổng giám mục Anh Giáo Desmond Tutu vinh danh Mandela là « biểu tượng thế giới của hòa giải », Nelson Mandela không bao giờ cho mình có vai trò « thiên định ». Ngược lại, ông rất « nhân bản » và xem tình người là cốt lõi của con người. Khôi nguyên Nobel văn học Nadine Gordimer, khi bình luận về người đồng hương của mình đã nói : 26 năm tù khổ đau không làm Nelson Mandela thốt lên lời kêu gọi trả thù, bởi vì ông xem nhân loại là gia đình.

Nelson Mandela tự dặn lòng mình : khi tôi bước ra cổng nhà tù, nhiệm vụ của tôi là giải phóng người bị áp bức lẫn người áp bức.

Đây không phải lời tuyên bố cường điệu của kẻ chiến thắng. Theo AFP, ông đã dành nhiều thời giờ trong nhà tù để học tiếng Afrikanner để tìm hiểu văn thơ của các tác giả nổi tiếng của người da trắng thống trị Nam Phi. Nhờ hiểu mà ông đi sâu vào tâm hồn và thương yêu cộng đồng đã áp bức dân tộc da đen và cuối cùng giải phóng được cả hai bên mở ra một thời đại hài hòa và vô tình được toàn thế giới yêu kính kể cả nhiều nhà độc tài cũng phải nương tựa oai linh đến tận Nam Phi nhân ngày tang lễ.

Khi được tự do vào năm 1990, Nelson Mandela đã thương lượng với chính quyền một giải pháp hòa bình tổ chức bầu cử tự do. Trong cuộc bầu cử năm 1994, ông đắc cử vẻ vang trong tinh thần hòa giải với kẻ thù.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.