Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - ĐỐI TÁC PHƯƠNG ĐÔNG

Châu Âu ký hiệp định liên kết với Gruzia và Moldavia

Hôm nay, 29/11/2013, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác phương Đông lần thứ ba, tổ chức ở Vilnius, Litva, Liên Hiệp Châu Âu đã ký tắt hiệp định liên kết và tự do mậu dịch với Gruzia và Moldavia. Lễ ký kết chính thức các văn bản này sẽ được tổ chức trong những tháng tới.

Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch (T) và các lãnh đạo Châu Âu, tại Thượng đỉnh Vilnius, Litva, 29/11/2013
Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch (T) và các lãnh đạo Châu Âu, tại Thượng đỉnh Vilnius, Litva, 29/11/2013 REUTERS
Quảng cáo

Theo giới quan sát, Thượng đỉnh lần này đạt kết quả quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là thất bại. Bởi vì trong số sáu quốc gia, trước kia thuộc Liên Xô cũ, là Ukraina, Gruzia, Moldavia, Belarus, Arménia, Azerbaijan, chỉ có hai nước ký với Châu Âu lần này và đặc biệt là Bruxelles đã không thuyết phục được Ukraina trước áp lực của Nga.

Từ Vinius, đặc phái viên Quentin Dickinson phân tích :

« Hội nghị Thượng đỉnh lần này, lẽ ra, phải là thời điểm quyết định trong chính sách của Liên Hiệp Châu Âu muốn lôi kéo sáu nước trước kía thuộc Liên Xô cũ, đó là Ukraina, Gruzia, Moldavia, Arménia, Azerbaijan và Bélarus.

Thế nhưng Arménia đã thoái lui vì nước này vừa mới chấp nhận tham gia Liên minh thuế quan do Matxcơva lập ra. Còn Bélarus thì bị loại do có những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền mà thủ phạm là chế độ toàn trị tại Mínk.

Do vậy, từ hơn 5 năm qua, mọi nỗ lực ngoại giao của Châu Âu đều tập trung vào Ukraina mà lẽ ra, nước này sẽ ký hiệp định liên kết với Châu Âu vào ngày hôm nay. Thế nhưng, vào những giờ phút cuối, triển vọng này đã bị xóa nhòa do sức ép của Kremlin và thái độ ứng xử vụng về của Tổng thống Viktor Ianoukovitch. Nguyên thủ Ukraina muốn tạo ra một sự cạnh tranh giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga để hưởng lợi. Thế rồi, cuối cùng, ông Ianoukovitch suýt nữa làm cho cả Nga và Châu Âu bực bội.

Tuy nhiên, Châu Âu không dự tính bỏ rơi Ukraina, để cho nước này lại rơi vào vòng ảnh hưởng của Nga. Ngay tối hôm qua, lãnh đạo các nước Châu Âu, nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã nhấn mạnh rằng đề xuất của Châu Âu đối với Ukraina vẫn có giá trị và chính quyền Kiev có thể nối lại các cuộc đàm phán vào bất cứ lúc nào.

Về phần mình, Tổng thống Ianoukovitch đã không tham gia Liên minh thuế quan để tránh tạo ra cảm giác là Ukraina muốn chuyển sang bên phía Nga.

Thực ra, trong kiểu quan hệ giữa hai khối như thế này, không có gì là dứt khoát cả. Về lâu dài, hoàn toàn không có vấn đề ý thức hệ chính trị hay uy tín, hình ảnh, các bên chỉ quan đến các lợi ích kinh tế mà thôi ».

Vừa rồi là nhận định của đặc phái viên Quentin Dickinson từ, Vilnius.

Trong những ngày qua, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra liên tiếp tại thủ đô Kiev để đòi chính quyền ký hiệp định liên kết với Liên Hiệp Châu Âu.

Hôm nay, Tổng thống Ianoukovitch ra thông cáo cho biết là Kiev sẽ ký hiệp định liên kết với Châu Âu trong một tương lai gần, nhưng trước hết, Ukraina cần có sự trợ giúp về kinh tế và tài chính của Liên Hiệp Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.