Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Nhân loại còn rất ít cơ hội để giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C

Hôm nay, 05/11/2013, trước thềm hội nghị thường niên về khí hậu toàn cầu (COP19) tại Varsava (từ 11 đến 22/11), Liên Hiệp Quốc ra một báo cáo mới cảnh báo : Không còn nhiều cơ hội để giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C, mà ở trên mức nhiệt độ này, nhân loại không tránh khỏi những thảm họa tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu.

Durban (Nam Phi), ngày 3/11/2011, trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh khí hậu (COP 17) : Các nhà hoạt động môi trường rúc đầu xuống cát - như một hành động biểu trưng cho sự thất bại - với áo có hình cờ, biểu tượng Ngân hàng Thế giới, tập đoàn Shell.
Durban (Nam Phi), ngày 3/11/2011, trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh khí hậu (COP 17) : Các nhà hoạt động môi trường rúc đầu xuống cát - như một hành động biểu trưng cho sự thất bại - với áo có hình cờ, biểu tượng Ngân hàng Thế giới, tập đoàn Shell. © Reuters / Mike Hutchings
Quảng cáo

Theo báo cáo thường niên của UNEP, nếu cứ đà diễn biến như hiện nay, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES) sẽ đạt mức 59 tỷ tấn, cao hơn từ 8 đến 12 tỷ tấn, so với mục tiêu dự kiến vào thời điểm 2020.

Giám đốc điều hành của Chương trình LHQ vì môi trường (UNEP/PNUE) Achim Steiner bình luận: “Thách thức hiện nay của chúng ta không phải là vấn đề kỹ thuật (…), mà là (quyết tâm) chính trị”. Giám đốc điều hành UNEP nhấn mạnh việc tiếp tục xu thế phát triển phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch, sẽ kìm lại việc đưa vào sử dụng các công nghệ xanh, làm giảm khả năng lựa chọn một mô hình phát triển bền vững.

Hội nghị Varsava tới là một dịp hết sức quan trọng, nơi đại diện 190 quốc gia gặp nhau để tiếp tục các đàm phán cho phép nhân loại đi đến được một thỏa thuận toàn cầu về hạn chế biến đổi khí hậu vào năm 2015, chính thức có hiệu lực từ năm 2020.

Trả lời AFP, ông Oliver Geden, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đức về khoa học và chính trị (SWP) nhận xét : “Từ năm này qua năm khác, mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C ngày càng trở nên xa vời. Lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên liên tục, trong khi đáng lẽ ra phải tụt mạnh”.

Theo Chương trình LHQ vì môi trường, mục tiêu 44 tỷ tấn khí thải vào năm 2020 vẫn còn có cơ may có thể đạt được, nếu cộng đồng thế giới thống nhất có các biện pháp mạnh. Bản báo cáo của UNEP nhấn mạnh một loạt các biện pháp, thuộc về các lĩnh vực đã biết và đã được áp dụng, nay cần nhân rộng. Đó là việc tiết kiệm điện chiếu sáng (chiếm 15% tổng lượng điện và 5% khí thải GES) có thể cho phép giảm 2 tỷ tấn khí thải quy đổi, các sáng kiến năng lượng tái tạo cho phép giảm 1 đến 3 tỷ tấn GES hay cải cách việc trợ giá cho năng lượng hóa thạch, giúp giảm từ 0,4 đến 2 tỷ GES vào năm 2020…

Báo cáo nhận định, nông nghiệp là một lĩnh vực sản sinh ra đến 11% lượng khí GES, nhưng lại gần như không tham gia gì vào các dự án giảm khí thải toàn cầu. Báo cáo của UNEP nhấn mạnh đến một số thực hành căn bản, cho phép ngành nông nghiệp không chỉ giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà còn cải thiện tính bền vững môi trường, và một số lợi ích khác (như tăng hiệu suất, giảm chi phí phân bón, thêm thu nhập từ rừng). Ba thực hành đó là : Làm nông nhưng không bừa đất, cải thiện việc quản lý nước và các dưỡng chất trong trồng lúa (để giảm khí methane và protoxide azote) và đưa các loài cây thân gỗ trồng xen với đồng ruộng để tăng khả năng hấp thu CO2 trong sinh khối và trong lòng đất.

Báo cáo của UNEP có sự tham gia của 70 nhà khoa học của 44 tổ chức, thuộc 17 quốc gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.