Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - KHÍ HẬU

Khí hậu : Mặt trận đầu tiên của tân Ủy Ban Châu Âu

Thời sự trong nước là chủ đề lớn của nhiều nhật báo Pháp. ''Ngày Thứ Sáu đen'' mua sắm (Black Friday) gây nhiều phản ứng trái ngược. Hồ sơ cải cách hưu trí nóng hẳn lên trước ngày 05/12/2019, với cuộc tổng đình công dự kiến theo lời kêu gọi của nhiều nghiệp đoàn. Trước hết xin giới thiệu bài xã luận của Le Monde, ''Những thách thức chủ yếu cho (tân) Ủy Ban Châu Âu''.

Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, nữ chính trị gia người Đức, Ursula von der Leyen.
Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, nữ chính trị gia người Đức, Ursula von der Leyen. REUTERS/Vincent Kessler
Quảng cáo

Về mặt chính thức, thành phần Ủy Ban Châu Âu được đa số rộng rãi các nghị sĩ ủng hộ, với 461 phiếu thuận, 157 chống và 89 phiếu trắng, trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư 27/11. Tỷ lệ này trái ngược hẳn với đa số mong manh, hơn 9 phiếu quá bán, dành cho nữ chủ tịch Ursula von der Leyen hồi tháng 7.

Tuy nhiên, ẩn đằng sau tỉ lệ ủng hộ lớn này là nhiều bất đồng sâu sắc trong nội bộ châu Âu. Ủy Ban Châu Âu, do nữ chính trị gia Đức Ursula von der Leyen lãnh đạo, chính thức đi vào hoạt động ngày thứ Hai, 01/12 tới, trễ hơn dự kiến một tháng, thời gian cho các thương lượng về nhân sự Ủy Ban.

Lần đầu tiên, Ủy Ban Châu Âu do một phụ nữ lãnh đạo, phải đối mặt với một bối cảnh chính trị và quan hệ quốc tế ''đặc biệt khó khăn''. Le Monde cảnh báo là tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Đức, sẽ phải xử lý hàng loạt hồ sơ lớn liên quan đến vận mệnh châu lục.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã quyết định chọn khí hậu là mặt trận mở màn. Bà Ursula von der Leyen sẽ dành chuyến công du đầu tiên cho vấn đề Khí hậu và Môi trường. Mồng 3/12, tân chủ tịch sẽ có mặt tại Madrid, để tham dự thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Phó chủ tịch Frans Timmermans, nhân vật số hai của Ủy Ban Châu Âu, trực tiếp phụ trách hồ sơ này. Cho đến nay, mục tiêu cắt giảm hơn 50% khí thải trước 2030 và đánh thuế các-bon tại Liên Âu vẫn gặp phải nhiều chống đối.

Cùng với Khí hậu – Môi trường, kỹ thuật số là ưu tiên khác của tân Ủy Ban. Tìm ra một thỏa thuận mới trong lĩnh vực di cư là thách thức thứ ba được Le Monde nêu ra.

Xã luận Le Monde nhấn mạnh là, mệnh lệnh sống còn đối với Liên Hiệp Châu Âu là huy động được các nguồn lực và phương tiện cho phép bảo vệ được các lợi ích của khối, đối mặt với ba đại cường, Mỹ, Trung Quốc và Nga. Để làm được điều này, bên cạnh việc tân Ủy Ban ý thức được rõ về các thách thức, Ủy Ban Châu Âu cũng cần nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên trong nỗ lực chung này.

Nghị quyết về ''Tình trạng khẩn cấp Khí hậu''

Trong hồ sơ Khí hậu, theo nhật báo La Croix, Nghị Viện Châu Âu hôm 28/11, đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về Tình trạng khẩn cấp về Khí hậu và Môi trường, với đa số áp đảo (429 thuận, 225 chống và 19 vắng mặt). Đây là một nghị quyết ''mang tính biểu tượng'', nhằm gây áp lực với các tân lãnh đạo châu Âu, với tân Ủy Ban Châu Âu, vào thời điểm trước thềm thượng đỉnh Khí hậu COP25.

Nghị quyết khẳng định mục tiêu giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, mục tiêu ở mức cao mà cộng đồng quốc tế đã đề ra với Hiệp định Paris 2015 (mục tiêu tối thiểu là không tăng quá 2°C).

Trang nhất phụ trương Les Echos có bài ''Khí hậu : Bruxelles nâng cao chỉ tiêu'', dẫn lời chủ tịch Ủy viên Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu, chính trị gia Pascal Canfin (đảng Cộng Hòa Tiến Bước, Pháp), nhấn mạnh : ''Việc châu Âu là lục địa đầu tiên trên thế giới tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp về Khí hậu ngay trước thềm COP25, và ba tuần sau khi tổng thống Mỹ rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến các công dân châu Âu và phần còn lại của thế giới''. (Tuyên bố tình trạng Khẩn cấp về Khí hậu, để huy động toàn lực cho mục tiêu chống khí thải, là đòi hỏi lâu nay của nhiều phong trào xã hội, môi trường châu Âu và quốc tế).

Tân chủ tịch ủng hộ mục tiêu giảm ít nhất 50% khí thải

Theo Les Echos, Khí hậu là ''những quyết định đầu tiên'' trong chiến lược hành động của tân Ủy Ban. Nhật báo kinh tế Pháp, dẫn lại một nguồn tin nội bộ châu Âu, mà Financial Times đăng tải, cho thấy tân Ủy Ban sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên ngay từ năm tới cam kết giảm lượng khí thải ''ít nhất là 50% và hướng đến 55%'', trước năm 2030. Mục tiêu này là cao hơn nhiều so với tỉ lệ 40% dự kiến lâu nay. Hiện tại mới có 9 trên tổng số 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ mục tiêu giảm hơn 55%, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha.

Việc thông tin về chủ trương Khí hậu nói trên của tân chủ tịch Ủy Ban lọt ra ngoài hôm 29/11 được Les Echos coi là một tín hiệu cho thấy Ủy Ban Châu Âu đã lắng nghe nghị quyết về Tình trạng Khí hậu, Nghị Viện thông qua hôm qua. Ủy Ban Châu Âu cũng chính thức công bố chính sách Khí hậu vào ngày 11/12.

Châu Âu đầu tư mạnh cho Không gian

Một mặt trận khác mà châu Âu vừa có được thành công là không gian. Hai mươi hai quốc gia châu Âu, thành viên Cơ Quan Không Gian Châu Âu, vừa đạt thỏa thuận đầu tư hơn 14 tỉ euro cho ngành không gian của châu lục trong những năm tới. Theo Le Figaro, bước đi này cho phép châu Âu hướng đến một '' Không gian hợp nhất - United Space of Europe'', để không bị NASA vượt mặt. Thỏa hiệp vừa đạt được là điều hoàn toàn không dễ. Đức là quốc gia đầu tư nhiều nhất, với 3,29 tỉ euro, Pháp, thứ hai, với 2, 66 tỉ.

Donald Trump khiến Bắc Kinh giận dữ

Về Trung Quốc, Les Echos có bài ''Donald Trump khiến Bắc Kinh giận dữ, vì ra luật ủng hộ (người tranh đấu) Hồng Kông''. Hôm thứ Tư 27/11, tổng thống Mỹ đã chính thức ban hành đạo luật về Dân Chủ và Nhân Quyền của Hồng Kông, được lưỡng viện Quốc Hội Mỹ thông qua trước đó. Theo Les Echos, với quyết định này từ phía Mỹ, khả năng Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại trở nên khó khăn. Các thị trường tại châu Á phản ứng tiêu cực, nhưng ở mức độ vừa phải.

Vạch mặt kẻ đứng sau các đàn áp Tân Cương

Báo La Croix có bài vạch mặt kẻ trực tiếp đứng đằng sau các đàn áp tàn bạo nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc (Zhu Hailun). Theo La Croix, Chu Hải Luân, sinh năm 1958 tại tỉnh Giang Tô, sát Thượng Hải, lớn lên tại Tân Cương trong thời gian Cách mạng Văn hóa. Chính tại đây, Chu Hải Luân đã học được tiếng nói của người Duy Ngô Nhĩ.

Theo Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICJI), trong một tài liệu được công bố hôm 25/11, thì chính nhân vật này là người trực tiếp thực thi các chiến dịch đàn áp, theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập Cận Bình, để biến vùng Tân Cương trở thành một trại cải tạo mênh mông. ICJI cho biết Chu Hải Luân đã đứng đầu cơ quan an ninh và pháp luật của đảng Cộng Sản tại khu vực này.

Ông ta chính là người nắm trọn quyền lực trong tay và sử dụng quyền lực này để truy bức những người Hồi Giáo. Khả năng nói và hiểu tiếng Duy Ngô Nhĩ không hề làm cho ông ta có chút đồng cảm nào với dân tộc này, mà ngược lại, nhờ năng lực này Chu Hải Luân đã thực thi tận tụy chính sách đồng hóa và thanh lọc sắc tộc, được cấp trên ban xuống.

Bất đồng về ngày ''Thứ Sáu đen''

Hôm nay là ''Ngày Thứ Sáu đen'' (Black Friday), tức ngày mà hàng hóa được bán hạ giá hàng loạt, trước dịp Noel, để kích thích mua sắm. Lối kinh doanh – tiêu thụ từ Hoa Kỳ lan sang Pháp, bị Libération phản đối. Trang nhất nhật báo thiên tả chạy tựa : ''Tiêu thụ : Mặt mờ ám của ngày Thứ Sáu Đen''.

Theo Libération, ngày kích thích mua sắm này đã trở thành một hiện tượng ''ngày càng mất lòng dân, cho dù có được đông người hưởng ứng''. Libération nhấn mạnh đây là một ngày hội kích thích tiêu thụ đến điên cuồng, đi ngược lại với xu thế hướng đến một xã hội tiêu thụ có trách nhiệm, hạn chế tổn hại đến môi trường. Libération dẫn lại kết quả thăm dò dư luận của báo Le Figaro, theo đó hơn 50% độc giả đồng tình với quan điểm phê phán ngày Thứ Sáu đen của một số thành viên chính phủ.

Cùng với Libération, nhật báo L’Humanité, lên án mạnh mẽ ngày thứ Sáu đen, làm đảo lộn nền kinh tế và hệ thống an sinh xã hội, không gian đô thị và cuộc sống chung.

Ngược lại nhật báo kinh tế Les Echos có bài ''Liệu người ta có đi đến chỗ cấm ngày Noel hay không ?'', lên án thái độ cực đoan nhắm vào ngày Thứ Sáu Đen. Cho dù việc lên án ngày thứ Sáu Đen - vì có hại cho môi trường, sinh thái - vấp phải nhiều chỉ trích trong công luận, vì bị coi là biện pháp cực đoan. Áp lực lên những hoạt động kinh doanh gây hại cho Khí hậu Môi trường gia tăng.

Khí hậu : Các nhà băng ngày càng bị áp lực

Trong một báo cáo công bố hôm 28/11, trước thềm ngày Khí hậu – Tài Chính (Climate Finance Day), hai tổ chức bảo vệ môi trường Oxfam và Les Amis de la Terre kêu gọi chính phủ Pháp có các biện pháp để buộc các ngân hàng phải thoái vốn ra khỏi các đầu tư vào năng lượng hóa thạch.

Trang nhất các báo

Về hồ sơ các cải cách của chính phủ, trang nhất nhật báo Le Monde chạy tựa : ''Hưu trí : Chính phủ sẵn sàng nhân nhượng''. Thủ tướng Edouard Philip hôm thứ 27/11 cho biết mở cửa đón nhận với ý tưởng hoãn lại việc áp dụng dự án cải cách bị phản đối.

Trang nhất La Croix : ''Muốn tiến hành cải cách thì phải giảng giải'', với bài phỏng vấn thống đốc Ngân hàng Pháp François Villeroy de Galhau. Chủ đề chính của Le Figaro hôm nay là việc chính quyền Pháp mở rộng nhiều biện pháp chống Hồi Giáo cực đoan ra toàn quốc, tiếp theo các thí điểm tại một số địa phương.

Vẫn về khủng hoảng khí hậu, trang nhất Le Monde đăng tải lời kêu gọi của một nhóm nghệ sĩ, với tiêu đề ''Khí hậu : Chúng ta là dàn nhạc trên con tàu Titanic''. Nhóm The Freaks đề xuất 42 cử chỉ nhỏ cho phép góp phần chống biến đổi khí hậu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.