Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Paris : Nhà hát Châtelet mở cửa trở lại

Sau hơn hai năm đóng cửa trùng tu, nhà hát Châtelet vừa được khai trương trở lại, tiếp đón khán giả vào đầu mùa thu năm 2019. Chi phí công trình sửa chữa lên tới hơn 30 triệu euro, phần lớn do Tòa đô chính Paris đảm nhận, phần còn lại nhờ vào sự tài trợ của tập đoàn khách sạn Accor.

Nhà hát Châtelet (Théâtre du Châtelet) được xây cất vào năm 1862
Nhà hát Châtelet (Théâtre du Châtelet) được xây cất vào năm 1862 Tuấn Thảo / RFI
Quảng cáo

Trong giai đoạn cuối cùng của quá trình trùng tu, toàn bộ hệ thống điện cũng như các kỹ thuật sân khấu mới đã được lắp đặt lại. Sân khấu chính, phòng diễn tập hay trong hậu trường, các hệ thống chữa cháy, lò sưởi hay thông gió đã được làm lại đúng theo tiêu chuẩn an toàn thời nay. Nhà hát Châtelet được tân trang bên trong cũng như bên ngoài.

Các bức tượng thiên thần bằng đồng được dựng lại ở trên nóc nhà hát. Còn 4 bức tượng bằng đá trắng nguyên là 4 môn nghệ thuật được nhân cách hoá, đã từng biến mất vào đầu thế kỷ 20, cũng được khôi phục. Dựa vào những bức ảnh chụp lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp, các nhà điêu khác đã tạc lại 4 bức tượng y hệt như thời nhà hát vừa được xây cất. Bốn pho tượng này là hiện thân của Nghệ thuật Múa, Âm Nhạc, Chính Kịch và Hài Kịch được dựng ngay ở mặt tiền nhà hát.

Pho tượng thiên thần được dựng trên nóc nhà hát. Còn mặt tiền có 4 tượng đá tượng trưng cho nghệ thuật Múa, Âm Nhạc, Chính Kịch và Hài Kịch
Pho tượng thiên thần được dựng trên nóc nhà hát. Còn mặt tiền có 4 tượng đá tượng trưng cho nghệ thuật Múa, Âm Nhạc, Chính Kịch và Hài Kịch Tuấn Thảo / RFI

Trong hội trường với 2.000 chỗ ngồi và sân khấu lớn, trần nhà bằng kính chiếu sáng từ bên trong cũng như các chùm đèn thủy tinh, tất cả đã được tân trang, theo đúng phong cách thời Đệ Nhị Đế chế (Second Empire) dưới triều đại Napoléon Đệ Tam. Theo trưởng ban đặc trách công trình trùng tru, các kiến trúc sư đã muốn khôi phục lại phong cách tân cổ điển thế kỷ 19, khá đơn giản khi thoạt nhìn từ phía ngoài, nhưng nhiều chi tiết tỉ mỉ hoành tráng ở bên trong. Tóm lại, công trình sửa chữa đã khôi phục lại nét lộng lẫy rực rỡ của nhà hát Châtelet, rất gần với những gì họ đã thấy qua các tài liệu lưu trữ có từ thời nhà hát này mở cửa vào giữa thế kỷ 19.

Được hoàn tất vào năm 1862, Nhà hát Châtelet (Théâtre du Châtelet) đã ra đời cùng lúc với Nhà hát Thành phố (Théâtre de la Ville). Hoàng đế Napoleon Đệ Tam đã quyết định xây dựng hai nhà hát này để làm giảm nỗi bất bình của người dân Paris thời bấy giờ. Trong quá trình quy hoạch đô thị nhằm hiện đại hóa ‘‘Kinh đô Ánh sáng’’, nam tước Haussmann đã cho san bằng bảy nhà hát nhỏ nằm dọc đường Boulevard du Temple. Vào mùa xuân năm 1862, Théâtre du Châtelet đã được khánh thành với sự hiện diện của Hoàng hậu Eugénie, vợ của hoàng đế Napoléon III. Thuộc quyền sở hữu của Thành phố Paris, nhà hát Châtelet sau đó đã được đưa vào danh sách các Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 1991.

Nhà hát Châtelet được xây cất cùng lúc với Nhà hát Thành phố (Théâtre de la Ville), thời hoàng đế Napoleon Đệ Tam
Nhà hát Châtelet được xây cất cùng lúc với Nhà hát Thành phố (Théâtre de la Ville), thời hoàng đế Napoleon Đệ Tam Tuấn Thảo / RFI

Trái với các sân khấu khác ở thủ đô Paris, nhà hát Châtelet được điều khiển bởi một êkíp chứ không phải là một giám đốc duy nhất. Hai đồng giám đốc Ruth Mackenzie (người Anh) từng điều khiển liên hoan Holland Festival và Thomas Lauriot dit Prevost (người gốc Bỉ) từng là giám đốc Théâtre de la Monnaie ở Bruxelles, cùng đặt mục tiêu mở rộng các bộ môn nghệ thuật hầu phổ biến rộng rãi hơn đối với những thành phần (nhất là giới trẻ) vẫn còn xem kịch opéra hay múa ballet là những hình thức nghệ thuật nặng tính ‘‘hàn lâm’’.

Kể từ ngày được khai trương vào mùa thu 2019 cho tới mùa hè năm 2020, ban giám đốc bán 10.000 vé với giá 10€ cho giới trẻ dưới 25 tuổi. Bên cạnh đó, có 1.000 vé miễn phí sẽ đưựoc tặng cho các hiệp hội hay trường học có nhu cầu nhưng không có đủ phương tiện tài chính. Sáng kiến này do hiệp hội Robins des Bois đề xướng, chủ yếu để thu hút thêm giới trẻ, ngoài việc đi xem biểu diễn, họ còn được khuyến khích gia nhập các xưởng sáng tác nghệ thuật, phát huy năng khiếu qua việc tham gia vào quá trình sáng tạo.

Nhà hát Châtelet là nơi trao César, giải thưởng điện ảnh hàng năm của Pháp
Nhà hát Châtelet là nơi trao César, giải thưởng điện ảnh hàng năm của Pháp REUTERS/Charles Platiau

Mục tiêu của ban giám đốc là tìm thế cân bằng trong việc giới thiệu các tài năng Pháp cũng như đến từ nước ngoài. Trong thời gian đầu, nhà hát chủ yếu chọn những tác phẩm đã từng thành công trên sân khấu này như vở múa đương đại của William Forsythe “A Quiet Evening of Dance” từng được giới phê bình tán thưởng tại Liên hoan Nghệ thuật múa Montpellier, nghệ sĩ Abd el Malik giới thiệu vở kịch “Les Justes” của văn hào Albert Camus, hay là vở nhạc kịch lừng danh Broadway “An American in Paris” (Một người Mỹ ở Paris) từng được biểu diễn tại Châtelet, nay chuẩn bị trở lại trên cùng một sân khấu ……

Trong cách dựng chương trình biểu diễn cho mùa 2019-2020, ban giám đốc thời nay đã muốn cho thấy họ vẫn trung thành với tính cách đa nghệ thuật của nhà hát Châtelet. Kể từ khi được xây dựng, Châtelet đã không bị ‘‘đóng khung’’ trong một hình thức biểu diễn. Nhiều vở kịch của các tác giả nổi tiếng như La Reine Margot của Alexandre Dumas, Germinal của Émile Zola hay Le Bossu của Paul Féval đã được dựng trên sân khấu nhà hát.

Chi phí công trình sửa chữa nhà hát Châtelet lên tới 30 triệu euro
Chi phí công trình sửa chữa nhà hát Châtelet lên tới 30 triệu euro Tuấn Thảo / RFI

Đầu thế kỷ 20, nhà hát Châtelet đã giới thiệu với công chúng Pháp các tác phẩm của những nhạc sĩ đương thời như Georges Bizet, Camille Saint-Saëns, Jules Massenet, Maurice Ravel …. cũng như những nhà soạn nhạc cổ điển thời trước như Mendelssohn, Wagner, Liszt, Schumann, Brahms .... Ngoài là sân khấu yêu chuộng nhất của các đoàn múa ballet Nga, nhà hát này cũng đã từng gây scandal qua các tác phẩm táo bạo như “Le Martyre de Saint-Sébastien” của Gabriele D'Annunzio và Claude Debussy, hay là “Parade” của Jean Cocteau và Erik Satie. Cũng chính với một phiên bản mới của tác phẩm này, nhà hát Châtelet đã được khai trương trở lại.

Về phía ca nhạc, nhà hát Châltelet từng tiếp đón nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như diva quá cố người Mỹ Jessye Norman, đã nhiều lần dưng chân tại Paris trong các vòng lưu diễn châu Âu của bà. Ngoài ra còn có hai đợt biểu diễn để đời của Barbara vào năm 1987 và 1993. Hình ảnh của phu nhân tóc huyền ngồi đàn trên sân khấu Châtelet từ đó đi vào lòng người mến mộ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.