Vào nội dung chính
PHÁP - NGA

Pháp và Nga nối lại đối thoại, Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ

Ngoại trưởng và bộ trưởng Quân Lực Pháp hôm nay 09/09/2019 đến Matxcơva gặp các đồng nhiệm Nga, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao 2+2, tên gọi chính thức là Hội đồng hợp tác an ninh Pháp-Nga.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (T) và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (P) và bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc họp tại Matxcơva, Nga, ngày 09/09/2019.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (T) và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (P) và bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc họp tại Matxcơva, Nga, ngày 09/09/2019. Alexander NEMENOV / AFP
Quảng cáo

Với Paris, nước Nga của ông Putin là một đối tác chiến lược không thể thiếu trong các hồ sơ quốc tế quan trọng. Quan điểm này của Pháp đang gây chia rẽ giới quan sát và các nước thành viên trong Liên Hiệp.

Đây là lần đầu tiên Pháp và Nga nối lại đối thoại sau cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra năm 2014. Mục tiêu chuyến công du Matxcơva lần này của hai bộ trưởng Pháp là tìm kiếm những « điểm chung » mà hai bên có thể hợp tác với nhau trong một loạt các hồ sơ quốc tế Ukraina, Syria, Iran hay những thách thức chiến lược, sau việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Thực ra, chiến dịch ngoại giao này của tổng thống Macron là sự nối tiếp truyền thống ngoại giao của Paris đối với Matxcơva có từ thời tướng De Gaulle hay thời tổng thống Mitterrand.

Thế nhưng, sáng kiến này của Pháp trong hoàn cảnh hiện nay lại không nằm trong đường lối ngoại giao chung của Liên Hiệp Châu Âu. Quan hệ giữa Liên Âu với Nga tuy chưa bao giờ bị đoạn tuyệt, nhưng đã trở nên căng thẳng kể từ sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina hay sau những tiết lộ về các mưu toan gây bất ổn tiến trình bầu cử tại châu Âu.

Việc Pháp chìa bàn tay thân thiện với Nga đã làm cho một số nước thành viên nhất là các nước Đông Âu tỏ ra quan ngại. Nước Đức cho rằng để tái lập quan hệ « nghiêm túc » với Nga, chính quyền Matxcơva phải thay đổi chính sách nhất là về Ukraina.

Do vậy, Berlin chỉ trích tổng thống Pháp Macron đơn phương hành động và rơi vào bẫy của tổng thống Nga muốn chia rẽ trục Pháp – Đức, như nhận xét của ông Milan Nic, chuyên gia về Đông Âu và Nga thuộc DGAP, cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Berlin được báo Le Monde trích dẫn.

Các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, nhìn sự việc với cặp mắt đầy lo ngại. Quan điểm kiến tạo một cơ cấu an ninh mới cho châu Âu mà ông Macron muốn có sự tham gia của Nga lại không tương thích với xu hướng thân Mỹ của Ba Lan, vì chính quyền Vacxava lo ngại sự hồi sinh của những « xu hướng đế chế » và « những mưu toan thay đổi biên giới châu Âu ».

Thế nhưng, thiện chí nối lại quan hệ của Pháp lại được một số nước như Ý, Hy Lạp hay Phần Lan ủng hộ. Các quốc gia này đều cho rằng Nga là một tác nhân không thể thiếu trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn. Và điều này cần thiết cho việc bảo đảm an ninh chung của châu Âu.

Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu trước những làn sóng chỉ trích tuy phải tái khẳng định tầm quan trọng của mối liên kết xuyên Đại Tây Dương, nhưng cũng xem « sáng kiến của Pháp như là cách không để châu Âu bị cô lập » trong bối cảnh chính trường quốc tế có nhiều biến động.

Liệu rằng chính sách « Reset – Xóa toàn bộ cái cũ và làm lại từ đầu » theo kiểu Macron có thể vận hành được hay không ? Quan hệ Pháp – Nga cũng như là Liên Hiệp Châu Âu với Nga có được cải thiện hay không ? Mọi câu trả lời phụ thuộc vào chủ nhân điện Kremlin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.