Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Pháp thông qua luật cấm trừng phạt bạo lực đối với trẻ em

Việt Nam ta thường nói “thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi”, tức là muốn cho chúng nên người, thì phải đánh đòn mỗi khi con cái, học trò phạm lỗi, lỗi càng nặng thì đánh càng đau. Ở Pháp, trong một thời gian dài người ta cũng quan niệm như người Việt Nam chúng ta. Theo Tổ chức vì Trẻ em ( Fondation pour l’ Enfance ), có đến 85% bậc cha mẹ tại Pháp đã từng dùng roi vọt để răn dạy con cái.

Học sinh trong giờ ra chơi tại trường Beauverie, ở Vaulx-En-Velin, ngoại ô Lyon, ngày 27/06/2019.
Học sinh trong giờ ra chơi tại trường Beauverie, ở Vaulx-En-Velin, ngoại ô Lyon, ngày 27/06/2019. ROMAIN LAFABREGUE / AFP
Quảng cáo

Nhưng kể từ nay làm như thế sẽ bị coi là trái pháp luật, vì Quốc Hội Pháp vừa thông qua một luật cấm tiệt mọi trận đòn vào mông hay những hình thức bạo lực khác nhằm mục đích giáo dục trẻ em. Luật này đã được Hạ Viện thông qua từ cuối tháng 11 năm ngoái, và đến hôm qua, 02/07/2019, được Thượng Viện biểu quyết thông qua vĩnh viễn.

Cụ thể, Luật dân sự sẽ thêm một câu vào điều luật vẫn được đọc tại các tòa thị chính khi tiến hành nghi thức kết kết hôn. Câu này là “ các bậc cha mẹ không được có những hành vi bạo lực về thể xác và tinh thần đối với con cái”. Luật mới thật ra phần lớn mang tính biểu tượng vì nó không dự trù những hình phạt mới về mặt hình sự, những hình phạt này đã có sẳn rồi.

Như vậy Pháp là quốc gia thứ 56 trên thế giới ra luật cấm trừng phạt về bạo lực đối với trẻ em, theo thống kê của “Sáng kiến để chấm dứt mọi trừng phạt trên cơ thể trẻ em”, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Luân Đôn. Quốc gia đầu tiên thông qua luật này chính là Thụy Điển cách đây 40 năm. Thật ra thì Pháp buộc phải thông qua luật cấm trừng phạt về bạo lực đối với trẻ em để được xem là tuân thủ nghiêm chỉnh các công ước quốc tế mà Pháp tham gia.

Nhưng Quốc Hội đã mất rất nhiều thời gian mới thông qua được luật chống đánh đòn trẻ em, vì tại Pháp đây là một vấn đề nhạy cảm và đã gây rất nhiều tranh cãi trong chính giới: một số dân biểu cánh hữu và cực hữu xem dự luật nói trên là một sự can thiệp vào cuộc sống riêng của các gia đình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.