Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Ngoại ngữ: Pháp có tiến bộ nhưng vẫn đứng cuối nhiều bảng xếp hạng

Đăng ngày:

Ngày 11/04/2019, CNESCO, Hội đồng quốc gia Pháp về đánh giá chính sách học đường, đã công bố một bản báo cáo về trình độ ngoại ngữ của học sinh Pháp. Theo kết quả nghiên cứu của CNESCO, mặc dù học sinh Pháp đã có nhiều tiến bộ trong việc học ngoại ngữ, nhưng kết quả vẫn còn thua các nước châu Âu khác rất nhiều.

Bà Frédérique Simpson Pharaboz, giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Espace Langue của trường Đại học Paris Nord - Paris 13 trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
Bà Frédérique Simpson Pharaboz, giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Espace Langue của trường Đại học Paris Nord - Paris 13 trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ. RFI
Quảng cáo

CNESCO được thành lập năm 2013 nhằm đo lường, đánh giá chất lượng và hiệu quả của các chính sách giáo dục tại Pháp. Dưới sự lãnh đạo của nhà xã hội học Nathalie Mons, với nhiều mạng lưới nhà nghiên cứu, CNESCO đã đánh giá các chính sách học đường của Nhà Nước Pháp trong suốt hai chục năm qua, so sánh với chính sách của các nước láng giềng châu Âu về công tác giảng dạy ngoại ngữ trong trường học.

Học sinh Pháp đứng cuối nhiều bảng xếp hạng về trình độ ngoại ngữ

Chủ tịch CNESCO khẳng định với báo Libération rằng Pháp là một trong những nước đứng cuối bảng xếp hạng Surveylang của châu Âu về năng lực ngoại ngữ, kém rất nhiều so với các nước trong tốp đầu là Thụy Điển và Phần Lan, thậm chí thua cả các quốc gia Đông-Trung Âu như Hungary.

Mặc dù tất cả các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đều gặp khó khăn để đa phần học sinh đạt được trình độ chuẩn về ngoại ngữ theo quy định của Liên Âu, nhưng riêng về tiếng Anh, cho dù đó là về kỹ năng đọc hiểu, nghe hiểu hay diễn đạt viết thì Pháp cũng vẫn là nước mà học sinh gặp nhiều khó khăn nhất : Chỉ có 23% học sinh đạt chuẩn tiếng Anh ở cuối cấp 2, so với tỉ lệ trung bình 41% của Liên Hiệp.

Cũng như tại nhiều nước khác, ở Pháp, tiếng Anh vẫn là môn ngoại ngữ phổ thông. Theo một nghiên cứu quy mô lớn do Viện Education First tiến hành năm 2016 trên 950.000 người thuộc 72 nước về trình độ tiếng Anh như một ngoại ngữ, thì Pháp chỉ đứng ở vị trí 29, sau cả Rumani và Bosnia - Herzégovina.

Điều đáng thất vọng hơn là Pháp chỉ đứng thứ 22 trong số 26 nước châu Âu. 5 nước đầu bảng là các nước Bắc Âu : Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan. Tiếp theo là Luxembourg, Áo, Đức, Ba Lan và Bỉ. Tuy nhiên, điểm tích cực là so với kết quả năm 2015, Pháp đã vượt được 8 bậc trong bảng xếp hạng.

Còn theo nhà xã hội học Nathalie Mons, được báo Libération trích dẫn ngày 11/04, thì khả năng đọc hiểu tiếng Anh của học sinh Pháp, kể cả học sinh ở cuối bậc tiểu học và bậc phổ thông cơ sở, đều đã được cải thiện rất nhiều trong suốt 15 năm.

Tiến bộ của học sinh Pháp cũng được giảng viên tiếng Anh Frédérique Simpson Pharaboz khẳng định. Bà Pharaboz là giám đốc trung tâm ngoại ngữ Espace Langue của trường Đại học Paris Nord - Paris 13. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, bà Pharaboz khẳng định :

« Đúng là nước Pháp đứng thứ hạng sau cùng trong nhiều bảng xếp hạng khác nhau về trình độ ngoại ngữ. Thế nhưng, trong những năm qua, người Pháp cũng đã có những tiến bộ thực sự, nhất là từ sau khi bộ Giáo Dục cho thực hiện « Kế hoạch đổi mới việc dạy học ngoại ngữ » từ năm 2006. Kế hoạch này, liên quan đến học sinh ở các cấp học từ trường phổ thông cơ sở đến bậc đại học, đặc biệt cho phép củng cố các kỹ năng giao tiếp của người học. Chúng tôi nhận thấy điều đó ở trường đại học, chẳng hạn các sinh viên làm chủ kỹ năng nghe hiểu tốt hơn là cách nay 10 năm. »

Hạn chế của học sinh Pháp

Điểm yếu của học sinh Pháp khi học tiếng Anh là ở kỹ năng nghe hiểu và diễn đạt nói. Vào cuối bậc tiểu học, chỉ có 54% học sinh hiểu được các câu hỏi và các câu nói đơn giản. 75% học sinh cuối bậc phổ thông cơ sở không thể nói tiếng Anh tương đối chuẩn xác. Tỉ lệ này đối với học sinh học tiếng Tây Ban Nha là 73% và 62% đối với học sinh học tiếng Đức. Giám đốc Pharaboz của trung tâm ngoại ngữ Espace Langue của trường Đại học Paris Nord - Paris 13 giải thích :

« Tiến bộ rõ nét nhất của học sinh là ở kỹ năng hiểu tiếng Anh. Hiện nay, khi chúng tôi đánh giá khả năng nghe hiểu của sinh viên, chúng tôi thấy rằng việc hiểu được người bản xứ nói gì đã trở nên dễ dàng với các em. Điều cần được cải thiện nữa là khả năng diễn đạt nói. Người Pháp vẫn thường có thái độ ngập ngừng khi nói, đây cũng là một vấn đề liên quan tới văn hóa, người dân các nước láng giềng của chúng ta diễn đạt nói đơn giản, dễ dàng hơn nhiều ».

Có lẽ khó khăn lớn nhất của người Pháp khi học tiếng Anh là phát âm chuẩn, đúng trọng âm. Giảng viên tiếng Anh Pharaboz cho biết thêm :

« Trọng âm trong tiếng Anh rất khó đối với người Pháp, bởi vì hai ngôn ngữ rất khác nhau: tiếng Anh là ngôn ngữ có trọng âm, trong khi tiếng Pháp là ngôn ngữ đọc theo âm tiết. Người Pháp dễ phát âm chuẩn tiếng Đức hay tiếng Ý hơn là so với tiếng Anh. Phát âm chuẩn tiếng Anh - Anh có thể khó hơn so với tiếng Anh - Mỹ. Về kỹ năng viết, các sinh viên có thể làm rất tốt, nếu họ chịu khó học và đọc tiếng Anh, họ có thể đạt một trình độ có thể nói là tốt. Kỹ năng viết không phải là vấn đề thực sự khó khăn, mà các học sinh và sinh viên Pháp cần tiếp tục cố gắng hơn nữa về kỹ năng diễn đạt nói. »

Cũng may mắn là hiện nay, với sự phát triển của internet, âm nhạc, điện ảnh, người Pháp cũng dễ tiếp cận với các tài liệu thực tế bằng tiếng Anh hơn. Chủ tịch Nathalies Mons của Hội đồng CNESCO giải thích là tiến bộ của học sinh Pháp cũng là nhờ tiếng Anh được sử dụng ngày càng nhiều trong cuộc sống hàng ngày tại Pháp. 91% học sinh lớp 9 cho biết các em thường xuyên nghe các ca khúc bằng tiếng Anh. Còn giám đốc Trung tâm ngoại ngữ của Đại học Paris 13 thì cho biết :

« Hiện nay thì chúng tôi không dạy ngoại ngữ theo cách như trước đây nữa, người học liên tục được tiếp xúc với các tài liệu thực tế, việc các loạt phim ra đời cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các em hiểu được tiếng Anh. Điểm yếu trong hệ thống đào tạo của Pháp có thể nằm ở chỗ trình độ ngoại ngữ có liên quan rất mạnh với nguồn gốc xuất thân của học sinh. Tại Pháp, trình độ tiếng Anh là một chỉ dấu thực thụ cho thấy một người thuộc tầng lớp xã hội nào. »

Tại sao trình độ ngoại ngữ của học sinh Pháp vẫn khiêm tốn so với nhiều nước khác ?

Liệu có phải là do người Pháp không có khả năng học ngoại ngữ như nhiều người thường nghĩ ? Theo nhiều chuyên gia, ngôn ngữ của các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy … không được sử dụng nhiều bên ngoài lãnh thổ, nên học sinh các nước này có động lực mạnh để học ngoại ngữ. Trái lại, tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ được dùng nhiều trên thế giới, nên người Pháp dường như cũng có ít động lực học các ngôn ngữ khác. Hơn nữa, dân Pháp cũng rất tự hào về « ngôn ngữ của Molière » và tìm cách bảo vệ ngôn ngữ của dân tộc mình, nhiều người trong giới tinh hoa tự mãn khi chỉ nói « ngôn ngữ của Molière ».

Nghiên cứu của CNESCO cũng chỉ ra rằng các nước đạt thứ hạng cao nói trên bắt đầu việc giảng dạy ngoại ngữ ở trường tiểu học rất sớm, từ những năm 1960-1970. Trong khi đó phải đến đầu những năm 2000, Pháp mới làm điều này. Có thể nói, Pháp là một trong những quốc gia triển khai dạy ngoại ngữ ở trường tiểu học muộn nhất Liên Hiệp Châu Âu. Phải đến năm 2016, việc dạy một ngoại ngữ cho học sinh lớp 1 mới được mở rộng ở trường tiểu học. Nhưng phải đến lên lớp 7 thì việc học thêm một ngoại ngữ thứ hai mới là bắt buộc đối với học trò tại Pháp.

Hiện nay, tuy rằng học sinh Pháp có số tổng số giờ học ngoại ngữ trong suốt 3 cấp học thuộc loại cao nhất châu Âu, nhưng Le Point ngày 11/04 trích dẫn nhà xã hội học Nathalie Mons, việc học ngoại ngữ của học sinh Pháp mới chỉ bắt kịp các quốc gia khác … trên giấy tờ. Trên thực tế, theo chủ tịch hội đồng CNESCO, điều quan trọng nhất và có lẽ là khó khăn nhất là cải thiện trình độ giáo viên, nhất là ở bậc tiểu học.

Báo Libération cho biết, theo một khảo sát trong năm 2016, hơn 80% giáo viên được hỏi khẳng định không được bồi dưỡng về giảng dạy ngoại ngữ trong vòng 5 năm trước đó. Ngoài ra, các trường học cũng có rất ít giáo trình ngoại ngữ.

Hội đồng CNESCO cũng lưu ý đến việc hiện nay ở trường tiểu học mới chỉ tập trung dạy cho học sinh từ vựng, chẳng hạn màu sắc, các ngày trong tuần. Các em cũng không được nghe nhiều để làm quen với cách phát âm. Các thầy cô cũng chưa khuyến khích các em nói, chú ý đến trọng âm, ngữ điệu …

Theo CNESCO, điều lý tưởng trong tương lai là học sinh được học một môn học bằng ngoại ngữ, chẳng hạn, toán, địa lý hay khoa học. Hội đồng cũng đề xuất áp dụng trở lại quy chế theo đó trong các kỳ thi tuyển giáo viên, thí sinh phải thi môn ngoại ngữ. Môn thi này đã bị cắt từ năm 2007.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.