Vào nội dung chính
PHÁP - ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Pháp và các đồng minh long trọng kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ vào Normandie

Tổng thống Pháp và Mỹ ngày 06/06/2019 đồng chủ trì lễ kỷ niệm 75 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie, biểu tượng của sự đoàn kết trong Liên Minh chống lại Đức Quốc Xã. Đây là sự kiện chính trong số 280 sinh hoạt vinh danh 132.000 quân nhân mang nhiều quốc tịch tham gia cuộc đổ bộ này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump tới dự lễ kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ vào Normandie, Pháp, ngày 06/06/2019
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump tới dự lễ kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ vào Normandie, Pháp, ngày 06/06/2019 Ian Langsdon/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Sáng nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng thủ tướng Anh Theresa May đặt viên gạch đầu tiên xây dựng tượng đài tưởng niệm các binh sĩ Anh tại thị trấn Ver - sur - Mer vùng Calvados. Đến 11 giờ, tại nghĩa trang Colleville – sur – Mer, trước 12.000 quan khách, trong đó có nhiều nguyên thủ và thủ tướng chính phủ, cựu quân nhân từng tham gia cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử của nhân loại, nguyên thủ Pháp và tổng thống Mỹ Donald Trump cùng chủ trì lễ kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ của Quân Đội Đồng Minh.

Nghĩa trang quân đội Colleville – sur – Mer là nơi 9. 387 lính Mỹ yên nghỉ.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, sau khi nhân danh nước Pháp cám ơn các cựu chiến binh Mỹ tổng thống Macron nhấn mạnh : « Nước Mỹ chưa bao giờ vĩ đại như khi nước này chiến đấu vì tự do của những nước khác, khi nước này chứng tỏ vẫn trung thành với những giá trị phổ quát mà những nhà lập quốc đã bảo vệ ». Trước tổng thống Trump, một nhân vật vẫn chống lại những cơ chế đa phương, tổng thống Pháp kêu gọi đừng bao giờ ngừng làm sống mãi « liên minh giữa các dân tộc tự do », nêu những ví dụ về liên minh này : Liên Hiệp Quốc, Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO và Liên Hiệp Châu Âu, những định chế mà ông Donald Trump thường xuyên chỉ trích.

Về phần tổng thống Trump, ông tuyên bố : « Cách đây đúng 75 năm, 10 ngàn người đã đổ máu và hàng ngàn người đã hy sinh vì sự sống còn của tự do ». Tổng thống Mỹ cho rằng những cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc đổ bộ lên Normandie là « niềm tự hào » của đất nước. Ông cũng khẳng định rằng mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh là « không thể phá vỡ được ».

Nói chung, trong ngày lễ tưởng niệm long trọng hôm nay, các lãnh đạo Mỹ và đồng minh châu Âu tạm thời gác sang một bên những bất đồng sâu sắc.

Tổng thống Pháp và Mỹ sau đó có một cuộc gặp riêng và cùng ăn trưa tại thành phố Caen. Theo giới quan sát, đây là dịp để hai nước đồng minh truyền thống đề cập đến những hồ sơ nhậy cảm trong quan hệ song phương.

Ngày 06/06/1944, quân đồng minh đã đổ bộ lên các bãi biển Normandie một cách ồ ạt và bất ngờ trong khi quân Đức tưởng rằng họ sẽ đổ bộ lên một nơi xa hơn về phía bắc, tức là ở vùng Pas - de – Calais.

Thật ra, ngay từ 10 giờ tối hôm trước, lính dù của đồng minh đã bắt đầu nhảy xuống đất Pháp và 45 phút trước đó, Đài phát thanh Luân Đôn đã phát ám hiệu báo động cho kháng chiến quân Pháp. Vào nửa đêm, phi cơ của đồng minh đã thả hơn 5.000 tấn bom vào các dàn pháo của quân Đức đặt dọc theo bờ biển. Tiếp đến, cả ngàn máy bay đáp xuống để đưa quân và thiết bị lên các bãi biển Normandie, hàng ngàn lính dù của Mỹ và Anh cũng tiếp tục nhảy xuống đây.

Ngay từ 1h15, các đơn vị của quân Đức đã được đặt trong tình trạng báo động, nhưng thống chế Rommel lúc ấy đang ngủ và đến 10 giờ sáng mới hay tin. Còn Hitler đến 5 giờ sáng cũng còn đang ngủ và những người thân cận nghĩ là không cần phải đánh thức ông.

Đến gần 6 giờ sáng, khi thủy triều xuống, theo đúng kế hoạch dự trù, lính Mỹ đổ bộ lên 2 bãi biển « Utah » và « Omaha », lính Anh và Canada đổ bộ lên 3 bãi biển « Gold », « Juno » và « Sword ». Riêng tại bãi biển Omaha, cuộc đổ bộ đã biến thành cơn ác mộng đối với lính Mỹ: trong số hơn 34.000 quân, có đến 2.500 người chết hoặc bị thương do trúng đạn quân Đức, hoặc bị chết chìm do biển động.

Ngay từ 9 giờ 30 sáng, tướng Dwight Eisenhower, tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh, đã có thể thở phào nhẹ nhõm thông báo cuộc đổ bộ thành công lên Normandie. Thật ra, ông cũng đã chuẩn bị sẵn một thông cáo khác trong trường hợp cuộc đổ bộ thất bại. Mãi đến 10 giờ sáng, Hitler mới được đánh thức dậy, thì đã quá trễ để lật ngược tình thế, vì 50.000 quân Đức tại khu vực đổ bộ không thể chống trả quân đối phương đông hơn gấp ba.

Nhưng phe đồng minh cũng bị thiệt hại nhân mạng rất nặng nề. Tổng cộng trong số khoảng 156.000 quân đồng minh tham gia cuộc đổ bộ kéo dài cho đến nửa đêm, gần 11.000 lính bỏ mạng, bị thương hoặc mất tích. Hàng ngàn thường dân cũng đã chết vì trúng bom.

Cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên Normandie cho tới nay vẫn là cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử tính về số tàu được huy động (gần 7.000 tàu).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.