Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Sting đến Paris giới thiệu tuyển tập mới

Đăng ngày:

Trong khuôn khổ vòng lưu diễn quốc tế, nam ca sĩ Sting đến thủ đô Paris biểu diễn cuối tháng Năm 2019. Nhân dịp này, cựu thành viên sáng lập ban nhạc rock người Anh The Police cho ra mắt một tuyển tập chọn lọc bao gồm các bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông.

Nam danh ca Sting tham gia buổi hoà nhạc do Amnesty International tổ chức tại Athens, Hy Lạp 23/06/2018
Nam danh ca Sting tham gia buổi hoà nhạc do Amnesty International tổ chức tại Athens, Hy Lạp 23/06/2018 REUTERS / Costas Baltas
Quảng cáo

Mang tựa đề ngắn gọn là ‘‘My Songs’’ (Những bài hát của tôi), album phát hành vào cuối tháng 5/2019 bao gồm 19 ca khúc tiêu biểu cho cả hai giai đoạn sự nghiệp. Giai đoạn đầu từ năm 1977 đến năm 1984, thời Sting (tên thật là Gordon Sumner) là tay đàn bass và ca sĩ chính của nhóm nhạc rock người Anh. Giai đoạn thứ nhì từ năm 1985 cho tới nay, có thể được xem như những thập niên thành công nhất về mặt sáng tác cũng như trong sự nghiệp đơn ca (cho dù một cách chính thức nhóm The Police không hề tuyên bố giải tán, và nhóm này cùng thực hiện vòng lưu diễn thế giới vào năm 2007).

Lần trước Sting biểu diễn tại Paris là vào tháng 11 năm 2016, nhân dịp khai trương trở lại nhà hát Bataclan, phải đóng cửa trong hơn một năm sau đợt khủng bố kinh hoàng. Nổi tiếng là một nghệ sĩ dấn thân, Sting đã biểu diễn nhằm gây quỹ trợ giúp các nạn nhân khủng bố. Còn lần này, buổi biểu diễn tại nhà hát La Seine Musicale diễn ra trong một bầu không khí nhẹ nhàng hơn.

Ca sĩ kiêm tác giả Sting trở lại Paris chủ yếu để giới thiệu album mới. Buổi biểu diễn này cũng là điểm khởi đầu cho vòng lưu diễn châu Âu của nam danh ca. Sau nước Pháp, Sting sẽ đến Bulgari, Đức, Áo, Ý, Slovakia, Cộng hóa Séc, các quốc gia vùng Baltic và các nước Bắc Âu là Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy.

Cách đây hơn một năm, Sting đã khá thành công với album nhạc reggae (mang tựa đề "44/876") thực hiện với nam ca sĩ người đảo Jamaica Shaggy. Lúc đầu hai nghệ sĩ dự tính chỉ hợp tác ghi âm một bản song ca (nhạc phẩm "Don’t Make Me Wait") nhưng rốt cuộc họ cảm thấy tâm đầu ý hợp nên mới quyết định cùng thực hiện nguyên một album. Sting cho biết là tuy đến từ hai phương trời âm nhạc khác nhau, nhưng cả hai đều mến mộ Bob Marley và họ đã tìm thấy trong dòng nhạc reggae một ngôn ngữ chung để diễn đạt cảm xúc.

Trong suốt thời gian làm việc chung với nhau, Sting và Shaggy đã từng phối lại bản nhạc nổi tiếng "Roxanne". Điều đó làm nảy sinh ý tưởng thực hiện một tuyển tập, qua đó, Sting hòa âm lại toàn bộ các ca khúc từng ăn khách trước đây của mình, trong số này có các bản nhạc cực kỳ nổi tiếng như "Englishman in New York, Desert Rose, Shape of My Heart, Every Breath You Take, Fragile và nhất là Fields of Gold" …

Nam danh ca Sting thuộc vào hàng nghệ sĩ có một sự nghiệp solo ngoạn mục, thành công hơn nhiều so với thời gian ông đi hát chung với nhóm The Police. Trong làng nhạc quốc tế, số nghệ sĩ được như ông không phải là nhiều. Có thể nhắc đến Lionel Richie, ca sĩ của nhóm The Commodores, bắt đầu hát solo từ năm 1980. George Michael sau thời gian đầu thành công với nhóm Wham lại càng ăn khách hơn nữa khi bắt đầu hát đơn ca từ năm 1985. Một cách tương tự, tên tuổi của Robbie Williams lên như diều gặp gió từ năm 1996, sau giai đoạn hát chung với nhóm boys band Take That. Còn Justin Timberlake thành công rực rỡ từ năm 2002 trở đi, thời kỳ hậu NSYNC.

Về phần mình, Sting bắt đầu tách ra riêng từ năm 1985. Tập nhạc solo đầu tiên của ông (The Dream of the Blue Turtles) đánh dấu sự hợp tác với nhiều nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng chẳng hạn như Kenny Kirkland chơi đàn phím, Branford Marsalis chơi kèn saxophone hay là Darryl Jones chơi đàn bass (và hiện là một trong những nhạc sĩ chuyên đi biểu diễn với nhóm The Rolling Stones).

Trong các album solo kế tiếp (trong đó nổi bật hơn cả là "Nothing Like The Sun" 1987, "Ten Summoner's Tales" 1993, "Mercury Falling" 1996, "Sacred Love" 2003), Sting hợp tác với nhiều nghệ sĩ tên tuổi kể cả bậc đàn anh Gil Evans và các nghệ sĩ cùng thời như tay đàn Eric Clapton, Mark Knopfler ca sĩ chính của nhóm Dire Straits (nổi tiếng với bài "Money for Nothing", bài này có một đoạn là sáng tác của Sting trích từ nhạc phẩm "Don't Stand So Close to Me") và thậm chí Andy Summers, một trong ba thành viên của nhóm The Police.

Tuy thành danh với một ban nhạc pop rock, nhưng Sting ngay từ lúc đầu có một lối sáng tác và tiếp cận âm nhạc của một nghệ sĩ nhạc jazz, thích biến tấu giai điệu và luôn hoà quyện nhiều luồng ảnh hưởng âm nhạc với nhau, kể cả nhạc pop, folk, country reggae, funky soul, new age hay là world music. Trong vòng hơn ba thập niên liền từ năm 1985 đến 2019, Sting đã cho ra mắt 14 album solo và mỗi album đều có một sắc thái khác biệt, ông luôn cố gắng tìm tòi thử nghiệm trong sáng tác tựa như Peter Gabriel của nhóm Genesis, Roger Waters của nhóm Pink Floyd. Nhờ vào nỗ lực ấy, Sting đã đoạt hàng loạt giải thưởng âm nhạc quốc tế trong đó có 17 giải Grammy, 3 giải thưởng Brit Awards & một Quả cầu vàng Golden Globe.

Nổi tiếng là một nghệ sĩ dấn thân, hoạt động tích cực trong hai lãnh vực môi trường và nhân quyền, dù có bận rộn cách mấy, Sting luôn tham gia các buổi biểu diễn gây quỹ tài trợ các tổ chức như Ân xá Quốc tế (bên cạnh các nghệ sĩ như Bruce Springsteen hay Peter Gabriel). Ngoài ra ông còn huy động giới nghệ sĩ quốc tế (như Annie Lennox, Billy Joel, Elton John, James Taylor …..) tham gia các chương trình từ thiện tổ chức thường niên trong khuôn khổ trong khuôn khổ Quỹ môi trường RainForest Foundation nhằm bảo vệ rừng nhiệt đới.

Có lẽ cũng để cảm ơn những nỗ lực ấy mà giới khoa học Columbia đã đặt tên một loài ếch nhái chuyên sống trên cây theo nghệ danh của Sting (Dendropsophus Stingi) và điều đó (như có lần Sting đã từng tuyên bố với báo chí) làm cho bản thân ông cảm thấy hạnh phúc, vì nó có nhiều ý nghĩa hơn tất cả các giải thưởng hay thành tựu âm nhạc mà Sting đã đạt được trong đời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.