Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Phiên bản tiếng Pháp ca khúc ‘‘500 Miles’’

Đăng ngày:

Bạn có biết đâu là điểm chung giữa ba nghệ sĩ Justin Timberlake người Mỹ, Richard Anthony người Pháp và Isabelle Boulay người Canada ? Tuy nổi danh ở ba thời điểm khác nhau, nhưng họ đều đã từng ghi âm cùng một nhạc phẩm : bài ‘‘500 Miles’’ (hiểu theo nghĩa Đường về nhà còn xa 500 dặm).

Justin Timberlake, Carey Mulligan, Oscar Isaac và đạo diễn Joel Coen tại liên hoan Cannes 2013
Justin Timberlake, Carey Mulligan, Oscar Isaac và đạo diễn Joel Coen tại liên hoan Cannes 2013 REUTERS / Jean-Paul Pelissier
Quảng cáo

Trong nguyên văn tiếng Anh, bản nhạc "500 Miles" (còn có tên là Railroaders' Lament) là lời than thở của một kẻ tha hương, thẹn thùng xấu hổ không dám về nhà, vì không còn một xu dính túi. Trong thời kỳ phục hưng dân ca Hoa Kỳ những năm 1960 (folk revival), nhiều tác giả Mỹ, kể cả Hedy West, đã góp phần phục hồi dòng nhạc folk, qua việc đặt lời mới (If you mised the train I’m on, You will know that I am gone …..) cho những bản dân ca có từ thời xa xưa.

Cũng cùng một bài hát với tựa đề y hệt như nhau, nhưng khi đặt lời cho bài "500 Miles" (Away from Home), ca sĩ kiêm tác giả Bobby Bare lại chọn một bối cảnh hoàn toàn khác biệt (Tear drops fell on Mama’s note, When I read the things She wrote …..) và ông dùng lối hòa âm đặc trưng của dòng nhạc country, để ghi âm bài này vào năm 1963.

Trong bản phóng tác tiếng Pháp, tác giả Jacques Plante chuyển ngữ bài này thành nhạc phẩm ‘‘J'entends siffler le train’’ (tạm dịch là Còi tàu Vĩnh biệt). Bài hát này rất ăn khách vào mùa hè năm 1962 qua giọng ca của Richard Anthony, nhưng tiếng ‘‘Còi tàu Vĩnh biệt’’ lại mang thêm một ý nghĩa đặc biệt. Do được ghi âm và phát hành trong thời kỳ chiến tranh Algérie, bản nhạc đã gây tiếng vang lớn nhất là đối với giới thanh niên trong lứa tuổi đi lính, phải xa gia đình hay người yêu, mà không biết có ngày trở lại. Trong thời gian gần đây, nam ca sĩ Hugues Aufray đã mời Françoise Hardy (một trong những thần tượng nhạc trẻ những năm 1960) cùng ghi âm lại bài này thành một bản song ca.

Trong vòng nhiều thập niên, bản nhạc tiếng Pháp ‘‘J'entends siffler le train’’ được gắn liền với tên tuổi của Richard Anthony. Ông được xem như là cánh chim đầu đàn dòng nhạc trẻ tại Pháp những năm 1960. Kể từ năm 1958, Richard Anthony là người đầu tiên khởi xướng phong trào chuyển thể sang tiếng Pháp các bản nhạc ăn khách thị trường Anh Mỹ (ông ghi âm bài You are My Destiny của Paul Anka và bản nhạc rock Peggy Sue của Buddy Holly).

Thế nhưng theo lời kể của nam ca sĩ kiêm tác giả Hugues Aufray, chính ông mới là người đã đem bài hát này từ Mỹ về Pháp. Ngoài việc là ca sĩ, Hugues Aufray còn nổi tiếng nhờ các bản phóng tác như Blowing in the Wind của Bob Dylan hay là The House of Rising Sun viết cho Johnny Hallyday. Hugues Aufray cho biết, sau khi phát hành đĩa nhạc đầu tiên, ông đã được nam danh ca Maurice Chevalier mời sang Hoa Kỳ trong vòng hai tháng tham gia đợt biểu diễn tại nhiều thành phố trên đất Mỹ vào năm 1961. Trong chuyến đi này, Hugues Aufray đã khám phá nhiều bài hát rất hay (chủ yếu là folk và country) mà ông nghĩ có thể thực hiện sau đó các bản phóng tác.

Đến khi trở về Pháp, ông bỏ lại sau lưng nhiều đồ đạc, để mua thêm một chồng đĩa nhựa bỏ vào trong hành lý mang về tới Paris. Trong số những ca khúc đem về, có bài "500 Miles", phần phóng tác được giao cho tác giả Jacques Plante, còn Hugues Aufray được hãng đĩa phân công chuyển ngữ một số bài hát khác. Tuy nhiên, giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa lại đưa bài hát "500 Miles" cho nhiều ca sĩ, thành ra đến khi Hugues Aufray trình làng bài hát này, lại có nhiều phiên bản được phát hành cùng lúc.

Cả hai phiên bản của Richard Anthony và của Hugues Aufray đều được tung ra thị trường vào tháng 7 năm 1962. Vào thời bấy giờ, Hughes Aufray chưa phải là ca sĩ hạng A, trong khi Richard Anthony đã thành danh từ đầu năm 1960. Rốt cuộc phiên bản của Richard Anthony lại thành công rực rỡ trên thị trường, trong khi phiên bản của Hugues Aufray lại gặp thất bại. Điều đáng ngạc nhiên là bài hát này ban đầu không được xem là ca khúc chủ đạo. Richard Anthony ghi âm và chỉ phát hành bài hát này trên mặt B đĩa nhựa. Ca khúc chính của ông thời bấy giờ mang tựa đề ‘‘J'irai twister le blues’’ được bán gần hai triệu bản.

Bản nhạc ‘‘J'entends siffler le train’’ trở thành tình khúc mùa hè đầu tiên của dòng nhạc trẻ. Thành công của bài hát cũng làm thay đổi hình ảnh của Richard Anthony : ông bỏ lỡ cơ hội qúy báu vì ban đầu ông muốn trở thành ca sĩ nhạc rock rốt cuộc lại được xem như một crooner chuyên hát tình ca. Danh hiệu rocker số 1 sau đó được trao cho Johnny Hallyday.

Hơn nửa thế kỷ sau ngày ra đời, bài hát ‘‘500 Miles’’ đã được chuyển sang khá nhiều ngoại ngữ : kể cả tiếng Ý (Le Stagione del Nostro Amore), tiếng Đức (Und dein Zug fährt durch die Nacht), tiếng Nhật (Senaka made 500 mairu), tiếng Slovenia, tiếng Hindi, tiếng Hoa. Còn trong tiếng Việt bài này có ít nhất hai lời khác nhau : từ trước năm 1975, bài hát được tác giả Trường Kỳ chuyển ngữ thành nhạc phẩm ‘‘Tiễn em lần cuối’’. Phiên bản thứ nhì do ca sĩ Ngọc Lan ghi âm dưới tựa đề ‘‘Người tình vạn dặm’’.

Trong số các phiên bản tiếng Pháp nổi bật, ‘‘J'entends siffler le train’’ từng được nhiều ca sĩ ghi âm, kể cả Serge Gainsbourg. Ca sĩ vùng Québec Isabelle Boulay cũng ghi âm dưới dạng song ca với ca sĩ trẻ tuổi Yoan Garneau (thí sinh của chương trình La Voix / The Voice, phiên bản của vùng Québec). Còn trong tiếng Anh bài hát này từng được nhiều giọng ca tên tuổi ghi âm, trong đó có Sonny & Cher, The Kingston Trio hay Reba McEntire một trong những ngôi sao lớn của làng nhạc đồng quê, bên cạnh nhiều ca sĩ và ban nhạc khác. Gần đây hơn nữa, cũng có phiên bản tiếng Anh của Justin Timberlake.

Cực kỳ nổi tiếng trong làng nhạc trẻ urban-hip hop, ca sĩ người Mỹ Justin Timberlake lại ghi âm bài này theo phong cách thuần chất nhạc folk dưới dạng tam ca (hát chung với hai nghệ sĩ Carey Mulligan và David Michael Bennett). Bản nhạc này gợi hứng từ ban tam ca nổi tiếng một thời Peter Paul & Mary, được chọn làm một trong những ca khúc chủ đề của bộ phim Inside Llewyn Davis (dựa vào câu chuyện của tác giả Dave Van Ronk) của hai anh em đạo diễn Joel & Ethan Coen. Một cách để nhắc nhở công lao của các tác giả đã góp phần khởi sắc dòng nhạc folk, phục hồi dòng dân ca Mỹ qua việc thổi một luồng sinh khí mới, làm sống lại những giai điệu tiềm tàng, tưởng chừng như đã ngủ quên từ lâu trong dân gian.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.