Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

80 năm Retirada : Khi nửa triệu người Tây Ban Nha tha hương sang đất Pháp

Đăng ngày:

Cách nay 80 năm, gần nửa triệu người Tây Ban Nha đã tràn qua biên giới nước Pháp sau khi nội chiến kết thúc. Ngay khi đặt chân đến đất Pháp, những người tị nạn này đều bị nhốt vào trong những trại tập trung tạm bợ.

Những người ủng hộ phe Cộng Hòa Tây Ban Nha vượt đèo núi sang Pháp tị nạn năm 1939
Những người ủng hộ phe Cộng Hòa Tây Ban Nha vượt đèo núi sang Pháp tị nạn năm 1939 © Manuel Moros / Fonds Jean Peneff
Quảng cáo

Một ký ức đau thương nay như sống lại trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với các đợt khủng hoảng di dân trong những năm gần đây.

Dòng người tị nạn

Ngày 26 tháng Giêng năm 1939, Barcelona rơi vào tay tướng Franco. Hơn 450.000 người, bao gồm các binh sĩ theo phe Cộng Hòa cùng với gia đình đã ồ ạt chạy sang Pháp tị nạn, sau một cuộc nội chiến đẫm máu giữa một bên là phe Cộng Hòa, mang tư tưởng cánh tả, cực tả, cách mạng và bên kia là phe chủ nghĩa dân tộc, theo cánh hữu và cực hữu do tướng Franco dẫn đầu.

Trong suốt cuộc nội chiến Tây Ban Nha, nước Pháp chủ trương đi theo chính sách không can thiệp, nhưng nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng tuồn vũ khí ủng hộ phe theo Cộng Hòa Tây Ban Nha. Thế rồi nước Pháp quyết định mở cửa biên giới. Ngày 28/01/1939 chính phủ Pháp cho phép người dân tràn sang, rồi đến lượt các binh sĩ Cộng Hòa vào ngày 05/02.

Giai đoạn bi thương này được giới sử gia gọi là « Retirada ». Nguyên nhân vì đâu? Sử gia Geneviève Dreyfus-Armand, tác giả tập sách «Cuộc tị nạn của những người Cộng Hòa Tây Ban Nha tại Pháp. Từ cuộc nội chiến cho đến cái chết của Franco », trên kênh France 24 nhắc lại rằng mỗi khi quân đội của Franco chiếm được một vùng lãnh thổ, đều có một đợt trấn áp khủng khiếp nhắm vào những ai từng ủng hộ phe Cộng Hòa. Nhiều cuộc hành quyết đã diễn ra nhắm vào những nhà đấu tranh công đoàn, nhà giáo, trí thức, nghệ sĩ hay đôi khi cả giới công nhân.

Do vậy, khi vùng Catalunya bị rơi vào tay quân đội Franco, người dân lo sợ bị trấn áp đành chọn con đường bỏ xứ ra đi, chạy sang nước Pháp tị nạn. Đó chính là lối thoát duy nhất có thể. Bà Louisette Serra, trên đài phát thanh France Culture bùi ngùi nhớ lại cảnh tượng năm xưa, khi ấy bà mới được 10 tuổi.

«Tôi nhớ rất rõ là cha mẹ tôi ngoài những việc khác cả hai người còn đi hát cho dàn hợp xướng ở trong làng. Lúc nào họ cũng dẫn tôi đi theo hết. Nếu như những kẻ phát xít đến bắt họ thì chắc chắn là cha mẹ tôi sẽ bị xử bắn ngay lập tức. Do đó, chúng tôi phải ra đi. Thế là tôi cùng với mẹ bắt một xe tải nhỏ. Chúng tôi ra đi ngày 05/04/1938. Còn cha tôi vẫn ở lại với vị trí trợ lý thị trưởng.

Sau khi dừng nhiều điểm trong đó có Barcelona, tôi và mẹ đến Portbou. Những gì xẩy ra tại Portbou thật khủng khiếp, nhất là vào buổi đêm. Bởi vì Portbou tuy không bị không quân của Franco dội bom nhưng lại bị tàu chiến Ý nã pháo vào. Tôi nhớ có một lần một quả pháo đã rơi xuống trong lúc tôi và mẹ đang ngồi trước cửa ».

Vỡ mộng

Hành trình tha hương diễn ra trong cái giá rét. Mùa đông năm 1939 được cho lạnh nhất chưa từng có. Người ta vượt biên giới với đủ mọi phương tiện: phần đông là đi bộ, khá hơn một chút thì có xe kéo hay xe tải con. Rồi còn có cả những trận dội bom do không quân của tướng Francis Franco tiến hành, được Hitler (Đức) và Mussolini (Ý) yểm trợ, dọc theo đoàn người tị nạn.

Họ ra đi mà tâm trạng bất an. Phóng sự ngắn của France Culture tìm gặp hậu duệ của những người lính Cộng Hòa Tây Ban Nha tị nạn năm xưa. Ông Raymond San Geroteo nhớ lại cảnh cha ông trấn an vợ con như thế nào.

«Thảm họa lớn nhất đối với họ là phải nói : Thôi, chúng ta phải vượt biên thôi. Nhưng sau đó thì sao ? Vì họ không nói tiếng Pháp, không biết điều gì đang chờ đón họ ; làm thế nào để sống tại một đất nước lạ lẫm. Điều mà họ không biết là có hàng trăm ngàn người tị nạn như vậy.

Trước khi mẹ tôi ra đi, bố tôi có nói với bà : Em đừng lo lắng gì cả. Em đi sang Pháp, đất nước của nhân quyền. Em sẽ được đón tiếp và được ăn uống. Anh sẽ sang bên đó với em. Thế nhưng, ngay sau đó, mẹ tôi đã hiểu ra vấn đề. Đó chỉ là trò hề mà thôi. Nhiều người Tây Ban Nha vào lúc đó đều tin như vậy ».

Chính phủ Pháp thời bấy giờ, nhất là quân đội Pháp dù đã dự đoán trước tình hình, nhưng không ai ngờ tới một làn sóng tị nạn với quy mô lớn như thế. Liệu chính phủ Pháp có mở cửa đón di dân tị nạn hay không? Về điểm này, ông Eric Forcada, chuyên nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật, phụ trách việc thiết kế mẫu Bảo tàng về những người Cộng Hòa Tây Ban Nha và Catalunya lưu vong, trên đài France Culture nhắc lại rằng lúc ban đầu chính phủ Pháp đã có những biện pháp khá cứng rắn đối với những người lưu vong.

« Tôi nghĩ là còn tệ hơn, tệ hơn thế nữa bởi vì khi tôi nói đến kết thúc trận đánh ở Ebre hồi tháng 11/1938, chính phủ thủ tướng Daladier đã ban hành một sắc lệnh 12/11/1938. Sắc lệnh này đã làm phức tạp thêm tình hình, bởi vì văn bản này cho phép tăng cường kiểm soát biên giới và tạo thuận lợi cho việc trục xuất những người không mong muốn ».

Gia đình ly tán

Sử gia Geneviève Dreyfus-Armand thuật lại là ngay ở biên giới, người ta tách ly các hộ gia đình nếu họ đi theo từng nhóm. Phụ nữ, trẻ em, người già, người bị thương được phân bổ trong 77 tỉnh gần như trên khắp nước Pháp, ngoại trừ vùng Paris và các tỉnh biên giới Đông –Bắc và phía Đông. Chính vì thế mà ngày nay người ta có tìm thấy nhiều hậu duệ của những người theo phe Cộng Hòa Tây Ban Nha ở vùng Bretagne, Normandie, Rhône-Alpes…

Cũng ngay tại biên giới, những binh sĩ và thanh niên bị hộ tống đưa về những trại tập trung được dựng lên một cách tạm bợ, bao bọc bởi các hàng rào kẽm gai. Những khu trại giam này nằm dọc theo các bãi biển của vùng Roussillon, năm xưa hoang vắng như ở Argelès-sur-Mer hay như ở Saint-Cyprien. Ông Eric Forcada giải thích tiếp:

« Việc tiếp nhận sẽ khó khăn hơn do những quyết định mang tính hành chính hơn là quyền công dân. Trên thực tế, hơn 80.000 hiến binh cơ động đã đến canh giữ khoảng 475.000 người tị nạn. Có thể nói là tình hình đã bị quân sự hóa. Chính phủ Pháp đã có những biện pháp thời chiến, gần như là một tình trạng chiến tranh ở cấp độ một bởi vì họ phải đối mặt với nhiều người có vũ trang, những người cách mạng đỏ. Do vậy cần phải trấn an toàn bộ người dân trong vùng ».

Một cuộc tranh luận ở tầm cỡ quốc gia đã nổ ra. Người ta tranh cãi về số tiền phải chi ra để tiếp đón những người tị nạn, dù chỉ là trong những điều kiện hết sức nghèo nàn, tạm bợ.

«Người ta thẩm định là mức tốn kém cho mỗi người tị nạn là vào khoảng 15 franc. Sau đó thì có những số liệu chính xác hơn bởi vì phải xin chính phủ bổ sung ngân sách. Cuối cùng, người ta tính toán lại là trong giai đoạn từ 01/02 đến 31/12/1939, số tiền chi cho người tị nạn là 841 triệu francs, tính theo thời giá hiện nay, tương đương khoảng 400 triệu euro ».

Trại tập trung: Nỗi khiếp hãi

Những trại tập trung đó rồi cũng nhanh chóng quá tải. Nhiều khu trại tạm giữ khác cũng lần lượt được dựng lên như ở Aude, Herault, Tarn-et-Garonne hay như Arriège. Một sự đối phó hoàn toàn bị động! Đến mức mà, trong những tuần đầu tiên, người tị nạn không còn chỗ trú ẩn. Họ đành phải vùi mình xuống cát để chống rét.

Điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt: Thiếu nước và tỉ lệ người chết trong những tuần đầu ở mức cao chưa từng có. Đó cũng chính là những gì cha của ông Raymond San Geroteo từng trải qua. « Ông mệt mỏi, bị lạnh và ốm vì ông phải uống nước lấy từ các hố đào trên bãi cát. Đó là nước biển. Ông bị ốm nặng và có nhiều người chết ».

Đến mùa xuân 1939, những trại tập trung này bị xóa sổ bởi vì điều kiện giam giữ như thế đối với những quân nhân phải chiến đấu trong gần ba năm qua tại Tây Ban Nha là quá sức chịu đựng. Trở về nước thì có nguy cơ bị tù giam hay bị đi lao động khổ sai. Họ chỉ còn hai con đường hoặc di dân sang châu Mỹ Latinh, hoặc tham gia quân đội Pháp.

Nhưng phần đông trong số họ ra được khỏi trại nhờ kiếm được việc làm tại nhiều nông trại hay được một số doanh nghiệp tuyển dụng nhờ có tay nghề cao. Bà Geneviève Dreyfus-Armand ước tính đến tháng 04/1940 có khoảng 100.000 người tham gia vào thị trường lao động của Pháp.

Số phận đôi khi cũng trớ trêu. Khi nước Pháp bị Đức đánh bại, những người tị nạn này một lần nữa bị bắt giam, bị đưa đi lao động cưỡng bức hoặc được điều đi gia cố các tiền đồn ở vùng biên giới. Để rồi sau đó, chính những người lính Cộng Hòa Tây Ban Nha đó đến năm 1944 đã gia nhập hàng ngũ đội quân Nước Pháp Tự do, giải phóng nhiều tỉnh thành ở Pháp. Cũng chính họ là những người điều khiển những chiếc xe bọc thép đầu tiên tiến vào Paris tháng 8/1944.

Chiến tranh kết thúc, số những người lính Cộng Hòa Tây Ban Nha ở lại Pháp chỉ còn khoảng 150.000 người. Tháng 03/1945, chính phủ lâm thời Cộng Hòa Pháp quyết định cấp quy chế tị nạn Nansen, một quy chế từng được áp dụng cho những người tị nạn gốc Nga và Armenia thời giữa hai cuộc chiến.

Nước mắt pha lẫn nụ cười. Tám mươi năm trôi qua, những gì mà người lính Cộng Hòa Tây Ban Nha trải qua giữa tủi nhục, vinh quang và danh dự nay có nguy cơ rơi vào quên lãng. Sử gia Geneviève Dreyfus-Armand trên France 24 cho rằng họ cũng không gặp may khi đến Pháp vào thời điểm đất nước này không còn là miền đất hứa cho tị nạn nữa. Rồi chiến tranh nổ ra, người ta cũng nhanh chóng quên đi nỗi gian truân của những con người bất hạnh. Nhưng ký ức này những năm gần đây như lại hồi sinh trước những thảm kịch di dân mà châu Âu đang phải chứng kiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.