Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Ngành truyện tranh Pháp nhân liên hoan Angoulême

Thành phố Angoulême nổi tiếng nhờ hai sự kiện văn hóa : liên hoan phim tiếng Pháp mỗi mùa hè và festival truyện tranh quốc tế tổ chức vào đầu năm. Đúng với thông lệ, Liên hoan truyện tranh Angoulême lần thứ 46 diễn ra từ 24/01 cho tới 27/01/2019.

Hàng năm, nước Pháp xuất bản hơn 5.000 tập truyện tranh đủ loại
Hàng năm, nước Pháp xuất bản hơn 5.000 tập truyện tranh đủ loại Tuấn Thảo / RFI
Quảng cáo

Nằm ở miền Tây Nam nước Pháp, Angoulême là một thành phố nhỏ với khoảng 180.000 dân. Nhưng vào đầu năm, không khí tại Angoulême lại nhộn nhịp hẳn lên, do số dân được nhân lên gấp đôi, thành phố này đón tiếp khoảng 200.000 lượt khách tham gia liên hoan truyện tranh Angoulême. Năm 2019 hứa hẹn là một mùa bội thu với hơn 5.000 tập truyện tranh đủ loại được xuất bản. Chính cũng vì khối lượng truyện tranh phát hành hàng năm rất phong phú dồi dào, cho nên Liên hoan Angoulême đóng vai trò khám phá các tài năng mới thông qua các giải thưởng thường niên.

Tác giả Jérémie Moreau, giải nhất Liên hoan Angoulême với tập truyện "Saga de Grimr" thế kỷ XVIII
Tác giả Jérémie Moreau, giải nhất Liên hoan Angoulême với tập truyện "Saga de Grimr" thế kỷ XVIII Yohan Bonnet / AFP

Trong số này phải đến Jérémie Moreau, từng đoạt giải nhất Liên hoan Angoulême 2017 nhờ tập truyện "Saga de Grimr", nay xuất hiện trở lại với cuộc triển lãm về các dự án mới kết hợp ảnh hưởng của các họa sĩ Franquin và Winsor McCay. Phía các nghệ sĩ châu Á từng được công nhận ở quê nhà nhưng ít được biết đến tại Pháp, có nghệ sĩ Hàn Quốc Kim Jung Gi và Nhật Bản Tsutomu Nihei. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nữ họa sĩ như Beradette Desprès hay là Emil Ferris từng đoạt giải thưởng của ban giám khảo quốc tế với tập truyện tranh đầu tay.

Họa sĩ người Mỹ Richard Corben được mời làm chủ tịch Liên hoan Angoulême năm nay, thế giới của ông khá tiêu biểu cho giới nghệ sĩ độc lập ở Hoa Kỳ, khai thác mạch truyện khoa học viễn tưởng với thế giới siêu nhiên huyền bí, thậm chí kinh dị, giống như thần tượng của ông là văn hào Edgar Allan Poe. Với sự chủ tọa của Richard Corben, Liên hoan Angoulême mang thêm nhiều màu sắc Hoa Kỳ, do ngoài sinh nhật 90 tuổi của phóng viên Tintin, năm 2019 còn đánh dấu đúng 80 năm ngày nhân vật Batman ra đời dưới ngòi bút chì của hai tác giả Bob Kane và Bill Finger.

Truyện tranh comics của Mỹ tăng rất nhanh, được nhân lên gần gấp ba lần trong 10 năm
Truyện tranh comics của Mỹ tăng rất nhanh, được nhân lên gần gấp ba lần trong 10 năm Tuấn Thảo / RFI

Trong vòng 8 thập niên, thế giới của Người Dơi đã trải qua nhiều thay đổi tùy theo cảm hứng vẽ của Bob Kane, Carmine Infantino, Frank Miller, Jim Lee, Greg Capullo, Scott Snyder, hay là David Mazzuchelli. Công chúng (không chuyên đọc truyện tranh) chủ yếu biết đến Người Dơi qua ba tập phim The Dark Knight (Hiệp sĩ Bóng đêm) của đạo diễn Christopher Nolan phóng tác từ truyện tranh của Frank Miller. Dòng truyện Batman vẫn sẽ thu hút thêm nhiều fan, cho dù kế hoạch của DC Rebirth tái khởi động các tập truyện Batman, qua việc tái bản mỗi tháng hai lần, kể từ mùa hè năm 2016 đã không gặt hái được nhiều kết quả như mong đợi.

So với ngành sản xuất băng đĩa hay phim ảnh, thế giới xuất bản truyện tranh ở Pháp không bị cuộc ‘‘cách mạng’’ internet tác động nhiều : công nghệ cao cấp thay đổi cung cách tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Hàng ngàn đĩa CD được thu gọn lại thành một thư viện âm nhạc bỏ túi, nghe qua cloud hay trữ trong điện thoại di động. Tuy thời nay đã có sẵn truyện tranh qua phiên bản số, có thể lưu và tải trực tuyến, sao chép để đọc qua màn ảnh phẳng, máy tính bảng. Thế nhưng đa số các độc giả vẫn thích mua, sưu tầm và sở hữu các tập truyện tranh in trên giấy.

Điều đó có thể giải thích vì sao truyện tranh vẫn là một ‘‘sản phẩm’’ văn hóa nổi bật, ngày càng được phổ biến do chinh phục thêm nhiều bạn đọc. Trong một thập niên qua, doanh thu ngành xuất bản truyện tranh ở Pháp đã tăng thêm 20%. Trong truyện tranh, có nhiều hạng mục khác nhau : thể loại truyện thiếu nhi phát triển khá nhanh trong 10 năm (+78%), truyện tranh manga theo kiểu Nhật tăng đều đặn (+23%), nhưng mạnh nhất vẫn là loại comics của Mỹ được nhân lên gần gấp ba lần (+ 275%). Hiện tượng này phần lớn là do sự thành công của dòng phim siêu anh hùng trên màn ảnh lớn phóng tác từ hai bộ truyện Marvel & DC Comics.

Liên hoan Angoulême thu hút hàng năm hơn 200.000 lượt khách tham gia
Liên hoan Angoulême thu hút hàng năm hơn 200.000 lượt khách tham gia Yohan BONNET / AFP

Hollywood có phim blockbuster, Angoulême có những tập truyện tranh “best seller” được xem như là đầu tàu kéo ngành sản xuất đi lên, tựa như cột buồm giúp cho các nhà xuất bản trụ vững, và như vậy họ có thể an tâm khai thác các tựa truyện khác cho dù các tập truyện này ít thu hút độc giả. Theo số liệu của Nghiệp đoàn xuất bản, mạng thông tin Livre Hebdo và công ty phân phối GfK, tập truyện gần đây nhất với nhân vật anh hùng gô loa ‘‘Astérix và vòng đua xuyên nước Ý’’ (Transitalique) của hai tác giả Didier Conrad và Jean-Yves Ferri, đã lập kỷ lục số bán trong năm 2017 với 1,6 triệu bản.

Điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì mỗi tập truyện Astérix (hai tập trước ra mắt độc giả vào năm 2013 và năm 2015) đều đứng đầu bảng xếp hạng, với hơn một triệu bản trở lên. Các tập truyện cỡ trung bình như nhân vật Titeuf, rất được giới thiếu niên yêu thích, thu hút khoảng 175.000 lượt người mua cho mỗi tập.Các nhân vật truyện tranh rất quen thuộc như phóng viên Tintin, chú Vượn Đốm Marsupilami, các thám tử thú vật trong Blacksad hay điệp viên XIII, Corto Maltese hay Largo Winch được bán đều đặn và dễ đạt tới mức hơn 100.000 bản.

Tại Pháp, 8 triệu rưỡi độc giả chi khoảng 47 euros để mua từ ba hay bốn cuốn truyện mỗi năm
Tại Pháp, 8 triệu rưỡi độc giả chi khoảng 47 euros để mua từ ba hay bốn cuốn truyện mỗi năm Tuấn Thảo / RFI

Ngoại trừ trường hợp của Blake và Mortimer không thành công như mong đợi, nhưng tập truyện Lucky Luke 8 : “Cao bồi đến Paris” lại thống lĩnh thị trường truyện tranh từ cuối năm qua. Năm 2019 đánh dấu sinh nhật 90 tuổi của Tintin, hẳn chắc các tập truyện với nhân vật này sẽ thu hút được thêm nhiều độc giả mới. Phiên bản màu của tập truyện Tintin đến xứ Xô Viết, trong lần tái bản trong năm qua, đã bán được 168.000 bản (phiên bản gốc trắng đen được phát hành lần đầu tiên vào năm 1930).

Theo số liệu của mạng thông tin ActuaBD, trong năm qua đã có hơn 44 triệu quyển truyện tranh được bán tại Pháp, tức là mức cao nhất tính từ 15 năm qua. Trên tổng số 44 triệu cuốn truyện, có 5,3 triệu bản bán chạy nhờ 50 tựa truyện ăn khách nhất. Số lượng người Pháp mua và đọc truyện tranh thường xuyên là khoảng 8 triệu rưỡi độc giả. Tính trung bình, họ chi khoảng 47 euros mỗi năm để mua từ ba đến bốn cuốn truyện. Cũng cần biết rằng hàng năm hơn 5.000 tựa truyện mới được tung ra thị trường Pháp và Bỉ xuất bản : trong đó có hai phần ba (3378 quyển) là các tựa truyện tiếng Pháp, phần còn lại là truyện manga Nhật Bản được phóng tác sang tiếng Pháp (1712 cuốn).

Blake & Mortimer, Phóng viên Tintin hay Cao bồi Lucky Luke đều nằm trong các tập truyện bán chạy nhất
Blake & Mortimer, Phóng viên Tintin hay Cao bồi Lucky Luke đều nằm trong các tập truyện bán chạy nhất Tuấn Thảo / RFI

Nhìn chung, ngành xuất bản truyện tranh ở Pháp tràn đầy sinh lực bội thu nhờ có được một lượng độc giả trung thành, mua truyện đều đặn hàng năm. Tuy nhiên có nhiều sức sống không có nghĩa là dư sức sáng tạo. Rất nhiều tài năng mới phải mất một thời gian dài để được công nhận. Trên số 5.000 tựa truyện mới hàng năm, có tới hơn một nửa chỉ bán được khoảng vài trăm quyển, tức là không đủ để nuôi sống tác giả. Trong ngành xuất bản truyện tranh, số nghệ sĩ sáng tác rất nhiều, nhưng để làm giàu sống dư dả thì lại chẳng bao nhiêu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.