Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Áo Vàng : Một phong trào phản kháng đã có dấu hiệu biến chất

Hôm nay Giáng Sinh, hầu hết báo chí Pháp đều nghỉ lễ, ngoại trừ một vài tờ báo địa phương, và nhật báo Le Monde, trong một số kép ngày 25-26/12/2018. Nổi bật trên trang nhất tờ báo là hai vấn đề xã hội chính trị, một cũ, một mới tại Pháp : Các biểu hiện « cực đoan hóa » của phong trào Áo Vàng, và tệ nạn nhà cửa ọp ẹp tồi tàn tại các đô thị lớn.

Áo Vàng biểu tình tại thành phố Nantes, hôm 22/12/2018.
Áo Vàng biểu tình tại thành phố Nantes, hôm 22/12/2018. REUTERS/Stephane Mahe
Quảng cáo

Ngay ở trang nhất, một trong các tựa lớn của Le Monde đã không giấu nỗi lo ngại : « Áo Vàng : Những nguy cơ chệch hướng một cách cực đoan ». Đối với tờ báo, cái gọi là « Hồi VI » của phong trào phản kháng Áo Vàng tại Pháp hôm 22/12/2018, với những biểu hiện cực đoan đã trở thành mối ưu tư hàng đầu của dư luận Pháp.

Phong trào Áo Vàng càng hụt hơi, thì lại càng trở nên cực đoan

Theo nhận định chung của tờ báo, vào lúc mà phong trào có dấu hiệu không còn động viên được đông đảo quần chúng nữa, các hành vi bạo động được ghi nhận nhân « Hồi VI », cộng thêm với những vụ xẩy ra những tuần trước đó, đã xác nhận chiều hướng cực đoan hóa, với những hành vi bạo lực càng lúc càng dữ dội hơn.

Nhật báo Pháp đã nhấn mạnh đến những vụ tấn công vào cảnh sát, mà đặc biệt là vụ 3 cảnh sát viên chạy mô tô suýt nữa thì bị đám đông Áo Vàng cuồng nộ tại Paris « hành hình », được tờ báo nêu bật trong bức ảnh ngay trang nhất. Bên cạnh đó là những hành vi bài Do Thái và những vụ đập phá cơ sở, văn phòng của nhiều đại biểu dân cử.

Trong bài xã luận mang tựa đề : « Áo Vàng : Ra khỏi bế tắc », tờ báo uy tin tại Pháp trước hết đưa ra một lời chuẩn đoán về tình hình bắt đầu xấu hẳn đi : « Khi một cuộc nổi dậy mang tính chất công dân… được đa số rộng rãi người dân ủng hộ, bị một thiểu số quá khích, tác giả của những hành vi bạo động, lái chệch hướng, thì cuộc khủng hoảng đã thay đổi bản chất ».

Đối với Le Monde, từ đỉnh cao ngày 17/11/2018 với 282.000 người tham gia trên toàn quốc, ngày 22/12/2018 các cuộc biểu tình Áo Vàng chỉ còn thu hút được 38.600 người, một đà sụt giảm cực mạnh.

Thế nhưng, dù người tham gia không đông, nhưng các cuộc biểu tình đã kèm theo một loạt những hành vi bạo đông « không thể chấp nhận được », từ việc tấn công, gần như là để sát hại nhân viên công lực, cho đến các hành vi bài Do Thái.

Bên cạnh đó, Le Monde còn ghi nhận nhiều hành vi hủy hoại, đốt phá các trạm thu phí xa lộ ở miền Nam, một vụ « chém đầu » một hình nộm tổng thống Pháp Macron ở Angoulême, những vụ việc hoàn toàn có thể bị truy tố hình sự. Đó là chưa kể đến những hành vi tấn công, mắng chửi nhà báo, đe dọa các dân biểu đảng cầm quyền…

Đối với Le Monde, tình hình lúc này rõ ràng là : « Sau năm tuần lễ, phong trào Áo Vàng càng có dấu hiệu hụt hơi, thì lại càng trở nên cực đoan ». Những kẻ quá khích, không bị một cơ chế nào ràng buộc, đã cố tình bạo động, qua đó làm cho ý nghĩa ban đầu của phong trào bị biến chất.

Trong bối cảnh nguy hiểm đó, Le Monde cho rằng các định chế trung gian như công đoàn, đảng phái chính trị, hiệp hội, đại diện dân cử địa phương – mà cả chính phủ cũng như phe Áo Vàng đều tìm cách gạt ra bên lề trong thời gian qua – các cơ chế này phải nhập cuộc trở lại để tránh cho bạo lực tràn lan.

Nhà ở rệu rã : Vấn đề nan giải

Về vấn đề gia cư tại Pháp, Le Monde nêu lên thành tựa chính : « Nhà ở ọp ẹp : Nguyên do một tình trạng tồi tệ (dai dẳng) tại Pháp ».

Le Monde nêu bật tình trạng số lượng nhà ở tồi tàn không ngừng gia tăng tại một số vùng, với khu vực thủ đô và ngoại thành Paris có đến 157300 tòa nhà thuộc diện này, trong lúc Marseille, thủ phủ miền Nam cũng có đến 40.000.

Nhật báo Pháp đã cử người xuống tận Marseille để tìm hiểu thêm về nỗi khổ của khoảng 1.600 cư dân hiện đang phải ăn nhờ ở đậu sau khi bị buộc phải rời bỏ 200 tòa nhà bị xếp vào diện tồi tàn, không còn có thể ở được.

Vấn đề nan giải, theo Le Monde, là đà xuống cấp của các tòa nhà nhanh hơn nhiều so với các nỗ lực nâng cấp, như trường hợp ở vùng ngoại ô Paris. Giới chuyên môn ghi nhận rằng bị rơi vào tình trạng « bệ rạc hóa » nhiều nhất là các loại cao ốc xây dựng trong thập niên 1970, nơi các đồng chủ nhân không còn bỏ tiền ra để tu sửa nữa.

Về phần Nhà Nước Pháp, mặc dù có những luật lệ cấm chủ nhà cho thuê những căn hộ tồi tàn, thiếu vệ sinh, nhưng các cấp hữu trách gần như là không tài nào buộc được chủ nhân các cao ốc bệ rạc bỏ tiền ra nâng cấp các căn hộ của họ trước khi cho thuê, đặc biệt là tại hai nơi : Paris và tỉnh Seine-Saint-Denis sát cạnh thủ đô.

OFO hay mối đau đầu của Bắc Kinh

Liên quan đến châu Á, ngoài thảm họa sóng thần vừa đánh vào Indonesia, hay việc Nhật Bản sắp sửa tái lập việc săn cá voi, viện lẽ một truyền thống lâu đời, Le Monde đã chú ý đến một start-up Trung Quốc đang bị lâm vào khó khăn trong bài ở trang kinh tế : OFO hay mối đau đầu của Bắc Kinh

Theo thông tín viên Le Monde, OFO là một nhãn hiệu Trung Quốc đang được cả thế giới biết đến. Công ty khởi nghiệp start-up này đã chinh phục được thế giới trong một thời gian ngắn kỷ lục, với chiếc xe đạp màu vàng « tự do sử dụng ».

Thế nhưng lúc này, OFO đang bị vướng vào nhiều tai tiếng, với hàng triệu người sử dụng bất bình, với tiền nợ không trả được, và đang trở thành một vấn đề chính trị đối với chính quyền Trung Quốc.

Thứ Sáu, 21/12/2018, một phát ngôn viên bộ Giao Thông đã thúc giục OFO hoàn tiền cho những khách nào yêu cầu.

Theo Le Monde, nếu OFO bị phá sản, thì không chỉ có phá sản kinh tế mà còn là một sự phá sản về môi trường : Xe đạp của OFO có chất lượng rất tồi, cho nên nhiều nơi ở Trung Quốc sẽ là bãi tha ma xe đạp màu vàng.

2019 : Một năm đầy bất trắc cho kinh tế thế giới

Cũng về kinh tế, Le Monde nhìn ra thế giới, xác định rằng 2019 sẽ là một năm nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu. Lý do là vì bối cảnh kinh tế năm 2018 có nhiều yếu tố đã khiến các nhà quan sát lo âu.

Trước hết là nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Bắc Kinh và Washington quả đúng là đã ký kết một cuộc hưu chiến ba tháng trong cuộc đọ sức thương mại giữa hai nước, nhưng nếu trong thời hạn từ nay đến tháng Ba mà hai bên không có được thỏa thuận thực thụ, cuộc chiến có thể lại tái diễn.

Trước mắt, hoạt động kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu khựng lại, và đây là điều đáng lo ngại vì Trung Quốc là một trong những đầu máy thiết yếu của nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, Le Monde cũng thấy là GDP của nước như Đức, Nhật, hay là Ý, Thụy Sĩ cũng đã co thắt lại vào quý ba năm nay. Ngoài ra, vào tháng 12, tăng trưởng của khu vực tư nhân tại các quốc gia sử dụng đồng euro đã bị rơi xuống mức thấp nhất từ 4 năm nay.

Sau cùng, mối đe dọa về một tiến trình Brexit - tức là Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu - trong hỗn loạn, là một nhân tố khiến cho toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2019 trở nên bấp bênh, một nền kinh tế toàn cầu vốn đã tăng trưởng được 3,7% trong năm 2018.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.