Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Cúp Davis, niềm đam mê trăm năm của quần vợt Pháp

Đăng ngày:

Từ ngày 23/11 đến ngày 25/11/2018, tại sân Pierre Mauroy, thành phố Lille, diễn ra loạt trận chung kết tranh Cúp Davis giữa đội tuyển quần vợt Pháp và Croatia. Đây là giải đấu ở cấp độ đội tuyển quốc gia lâu đời có uy tín nhất trong làng banh nỉ thế giới. Đây cũng là Cúp Davis cuối cùng vì bắt đầu từ năm 2019, giải đấu sẽ thay đổi căn bản thể thức và khuôn khổ thi đấu sau hơn thế kỷ tồn tại.

Tổng thống Croatia chúc mừng tay vợt Marin Cilic sau khi chiến thắng tay vợt Lucas Pouille của tuyển Pháp tại Cúp Davis trên sân Pierre Mauroy, Lille, ngày 25/11/2018.
Tổng thống Croatia chúc mừng tay vợt Marin Cilic sau khi chiến thắng tay vợt Lucas Pouille của tuyển Pháp tại Cúp Davis trên sân Pierre Mauroy, Lille, ngày 25/11/2018. REUTERS/Pascal Rossignol
Quảng cáo

Cúp Davis luôn là một giải đấu lớn đối với quần vợt Pháp, hiện là đương kim vô địch. Đây cũng là mùa giải thứ 4 đội tuyển Pháp dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Yanick Noah và cũng là giải đấu cuối cùng của tay vợt cựu vô địch Roland Garros ở Cúp Davis.

Ba mùa làm đội trưởng đội tuyển Pháp (1991, 1996, 2017), Yanick Noah mới chỉ thất bại có một lần : đó là tại Zadar trước đội tuyển Croatia của Marin Cilic. Năm 2018, Yanick Noah không có trong tay một lực lượng như mong muốn. Đội của ông giờ đây gồm toàn những tay vợt liên tục có phong độ thi đấu kém vì chấn thương. Trong đội Pháp không có một tay vợt nào nằm trong top 20. Người Pháp chỉ còn lại một quân chủ bài duy nhất là niềm khát khao giành chiếc Cúp Davis thứ 11. Yanick Noah giải thích :

« Các tay vợt Croatia mạnh hơn chúng tôi. Trên lý thuyết họ mạnh hơn chúng tôi. Bình thường nếu chúng tôi giành được một điểm là tốt rồi, đó là trên lý thuyết. Chúng tôi sẽ cố gắng lật ngược tình thế đó để tạo bất ngờ. Tôi mơ ước giành chiến thắng ở giải cúp cuối cùng này ở Lille. Đây là Cúp Davis cuối cùng ở Pháp, sẽ có rất đông khán giả đến sân, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cùng biến đây là thời điểm có một không hai ».

Chúng tôi không thi đấu ở Cúp Davis như là ở vòng 2 của một giải Grande Chelem. Một trận ở Cúp Davis, dù là trận đầu tiên cũng là trận chung kết, chúng tôi chơi ba trận thì cả ba đều là chung kết. Mà đã là trận chung kết thì phải chơi với cả tinh thần, niềm khát khao. Năng lượng lớn nhất đó là niềm khát khao chiến thắng. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, tôi nghĩ như thế mới đủ ».

Cúp Davis vẫn luôn là niềm say mê của Jérémy Chardy. Mục đích của anh trong giải là, trước khán giả Pháp, giành chiến thắng ở giải đấu huyền thoại cuối cùng này trước khi giải cúp này sẽ thay đổi thể thức vào năm 2019. Anh nói :

« Tôi từng là người nhặt bóng giờ được thi đấu cho đội tuyển Pháp, may mắn được tham dự vào cuộc phiêu lưu này. Đó là một điều gì đó thật không thể tưởng tượng nổi. Mọi người tới đây rất đông trong những ngày cuối tuần này để sống hết mình với giải đấu. Rất tiếc đây là giải Cúp Davis cuối cùng, mọi người đều buồn nhưng chí ít mọi người sẽ đỡ buồn hơn khi đội Pháp ra về với chiếc Cúp Davis cuối cùng ».

Cúp Davis khai tử, giữ lại tên

Vòng chung kết Cúp Davis 2018 giữa Pháp và Croatia lần lày là giải đấu cuối cùng ở thể thức cũ. Bắt đầu từ năm 2019, giải đấu kéo dài lê thê với những trận lượt đi lượt về sẽ được thay thế bằng các trận trên sân trung gian liên tục trong một tuần vào tháng 2 cho vòng loại và 1 tuần vào cuối tháng 11 cho vòng chung kết.

Cúp Davis sẽ được tổ chức lại gọn gàng theo kiểu như một giải vô địch thế giới môn quần vợt theo đội tuyển. Thể thức thi tổ chức thi đấu mới của Cúp Davis đã được Liên Đoàn Quần Vợt Quốc Tế (ITF) bỏ phiếu thông qua hồi tháng 08/2018 tại Orlando, Mỹ.

Vòng chung kết của Cúp Davis mới sẽ diễn ra trong vòng 1 tuần với 18 đội tuyển tham dự. Mỗi trận đấu kéo dài trong 2 séc. Mỗi ngày thi đấu cho một cặp đội tuyển quốc gia theo thể thức loại trực tiếp. Mục đích của cải cách là tạo cho giải đấu gọn nhẹ, hấp dẫn và thu hút được nhiều tài trợ hơn.

Niềm đam mê của người Pháp

Việc giải đấu có lịch sử 118 năm bị khai tử và chỉ giữ lại tên gọi Cúp Davis đã gây nhiều phản ứng tiếc nuối ở nhiều cá nhân và liên đoàn quần vợt trên thế giới, đặc biệt là ở Pháp. Đội trưởng đội tuyển Pháp Yanick Noah lấy làm tiếc vì người ta đã « bán linh hồn của một giải đấu lịch sử ». Nicolas Mahut, tay vợt của đội tuyển Pháp cảm thấy buồn khi thấy « một phần lịch sử của môn thể thao của chúng ta bị tiêu tan vì một nhúm đô la ». Tay vợt chuyên nghiệp khác của Pháp Fabrice Santoro nhận xét : « Một lần nữa kinh doanh lại dẫm chân lên lịch sử và giá trị của thể thao ».

Với quần vợt Pháp, Cúp Davis là cả một lịch sử được viết lên bởi những thời khắc trọng đại, những nỗi thất vọng, những trận đấu phi thường và nhất là không ít chiến thắng.

Cúp Davis với khuôn khổ hiện tại đã gắn bó với người hâm mộ quần vợt Pháp và là niềm đam mê của cả gần một thế kỷ được tiếp nối bởi thế hệ các tay vợt mệnh danh là những « chàng ngự lâm », liên tục giành Cúp bạc từ 1927 đến 1932. Tiếp đó đến thời của Yanick Noah là ba chiến thắng 1991, 1996 và 2017.

Sau khi đăng quang ở Roland Garros năm 1983, tay vợt đa tài của làng banh nỉ Pháp Yanick Noah lại được sống lại trong niềm say mê chiến thắng ở Cúp Davis. Hành trình vinh quang của Yanick Noah ở Cúp Davis được khởi đầu từ cách nay 27 năm, sẽ khép lại sau ngày chung kết tại Lille. Yanick sẽ lại một lần nữa chia tay đội tuyển quần vợt Pháp, sau giải đấu đã từng mang lại cho ông đầy ắp đam mê và chiến thắng này.

Có thể nói trước khi thể thao Pháp nổi lên với câu lạc bộ bóng đá Olympique de Marseille giành chiếc Cúp C1 đầu tiên và trước khi Zidane hay Didier Deschamps với đội tuyển bóng đá Pháp đang quang ngôi vô địch thế giới, thủ quân đội tuyển quần vợt Pháp Yanick Noah đã cùng các tay vợt Henri Leconte và Guy Forget đã viết lên những chương đáng nhớ trong lịch sử thể thao Pháp. Đó là ở giải đấu năm 1991, khi đội tuyển Pháp gồm những tay vợt chưa phải thuộc hạng tên tuổi lớn như Leconte, Forget đã vượt lên trên đội tuyển Mỹ của những tay vợt lừng danh như Pete Sampras và Andre Agassi.

Chiến thắng năm đó của đội tuyển Pháp đã giúp quần vợt nối lại thời hoàng kim của quần vợt Pháp với 6 lần liên tiếp giành Cúp Davis trong thập niên 1920-1930. Tiếp đó một lần nữa, năm 1996, đội tuyển của Yanick Noah lại giành thêm chiến thắng trên sân đấu Malmö, Thụy Điển. Yanick chia tay đội tuyển đến với ca hát. Phải đợi mất 5 năm sau, 2001 trên sân Melbourne, đội tuyển Pháp, lần này dưới sự dẫn dắt của Forget đã giành Cúp bạc, lại làm dấy lên niềm đam mê với giải Cúp Davis của người Pháp càng mãnh liệt hơn.

Phải đợi sự trở lại của Yanick Noah, trên sân nhà Lille, năm 2017, các tay vợt Pháp đã thấy lại niềm vui chiến thắng trước đội Bỉ và mang về chiếc Cúp Davis thứ 10 cho quần vợt Pháp. Chiến thắng này càng củng cố thêm tình yêu không lay chuyển của người Pháp với giải Cúp Davis.

Đó chính là lý do tại sao đại đa số trong làng quần vợt Pháp phản đối cải cách của ITF, coi Cúp Davis như là sự kiện riêng biệt của thể thao Pháp, cho dù đứng về mặt thành tích Pháp vẫn còn thua xa Mỹ với 32 lần đoạt Cúp và Úc với 28 chiến thắng. Dẫu sao thì các tay vợt Pháp cũng được chơi giải đấu cuối cùng theo khuôn khổ truyền thống trên sân nhà. Một chiến thắng trước Croatia mạnh hơn nhiều sẽ mang ý nghĩa lịch sử rất nhiều.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.