Vào nội dung chính
PHÁP - BẮC TRIỀU TIÊN

Pháp: Chìa khóa giúp tháo gỡ cô lập ngoại giao cho Bình Nhưỡng?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có chuyến thăm cấp Nhà nước tại Paris trong vòng bốn ngày, bắt đầu từ thứ Bảy 13/10/2018, trước khi đến dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp Tác Châu Á – Châu Âu (ASEM), tại Bruxelles. Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là chủ đề nghị sự chính trong cuộc gặp của hai nguyên thủ Hàn Quốc và Pháp. Câu hỏi đặt ra: Paris có vai trò gì và có thể làm được gì trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (G) đang tích cực vận động quốc tế nới lỏng trừng phạt cho Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (G) đang tích cực vận động quốc tế nới lỏng trừng phạt cho Bắc Triều Tiên. REUTERS/Caitlin Ochs
Quảng cáo

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng cộng đồng quốc tế nên có các biện pháp “đáp trả tương xứng” vào lúc Bắc Triều Tiên đã có những thiện chí mang tính xây dựng. Seoul khẳng định Bình Nhưỡng “thành tâm” muốn giải trừ hạt nhân. Chế độ Kim Jong Un cho biết chấp nhận để các chuyên gia nước ngoài đến thanh tra bãi thử hạt nhân cũng như là trung tâm hạt nhân Yongbyon, nhưng có điều kiện.

Đáp lại, Seoul mong muốn Liên Hiệp Quốc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Do vậy, chính phủ tổng thống Moon Jae In cần phải thuyết phục được Hội Đồng Bảo An mà Pháp là một trong năm thành viên thường trực. Vì sao là Pháp mà không là các nước khác?

Thứ nhất, tại Hội Đồng Bảo An, tổng thống Hàn Quốc đã có được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, vừa lên tiếng kêu gọi giảm nhẹ trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên.

Thứ hai, không như Anh Quốc, cũng là thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An, Pháp cùng với Estonia là những quốc gia duy nhất trong khối Liên Hiệp Châu Âu chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

Ít nhất 24 trong tổng số 27 nước thành viên Liên Hiệp đã mở đại sứ quán tại Bình Nhưỡng, hay văn phòng đại diện tại vùng Chongjin. Và Bắc Triều Tiên cũng được bốn nước châu Âu là Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan chấp nhận cho mở tòa đại sứ. Dù vậy, Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ chính thức nhìn nhận chế độ Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Pháp cũng chưa bao giờ đoạn tuyệt quan hệ với Bắc Triều Tiên. Theo thông tin từ trang mạng của bộ Ngoại Giao Pháp, trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm 2016 là 8,2 triệu euro. Bên cạnh đó, giữa hai nước có nhiều chương trình hợp tác trao đổi “văn hóa, khoa học và kỹ thuật” và trợ giúp nhân đạo.

Năm 2009, tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy, đã từng giao cho cựu bộ trưởng Văn hóa Pháp Jack Lang “nhiệm vụ thông tin” về Bắc Triều Tiên, để rồi hai năm sau đó cho ra đời Văn Phòng Hợp Tác Văn Hóa và Nhân Đạo của Pháp tại Bình Nhưỡng.

Nhìn lại chặng đường tổng thống Moon Jae In đã đi qua từ đầu năm đến nay: Từ thượng đỉnh Moon – Kim lần I, có thể xem như chất xúc tác cho các thượng đỉnh kế tiếp Kim – Tập hồi tháng 5, rồi Kim – Trump tại Singapore vào tháng 6… cho thấy rõ nỗ lực của tổng thống Moon Jae In đang từng bước tháo gỡ thế cô lập cho quốc gia anh em láng giềng.

Phải chăng trong chiều hướng này, tổng thống Moon Jae In dành đến 4 ngày viếng thăm nước Pháp, để thuyết phục Paris thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bình Nhưỡng? Nếu thành công, chắc chắn đó là chiếc cầu nối cho Bắc Triều Tiên mở rộng quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, bớt bị cô lập trên trường quốc tế, dẫn đến giảm nhẹ cấm vận trong tương lai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.