Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIỂM BÁO

Pháp: Macron tiến về thuế, lùi về môi trường

Thời sự Pháp với hai quyết định đối nội được đánh giá là quan trọng của tổng thống Macron hôm qua dĩ nhiên là đề tài chính được báo giới Pháp ra hôm nay, 05/08/2018 phân tích và bình luận rộng rãi. Đó là bật đèn xanh cho biện pháp khấu trừ tiền thuế ngay trên tiền lương hàng tháng, và đưa đương kim chủ tịch Quốc Hội qua làm bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái, thay thế ông Nicolas Hulot vừa từ chức.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp chính phủ ngày 05/09/2018.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp chính phủ ngày 05/09/2018. LUDOVIC MARIN/ AFP
Quảng cáo

Trên hồ sơ này có lẽ nhật báo thiên tả Libération là tờ đã tóm lược đầy đủ và ngắn gọn nhất toàn cảnh với tựa lớn trang nhất : « Thuế và cải tổ nội các : Một bước tiến và một bước lùi ».

Libération giải thích : « Tổng thống Macron đã gỡ được thể diện khi duy trì chủ trương thu thuế tận gốc, nhưng việc bổ nhiệm ông De Rugy (nguyên chủ tịch Quốc Hội) dự báo cho việc hạ thấp cao vọng về mặt sinh thái ». Xã luận của tờ báo thiên tả với tựa ngắn gọn : « Yên ổn - Confort », cho rằng tổng thống Pháp đã tránh được một thảm họa chính trị với hai quyết định vào hôm qua.

Theo Libération, đèn xanh cho việc thu thuế tận gốc phù hợp hơn với đường lối cải cách mà ông Macron chủ trương, trái hẳn với thái độ dè dặt mà ông đã thể hiện trong những ngày trước đó. Đối với tờ báo, bản thân cải cách này không có gì là cơ bản, người nộp sẽ phải trả thuế chẳng khác gì trước đây, chỉ khác là nhịp độ trả thuế có thay đổi, sắp tới đây sẽ là hàng tháng. Tuy nhiên, giả dụ là ông Macron đẩy lùi một kế hoạch đã được bộ Kinh Tế chuẩn bị từ lâu, điều đó sẽ tạo ra hình ảnh của một chính phủ "nhát gan", thiếu quyết tâm thay đổi và sẵn sàng lùi bước trước bầu cử để khỏi mất lòng cử tri.

Tóm lại, việc thúc đẩy biện pháp cải cách phương thức thu thuế là một quyết định đúng đắn, miễn cho người nộp thuế phải nhức đầu để dành tiền để trả thuế sau, theo từng kỳ.

Đánh giá của Libération về việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm về môi trường tuy nhiên lại nghiêm khắc hơn. Việc bổ nhiệm này chỉ nhằm tìm kiếm sự yên ổn, tránh gây xáo động, do đó đã gởi đi thông điệp là không nên mong đợi chính phủ có những quyết định táo bạo về mặt sinh thái như cựu bộ trưởng Nicolas Hulot từng mong muốn.

Theo Libération, tất cả các thành phần « hoài nghi ích lợi của việc bảo vệ sinh thái » tại Pháp đã không nhầm lẫn chút nào khi đồng thanh lên tiếng ca ngợi đức tính gọi là « thực tế » của François De Rugy, vị tân bộ trưởng môi trường, một người xuất thân từ đảng Xanh, từng cho rằng sinh thái phải quan tâm đến các giới hạn mà kinh tế đặt ra.

Đối với tờ báo, những hạn chế kinh tế là có thật, nhưng trong bối cảnh vấn đề khí hậu đã trở thành khẩn cấp, tính thực tế đúng nghĩa phải chăng là phải làm nhiều hơn cho hành tinh, thay vì làm ít đi ?

Thay vì cải tổ cách thu thuế, nên giảm thuế thì hơn

Trên cùng một sự kiện, nhật báo Le Figaro thiên hữu nhấn mạnh trên vế liên quan đến thuế trong tựa lớn trang nhất : « Thu thuế tận gốc : Rốt cuộc thì sẽ thu ». Xã luận của tờ báo đã tỏ ý tiếc rằng chính phủ Pháp đã làm cho tình hình rối ren một cách vô ích: « Làm lớn chuyện chỉ vì thế thôi sao ! »

Cũng như đồng nghiệp Libération, Le Figaro cho rằng chuyện thay đổi phương thức thu thuế chẳng có gì là quan trọng, thế mà chính phủ của ông Macron lại khuấy động truyền thông, trong lúc chuyện cần làm là phải ưu tiên thúc đẩy việc giảm thiểu chi tiêu công cộng.

Khi dùng lại một biện pháp được chính quyền tiền nhiệm của ông Hollande khởi sự, ông Macron đã chấp nhận một rủi ro là nếu chẳng may sự việc không suông sẻ thì ông sẽ là người duy nhất phải chịu trách nhiệm.

Đối với Le Figaro, giá mà ông Macron tập trung cho việc tìm cách giảm thuế cho dân, thay vì cải tổ cách thu thuế, thì có lẽ điều đó sẽ hữu ích hơn và có lợi hơn cho uy tín của ông.

Cải tổ thuế tốn kém gần 200 triệu euro

Le Figaro cũng nêu lên hai số liệu thú vị về biên pháp thu thuế tận gốc sắp được áp dụng. Trước hết, việc chuẩn bị và thông tin, tuyên truyền cho biện pháp này tốn kém cho ngân sách nhà nước gần 200 triệu euro, chính xác là 195 triệu, theo nữ dân biểu Cendra Motin, tác giả một bản phúc trình về biện pháp này.

Số liệu thứ hai là đã có đến 63% người được hỏi tán đồng việc thu thuế tận gốc, căn cứ theo một cuộc điều tra dư luận của hãng Odoxa vừa được công bố. Tỉ lệ đồng ý cao này có lẽ đã góp phần thúc đẩy tổng thống Pháp bật đèn xanh cho việc áp dụng chủ trương đó.

Miến Điện: Uy tín quốc tế của Aung San Suu Kyi sụp đổ hoàn toàn

Thời sự châu Á bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu, nhưng rất đáng chú ý có lẽ là bài phân tích trên nhật báo Công Giáo La Croix : « Huyền thoại Aung San Suu Kyi sụp đổ ».

Đối với Dorian Malovic, phóng viên báo La Croix, vốn đã bị sứt mẻ nghiêm trọng vì thái độ bênh vực chiến dịch thanh lọc người Rohingya do quân đội Miến Điện tiến hành, sự im lặng của bà Aung San Suu Kyi sau bản án 7 năm tù đối với hai nhà báo người Miến Điện của hãng tin Reuters, lại càng phá thêm uy tín ở nước ngoài của nhân vật ly khai được tôn trọng trước đây.

Khi lên cầm quyền ở Miến Điện cách nay hai năm, giải Nobel Hòa bình 1991 đã từng được đón mừng như người khai mở « một thời đại mới cho dân chủ ». Thế nhưng, từ đó đến nay bà đã không ngừng gây thất vọng, có thể nói là đã phản bội lại sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế.

Sau khi phủ nhận vào tuần trước những tố cáo trong bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về vụ tàn sát người Rohingya, bà lại im tiếng cho đến nay sau vụ kết án hai nhà báo Reuters, vốn đã điều tra về những vụ thảm sát người Rohingya do quân đội tiến hành.

Vào tuần qua, cựu Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al-Hussein đã không ngần ngại gọi bà là « phát ngôn viên của quân đội Miến Điện ». Bà Michelle Bachelet, người lên thay thế ông Al-Hussein, đã kêu gọi trả « tự do ngay và vô điều kiện » cho hai nhà báo Reuters.

Maung Zarni, một nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và đấu tranh cho người Rohingya, còn tiết lộ rằng bà Aung San Suu Kyi đã không hề im tiếng về trường hợp hai nhà báo : Khi trả lời một kênh truyền hình Nhật Bản, bà gọi hai người này là những kẻ phản bội.

Nhà ly khai trước đây đã từng bị quản thúc nhiều năm dài thời chế độ quân phiệt, từng kêu gọi tự do ngôn luận và dân chủ, gần đây còn được ví với đức Đạt Lai Lạt Ma, Nelson Mandela hay Martin Luther King. Nhưng bây giờ thì bà bảo vệ chiến dịch tuyên truyền của quân đội và tố cáo « tảng băng sơn về tin thất thiệt » của truyền thông phương Tây đã từng bảo vệ bà một cách mạnh mẽ trước đây khi tố cáo chế độ quân phiệt Miến Điện.

Theo Maung Zarni, « Hiện cũng có một thành phần đối lập nhỏ chống bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, nhưng tư tưởng phong kiến Miến Điện ngăn cản mọi sự chống đối thực sự nhắm vào quân đội cũng như bà, người vẫn còn được xem là 'Quốc Mẫu' ».

Nhưng ở nước ngoài thì huyền thoại Aung San Suu Kyi đã sụp đổ.

Thảm kịch sắp xẩy ra ở Syria, phương Tây vô phương ngăn chặn

Về tình hình Syria, hầu như tất cả các báo đều lên tiếng báo động về một thảm kịch mới sắp đổ lên đầu của khoảng 2,5 triệu cư dân tại tỉnh Idlib, trong bối cảnh liên quân Nga và chế độ Damas chuẩn bị tấn công vào cứ địa cuối cùng của phiến quân ở miền đông bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhật báo La Croix đã nêu bật nỗi lo trong bài viết mang tựa đề « Vùng Idlib tại Syria, đối tượng của mọi nỗi lo ngại ». Tờ báo cho rằng một cuộc tấn công vào khu vực này của lực lượng chế độ Damas và các đồng minh của họ, chủ yếu là Nga, đã cận kề, bất chấp số phận bấp bênh của khoảng 2,5 triệu thường dân, vốn đã phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt.

Bài xã luận của tờ báo lên tiếng báo động về một « bi kịch » sắp diễn ra, và kêu gọi quốc tế nói với Nga rằng nếu muốn hòa giải với châu Âu và Hoa Kỳ, họ không được quyền giúp Damas tấn công chiếm lại vùng Idlib nếu số phận các thường dân không được chú ý.

Trong bài xã luận của mình mang tựa : « Syria, Nga đối mặt với thùng thuốc súng Idlib », báo Le Monde nêu bật vai trò then chốt của Nga trong chiến dịch Idlib.

Châu Âu vẫn còn khả năng thuyết phục Nga

Theo Le Monde, một cách có hệ thống, chế độ Damas với hậu thuẫn của hai đồng minh Nga và Iran, đã lần lượt chiếm lại tất cả các nơi kháng cự với họ ở Syria. Hiện chỉ còn sót lại Idlib, nơi gần 3 triệu thường dân sinh sống, trong đó 1 triệu là người di tản.

Cuộc tấn công vào Idlib, hồi chót của chiến dịch tái chiếm lãnh thổ này xem ra không thể tránh khỏi. Quân lính đã tập trung, thông báo rất cứng rắn, nhưng tầm quan trọng của những gì diễn ra đối với Idlib đi xa hơn là việc di dời chiến tuyến. Idlib không chỉ là biểu tượng trận đánh cuối cùng của một cuộc chiến rất tàn khốc, mà còn là cuộc khủng hoảng đầu tiên của thời hậu chiến tại Syria với Nga nắm vai trò then chốt.

Theo Le Monde, tổng thống Nga Vladimir Putin nắm chủ bài. Ông có thể cho mở một cuộc tấn công ồ ạt, hay ngược lại giới hạn cuộc tấn công của lực lượng Damas ở ngoài rìa Idlib. Việc gây hỗn loạn ở quy mô lớn hay là tạo ra một cuộc chiến tranh cân não, hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của ông.

Châu Âu sẽ bị tác động trực tiếp nếu kịch bản hỗn loạn diễn ra ở Idlib, không tốn kém gì nhiều đối với Matxcơva, nhưng hậu quả nhân đạo sẽ không tránh khỏi.

Người dân Idlib sẽ tháo chạy lánh nạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã đón 3 triệu người tị nạn Syria sẽ không kham nổi nữa. Một làn sóng di dân mới sẽ đe dọa Châu Âu trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.

Ghi nhận về tình hình cũng đơn giản thôi : Mỹ rút lui, Nga làm trọng tài khu vực. Ông Putin chờ đợi Châu Âu tài trợ tái thiết một Syria kiệt quệ mà ông Bachar Al-Assad, người giết hại dân của mình, sẽ lãnh đạo. Châu Âu có đòn bẩy tài chính, nhưng phải biết sử dụng để tránh kịch bản này và đòi một sự chuyển tiếp chính trị ở Damas.

Phe cực tả đầy tham vọng tại Đức

Tại châu Âu, phong trào bài ngoại, chống người nhập cư tại Đức tiếp tục là mối quan ngại của báo chí Pháp, nhất là khi xu hướng này không còn là độc quyền của các thành phần cực hữu, mà đã lan sang cánh cực tả, với sự xuất hiện của phong trào Đứng Dậy (Aufstehen) do bà Sahra Wagenknecht, thủ lãnh đảng cực tả Die Linke khởi xướng.

Báo La Croix ghi nhận tham vọng của người được mệnh danh là « Mélenchon của nước Đức » này, một nữ kinh tế gia 49 tuổi, là tập hợp được toàn bộ cảnh tả Đức dưới trướng của mình.

Bản thân bà Wagenknecht cũng không che giấu việc bà đã lấy cảm hứng từ phong trào Nước Pháp Bất Khuất của ông Jean-Luc Mélenchon cũng như phong trào Podemos tại Tây Ban Nha.

Báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến phong trào « Đứng Dậy » của bà Wagenknecht, xác định rằng thành viên hiện tại của phong trào bao gồm những người từ đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), đảng Xanh, và Đảng Die Linke.

Phong trào này chủ trương gây sức ép trên các đảng truyền thống để khởi động một chính sách xã hội mới. Theo Les Echos, phong trào này hiện đã có hơn 100.000 người ủng hộ… trên mạng.

Âm mưu khủng bố của một nhóm « siêu » cực hữu Pháp

Cũng về nước Pháp, trái với các đồng nghiệp báo Le Monde và La Croix không dành tựa đầu trang nhất cho chính trị, mà chú ý đến vấn đề xã hội.

Le Monde đã chạy tựa lớn : « Cuộc điều tra về dự án khủng bố của các phần tử cực hữu cực đoan (Ultradroite) ». Hai tháng sau vụ câu lưu 13 người thuộc nhóm cực hữu này, báo Le Monde đã tìm hiểu thêm về những dự án khủng bố của họ.

Trong lần thẩm tra đầu tiên của ngành tư pháp, thành viên của nhóm Hành Động Lực Lượng Tác Chiến (Action des forces opérationnelles - AFO), đã mô tả việc chuẩn bị như thế nào, xác định mục tiêu ra sao… với những vụ dự kiến là ám sát giáo sĩ Hồi Giáo cực đoan, tấn công đền thờ Hồi giáo, đầu độc thực phẩm Hallal bán ở siêu thị.

Những người bị truy tố không phải những kẻ đầu trọc hay là thành phần cá biệt, bị gạt ra bên lề xã hội. Tuổi từ 32 đến 69, họ là những cựu quân nhân hay cảnh sát, giáo viên, y tá...Họ khẳng định kế hoạch của họ chỉ là những ý tưởng vu vơ, chứ không hề có ý định hành động thực sự.

Công cuộc tái thiết chậm chạp trên lãnh thổ hải ngoại bị bão Irma

Báo La Croix cũng nhìn về Pháp, nhưng dành tựa trang nhất cho một vùng lãnh thổ Pháp ở hải ngoại xa xôi : « Một năm sau, công cuộc tái thiết vẫn chậm chạp tại đảo Saint Martin ».

Tờ báo nhắc lại là trong đêm 05, rạng ngày 06 tháng 9 năm 2017, bão Irma đã tàn phá vùng biển Caribê, giết chết 11 người ở Saint-Martin.

Sau cơn bão, 95% nhà cửa đã bị hư hại ở các mức độ khác nhau ở Saint-Martin và Saint-Barthélemy. Tái thiết đã bắt đầu nhưng phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến đặc thù địa phương. Các công trường thường bị chậm trễ, và một phần dân số vẫn sống trong những điều kiện bấp bênh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.