Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO - PHÁP

Bộ trưởng môi trường Hulot từ chức : Vố đau bất ngờ cho TT Pháp Macron

Hiếm khi mà báo chí lại thống nhất ý kiến với nhau về chủ đề khai thác, nhưng đó là điều đã xảy ra với các nhật báo Pháp ra ngày 29/08/2018 : Trên toàn bộ các trang nhất là tựa lớn về sự kiện ông Nicolas Hulot vừa tuyên bố từ chức bộ trưởng Bộ Môi Trường hôm qua, bên trên những bức  ảnh chụp ông Hulot dưới mọi góc cạnh.

Ông Nicolas Hulot khi đương nhiệm bộ trưởng Bộ Môi Trường hồi tháng 12/2017 tại phủ thủ tướng Matignon.
Ông Nicolas Hulot khi đương nhiệm bộ trưởng Bộ Môi Trường hồi tháng 12/2017 tại phủ thủ tướng Matignon. REUTERS/Charles Platiau/File Photo
Quảng cáo

Báo Le Monde chạy tựa một cách khách quan, trích lời cựu bộ trưởng đã đưa ra để giải thích quyết định của mình : « Nicolas Hulot từ chức : “Tôi không muốn tự dối lòng” ».

Tờ báo thiên hữu Le Figaro và nhật báo kinh tế Les Échos thì cùng nêu bật trong tựa chính tác động của vụ từ chức này trên chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron. Trong lúc Le Figaro ghi nhận « Sự ra đi của ông Hulot phá hoại ngày trở lại làm việc của chính phủ Pháp » sau kỳ nghỉ hè, thì Les Échos nói thẳng : « Hulot làm suy yếu Macron bằng cách lấy lại tự do ».

Tờ báo thiên tả Libération đã lên tiếng bênh vực vị cựu bộ trưởng trong câu hỏi đặt thành tựa : « Tại sao Hulot lại có lý ? », trong lúc nhật báo Công Giáo La Croix thì nhìn sự kiện dưới một lăng kính toàn diện hơn và tự hỏi : « Phải chăng (bảo vệ) sinh thái là một nhiệm vụ bất khả thi ? ».

Thêm một vố đau bất ngờ cho Macron

Nhìn chung, tất cả các báo đều nhấn mạnh trên tính chất đột ngột trong việc ông Hulot tuyên bố từ chức, và tác động của sự kiện này đối với chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Theo Les Échos, vị bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái đã biện minh cho quyết định từ chức bằng cách lên tiếng tố cáo những động thái « kháng lại » chủ trương thay đổi mô hình năng lượng của Pháp và lên án trọng lượng của những « nhóm áp lực vận động hành lang » đang ảnh hưởng lên chính quyền Pháp. Phản ứng trước thông tin về việc ông Hulot từ chức, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định rằng tham vọng bảo vệ môi trường của ông vẫn còn nguyên vẹn.

Theo tờ báo kinh tế, khi bất ngờ loan báo quyết định từ chức nhân một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh sáng hôm qua, 28/08, ông Hulot đã khiến mọi người ngỡ ngàng, kể cả hai lãnh đạo hàng đầu của nước Pháp là tổng thống Macron và thủ tướng Édouard Philippe.

Đối với Les Échos, sự từ chức của nhân vật số ba trong chính phủ đã « mở ra một cuộc khủng hoảng chính trị », gây thêm rắc rối cho công việc của chính phủ Pháp. Hành động này của ông Hulot còn là một vố đau cho bản thân tổng thống Pháp Macron, người mà cách nay hơn một năm, đã tỏ ra rất hãnh diện vì thuyết phục được nhà đấu tranh sinh thái rất được lòng dân này tham gia chính phủ, điều mà hai người tiền nhiệm của ông Macron là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande đều không làm được.

Báo Le Monde cũng cùng một nhận định khi cho rằng « sự kiện một nhân vật rất được người dân mến mộ rời bỏ chính quyền đặt ra một vấn đề chính trị quan trọng cho tổng thống Macron, người mà từ hơn một năm nay đã cố sức tránh không để xẩy ra tình trạng đó ».

« Cái tát » vào thời điểm tồi tệ nhất đối với tổng thống Pháp

Nhận xét cay đắng nhất về tác hại của việc ông Hulot từ chức đối với tổng thống Macron được thấy trong bài xã luận của Le Figaro.

Theo nhật báo thiên hữu, khi lôi kéo được ông Hulot tham chính, tổng thống Macron quả là đã có được một thành công chính trị ngoạn mục. Sự ra đi của vị bộ trưởng mang tính biểu tượng nhất trong nội các của ông, đã trở thành một cái tát tương ứng với thành công đã qua.

Theo tác giả bài xã luận, cả hai ông Macron và Hulot đều thấy rõ ngay từ đầu các rủi ro to lớn mà cả hai có nguy cơ phải đối phó. Nhà đấu tranh vì sinh thái nhận thức rõ rằng khi lên làm bộ trưởng, ông sẽ phải  chấp nhận thỏa hiệp và ngậm bồ hòn làm ngọt. Và người đứng đầu nhà nước Pháp cũng biết rằng ông sẽ liên tục bị lệ thuộc vào tâm trạng day dứt, dằn vặt của người chẳng khác gì nhân vật Hamlet trong kịch của Shakespeare (nổi tiếng với câu nói “to be or not to be”).

Thế nhưng sau khi ông Hulot dứt áo ra đi, người bị tổn hại nhiều nhất, theo Le Figaro, lại chính là tổng thống Macron. Nếu ông Hulot chỉ cay đắng vì bị vỡ mộng, ông Macron đã bị mất uy tín đáng kể, nhất là khi sự có mặt của ông Hulot trong dàn bộ trưởng từng cho phép tổng thống Pháp nhấn mạnh đến tài đổi mới đời sống chính trị của ông.

Việc ông Hulot bỏ cuộc giữa chừng do đó là một thất bại cá nhân của ông Macron, nhất là khi chính ông là người đã làm cho giọt nước tràn ly khi công khai tỏ thái độ chiều chuộng quá mức giới thợ săn được mời đông đảo đến phủ tổng thống dự một cuộc họp, trong đó có những đối thủ có thể nói là “truyền kiếp” của ông Hulot trong cuộc đấu tranh bảo vệ động vật. Tổng thống Pháp, theo Le Figaro, đã đánh giá sai sự nhậy cảm của vị bộ trưởng của mình.

Điểm đáng nói là ông Hulot là một nhân vật rất được người Pháp yêu mến và tôn trọng, việc ông làm bộ trưởng đã giúp chính phủ của ông Macron tăng gia uy tín trong bối cảnh hoài nghi gần như toàn diện đối với giới « chính khách ». Nay ông lại ra đi với lý do là không thể làm được việc với chính quyền hiện tại, quyết định này rõ ràng làm chính phủ Macron mất uy tín.

Một điểm hệ trọng khác là cho đến nay, ông Macron đã thành công trong việc cho thấy mình là con người của khẩu hiệu « Make the Planet Great Again - "Hãy làm cho hành tinh vĩ đại trở lại" », một chính khách đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ sinh thái trên hành tinh, bất chấp sự rút lui của Donald Trump và sự chậm chạp của Trung Quốc. Do vậy, Le Figaro tự hỏi : « Có gì tồi tệ hơn là việc người tin tưởng vào quyết tâm đó lại rũ áo ra đi ? »

Le Figaro kết luận : Sau một mùa hè bị khủng hoảng bất ngờ do vụ Benalla, và trước một mùa thu sẽ bị các quyết định về ngân sách khuấy động, việc ông Hulot từ chức đã tạo thêm cho tổng thống Pháp một cuộc khủng hoảng mới cần giải quyết.

Ý-Hung : Tiến tới một liên minh chống Liên Hiệp Châu Âu

Về tình hình châu Âu, các báo Pháp cũng rất chú ý đến sự kiện hai lãnh đạo Hungary và Ý bắt tay nhau để thành lập một trục liên kết chống Liên Hiệp Châu Âu và chống nhập cư.

Báo Les Échos đã chú ý đến chuyến thăm Ý vào hôm qua 28/08 của thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông đã đến thành phố Milano gặp gỡ bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini. Đối với tờ báo Pháp, không mơ hồ gì cả, hai nhân vật cực hữu này đang thúc đẩy việc hình thành một mặt trận dân tộc chủ nghĩa sô vanh ở Châu Âu, nhằm thay đổi luật chơi của Liên Hiệp Châu Âu.

Theo Les Échos, hai nhân vật lãnh đạo thường xuyên gây tranh cãi này đều có một kẻ thù chung – Bruxelles - và chia sẻ cùng một ưu tiên : Đóng kín các biên giới phía ngoài của Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên dù cùng chung một mục tiêu là chống nhập cư, quyền lợi của mỗi bên lại khác nhau. Roma không bỏ lỡ cơ hội nào để yêu cầu thực thi kế hoạch phân bổ số  người nhập cư muốn đặt chân lên lãnh thổ Ý, trong lúc chủ trương của Budapest thì dứt khoát bác bỏ kế hoạch của Liên Hiệp Châu Âu.

Nhật báo Le Figaro cũng chạy tựa « Salvini et Orban tạo dựng trục bài Châu Âu », ghi nhận là sau một tiếng đồng hồ gặp nhau ở Milano, thủ tướng Hungary Orban và bộ trưởng Ý Salvini đã cho thấy quyết tâm chung là thay đổi luật chơi bên trong Liên Hiệp Châu Âu.

Người đứng đầu khối nước Đông Âu gọi là nhóm Hiệp Ước Visegrad (Hungary, Ba Lan, Cộng Hòa Séc và  Slovakia), đã tái khẳng định quan điểm chống lại việc cho người nhập cư bất hợp pháp định cư tại Hungary. Trong khi đó, đối với bộ trưởng Ý Salvini, thì chỉ có một giải pháp là đưa những người này hồi hương.

Lãnh đạo Liên Đoàn Phương Bắc cực hữu ở Ý còn kêu gọi những người chủ trương chủ quyền quốc gia tối thượng ở mọi nước ở châu Âu thành lập một liên minh mạnh mẽ để « xây dựng một Châu Âu khác », một Châu Âu mà chủ quyền quốc gia sẽ cao hơn là tinh thần liên đới cộng đồng.

Bạo động kỳ thị chủng tộc lại bùng lên ở Đông Đức

Các vụ bạo động và săn đuổi để đánh đập người nước ngoài ở thành phố Chemnitz, miền đông nước Đức đã được hầu hết các tờ báo Pháp quan tâm.

La Croix ghi nhận « Các vụ bạo động kỳ thị chủng tộc làm rung chuyển nước Đức », trong lúc Le Figaro thì tỏ ý lo ngại trước « Lòng thù ghét dân nhập cư gia tăng tại Chemnitz ». Riêng Le Monde đã nói đến những vụ « “Săn đuổi” người nhập cư ở Chemnitz ».

Đối với Le Monde, chính các phong trào cực hữu, đảng AfD và phong trào Pegida đã kích động hai ngày bạo động liên tiếp tại thành phố miền đông nước Đức này, ở bang Saxe, nơi mà các phong trào cực hữu rất mạnh.

Theo Le Monde, đảng cực hữu AfD đã gây nên một cuộc động đất chính trị khi trở thành lực lượng chính trị khu vực hàng đầu tại bang này, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2017. Tại nơi đây, từ năm 2015 đến nay, các trung tâm đón người tị nạn luôn bị tấn công.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là những cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật và thứ Hai vừa qua ở Chemnitz, do AfD và Pegida dẫn đầu, với những vụ xô xát với cảnh sát và những người chống biểu tình phe cực tả, và nhất là những vụ « săn đuổi » và đánh đâp người nhập cư, đã có tiếng vang lớn ở Đức, làm dấy lên lo ngại trước hành vi bạo động của các phần tử cực đoan nhất trong các nhóm cực hữu trên vấn đề nhập cư.

Báo La Croix thì ghi nhận một trùng hợp khá mỉa mai : thành phố Chemnitz, nơi vừa xẩy ra những vụ bạo động kỳ thị chủng tộc làm rung chuyển nước Đức lại chính là thành phố có tên Thành Phố Karl Marx như được gọi thời Đông Đức cũ.

Đối với tờ báo Công Giáo Pháp, từ hôm Chủ nhật vừa qua, thành phố đã biến thành « sân chơi của phe cực hữu », đặc biệt với cuộc biểu tình thứ Hai đã tập hợp được đến 6.000 người, đến từ mọi nơi trên nước Đức, cả từ những nước láng giềng.

Le Figaro cũng nêu bật tình trạng lòng ghét người nhập cư dâng cao ở Chemnitz. Đối với tờ báo Pháp, cảnh bạo động trên đường phố, những lời lẽ nêu lên nỗi lo sợ và tức giận, những hành động chào kiểu quốc xã giữa thanh thiên bạch nhật… đã tạo nên tâm lý nghi ngờ về khả năng nước Đức buộc được người dân tôn trọng nhà nước pháp quyền.

Đối với Le Figaro, sự kiện ở Chemnitz, nghiêm trọng ở chỗ cảnh tượng những thành phần cực hữu hung hăng săn đuổi người nước ngoài trên đường phố đã gợi lại cảnh truy bắt người Do Thái ở Đức những năm 1930.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.