Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - DI DÂN

Hồ sơ di dân : Khi những nền dân chủ không hỏi ý dân

Khủng hoảng chính trị tại Đức vì hồ sơ di dân ; thắng lợi lịch sử của cánh tả Mêhicô và World Cup, mùa « hốt bạc » cho các nhà mạng cá độ bóng đá tại Pháp.

Thủ tướng Angela Merkel and bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer tại cuộc họp ở Berlin, ngày 03/07/2018.
Thủ tướng Angela Merkel and bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer tại cuộc họp ở Berlin, ngày 03/07/2018. REUTERS/Hannibal Hanschke
Quảng cáo

Tình hình chính trị tại Đức những ngày qua bỗng trở nên căng thẳng dữ dội, làm lung lay liên minh cầm quyền, khiến Liên Hiệp Châu Âu lo ngại nguy cơ tan rã chính phủ Đức và phải tổ chức  lại bầu cử. Nguyên nhân là đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa Giáo CSU chỉ trích chính sách di dân của bà Angela Merkel là quá hào phóng và đồng thuận đạt được giữa các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong kỳ họp thượng đỉnh cuối tuần qua là « chưa đủ ».

Bộ trưởng Nội Vụ, đồng thời chủ tịch đảng CSU, Horst Seehofer dọa từ bỏ cả hai chức vụ mà ông đang nắm giữ. Theo Libération và La Croix, với tuyên bố đó, rõ ràng « ông Seehofer đang thách thức Angela Merkel ». Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Figaro, nhờ vào tính cách trầm tĩnh, kiên nhẫn, bà « Merkel đã thoát được một cuộc khủng hoảng ».

Khi người dân không được tham khảo

Dù vậy, nhà báo Renaud Girard, trên mục Ý Kiến của Le Figaro, trong bài viết đề tựa « Chính sách di dân và nền dân chủ », cho rằng trong vụ việc này có phần trách nhiệm của bà Angela Merkel, vì bà đã có những quyết định đơn phương gây hậu quả to lớn cho nước Đức và trong một chừng mực nào đó cho châu Âu, như là những gì đảng CSU chỉ trích.

Renaud Girard nhắc lại vào năm 2015, thủ tướng Đức trong một phút xúc động đã bất ngờ thông báo tiếp nhận 800.000 người tị nạn. Quyết định này đã làm dịch chuyển hàng triệu con người khốn khổ đến từ Trung Đông, Trung Á và châu Phi. Họ lũ lượt tràn vào nước Đức, vì nghĩ rằng đó là một nhà nước pháp quyền, một đất nước phồn thịnh, ôn hòa, ổn định, không bạo lực. Họ còn được cung cấp lương thực, được chỉ dẫn và được hưởng chăm sóc y tế miễn phí. Rõ ràng, Đức là một thiên đường.

Thế nhưng, đây là một quyết định đơn phương của thủ tướng Đức. Bà đã không tham vấn bất kỳ ai, kể cả các bộ trưởng, nghị sĩ, các đối tác châu Âu, cũng như các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và nhất là không tham khảo ý kiến người dân. Tác giả lưu ý là trước khi có quyết định đơn phương này, cách đó vài tháng, bà Angela Merkel từng nói rằng chính sách đa dạng văn hóa không còn phù hợp với châu Âu.

Vậy nên chăng phải tham vấn người dân trước khi biến đổi nước Đức thành một xã hội đa văn hóa ? Chẳng phải nền dân chủ bao gồm cả việc hỏi ý kiến người dân về những vấn đề quan trọng hay sao ? Phải chăng nền dân chủ không được dùng để cho người dân có thể tự do quyết định vận mệnh của mình ?

Đây cũng chính là những gì nước Pháp đã trải qua. Tác giả lược lại một loạt các chính sách di dân có từ năm 1976, đơn phương ban hành mà không hề tham khảo ý kiến của dân. Chỉ có một lần duy nhất là vào năm 1962. Vào thời điểm đó, tướng De Gaulle vì không muốn giữ các tỉnh thuộc địa Algeri trước các cuộc nổi dậy của người Ả Rập, giương cờ Hồi Giáo cực đoan, nên đã tổ chức trưng cầu dân ý và đã được người dân đồng tình.

Vậy mà 56 năm sau, người dân Pháp thông qua các hàng tít lớn trên các nhật báo cho hay « 450 tù nhân Hồi Giáo cực đoan sắp được trả tự do », bất chợt khám phá ra rằng người ta đã áp đặt cho đất nước một mô hình xã hội đa văn hóa mà họ không hề muốn.

Tác giả kết luận: Tình cảnh này giờ cũng tương tự tại Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ… Ai cũng hiểu rằng xã hội hiện đại sẽ được phồn thịnh hơn nhờ vào sự pha lẫn các nền văn hóa. Nhưng tại một đất nước dân chủ, ít ra người dân cũng phải được tham vấn về tầm mức của sự đa dạng văn hóa mà họ sẽ phải quản lý sau đó.

Mêhicô : Thắng lợi lịch sử của cánh tả

Một chủ đề khác cũng được các nhật báo Pháp quan tâm nhiều đến là thắng lợi của cánh tả Mêhicô trong cuộc bầu cử tổng thống hôm Chủ Nhật 01/07/2018 vừa qua. Le Monde trên trang nhất chạy tít lớn : « Mêhicô, thắng lợi lịch sử của cánh tả ».

Le Figaro thì có bài viết : « Mêhicô, cánh tả lên cầm quyền sau chiến thắng của AMLO », tên viết tắt của tổng thống tân cử Mêhicô. Với La Croix, « Mêhicô chọn cho mình một tổng thống cánh tả ».

Bài viết có tựa đề « AMLO, hành trình của kẻ đơn độc » trên Libération tóm tắt lại con đường đi đến thắng lợi của Lopez Obrador. Sau hai lần thất bại trong các kỳ bầu cử trước, ông đã thực hiện tốt nhiều chính sách xã hội khi còn ở cương vị thị trưởng thành phố Mêhicô.

Giờ đây đã trở thành tổng thống, « Lopez Obrador muốn quét sạch nạn tham nhũng tại Mêhicô mà không muốn làm hoảng sợ các nhà đầu tư », như nhìn nhận của Les Echos. Theo nhiều nhà quan sát, tổng thống tân cử vẫn tiếp tục phát triển chương trình kinh tế của phe bảo thủ.

Hạt nhân : Cả thế giới bị Bắc Triều Tiên đánh lừa ?

Về thời sự châu Á, một số nhật báo Pháp chú ý đến những tiết lộ gần đây của truyền thông và tình báo Mỹ nghi ngờ Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân bất chấp những cam kết tại thượng đỉnh Singapore.

Les Echos gần như khẳng định « Kim Jong Un tăng tốc chương trình hạt nhân ». Khẳng định này một lần nữa làm dấy lên « những nghi ngờ về sự thành tâm của Bình Nhưỡng » như ghi nhận của Le Figaro. Theo hai nhật báo, các phân tích hình ảnh của các chuyên gia Mỹ cho thấy là Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ tham vọng quân sự của mình. Điều đáng ngạc nhiên là thái độ im lặng khó hiểu của ông Donald Trump về những tiết lộ này.

Ánh đèn đêm, kẻ thù của côn trùng ?

Trong lĩnh vực khoa học, Le Figaro đặt câu hỏi : « Phải chăng ánh đèn đêm đang thúc đẩy nhanh hơn nữa sự suy thoái của côn trùng ? ».

Bài báo nhắc lại vào tháng 10/2017, một nghiên cứu của Đức đã gióng lên một hồi chuông báo động, kêu gọi ý thức của người dân về một cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra tại các vùng nông thôn. Trong vòng 27 năm, số lượng loài côn trùng có cánh đã biến mất đến 75% tại nhiều nơi ở Đức. Một thảm họa không chỉ đối với loài côn trùng, mà còn cho tất cả các loài sinh vật nào, đặc biệt là loài chim, sống nhờ ăn côn trùng.

Đương nhiên, nền nông nghiệp thâm canh, việc sử dụng ồ ạt chất diệt côn trùng, và khí hậu ấm dần là những nguyên nhân chính. Nhưng những yếu tố này chưa đủ để giải thích sự suy thoái đột ngột của lượng ruồi, muỗi, bướm và nhiều loài côn trùng có cánh khác tại các vùng nông thôn.

Theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học người Đức khác, đăng trên Tập san Sinh học Ứng dụng (Annals of Applied Biology), dường như ánh đèn đêm cũng góp phần làm suy giảm dân số côn trùng ở nông thôn.

Khi quan sát nhiều khu vực có tình trạng ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng trong vòng 27 năm, những nơi không bao giờ tối vào ban đêm, các nhà khoa học nhận thấy « 60% các loài động vật không xương sống là loài ăn đêm và chúng sử dụng các nguồn ánh sáng để định hướng, tránh loài săn mồi, tìm kiếm thức ăn và sinh sản ».

World Cup : Mùa « hốt bạc » cho các nhà mạng đánh cược

Cuối cùng, World Cup 2018 là một chủ đề không một nhật báo nào có thể bỏ qua. Báo Pháp như vẫn còn ngây ngất về chiến thắng 4-3 của đội nhà trước Achentina.

Le Monde dành một góc nhỏ trên trang nhất đề tựa : « Mbappé : 19 tuổi, 6 tháng, 10 ngày… và 90 phút để mơ ước ». Tờ báo phác họa vài nét về cầu thủ trẻ Kylian Mbappé, người đã lập kỳ tích ghi hai bàn thắng trong một trận đấu.

Le Figaro và La Croix đặc biệt chú ý đến một người thân cận của huấn luyện viên đội Pháp, ông Guy Stephane. Với Le Figaro, nhân vật xứ Bretagne này là người duy nhất Didier Deschamps có thể « lắng nghe ». Ông cũng là người duy nhất Deschamp có thể trông cậy, vì ông nhất mực tuân theo những gì Deschamps muốn làm. Nói tóm lại, Guy Stephane là một « viên phó trung thành của thủ lĩnh Deschamps » như hàng tựa trên La Croix.

Les Echos nhìn World Cup trên góc độ kinh tế. Cúp Bóng Đá Thế Giới không chỉ là cơ hội cho các đội tuyển lập thành tích, là dịp để các cầu thủ thi thố tài năng, mà còn là mùa « hốt bạc » cho các nhà mạng đánh cược. Mùa bóng năm nay, tuy cuộc chơi chưa kết thúc, nhưng các nhà kinh doanh cá cược tại Pháp đã bội thu.

Nhật báo kinh tế này đưa ra một con số ấn tượng. Chỉ riêng trong 48 trận đấu loại vòng bảng, số tiền cá cược thu được qua mạng lưới bán lẻ của hãng Française des Jeux (Công ty xổ số Pháp) và các nhà kinh doanh trên mạng Internet là 363 triệu euro. Con số kỷ lục này cao hơn rất nhiều so với toàn bộ các trận đấu trong kỳ World Cup 2014 (290 triệu euro) và Euro 2016 (297 triệu euro cho toàn bộ 51 trận đấu).

Tăng trưởng của cá độ qua mạng đã chiếm đến hơn phân nửa doanh số. Hoạt động cá độ trên các trang mạng do chính phủ kiểm soát đã tăng gấp đôi. Chỉ tính riêng số tiền đặt cược trên mạng cho vòng đấu bảng đã lên đến 209 triệu, tăng gấp đôi so với tổng số tiền đặt cược trên mạng cho toàn bộ các trận đấu tại World Cup tại Brazil năm 2014.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.