Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Yves Simon, tái sinh khát vọng viễn du

Đăng ngày:

Trong làng nhạc Pháp, Yves Simon có một chỗ đứng khá riêng biệt, một hành trình sự nghiệp khác hẳn với các nghệ sĩ cùng thời. Ban đầu thành danh như một ca sĩ kiêm tác giả, Yves Simon giờ đây vẫn cầm bút, nhưng ông chủ yếu hoạt động trong hai lãnh vực báo chí và văn chương.

Tạp Chí Âm Nhạc
Tạp Chí Âm Nhạc RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Mùa xuân năm 2018, tuyển tập ca nhạc Génération(s) Éperdue(s), tạm dịch là Thế hệ say đắm, được phát hành cùng lúc với một tập sách, qua đó giới nghệ sĩ trẻ Pháp thời nay ghi âm lại 19 ca khúc từng ăn khách của Yves Simon. Trong số này, các gương mặt nổi bật vẫn là Christine & The Queens, Wookid, Lescop, Soko, Modoïd, Juliet Armanet, Lillywood & The Prick …… Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết các nghệ sĩ tham gia vào dự án ghi âm này đều thuộc vào lứa tuổi 25-30, tức là họ vẫn chưa ra đời vào cái thời những bài hát của Yves Simon thịnh hành trên làn sóng phát thanh, truyền hình.

Tiêu biểu nhất là nhạc phẩm Diabolo Menthe (tên gọi của một thức giải khát gồm nước ngọt soda pha với sirô bạc hà) ra đời cách đây đúng 40 năm. Bài hát từng được chọn làm ca khúc chủ đề của bộ phim cùng tên của đạo diễn Diane Kurys. Thông qua ẩn dụ của ly nước bạc hà là hương vị ngọt ngào của lứa tuổi học trò (cùng với những nỗi buồn đầu đời của lứa tuổi mới biết yêu). Hầu hết các nghệ sĩ Pháp thời nay đều biết đến bài này do cha mẹ của họ đã lớn lên với những ca khúc của Yves Simon. Điều đó có nghĩa là tuy giờ đây ông không còn đi hát, nhưng những sáng tác của Yves Simon đã xuyên qua nhiều thế hệ.

Sinh trưởng ở vùng Haute Marne, miền Đông nước Pháp, Yves Simon theo học khoa văn đại học Nancy. Sau khi ra trường, ông đến Paris lập nghiệp. Giấc mộng ban đầu của ông là nghệ thuật thứ bảy, chứ không phải là sân khấu ca nhạc, do ông muốn tốt nghiệp trường cao đẳng điện ảnh Paris (IDHEC). Nhưng giấc mơ đầu đời không thành, sau khi thi rớt ông khăn gói lên đường chu du bốn bể. Từ Đông Âu sang Bắc Mỹ, đi tới đâu Yves Simon cũng ghi chép những kỷ niệm vào sổ tay hành trình dưới dạng tản văn bút ký.

Năm 1967, Yves Simon lúc ấy 23 tuổi ghi âm những bài hát đầu tay, nhưng chẳng ai biết đến. Mãi tới năm 1972, ông mới thu hút sự chú ý với nhạc phẩm Les Gauloises Bleues, cho tới năm 1978 khi Yves Simon bán hàng triệu đĩa hát nhờ thành công của ca khúc chủ đề bộ phim Diabolo Menthe, thì thật ra Yves Simon đã có hơn 10 năm tay nghề.

Lúc mới vào nghề, Yves Simon chịu nhiều ảnh hưởng của Brel và Brassens trong lối sáng tác và phong cách diễn đạt, có lẽ cũng vì thế mà cho dù đã viết nhiều tình khúc thuần chất nhạc Pháp lãng mạn (chẳng hạn như bài Petite comme un oiseau / Cánh chim bé bỏng) ông vẫn không chính thức công nhận hai album đầu tay trong số 14 tập nhạc mà ông từng ghi âm trong đời. Kể từ album thứ ba trở đi, Yves Simon chọn lối sáng tác mang đậm ảnh hưởng của dòng nhạc folk.

Tên tuổi của Yves Simon được công nhận trong làng nhạc Pháp từ năm 1973 trở đi và sự nghiệp ca hát kéo dài cho tới năm 1988. Và từ đó trở đi, cứ khoảng 10 năm, ông mới cho ra mắt một album. Chẳng hạn như tập nhạc gần đây nhất đã được phát hành cách đây một thập niên vào năm 2007 với sự hợp tác của Françoise Hardy trên ca khúc "Aux fenêtres de ma vie" (Bên song cửa đời tôi).

Yves Simon bớt biểu diễn và ghi âm, vì ông muốn dành thời gian để viết lách, ban đầu là để hợp tác với các tờ báo kế đến là để ra sách. Thật ra trong vòng nhiều thập niên liền, Yves Simon sáng tác cùng lúc trong cả hai lãnh vực : viết ca khúc để tiếp tục ghi âm, viết tiểu thuyết để thỏa mãn niềm đam mê cầm bút.

Tính từ năm 1971 tới nay, ông đã viết hơn 30 quyển tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn. Giai đoạn thành công nhất là vào đầu những năm 1990, thời ông đoạt giải thưởng văn học Médicis cho quyển tiểu thuyết La Dérive des Sentiments (tạm dịch Cảm xúc trôi giạt), theo cùng một trường phái với nhà văn Patrick Modiano. Qua tiểu thuyết hay trong ca khúc, Yves Simon thường gợi lại khung trời kỷ niệm của các chuyến đi, hay là thả hồn mộng mơ vào thế giới phiêu lưu (Amazoniaque nói về Brazil, hồ Constance ở Thụy Sĩ, Khe núi lớn Grand Canyon ở bang Arizona, vương triều Abyssynie ở Ethiopia ……)

Yves Simon không phải là tác giả Pháp duy nhất gợi hứng sáng tác từ các cuộc phiêu lưu khám phá chân trời góc bể. Maxime Le Forestier hay Bernard Lavilliers cũng có một lối tiếp cận tương tự, thế nhưng, nếu như họ thừa nhận chịu ảnh hưởng của Ruyard Kipling, nơi Yves Simon là sự thấm nhuần tư tưởng của hai nhà văn lớn : Francis Scott Fitzgerald và Jack Kerouac.

Bản thân Yves Simon từng công nhận là thời còn trẻ, khi ông lên đường khám phá thế giới để mở rộng tầm nhìn, tác phẩm của hai nhà văn này đã nuôi dưỡng tâm hồn của ông. Những chuyến đi có thể nói là ‘‘vô định’’, không có tính toán hay chủ đích, đi đâu cũng được, điểm đến không quan trọng bằng những gì ông khám phá ở dọc đường. Ngay cả tựa đề Génération(s) Éperdue(s) cũng là một cái nháy mắt tinh tế, cách chơi chữ giữa hai từ éperdu (cuồng nhiệt, say đắm) và perdu (mất mát, thất lạc).

Tựa đề này làm ta liên tưởng tới thế hệ của nhà văn Fitzgerald còn gọi là Thế hệ bỏ đi, do thanh niên thời bấy giờ sống và lớn lên giữa hai thế chiến (The Lost Generation / Génération Perdue). Theo Yves Simon, tuổi trẻ thời nào cũng vậy, khi họ không biết ngày mai sống chết ra sao. Một thế hệ lạc loài do hứng chịu nhiều mất mát thiệt thòi lại càng muốn sống cuồng nhiệt hết mình, muốn yêu trọn vẹn say đắm (éperdu). Với khoảng cách thời gian, Yves Simon cảm thấy hài lòng khi thấy những ca khúc ông viết cách đây nhiều thập niên vẫn còn tác động đến giới trẻ thời nay. Núi lửa mãnh liệt năm nào tưởng chừng đã yên giấc ngủ, nay bỗng dưng lại tuôn trào bao khát vọng viễn du.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.