Vào nội dung chính
PHÁP - HOA KỲ - IRAN

Hạt nhân Iran: Macron có thể thuyết phục được Trump?

"Thỏa thuận hạt nhân với Iran không hoàn hảo nhưng chúng ta không có giải pháp nào khác và tôi không có kế hoạch B cho hồ sơ này". Trước chuyến công du Hoa Kỳ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố như trên với phóng viên của đài truyền hình Mỹ Fox News.

Hai tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Mỹ Donald Trump đã từng gặp nhau nhiều lần, như tại New York ngày 18/09/2017 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Hai tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Mỹ Donald Trump đã từng gặp nhau nhiều lần, như tại New York ngày 18/09/2017 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. LUDOVIC MARIN / AFP
Quảng cáo

Theo tất cả các nhà quan sát, Iran là chủ đề nhạy cảm nhất trong suốt ba ngày tổng thống Macron có mặt tại Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh đến ngày 12 tháng 5 tới đây, ông Donald Trump sẽ quyết định có tăng cường các biện pháp trừng phạt Teheran hay không, hoặc trong kịch bản xấu nhất, có rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận mà chính quyền Iran đã đạt được hồi tháng 7/2015 với Đức và 5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga) hay không.

Vậy trên hồ sơ này, quan điểm của mỗi bên là gì ? Emmanuel Macron có những lá chủ bài nào để thuyết phục Donald Trump "ở lại" trong thỏa thuận hạt nhân Iran ?

Ngay trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ, nhà tỷ phú địa ốc New York Donald Trump đã hứa sẽ "xé bỏ" văn bản mà Hoa Kỳ và 5 quốc gia kia đã đạt được với Teheran. Thỏa thuận này được chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Barack Obama ký kết vào tháng 7/2015 nhằm ngăn chận Teheran trang bị vũ khí hạt nhân. Nhưng trong mắt vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, quốc tế đã quá "dễ dãi" với Iran.

Từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump không hề thay đổi lập trường. Washington một mặt liên tục duy trì và gia tăng áp lực lên nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, tăng cường các biện pháp trừng phạt Teheran. Mặt khác, ông Trump đòi có "một thỏa thuận bổ sung" giữa một bên là Mỹ và bên kia là ba nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức) đã đặt bút ký vào hiệp ước hạt nhân Iran hồi tháng 7/2015. Trong thỏa thuận bổ sung này, Donald Trump muốn các đồng minh phương Tây của Hoa Kỳ phải cam kết là sẽ không để cho Iran trang bị bom nguyên tử một khi thỏa thuận tháng 7/2015 với Teheran hết hiệu lực.

Paris, Luân Đôn và Berlin thoạt đầu bất bình về thái độ của Washington, nhưng ba nước châu Âu này, đứng đầu là Pháp, đã nỗ lực đóng vai trò trung gian hòng cữu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Cụ thể là Paris cũng đồng ý rằng vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran ở Trung Đông và việc quốc gia Hồi Giáo này phát triển tên lửa đạn đạo là một mối lo ngại.

Anh, Pháp, Đức sẵn sàng chiều ý Mỹ, nhưng lại vấp phải một trở ngại lớn : làm thế nào điều chỉnh một hiệp ước mà không có sự đồng thuận của Iran, Trung Quốc và Nga, khi mà từ Teheran, đến Bắc Kinh và Maxcơva đều muốn giữ nguyên trạng ?

Do vậy, theo giới phân tích, đến Washington lần này, thông điệp chính tổng thống Macron nhắn gửi tới Donald Trump là, tuy thỏa thuận hạt nhân với Iran không hoàn hảo, nhưng nếu Mỹ rút lui thì không biết tới khi nào cộng đồng quốc tế mới được bảo đảm là sẽ đạt được một thỏa thuận hoàn thiện hơn với Teheran. Quan trọng hơn cả là thế giới tính sao đây, nếu như Iran lợi dụng sự vắng mặt của Hoa Kỳ để lập tức lao vào một cuộc chạy đua nguyên tử ?

Tuy nhiên, nỗ lực của tổng thống Pháp trên hồ sơ Iran gặp nhiều trở ngại : Một là Nhà Trắng đang tỏ thái độ cứng rắn hơn. Trong vài tuần lễ, tổng thống Trump đã cách chức từ ngoại trưởng Tillerson đến cố vấn an ninh McMaster, để gài vào hai vị trí then chốt này những nhân vật nổi tiếng diều hâu Pompeo và Bolton.

Hai là trên rất nhiều các hồ sơ nóng khác, từ Syria đến cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc hay hạt nhân Bắc Triều Tiên, chủ nhân Nhà Trắng đều cho thấy ông chỉ làm theo ý mình, bất chấp những khuyến cáo của các cố vấn. Trong hoàn cảnh đó, liệu "ông bạn" trẻ Emmanuel Macron của Donald Trump là sẽ làm được những gì, khi mà tổng thống Trump giữ nguyên ý định "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân với Iran ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.