Vào nội dung chính
SYRIA - PHƯƠNG TÂY

Không kích Syria : Quá trễ và quá ít

Phương Tây không kích Syria, cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình lần thứ tư của tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ một năm qua, đó là hai đề tài chính chiếm trang nhất các nhật báo Paris hôm nay.

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp xuất kích từ căn cứ Saint-Dizier đêm 13 rạng sáng 14/04/2018.
Chiến đấu cơ Rafale của Pháp xuất kích từ căn cứ Saint-Dizier đêm 13 rạng sáng 14/04/2018. ECPAD/French Military/HANDOUT via Reuters
Quảng cáo

« Syria : Quá trễ và quá ít », đó là nhận định của giáo sư Dominique Moisi trên nhật báo kinh tế Les Echos. Theo tác giả, trả đũa nhẹ nhàng như thế sau khi một chế độ bạo tàn, độc ác liên tục sử dụng vũ khí hóa học, chẳng phải vinh quang gì. Nhưng nếu khoanh tay đứng nhìn thì càng tệ hại hơn. Cái giá do sự thụ động và dửng dưng gây ra hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Không kích : Thà muộn còn hơn không bao giờ

Những can thiệp quân sự cũng như nhân đạo đều có chu kỳ của nó. Các vụ thảm sát xảy ra ở vùng Đại Hồ châu Phi năm 1994 đã đóng một vai trò quan trọng vào cuối thập niên 90, trong quyết định can thiệp vào Kosovo của Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có thể kể tác động tình cảm từ bộ phim « Danh sách Schindler » của Spielberg (nói về cuộc đời một doanh nhân đã cứu sống hơn một ngàn người khỏi tay phát-xít Đức). Quan niệm « trách nhiệm bảo vệ » « nghĩa vụ can thiệp » được nung nấu, cùng với mặc cảm có lỗi vì không hành động gì trước các vụ thảm sát.

Ngược lại, có thể nói người dân Syria đã phải trả giá một cách bi thảm cho vụ phương Tây can thiệp vào Irak năm 2011. Bởi vì không có (hoặc không còn) vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Irak, vì các hậu quả nặng nề về mặt nhân đạo cũng như chiến lược ; thường dân Syria hầu như đơn độc trước bạo lực. Vào tháng 9/2013, chính hai nước đã lao vào cuộc chiến Irak 10 năm trước đó lại thối lui vào phút cuối, trong lúc lằn ranh đỏ vừa bị dẫm đạp lên một cách đầy kịch tính.

Đặc biệt là tổng thống Barack Obama không muốn gánh lấy rủi ro đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến mới – ông vốn được bầu lên với chương trình cải cách trong đối nội và thận trọng trong đối ngoại. Sự quay ngoắt năm 2013 đã được các địch thủ của phương Tây ở Syria hiểu rất rõ. Chế độ Bachar Al Assad được cứu vãn, hai nhà bảo trợ cho Assad là Nga và Iran coi như đã chiến thắng.

Các cuộc không kích đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy 14/04/2018 không hề thay đổi được tình hình. Theo tác giả, thậm chí có thể nói là ta vờ đánh, còn địch vờ phản đối. Nhưng có thể làm cách nào khác ? Can thiệp quá trễ, phương Tây chỉ có thể làm được rất ít.

Chế độ Damas đã thắng, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã thất bại ở Syria và Irak, Matxcơva và Teheran tăng cường được ảnh hưởng. Nhà nước Israel thì chỉ quan tâm đến việc chặn đà đi lên của Iran. Người dân Syria cảm thấy bị bỏ mặc cho số phận, bị cộng đồng quốc tế phản bội. Chỉ cách Paris có hơn bốn giờ bay, người ta có thể thỏa thích dùng khí độc để giết hại một dân tộc, mà cái tội duy nhất là hiện diện ở một nơi không nên có mặt, vào thời điểm xấu.

Chỉ tấn công cho có lệ như vậy, sau khi chế độ Damas tàn ác liên tục dùng vũ khí hóa học sát hại thường dân, chẳng phải là hay. Nhưng nếu không hành động thì lại càng tệ hại.

Châu Âu vắng bóng

Tác giả Moisi nhận định sau vụ không kích « sẽ không đi vào lịch sử » này, cần rút ra nhiều bài học. Trước hết, là sự bất nhất của Mỹ : chỉ trong một tuần lễ ông Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố thiếu nhất quán. Thứ hai, là sự vắng mặt của châu Âu, cụ thể là cặp Pháp-Đức trong cuộc khủng hoảng Syria hiện nay và Libya trước đây.

Năm 2018, về an ninh quốc phòng, mọi chuyện diễn ra cứ như chưa hề có vụ Brexit. Quan hệ song phương Paris-Luân Đôn luôn chặt chẽ hơn là Paris-Berlin. Đức có thể lên tiếng ủng hộ không kích của liên minh phương Tây, nhưng không hề có ý định tham gia. Hai cường quốc quân sự của châu Âu xưa nay vẫn là Pháp và Anh, nhưng một bên là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, bên kia chuẩn bị ra khỏi Liên Hiệp.

Cuối cùng, giáo sư Moisi cho rằng tố cáo Pháp theo đuôi Mỹ là vô lý. Năm 2018, chính Paris đã tỏ rõ quyết tâm, cũng như hồi năm 2013 sau khi Damas vượt qua lằn ranh đỏ. Pháp can thiệp một cách chừng mực vào Syria, không phải nhằm làm hài lòng Hoa Kỳ, mà để ấn định giới hạn cho chế độ cùng với các đồng minh.

Tác giả kết luận, phương Tây không thể hãnh diện vì những gì đã làm, nhưng sẽ phải xấu hổ nếu thụ động chỉ đứng nhìn. Tuy vậy, vào lúc đang tìm kiếm một giải pháp chính trị, cán cân lực lượng không hề thay đổi. Không thể bỏ qua Damas, dù chế độ độc tài Syria đã phạm muôn vàn tội ác ; các đồng minh của Assad là Nga và Iran thì đã tăng cường sự hiện diện cũng như ảnh hưởng trong khu vực. Còn Thổ Nhĩ Kỳ vừa vui mừng vừa lo âu, trước những diễn biến ở vùng biên giới.

Sau không kích Syria sẽ là gì ?

« Tấn công Syria, rồi sau đó là gì ? » - nhật báo La Croix chạy tựa trang nhất, cho rằng các vụ oanh kích không mang lại giải pháp bền vững cho khủng hoảng Syria. Trong bài xã luận mang tựa đề « Một lối thoát hẹp », tờ báo Công giáo nhận định phương Tây không có cùng quan điểm với nhau về thời kỳ hậu không kích.

Phía Pháp nghĩ rằng do đã tránh oanh kích các căn cứ của Nga, điện Kremlin rốt cuộc có thể gây áp lực thực sự lên Assad. Nhưng Hoa Kỳ ngược lại đang rất cứng rắn với Matxcơva, và Anh quốc cũng thế, đang trong « chiến tranh lạnh » với Nga sau vụ điệp viên Skripal bị đầu độc.

Khả năng tái lập tiến trình hòa bình hiện đang bế tắc ở Genève vì chế độ Syria ngáng chân, còn tiến trình song song mang tính cạnh tranh do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chủ xướng ở Sotchi và Astana cũng ít hy vọng. Nhưng dù sao sáng kiến của Pháp cũng mang lại một điểm sáng trên con đường hẹp, mà bóng tối của vũ lực đang ngự trị.

Donald Trump muốn oanh kích cả Phủ tổng thống Syria

Đề cập đến thái độ tiền hậu bất nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump, thông tín viên Le Figaro ở Washington nhắc lại, vài ngày trước đó, ông Trump đã ra lệnh cho các tướng lãnh chuẩn bị rút 2.000 quân Mỹ khỏi Syria, « để cho những người khác lo ». Tuy nhiên khi được thông tin về vụ tấn công hóa học tối 7/4, trong suốt một tuần lễ Donald Trump không ngớt đe dọa thủ phạm Assad lẫn người bảo hộ là Nga và Iran.

Tờ báo tiết lộ, sáu ngày sau đó là những cuộc họp hội đồng chiến tranh. Được sự cổ vũ của tân cố vấn an ninh quốc gia, « diều hâu » John Bolton, tổng thống Mỹ nhiều lần trả lại bản kế hoạch của các tướng lãnh, bị ông cho là « quá mềm yếu ». Một nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Donald Trump muốn tiêu diệt tất cả các máy bay của Syria, tấn công vào các đơn vị tinh nhuệ như Vệ binh Cộng hòa, binh đoàn xe bọc thép số 4 ; oanh kích Bộ Tổng tham mưu, thậm chí Phủ tổng thống Syria.

Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Joseph Dunford cố can gián, nói rằng nếu leo thang với Nga và Iran chỉ đi ngược lại ý định muốn rút quân sau này của ông. Chưa chắc hai vị tướng này thuyết phục được tổng thống Trump chọn giải pháp ôn hòa hơn, nếu không có sự hỗ trợ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vốn đã ấn định trước giới hạn chừng mực cho sự tham gia của Pháp.

Những bài học từ việc Pháp tham gia không kích

Trên khía cạnh thuần túy quân sự, Le Figaro ghi nhận « Những bài học từ cuộc không kích của Pháp ». Tuy mục tiêu chủ yếu mang tính chính trị, nhưng vụ tấn công Syria hôm 14/4 cho thấy đây là một chiến dịch phức tạp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Không quân và Hải quân, và giữa ba đồng minh Mỹ, Pháp, Anh.

Chỉ riêng Không quân Pháp đã huy động 17 chiến đấu cơ : 5 chiếc Rafale mỗi chiếc trang bị 2 hỏa tiễn Scalp, 4 chiếc Mirage 2000-5, 6 phi cơ tiếp liệu, 2 phi cơ Awacs. Các phi cơ chiến đấu này đi làm nhiệm vụ ở cách 7.000 km. Hải quân triển khai 5 chiến hạm (3 chiến hạm đa năng Fremm, 1 chiến hạm chống máy bay, 1 chiến hạm chống tàu ngầm).

Lần đầu tiên các hỏa tiễn hành trình của Hải quân (MdCN) được sử dụng, đây là loại vũ khí chiến lược mới có tầm bắn chính xác đến 1.000 km, có thể hủy diệt các mục tiêu khó như bunker dưới lòng đất. Với chiến hạm Fremm và hỏa tiễn MdCN, nay Pháp có được sức mạnh bổ sung cho hàng không mẫu hạm. Trái với lời khoe khoang của Nga, bộ Tổng tham mưu Pháp khẳng định khoảng 100 hỏa tiễn của đồng minh đều đạt đến mục tiêu (trong đó có 9 Scalp và 3 MdCN của Pháp), mà không bị phòng không Syria bắn chặn.

Chiến dịch vừa qua chứng tỏ bộ ba Mỹ-Pháp-Anh đã phối hợp với nhau hết sức ăn ý, cả trong kế hoạch lẫn hành động. Riêng phía Pháp có khả năng đơn độc tấn công – như tổng thống Emmanuel Macron khẳng định. Một nguồn tin Không quân cho Le Figaro biết « chiến dịch này đã được Paris tự vạch ra từ nhiều tháng qua, từ việc thu thập tin tình báo cho đến thực hiện. Nếu Hoa Kỳ và Anh quốc rút lui, Pháp vẫn hoàn thành được nhiệm vụ ». Tờ báo đặt câu hỏi, tuy thành công, nhưng về lâu về dài liệu có thể trụ nổi hay không, và nhắc lại trong cuộc chiến Kosovo trước đây, đồng minh đã phải oanh kích liên tục 11 tuần lễ.

New Zealand : Không thể quân sự hóa Thái Bình Dương

Nhìn sang khu vực Thái Bình Dương, Le Monde đăng bài phỏng vấn nữ thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern nhân chuyến viếng thăm chính thức Paris hôm nay. Bà cho biết sẽ đề cập với tổng thống Pháp ba vấn đề : khí hậu, hiệp định tự do mậu dịch giữa châu Âu với New Zealand, và đặc biệt là an ninh tại Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực tranh chấp này, liệu có phải là yếu tố đáng quan ngại hay không ? Thủ tướng Ardern nhấn mạnh, quan hệ giữa New Zealand với các nước trong khu vực không chỉ là láng giềng, mà còn là sự gắn bó số phận. New Zealand sẽ củng cố mối quan hệ ấy, chuyển đổi từ cho-nhận sang quan hệ đối tác thực sự, được gọi là « Pacific reset ».

Nhắc đến sự kiện được báo chí Úc đưa ra : Trung Quốc ve vãn Vanuatu nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự tại Nam Thái Bình Dương, thủ tướng New Zealand nói rõ : « Chúng tôi không muốn thấy Thái Bình Dương bị quân sự hóa ! »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.