Vào nội dung chính
PHÁP - THỔ NHĨ KỲ

Hồ sơ Kurdistan tại Syria : Tổng thống Pháp đang thách thức Thổ Nhĩ Kỳ ?

Quan hệ Pháp – Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng những ngày gần đây sau một tuyên bố của đại diện người Kurdistan tại Pháp cho rằng Paris cam kết ủng hộ người Kurdistan tại Syria. Mặc dù lời khẳng định trên đã được Paris bác bỏ nhưng vẫn không làm cho Ankara nguôi giận.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau buổi họp báo chung tại điện Elysée, Paris, ngày 05/01/2018.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau buổi họp báo chung tại điện Elysée, Paris, ngày 05/01/2018. LUDOVIC MARIN / POOL / AFP
Quảng cáo

Câu hỏi đặt ra : Pháp có quan điểm như thế nào về vấn đề người Kurdistan tại Syria hiện đang trong gọng kềm của Thổ Nhĩ Kỳ ? Phải chăng Ankara đang dọa dẫm Paris khi cho công bố bản đồ các vị trí quân sự của Pháp ?

Mọi sự bắt đầu vào ngày thứ Năm 29/03/2018. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp một phái đoàn Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS), liên minh Ả Rập – Kurdistan, luôn trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng đang là mục tiêu tấn công quân sự của Ankara. Tại buổi họp, ông Macron trấn an họ rằng « nước Pháp ủng hộ » người Kurdistan.

Thế nhưng, sau buổi tiếp kiến, bà Asiya Abdellah, một đại diện Kurdistan còn khẳng định rằng Paris sẽ gởi thêm binh lính đến Manbij. Đây cũng là nơi mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan nhiều lần thông báo có ý định mở rộng tấn công sau khi đã chiếm được thị xã Afrin.

Phủ tổng thống Pháp ngày hôm sau thứ Sáu 30/03 đã bác bỏ tuyên bố trên, khẳng định rằng nước Pháp không có dự kiến một « chiến dịch quân sự mới nào ở phía bắc Syrie ngoài khuôn khổ liên quân quốc tế ». Lực lượng đặc nhiệm Pháp hiện có đồn trú tại Syria, nhưng nước Pháp rất kín tiếng về sự hiện diện này cũng như là quân số được triển khai.

Trong vai trò trung gian hòa giải, tổng thống Emmanuel Macron cũng mong muốn rằng « một cuộc đối thoại có thể được thiết lập giữa FDS và Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của Pháp và cộng đồng quốc tế ». Thế nhưng, ý tưởng này đã bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng dữ dội, lên án nước Pháp có một lập trường « hoàn toàn lệch lạc ».

Để hiểu rõ hơn quan điểm của nước Pháp, kênh truyền hình France 24 đặt câu hỏi với ông Olivier Piot, phóng viên và tác giả tập sách « Dân tộc Kurdistan, nền tảng của Trung Đông », do nhà xuất bản Les petits matins phát hành.

Nước Pháp có lợi ích gì khi ủng hộ người Kurdistan tại Syria, thậm chí có nguy cơ làm cho Thổ Nhĩ Kỳ tức giận ?

Olivier Piot : Thông qua vị tổng thống của mình, nước Pháp đang hiểu rằng Hoa Kỳ chuẩn bị rời khỏi khu vực này và đó là một yếu tố mới, bởi vì cho đến tận tháng Giêng vừa qua, cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (bị sa thải ngày 13/03) luôn luôn khẳng định rằng cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – chưa kết thúc, rằng Washington sẽ còn hiện diện trong khu vực này nhiều năm nữa. Thế nhưng, các tuyên bố gần đây của Donald Trump cho thấy Hoa Kỳ dự tính một cách nghiêm túc rút ra khỏi vùng này.

Sự hiện diện của phương Tây, vào thời điểm vấn đề tái thiết Syria được đặt ra, sẽ phụ thuộc phần nào vào ý định của nước Pháp. Tổng thống Macron hiểu được điều này và đã quyết định đưa ra một tín hiệu, nếu như không sáng sủa dễ hiểu thì ít ra cũng rõ ràng, hướng tới người Kurdistan ở Syria, để nói với họ rằng nước Pháp sẽ luôn luôn ở bên cạnh họ. Vấn đề còn lại là bằng cách nào, chúng ta sẽ thấy trong những ngày tới. Nếu bây giờ, Paris bỏ rơi người Kurdistan, điều đó có nghĩa là Pháp sẽ từ bỏ khả năng có một giải pháp thay thế trong việc tái thiết Syria và tiến trình này sẽ do Bachar Al Assad thực hiện.

Quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu căng thẳng. Vậy khả năng hành động của Emmanuel Macron trong hồ sơ này ra sao ?

Emmanuel Macron đang vượt qua một nấc trong tương quan lực lượng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến lúc này, tổng thống Pháp chỉ tuyên bố là quan ngại, cảnh báo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là nên chú ý tới sự ổn định của vùng. Thế nhưng, giờ đây, người ta thấy rõ mục tiêu của Ankara là chiếm lĩnh 900 km đường biên giới ở phía bắc Syria, như vậy là tới tận thành phố Qamishli, và như tuyên bố của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, là để quét sạch những tên khủng bố ở khu vực này.

Hoa Kỳ đã không có phản ứng gì nhiều, còn nước Pháp, cho đến lúc này, không thể hiện thái độ rõ ràng. Recep Tayyip Erdogan là người quen có những tuyên bố mạnh mẽ và đối mặt với ông ta, thì lại không có những đáp trả tương tự. Đây không phải là lần đầu tiên ông ta đe dọa các lãnh đạo phương Tây. Mọi việc còn chưa rõ ràng từng chi tiết nhưng Emmanuel Macron bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn hơn với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Liệu nước Pháp có thể đi đến mức dự tính can thiệp quân sự để bảo vệ người Kurdistan ở Syria ?

Qua việc ủng hộ người Kurdistan, nước Pháp muốn chứng tỏ sự hiện diện trong khu vực, bảo vệ những giá trị của mình, nhân danh lịch sử nước Pháp và điều này có thể cho phép Pháp có vai trò hơn trong tương lai trong tiến trình tái thiết khu vực này.

Tôi nghĩ là tổng thống Pháp đang vạch ra những nét đầu tiên trong cái gọi là lằn ranh đỏ nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ và bước đầu tiên trên lằn ranh đỏ không được phép vượt qua là thành phố Manbij. Chúng ta đang ở trong tình thế mà các vận động ngoại giao sẽ không thể đáp ứng được hết và rất nhanh chóng, trên thực địa, chúng ta sẽ đứng trước những thách thức quân sự. Vào thời điểm đó, nước Pháp sẽ có những lựa chọn, nếu còn muốn có vai trò trong khu vực.

Công bố bản đồ vị trí quân sự đối phương : Biện pháp trả đũa « quen thuộc » của Ankara

Trong một hành động được cho đe dọa Paris, chính quyền Ankara ngày 30/03/2018 đã để cho hãng thông tấn Anadolu công bố bản đồ các vị trí của quân đội Pháp ở bắc Syria trên trang mạng Internet ngay sau tuyên bố của Paris ủng hộ người Kurdistan.

Bản đồ cho thấy rõ các điểm có sự hiện diện của quân đội Pháp tại Syria. Theo đó, Pháp có đến 5 cơ sở quân sự, chủ yếu nằm ở phía bắc, tại những vùng do Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) kiểm soát. Tổng số binh sĩ có mặt tại cơ sở này là gần 70 quân nhân hiện đang tác chiến tại đông bắc Syria.

Nếu đúng như thế, thì những thông tin do hãng Anadolu công bố là gần như là rất nhạy cảm và rất có thể xem như đó là một hình thức cảnh cáo của Ankara đối với Paris. Nhưng vì do không thể kiểm chứng được độ chính xác, France 24 đã quyết định không đăng bản đồ cũng như các chi tiết do hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Kênh France 24 nhắc lại vào tháng 6/2016, bộ Quốc Phòng của Pháp đã nhìn nhận có sự hiện diện của đội đặc nhiệm Pháp tại Syria « để cố vấn cho FDS chống lại Daech », chủ yếu là tại Manbij, nhưng Paris không nêu rõ chi tiết về địa điểm cũng như là quân số.

Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ có hành động dọa dẫm kiểu này. Tháng 5/2017, quan hệ Washington và Ankara xuống cấp do việc Hoa Kỳ chính thức giao vũ khí Mỹ cho các chiến binh Kurdistan Syria, trong khuôn khổ chiến dịch tái chiếm thủ phủ Raqqa từ tay quân thánh chiến.

Tình hình còn trở nên căng thẳng hơn khi vào tháng 7/2017, trong vòng nhiều tuần, hãng thông tấn Anadolu cho công bố những gì mà hãng này cho là bản đồ vị trí 10 căn cứ quân sự Mỹ, cũng tại Manbij. Hãng thông tấn này còn cho là có sự hiện diện của 75 lính Pháp, tập trung chủ yếu tại một căn cứ gần với thành phố Raqqa. Lầu Năm Góc thời điểm đó đã từ chối bình luận về những thông tin trên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.