Vào nội dung chính
PHÁP - ĐÌNH CÔNG - XÃ HỘI

Đình công, đặc tính của lĩnh vực công tại Pháp ?

Ngày 04/04/2018, nhân viên ngành xe lửa Pháp bước sang ngày thứ hai của tuần đầu tiên trong đợt đình công dự kiến kéo dài 3 tháng, với nhịp độ hai ngày đình công, ba ngày đi làm. Theo số liệu của ban giám đốc Công ty Xe lửa Quốc GiaPháp (SNCF), gần 1/2 nhân viên (48%), thậm chí 3/4 lái tầu (77%) đã đình công trong ngày đầu tiên.

Nhân viên ngành đường sắt Pháp biểu tình ở thành phố Lyon, ngày 03/04/2018.
Nhân viên ngành đường sắt Pháp biểu tình ở thành phố Lyon, ngày 03/04/2018. REUTERS/Emmanuel Foudrot
Quảng cáo

Le Figaro đánh giá « tỉ lệ tham gia ở mức trung bình, nhưng rối loạn nặng nề ». Đây chính là mục tiêu của nhân viên ngành đường sắt để mở đầu cho cuộc đọ sức dài hơi với chính phủ. Thậm chí, « dịch vụ tối thiểu », được quy định từ thời tổng thống Sarkozy, không còn được tôn trọng khi nhiều tuyến đường sắt bị hủy hoàn toàn, theo quan sát trên Le Figaro và Le Monde.

« Chính phủ vẫn tỏ ra cứng rắn về lập trường của mình », theo ghi nhận của Le Figaro. Còn Le Monde đánh giá « những cải cách tiếp theo trong nhiệm kỳ 5 năm sẽ được căn cứ theo phong trào này. Nếu tổng thống Pháp lùi bước trước nhân viên ngành đường sắt, mức độ tín nhiệm cải cách của ông sẽ bị ảnh hưởng ».

Cuộc đình công phản đối dự án của chính phủ đối với SNCF chỉ là một trong những điểm bất bình của khu vực dịch vụ công hiện được thể hiện qua các cuộc đấu tranh xã hội. Do vậy, « Một cuộc đình công có thể ẩn chứa nhiều cuộc đình công khác », theo hàng tựa trên trang nhất của Libération. Sau thành công của ngày đầu tiên đình công, hàng loạt lời kêu gọi liên tục được đưa ra để hội tụ các cuộc đấu tranh của các nghiệp đoàn.

« Hội tụ » hiện chưa xảy ra, nhưng khiến chính phủ lo ngại bởi vì sự bất bình ngày càng hiện rõ trong nhiều lĩnh vực công : giới sinh viên phản đối hệ thống « Parcoursup » (tạm dịch : Hành trình đại học), nhân viên của hệ thống nhà dưỡng lão Ehpad và tại các bệnh viện muốn có nhiều phương tiện hơn, nhân viên Công ty Điện lực EDF cũng lo ngại về khả năng tư nhân hóa, phi công của Air France muốn được tăng lương…

Chính phủ tỏ ra bình tâm kháng cự đợt đình công dài hơi, dựa vào sự bất bình của hành khách và chỉ trích những « đặc quyền đặc lợi của nhân viên đường sắt SNCF ». Tuy nhiên, xã luận của Libération cho rằng có một điểm yếu trong lập luận của chính phủ vì giữa các phong trào phản đối trên, có một điểm chung là sự cự tuyệt trước tự do hóa và bảo vệ truyền thống dịch vụ công tại Pháp. Thêm vào đó, tình hình kinh tế được cải thiện cũng là lý do chính đáng đòi hỏi tăng lương.

Bất chấp sự xuất hiện của « một thế giới mới », việc bảo vệ vai trò xã hội của Nhà nước vẫn là một giá trị bất biến của Pháp, vượt qua cả biên giới rào cản truyền thống giữa các đảng phái. Đến một ngày nào đó, như Euclid từng nói, trong hình học xã hội, những đường thẳng song song sẽ hội tụ tại một điểm, theo kết luận của Libération.

Pháp : Lĩnh vực công đang bị đe dọa ?

Vậy « phải chăng khu vực dịch vụ công đang bị đe dọa ? » Nhật báo Công giáo La Croix đặt câu hỏi lớn trên trang nhất, vì phong trào đình công của nhân viên ngành đường sắt mở ra cuộc tranh luận trên quy mô lớn hơn về tương lai của dịch vụ công tại Pháp. Bảo vệ lĩnh vực công là sợi chỉ kết nối trên mặt trận xã hội của « các điểm nóng » SNCF, bệnh viện, thu gom rác thải và năng lượng, đại học và trường phổ thông…

Nhân viên ngành đường sắt khẳng định khi đình công, họ không chỉ bảo vệ quy chế của mình mà còn bảo vệ quyền lợi của người sử dụng giao thông đường sắt vì tại Pháp, khó có thể chấp nhận được một dịch vụ công lại không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước.

Xã luận của La Croix đưa ra một vài ví dụ khá thuyết phục về một số trường hợp tự do hóa và mở cửa cho cạnh tranh trong 30 năm qua : nhiều ngân hàng được tư nhân hóa nhưng chất lượng và dịch vụ không thật sự được cải thiện ; cổ tức của các công ty quản lý đường bộ được chia cho cổ đông, trong khi lại có lợi cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, theo xã luận của La Croix, chính phủ phải suy nghĩ kỹ trước khi nhượng lại thị phần mới. Dịch vụ công chắc chắn đáng được bảo vệ vì tính chính đáng thực sự duy nhất trong truyền thống dịch vụ công tại Pháp là phục vụ người dân.

Hồng Kông : Phong trào đòi dân chủ bị trấn áp

Cuộc kháng chiến trường kỳ của một số nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông là chủ đề thời sự châu Á hiếm hoi trên các nhật báo Pháp.

Nhật báo Libération nhắc lại bốn năm sau cuộc bạo động, phe đối lập bị chia cắt thành nhiều đảng phái nhỏ, vẫn hoạt động nhưng bị chính quyền Bắc Kinh trấn áp, đặc biệt trong cuộc bầu cử Quốc Hội bán phần ngày 11/03/2018 với việc vô hiệu hóa một số ứng viên ủng hộ dân chủ. Không dừng tại đó, Bắc Kinh còn gia tăng ảnh hưởng trong xã hội dân sự Hồng Kông khi cho bắt nhiều chủ nhà sách và nhà xuất bản độc lập chỉ trích chế độ Trung Quốc.

Ba gương mặt đấu tranh được Libération miêu tả đều mang đầy « tiền án tiền sự », xuất hiện ở tòa án nhiều hơn ở nhà. Họ bất bình vì « người Hồng Kông hiểu chuyện gì đang diễn ra nhưng không dám đối đầu, không dám thể hiện và như vậy dần dần họ từ bỏ những quyền tự do của mình », như phát biểu của Tak Chi Tam, người truyền cảm hứng dân chủ trên đường phố ; hoặc tố cáo chính quyền trung ương « tẩy não để chế ngự giới trẻ Hồng Kông » như tuyên bố của Chu Đình (Agnès Chow), một sinh viên thuộc đảng Demosisto của La Quán Thông (Nathan Law) và Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) ; và lên án các vụ truy tố các nhà đấu tranh « một cách hệ thống hơn từ năm 2012 », theo Avery Ng (chủ tịch đảng Liên Đoàn Dân Chủ Xã Hội), người từng ném áo phông vào phái đoàn của ông Tập Cận Bình khi thăm Hồng Kông và ném bánh mỳ kẹp thịt vào người đứng đầu cơ quan hành pháp đặc khu hành chính.

Cuba : 10 năm cải cách của Raul Castro không khôi phục được nền kinh tế

Mười năm cải cách tại Cuba là chủ đề được Le Figaro đề cập trong chuyên mục « Kinh tế » sau khi chủ tịch Raul Castro tuyên bố « nghỉ hưu ». Trong vòng 10 năm, nhiều thứ đã thay đổi tại đảo quốc nhưng chưa đủ để khôi phục nền kinh tế.

Nhờ chính sách cải cách, người dân được lập doanh nghiệp nhỏ trong 200 ngành nghề, được phép bán nhà, bán xe hơi. Cuba tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài và thành lập khu vực miễn thuế ở cảng Mariel. Tuy nhiên, kết quả lại không được như mong đợi.

Một lý do được nhà nghiên cứu Omarr Everleny nêu ra là do hai đồng tiền CUC (peso hoán đổi) và CUP (peso Cuba) tồn tại song song, trong khi đồng CUC (thường được lưu hành trong lĩnh vực tư) có mệnh giá gấp 24 lần so với đồng CUP (trả lương cho công chức…). Đây cũng là điểm gây bất công, chia rẽ giầu nghèo trong xã hội. Nhưng hợp nhất hai đồng peso sẽ gây tác động tiêu cực đến các công ty quốc doanh và như vậy cần trợ giá của Nhà nước, trong khi ngân sách đã thâm hụt nghiêm trọng.

Một lý do khác được nêu ra là vấn đề dân số, ngày càng lão hóa ở Cuba. Đây là điểm giải thích một phần những khó khăn khiến tăng trưởng không vượt qua được ngưỡng 2%. Việc cho phép người dân ra nước ngoài, trong đó đa số là thanh niên trẻ, năng động, lại khiến vấn đề dân số càng thêm trầm trọng.

Nhà kinh tế học Pedro Monreal, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế tại La Habana nhận định : « Cuba hiểu là cần theo đuổi chương trình cải cách. Nhưng rất nhiều điểm bất đồng vẫn tồn tại trong quá trình áp dụng ».

Nỗi nhọc nhằn « tư pháp » của Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ ngày vào Nhà Trắng chưa có một ngày yên tĩnh với tư pháp. Le Figaro cho biết ông « Trump bị các vụ tố tụng bủa vây ». Bên cạnh nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống, số đơn kiện vị doanh nhân bất động sản ngày càng nhiều, khiến ông trở thành vị tổng thống gặp nhiều phiền toái với tư pháp nhất tại Mỹ.

Quá khứ của tổng Mỹ vẫn bám đuôi áo Donald Trump, từ chuyện đời sống riêng tư (19 phụ nữ cáo buộc ông có những hành vi sàm sỡ) cho đến những bí mật trong chuyện kinh doanh. Bởi vì ông Trump chưa bao giờ khai thuế và vẫn giữ quyền sở hữu doanh nghiệp dù rằng việc quản lý đã được trao lại cho các con trai.

Đáng chú ý là việc các tổng chưởng lý của Washington và Maryland đều quan tâm đến một đơn kiện nhắm vào các hoạt động của khách sạn Trump International tại Washington, bị tố cáo là cạnh tranh không lành mạnh và xung đột lợi ích. Đơn kiện cho rằng ông Trump đã vi phạm Hiến Pháp, nghiêm cấm mọi quan chức chính phủ liên bang nhận tiền từ nước ngoài.

Cụ thể là nhiều quan chức nước ngoài đã đổ xô vào các cung hội nghị, khách sạn và nhà hàng của Trump, nằm không xa phủ tổng thống, để ăn mừng quốc khánh nước họ hay thuê chỗ ở cho các thành viên các phái đoàn đến thăm nhằm mục đích làm hài lòng chủ nhân Nhà Trắng.

Nga : Cuộc chiến giành giật ghế thủ tướng ?

Cuối cùng, nhìn sang nước Nga, Le Figaro cho hay « Vụ bắt giữ trùm tư sản Magomedov làm suy yếu Dmitri Medvedev ». Hai tuần sau thắng lợi bầu cử của Vladimir Putin, ai sẽ đảm trách cương vị thủ tướng là câu hỏi đang được giới chuyên gia quan tâm đến nhiều. Trên nguyên tắc, thủ tướng mãn nhiệm được cho là có nhiều khả năng tiếp tục cầm quyền.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, dường như đang có một cuộc chiến tranh giành vị trí này giữa các phe phái, mà nạn nhân đầu tiên là ông Ziavoudine Magomedov, chủ tập đoàn Summa, được cho là có quan hệ gần gũi với thủ tướng Medvedev. Nhà tỷ phú bị bắt cuối tuần qua cùng với người em trai Magomed, với các cáo buộc « lừa đảo »« cầm đầu tổ chức tội phạm ».

Giới chuyên gia Nga cho rằng đây rất có thể là một cuộc chiến giữa hai phe : Một bên là diều hâu, chủ trương đối đầu với phương Tây, thân tổng thống Nga và bên kia là phe chủ trương tự do, mà thủ tướng mãn nhiệm Dmitri Medvedev là một trong những người đại diện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.