Vào nội dung chính
PHÁP -XÃ HỘI

Pháp : SNCF khai màn đọ sức với chính phủ

Nhân viên hỏa xa đình công nhằm phản đối chương trình cải cách ngành đường sắt của chính phủ Pháp bắt đầu ngày 03/04/2018. Cuộc đọ sức giữa các nghiệp đoàn hỏa xa với chính phủ được dự báo là sẽ rất « dai dẳng ». Chủ đề này thống lĩnh hầu hết các nhật báo lớn của Pháp trong ngày.

Công đoàn Sud Rail của nhân viên ngành đường sắt tuần hành tại Paris ngày 03/04/2018.
Công đoàn Sud Rail của nhân viên ngành đường sắt tuần hành tại Paris ngày 03/04/2018. Reuters
Quảng cáo

Nếu như người sử dụng phải chuẩn bị nhiều phương án để có thể đi làm hay đi du lịch, chính phủ Pháp cũng cho biết sẵn sàng đối mặt với « cuộc chiến tiêu hao » của SNCF (Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp) như ghi nhận Le Figaro trên trang nhất.

Tiêu hao là vì các nghiệp đoàn ngành đường sắt đã đưa ra một chiến lược đấu tranh khá là « khôn ngoan » : hai ngày đình công, rồi quay lại làm việc ba ngày. Chiến lược hành động « đứt đoạn » này sẽ được kéo dài trong vòng ba tháng.

« Một cuộc đình công để ngăn chặn cải cách », Les Echos ngao ngán. La Croix cũng có cùng cảm nhận khi cho rằng « Đình công, chuyện của nước Pháp ». Báo chí Pháp chia thành hai phe bên chống và bên ủng hộ các nghiệp đoàn SNCF.

Libération : Chính phủ trật rày ?

Nhật báo thiên tả Libération lẻ loi trong tuyến đầu bảo vệ cuộc biểu tình của nhân viên hỏa xa. Bài xã luận của nhật báo chỉ trích chính phủ đã « Bẻ ghi sai » về mục đích và phương pháp cải cách Công ty Xe lửa Quốc gia Pháp SNCF.

Tờ báo khẳng định với lập luận « tốn kém », chính phủ thủ tướng Philippe đang cố tình bôi đen bức tranh của ngành hòng dìm chết nhân viên hỏa xa. Thế nhưng tờ báo cho rằng SNCF không phải là doanh nghiệp đang ở bên bờ vực thẳm như các vị bộ trưởng đã nhiều lần tuyên bố. Công ty này làm ăn có lãi, hoàn thành nghĩa vụ là dịch vụ công cộng và đa số dân Pháp hài lòng.

So sánh với các công ty hỏa xa châu Âu khác, SNCF không hề đứng ở cuối bảng. Phải chăng doanh nghiệp cần chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh ? Đương nhiên, điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực, tìm cách nâng cao năng suất và dịch vụ tốt hơn. Có thể đánh cược rằng các nhân viên hỏa xa ý thức được điều này, ngoại trừ một thiểu số mong muốn giữ nguyên trạng.

Vẫn theo tờ báo, với quyết tâm hành động phũ phàng, « khoa trương », ầm ĩ, chính phủ muốn thúc đẩy công luận chống lại « những ưu đãi » của nhân viên hỏa xa mà thực ra những ưu đãi này có được với cái giá là giờ giấc và điều kiện làm việc cực nhọc.

Do vậy, chính phủ đã thúc đẩy các công đoàn đoàn kết chống lại chính phủ và chĩa mũi nhọn vào đại đa số các cán bộ trong ngành trong lúc bản thân những cán bộ này không hề muốn bị toàn nước Pháp chỉ trích (…)

Nhật báo thiên tả cho rằng có rất nhiều khả năng cải cách SNCF mà không cần phải có cuộc tổng đọ sức như vậy. Tương lai sẽ cho thấy phải chăng lần này là một sự sai lầm bẻ ghi tàu. Trong khi chờ đợi câu trả lời, toàn nước Pháp vui mừng chuẩn bị đi bộ và đi chung xe hơi.

Le Figaro : « Hãy vững tay chèo! »

Quan điểm này của Libération không được các đồng nghiệp khác chia sẻ. Le Figaro ủng hộ chính phủ « Hãy đứng vững » trong cuộc đối đầu này. Nhật báo cánh hữu nhận thức được rằng tổng thống Macron và chính phủ đang đánh một ván bài lớn.

Nếu nhượng bộ, họ có thể nói lời từ biệt hoặc gần như vậy, đối với hàng loạt cải cách mà chính phủ Pháp đang muốn tiến hành trên nhiều lĩnh vực. Nhất là cải cách chế độ hưu bổng. Do vậy, chính phủ không có sự lựa chọn nào khác là phải cầm cự, đứng vững.

Nếu so với cuộc tổng đình công năm 1995, buộc chính phủ phải lùi bước, do SNCF vẫn nhận được sự ủng hộ của công luận thì tình hình nay đã khác. Tâm thế và tâm lý của người dân Pháp đã thay đổi.

Quy chế của nhân viên hỏa xa và hàng loạt các ưu đãi dành cho họ bị coi như là một sự lố bịch ngày càng khó chấp nhận, trong lúc những người về hưu thì phàn nàn về việc phải tăng mức đóng góp xã hội, giới sinh viên thì khó chịu bởi chương trình cải cách tuyển chọn đại học, giới công chức thì lo ngại.

Do vậy, mỗi giới đều biểu tình để bảo vệ quyền lợi của mình. Và cho đến lúc này, việc hội tụ các cuộc đấu tranh xã hội nói trên vẫn chỉ là điều mong muốn của công đoàn CGT (Tổng liên đoàn những người lao động Pháp) mà thôi.

Khi áp dụng cách thức bãi công chưa từng thấy – 2 ngày đình công, rồi 3 ngày quay lại làm việc và nhịp độ này kéo dài trong vòng 3 tháng – giới công đoàn muốn tạo ra một ảo giác, đánh lừa. Nguy cơ xáo trộn các phương tiện giao thông rất lớn, thậm chí có thể làm cho người sử dụng giao thông bất bình mạnh mẽ về chất lượng phục vụ giao thông, vốn dĩ đã yếu kém từ lâu nay.

SNCF, doanh nghiệp biểu trưng của dịch vụ công theo kiểu Pháp, không còn đáng tự hào. Giá vé thì cao, thường xuyên có sự cố, giờ giấc thì phập phù. Giới công đoàn sẽ khó có thể thuyết phục được công luận chấp nhận sự ương ngạch của họ chống lại các thay đổi. Các lĩnh vực khác như viễn thông, vận tải hàng không hay lĩnh vực truyền thông nghe nhìn đã mở cửa chấp nhận cạnh tranh và dân Pháp không phàn nàn về những thay đổi này.

Le Figaro kết luận : Mùa xuân năm nay, nước Pháp đang đứng trước một bước ngoặt. Nếu không vượt được chướng ngại này, nước Pháp sẽ còn bất động dài lâu, tiếp tục đứng bên lề các cải cách.

Les Echos : Nước Pháp, vô địch đình công

Nhật báo kinh tế Les Echos ngán ngẩm cho một nước Pháp, quán quân về đình công. Mỉa mai thay ngày hôm nay cơ quan tư vấn kinh tế Pháp, Business France theo dự kiến sẽ công bố bản tổng kết hàng năm về đầu tư nước ngoài tại Pháp, một trong những chỉ số rất được mong đợi, cho thấy nước Pháp đang trở nên hấp dẫn đối với giới đầu tư.

Vậy mà vào thời điểm công bố, giao thông bị đình trệ vì các cuộc đình công : không tầu, không máy bay. Công đoàn CGT – Tổng liên đoàn những người lao động Pháp – kêu gọi nhiều ngành nghề khác cùng đình công (điện lực, thu gom rác…) để hội tụ các cuộc đấu tranh xã hội và lên kế hoạch đình công liên ngành vào ngày 19/04.

Tờ báo chua cay nhận xét bất chấp việc tổng thống Emmanuel Macron không ngừng quảng bá đất nước đang thay đổi, nhưng nước Pháp vẫn giữ vị trí vô địch thế giới về đình công. Cho dù không có các chỉ số đáng tin cậy – vì mỗi nước có định nghĩa khác nhau về xung đột xã hội – nhưng kinh tế Pháp vẫn có số ngày mà người lao động từ chối làm việc cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, Les Echos cũng nhìn nhận có một số yếu tố làm giảm bớt bức tranh đen này : trong lĩnh vực tư nhân, các cuộc đình công thường suy yếu đi sau một thời gian ; trong lĩnh vực công, số các cuộc xung đột xã hội cũng giảm kể từ năm 2010 ; trong nhiệm kỳ tổng thống trước (thời tổng thống François Hollande), các vụ đình công cũng giảm cho dù Nhà nước không tăng lương cho công chức trong một thời gian dài.

Dù vậy, điểm đen đậm nhất vẫn là ngành giao thông, đặc biệt là Công ty Xe lửa Quốc gia Pháp – SNCF – nơi liên tục có các cuộc đình công (từ 2002 đến nay, công đoàn SUD-rail đã đưa ra gần 200 thông báo đình công) và dường như đây là cửa ải-thử thách cần vượt qua. Các công đoàn ngành hỏa xa có khả năng huy động đình công cũng như gây phiền nhiễu rất cao.

Tuy đình công chưa lan tỏa như vết dầu loang – điều mong muốn của công đoàn CGT – nhưng cuộc đình công của giới hỏa xa bắt đầu hôm nay là một trắc nghiệm chính trị và sẽ còn kéo dài và sẽ là dấu ấn của nhiệm kỳ tổng thống. Trong hoàn cảnh này, Les Echos chỉ biết ngao ngán thốt lên rằng « Tại đất nước của các cuộc đình công ».

La Croix : Tương lai nào cho SNCF

Về phần mình, xã luận của La Croix hòa dịu hơn kêu gọi các nghiệp đoàn nên « Xây dựng tương lai cho SNCF ». Nhật báo công giáo cho rằng nếu như Công ty Xe lửa Quốc gia Pháp hoạt động tốt, làm hài lòng mọi người thì chẳng có lý do gì phải cải cách.

Rất tiếc là chi phí cho dịch vụ đường sắt này lại cao, nợ của công ty rất lớn, việc bảo dưỡng hệ thống đường sắt không đủ, chất lượng phục vụ kém…Giả sử không phải đối mặt với cạnh tranh trong những năm tháng tới, thì SNCF cũng không thể tiếp tục tồn tại « nguyên trạng » như vậy được.

Trong tình hình đó, phải chăng quy chế « ưu đãi » dành nhân viên hỏa xa là yếu tố duy nhất làm cho công ty yếu kém ? Chắc chắn là không. Món nợ khổng lồ của SNCF phần lớn là do các quyết sách mang tính chính trị. Do các dân biểu địa phương muốn bằng mọi giá là tỉnh vùng của họ phải có các tuyến đường sắt cao tốc TGV, bất chấp thua lỗ, các chính phủ liên tiếp đã tỏ ra yếu kém trong quản lý và đổ nợ lên đầu SNCF.

Tuy nhiên, quy chế ưu đãi mà các nhân viên hỏa xa được hưởng cũng có phần trách nhiệm. Vấn đề chính đối với SNCF không phải là tài chính mà là sự cứng nhắc trong vận hành, làm cho doanh nghiệp này mất đi khả năng thích ứng với những mong đợi của người sử dụng.

Bảo vệ bằng mọi giá quy chế này, như các công đoàn tuyên bố, thông qua các cuộc đình công liên tiếp trong ba tháng tới, chắc chắn không phải là cách thức tốt nhất để bảo vệ trên nguyên tắc, quy chế của nhân viên hỏa xa và sự trường tồn của SNCF với tư cách là doanh nghiệp Nhà nước. Trên thực tế, tốt nhất là SNCF nên đàm phán điều chỉnh các quy định quyền lợi xã hội và đổi lại, Nhà nước đứng ra gánh chịu khoản nợ khổng lồ cho doanh nghiệp.

Các tin khác

Về thời sự quốc tế, một số báo Pháp đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. « Bắc Kinh đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ », tựa của Les Echos, hay như « Bắc Kinh trả đũa Washington bằng cách đánh thuế 128 sản phẩm Hoa Kỳ », bài viết của Le Figaro.

Nước Nga của Putin vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm theo dõi của báo chí Pháp. Les Echos có bài phân tích đề tựa « Putin IV, triều đại mới với rủi ro cao ». Bất chấp việc tái đắc cử với tỷ lệ cao, nhưng nhiệm kỳ thứ tư của ông Vladimir Putin sẽ không như là dòng sông êm đềm. Nỗi hụt hẫng xã hội, bối cảnh địa chính trị và vấn đề người kế thừa sẽ là gánh nặng bất định mà ông phải đối mặt.

Libération có bài nói về cuộc triển lãm đáng chú ý tại Berlin, tường thuật những mối liên hệ đầy mâu thuẫn người dân Đông Đức với vấn đề tính dục. Giữa một bên là sự kiểm soát của chính phủ và bên kia là chủ nghĩa hoan lạc. Trên nền ảnh bìa của tập sách FKK, Libération đề tựa « Đức : Cộng Hòa Dân Chủ Đức, một đất nước theo chế độ tình dục ».

Cuối cùng, Le Figaro đưa ra một thông báo không mấy lạc quan về môi trường : « Sahara đã rộng thêm 10% trong vòng một thế kỷ ». Vùng sa mạc lớn nhất và nóng nhất hành tinh, có diện tích gần bằng nước Mỹ không ngừng mở rộng ở phía bắc cũng như ở phía nam. Hiện tượng tự nhiên này đã gia tăng cường độ do khí hậu ấm dần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.