Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Chương trình kỷ niệm 350 năm Opéra de Paris

Xen kẽ các vở kịch opéra và múa ballet kinh điển với các sáng tác đương đại của các tác giả hiện thời, đó là nội dung chương trình kỷ niệm 350 năm cơ quan Opéra National de Paris. Tiền thân cơ quan này là Viện Hàn lâm Hoàng gia âm nhạc, được thành lập vào năm 1669, dưới thời vua Louis XIV, vốn nổi tiếng là một nhà vua yêu chuộng nghệ thuật, đặc biệt bộ môn múa ballet.

Nhà hát Opéra Garnier trực thuộc cơ quan Opéra de Paris
Nhà hát Opéra Garnier trực thuộc cơ quan Opéra de Paris RFI /Ariane Gaffuri
Quảng cáo

Cơ quan Opéra National de Paris bao gồm hai nhà hát Opéra Garnier (chuyên về múa) và Opéra Bastille (chuyên về kịch hát). Theo truyền thống, chương trình biểu diễn bắt đầu vào mùa thu tức là tháng 9 hàng năm rồi kéo dài cho tới mùa hè năm sau. Do vậy hôm 29/01/2018, giám đốc cơ quan quốc gia Opéra de Paris ông Stéphane Lissner đã công bố lịch biểu diễn cũng như các chi tiết của chương trình kỷ niệm 350 năm ngày thành lập Opéra de Paris, mặc dù một cách chính thức, cơ quan này chỉ thật sự ăn mừng sinh nhật lần thứ 350 vào năm 2019.

Năm 2019 cũng đánh dấu đúng 30 năm ngày khánh thành nhà hát Opéra Bastille, do vậy chương trình kỷ niệm sẽ càng thêm đặc biệt trong cả hai lãnh vực múa ballet và kịch opéra.

Không phải ngẫu nhiên mà ông giám đốc Stéphane Lissner đã chọn hai gương mặt tiêu biểu cho nghệ thuật sáng tác theo kiểu Pháp. Trước hết là Jean-Philippe Rameau (1702-1766), nổi tiếng nhờ 6 vở kịch dung hoà múa ballet và opéra, đặc biệt là tác phẩm Les Indes Galantes. Lúc sinh tiền, tác giả Rameau từng được phong làm nhạc sĩ của triều đình, kế thừa sự nghiệp của nhà soạn nhạc Jean Baptiste Lully. Thành danh trong thời kỳ baroque nhưng tác giả Rameau lại phát huy tính chuẩn mực khuôn thước của dòng nhạc kinh điển của Pháp.

Gương mặt trứ danh thứ nhì là Hector Berlioz (1803-1869). Xuất thân từ trường phái lãng mạn, ông Berlioz đã nâng nghệ thuật sáng tác của Pháp vào cuối thế kỷ XIX lên một tầm cao mới nhờ các tác phẩm tiêu biểu như Khúc Cầu Hồn hay là Bản Giao hưởng cuồng tưởng (Symphonie Fantastique), tràn đầy sức sống và nhiệt huyết, mãnh liệt đến rực lửa. Tác phẩm của Hector Berlioz mang tựa đề Les Troyens từng được chọn vào năm 1989 để khai mạc nhà hát Opéra Bastille, nay sắp được diễn lại đúng 30 năm sau trên sân khấu.

Thế nhưng cơ quan Opéra National de Paris không chỉ đơn thuần nhìn lại các tác phẩm kinh điển mà lại triệu mời các đạo diễn thời nay như Dmitri Tchernakiov (người Nga) hay là Clément Cogitore (người Pháp) tham gia vào cách dàn dựng để rũ bỏ lớp bụi thời gian và khoác áo mới cho các tác phẩm hàn lâm cổ điển. Chương trình kỷ niệm không chỉ bao gồm các nhà soạn nhạc tiêu biểu của Pháp mà còn bao gồm thêm nhiều tác giả nổi tiếng thế giới như Tchaikovski, Chostakovitch, Massenet, Verdi hay Mozart …

Ngoài múa ballet và kịch opéra, chương trình kỷ niệm 350 năm Opéra de Paris còn mở rộng đối thoại với nhiều bộ môn nghệ thuật khác đặc biệt là ngành hội họa qua các cuộc triển lãm lớn với chủ đề "Opéra trong mắt của danh họa Degas" do Viện bảo tàng Washington D.C đồng tổ chức với bảo tàng Orsay. Một cuộc triển lãm khác cũng theo chuyên đề nghệ thuật sân khấu sẽ diễn ra tại chi nhánh của trung tâm văn hóa Pompidou tại thành phố Metz.

Hẳn chắc là chương trình kỷ niệm này sẽ giúp cho cơ quan Opéra de Paris thu hút thêm khán giả đi xem biểu diễn tại các nhà hát. Sau hai năm gặp khó khăn chủ yếu do tác hại các đợt khủng bố tại Paris (tháng 11 năm 2015), hai nhà hát Opéra Garnier (múa ballet) và Opéra Bastille (kịch hát) thu hút trở lại đông đảo khán giả. Mỗi nhà hát có hơn hai ngàn chỗ ngồi và trong năm qua đã thu hút 859.000 lượt khán giả, lập kỷ lục với 73 triệu euro doanh thu, mức cao nhất từ một thập niên qua, mặc dù chính phủ Pháp đã giảm gần một nửa mức tài trợ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.