Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Triển lãm hoàn cầu Paris 1900: Sự kiện đánh dấu thế kỷ XX

Đăng ngày:

Pháp nổi tiếng là quốc gia đã tổ chức thành công nhiều triển lãm hoàn cầu. Từ năm 1855 đến năm 1900, Pháp đã tổ chức 5 đợt triển lãm hoàn cầu, trong đó nổi tiếng nhất là triển lãm hoàn cầu 1900, được coi là một trong những sự kiện đánh dấu thế kỷ XX.

Toàn cảnh Grand Palais tại Paris. Ảnh chụp ngày 01/11/2012.
Toàn cảnh Grand Palais tại Paris. Ảnh chụp ngày 01/11/2012. JOEL SAGET / AFP
Quảng cáo

Thế nhưng, Anh Quốc mới là nước đầu tiên tổ chức triển lãm hoàn cầu. Triển lãm khai mạc ngày 01/05/1851 tại Luân Đôn với tên gọi « The Great Exhibition of the Works of Industry of all Nations » - Đại triển lãm công nghiệp các quốc gia.

Tại Pháp, trước đó, vào năm 1798, triển lãm quốc gia về sản xuất công nghiệp lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 21/09, với các sản phẩm của 110 nhà sản xuất công nghiệp trong nước. Từ năm 1801 đến năm 1849, có 11 triển lãm quốc gia được chính quyền Pháp tổ chức. Thực ra, Pháp cũng đã manh nha ý tưởng tổ chức triển lãm hoàn cầu nhưng sự bất an về chính trị đầu thế kỷ 19 đã khiến mọi ý tưởng tổ chức các sự kiện quốc tế, dù là nhỏ nhất, đều không thành hiện thực.

Trong khi đó, Anh Quốc, dưới thời trị vì của nữ hoàng Victoria, lại ổn định và phát triển thịnh vượng. Năm 1850, hoàng thân Albert, phu quân của nữ hoàng Victoria quyết định cho tổ chức triển lãm ở Luân Đôn, mời các quốc gia khác tới cùng tham gia. Và triển lãm hoàn cầu ra đời. Khu trưng bày của các nhà sản xuất công nghiệp Anh chiếm ½ khu triển lãm. Nước Pháp của hoàng đế Napoléon III là khách mời danh dự trong triển lãm hoàn cầu lần đầu tiên và chiếm phần lớn diện tích khu trưng bày dành cho các nhà sản xuất nước ngoài. Triển lãm hoàn cầu Luân Đôn kéo dài 6 tháng, từ ngày 01/05/1851 tới cuối tháng 10/1851 và thành công vang dội với 1 triệu du khách.

Thành công của nước Anh đã khiến Hoàng đế Napoléon III quyết định cạnh tranh. Ngày 08/03/1853, Napoléon ra sắc lệnh tổ chức triển lãm hoàn cầu vào năm 1855, kéo dài 6 tháng. 4 triển lãm hoàn cầu tiếp theo (1867, 1878, 1889 và 1900) là những mốc thời gian quan trọng với nước Pháp. Năm 1867 đánh dấu các chiến thắng quân sự của Napoléon III. Năm 1878 đánh dấu sự hòa giải quốc gia sau những đụng độ đẫm máu thời Công Xã Paris và giai đoạn khởi đầu nền Đệ Tam Cộng Hòa của Pháp. Năm 1889 là năm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tư sản Pháp. Năm 1900 là năm chuyển giao sang thế kỷ 20.

Trong chuyên mục « 1 ngày trong lịch sử » trên kênh Europe 1 về đề tài « 15/04/1900: Triển lãm hoàn cầu », khi trả lời câu hỏi « Triển lãm hoàn cầu để làm gì »? , phóng viên Frank Ferrand trả lời: « Đó là những tủ kính trưng bày trên quy mô quốc gia, những tủ kính trưng bày về khoa học, kỹ thuật và cả những tủ kính trưng bày về nghệ thuật nữa, nói tóm lại là một cuộc trình diễn tài năng. Theo định nghĩa chính thức, các triển lãm hoàn cầu này có mục tiêu giới thiệu tất cả những gì mà con người có để thỏa mãn nhu cầu của một nền văn minh và giới thiệu, trong một hay nhiều ngành hoạt động của con người, những tiến bộ mà loài người đã đạt được và những triển vọng mà con người tin là sẽ đạt được trong tương lai ».

Triển lãm hoàn cầu đầu tiên tại Pháp

Triển lãm hoàn cầu đầu tiên tại Pháp diễn ra từ ngày 15/05/1855 tới ngày 15/11/1855 tại Palais de l’Industrie - Cung Điện Công Nghiệp, rộng 27.000 m2, ở Champs de Mars, Paris. Nếu Triển lãm hoàn cầu Luân Đôn 1851 tập trung vào nguyên vật liệu sản xuất, các loại máy móc và sản phẩm công nghiệp, thì Triển lãm hoàn cầu Paris 1855 lại mở rộng sang cả lĩnh vực nông nghiệp và mỹ thuật. Có tổng cộng gần 24.000 nhà sản xuất công nghiệp từ nhiều nước tới tham dự, thu hút gần 5.200.000 du khách. Học theo Anh Quốc, nước Pháp bán vé vào cửa triển lãm. Giá vé thay đổi theo ngày, đắt nhất là thứ Sáu - 5 franc (một khoản tiền rất lớn vào thời đó), rẻ nhất là chủ nhật - 20 centimes. Các tầng lớp giàu sang trong xã hội thường đi triển lãm vào thứ Sáu, còn giới công nhân và gia đình họ thì tới vào chủ nhật. Giá vé các ngày trong tuần là 1 franc, thứ bảy là 50 centimes.

Khách thăm quan được chiêm ngưỡng nhiều loại máy móc, chẳng hạn máy giặt Moore, súng ngắn Colt, máy khâu Singer, hay búp bê biết nói ... Cũng trong dịp ngày, du khách được giới thiệu về tiến độ đặt dây cáp điện xuyên Đại Tây Dương, nối Hoa Kỳ với Châu Âu. Mặc dù nước Pháp phải chi hơn 11 triệu franc và chỉ thu lại về hơn 3 triệu (lỗ gần 8 triệu), nhưng Triển lãm hoàn cầu 1855 là một sự kiện quan trọng để nước Pháp cho quốc tế thấy sự lớn mạnh của đất nước. Đó cũng là dịp để Hoàng đế Napoléon III củng cố vị thế.

Triển lãm hoàn cầu 1867-1878 và 1889

Tới năm 1863, 1 năm sau khi Anh Quốc tổ chức triển lãm hoàn cầu lần thứ hai của mình, Hoàng đế Pháp Napoléon III lại ra sắc lệnh tổ chức một triển lãm hoàn cầu mang tính toàn cầu hơn cả những triển lãm hoàn cầu trước đó, giới thiệu không chỉ các ngành công nghiệp mà toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống của con người.

Triển lãm hoàn cầu Paris 1867 kéo dài suốt 8 tháng, từ ngày 01/04 đến ngày 30/11, tại Champs de Mars. Điện Omnibus phục vụ triển lãm trải rộng trên 46 ha, chưa kể tới khu vực bao quanh dành cho các tòa nhà trưng bày của các quốc gia khách mời. Triển lãm thu hút 11-15 triệu khách tham quan. Số các nhà sản xuất tham gia triển lãm lên tới hơn 52.000, trong đó có gần 16.000 nhà sản xuất của Pháp.

Năm 1875, nước Pháp bước sang nền Đệ Tam Cộng Hòa. Năm 1876, chính quyền quyết định tổ chức triển lãm hoàn cầu để mời thế giới đến với Paris. 16 triệu du khách đã mang lại cho triển lãm một thành công ở tầm cao mới. 1878 là triển lãm của các công nghệ mới, đặc biệt trong ngành điện, và công chúng lần đầu biết tới máy đánh chữ, răng bằng sứ, máy làm đá lạnh có thể sản xuất tới 24 triệu tấn đá/ngày, động cơ đông lạnh phục vụ việc vận chuyển và bảo quản thực phẩm, máy sản xuất đồ uống có ga …

Để kỷ niệm 100 năm Cách mạng tư sản Pháp và sự sụp đổ của chế độ quân chủ, ngày từ năm 1878, Paris đã quyết định tổ chức một đợt triển lãm hoàn cầu đặc biệt vào năm 1889. Nhưng cũng chính vì lý do chính trị đó mà các nước theo chế độ quân chủ lập hiến ở châu Âu không chính thức tham gia triển lãm. Tuy vậy, vẫn có tới 27.000 nhà sản xuất nước ngoài trưng bày sản phẩm tại Paris trong tổng số gần 62.000 nhà sản xuất dự triển lãm. Với 32 triệu lượt khách trong 6 tháng, triển lãm hoàn cầu 1889 là cuộc triển lãm hoàn cầu đầu tiên có lãi (8 triệu franc).

Điểm nhấn của triển lãm lần này là các công trình phục vụ triển lãm có kiến trúc bằng kim loại, điển hình là tháp Eiffel. Chính từ tầng cao nhất của tháp Eiffel, phát pháo bế mạc triển lãm được bắn đi. Và nếu cho tới nay, triển lãm hoàn cầu 1878 vẫn là triển lãm để lại nhiều công trình nhất cho Paris, thì triễn lãm hoàn cầu 1889 lại được đánh giá là triển lãm đẹp nhất, nhiều sáng tạo nhất trong lịch sử các cuộc triển lãm được tổ chức tại Paris.

Triển lãm hoàn cầu 1900 - bản tổng kết thế kỷ

Triển lãm 1900 là triển lãm hoàn cầu cuối cùng được tổ chức tại Paris và được gọi đầy đủ là Triển lãm hoàn cầu quốc tế 1900. Triển lãm có chủ đề « Tổng kết 1 thế kỷ ». Khu vực trưng bày trải rộng chưa từng có (216 ha), không chỉ trên 112 ha ở Champs de Mars, quảng trường điện Invalides, bờ sông Seine mà còn trên 104 ha rừng Vincennes, với 136 cổng vào. Về quy mô, triển lãm hoàn cầu 1900 lớn gấp 10 lần triển lãm hoàn cầu đầu tiên ở Paris 1855. Bất chấp các vụ tai tiếng về tài chính, các cuộc đình công và sự thay đổi các chính phủ xảy ra liên tục, tổng cộng có 83.000 nhà sản xuất, trong đó có 45.000 nhà sản xuất của Pháp tham gia triển lãm.

Triển lãm 1900 có mục đích để đánh dấu thế kỷ mới, thế kỷ của ngành công nghiệp điện. Phát minh kỳ diệu ra điện đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Điện, theo cách nói của nhà văn Paul Moran, là « tôn giáo của năm 1900 » ! Triển lãm thu hút hút số lượng du khách cao kỷ lục. Trong khi dân số Pháp là chỉ là 41 triệu người, thì có tới gần 51 triệu du khách tới thăm triển lãm kéo dài từ giữa tháng 04 đến giữa tháng 11.

Triển lãm hoàn cầu nào cũng góp phần làm thay đổi lâu dài diện mạo của Paris, nhưng những đóng góp của triển lãm 1900 lại đạt một tầm cao mới, đặc biệt về hệ thống giao thông của Paris. Các nhà ga xe lửa Gare de l’Est, Gare Monparnasse được quy hoạch lại, Gare de Lyon, Gare d’Orsay (giờ là bảo tàng Orsay), Gare des Invalides được khánh thành. Hai bãi xe đạp rộng tổng cộng 1000 m2 cũng được đưa vào sử dụng. Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Paris, tuyến métro 1, nối hai cửa ngõ Paris, Porte de Vincennes và Porte Maillot, được xây dựng phục vụ triển lãm, đã không thể khai trương trước ngày khai mạc. Phải đến ngày 14/07, métro 1 mới bắt đầu hoạt động, nhưng đã thành công vang dội. Cho tới khi kết thúc triển lãm vào cuối tháng 11, tuyến tàu ngầm số 1 đã phục vụ được 10 triệu lượt khách.

Do khu vực triển lãm rộng tới 216ha, một lối đi kiểu như băng chuyền, với hai tốc độ (4,2km/h và 8,5km/h) được lắp đặt và thu hút rất nhiều du khách. Lối đi có tên gọi « Con phố tương lai » dài 3km, được lắp đặt trên cao, cách mặt đất 7m, chạy qua nhiều khu phố, dọc sông Seine, đại lộ Bourdonnais, đại lộ Motte-Piquet, quảng trường điện Invalides … thành một vòng kép kín. Những du khách không thích phiêu lưu có thể đi những con tàu điện nhỏ chạy trên đường ray có tên gọi Decauville, kiểu giống như các con tàu nhỏ trong các công viên hiện nay, và theo cùng lộ trình như « Con phố tương lai ».

Việc ra mắt bộ phim đầu tiên trên thế giới của anh em nhà làm phim Lumière, trên màn hình khổng lồ rộng 21m, cao 16m cũng là một trong những biểu tượng của triển lãm 1900. Đông vui, tấp nập và rộn ràng với nhiều trò chơi, thi đấu như đua khinh khí cầu, bánh xe khổng lồ Chicago cao 70m, … triển lãm hoàn cầu 1900 đã đánh dấu bước ngoặt trong việc tổ chức các lễ hội quốc tế.

Trả lời cho câu hỏi tại sao người ta lại nhớ nhiều và nhắc nhiều đến triển lãm hoàn cầu 1900, phóng viên Frank Ferrand triển lãm 1900 là một sự kiện đánh dấu lịch sử của nước Pháp và giải thích : « Bởi vì đó là một thời kỳ tươi đẹp, bởi vì đó là một thời kỳ đặc biệt giàu phát minh kỹ thuật. Con người mới phát minh ra điện thoại, xe hơi, điện ảnh, hàng không. Nhưng đó cũng bởi vì năm 1900 là một năm kỳ diệu, năm bản lề nối thế kỷ 19 sang thế kỷ 20. Hơn nữa, chủ đề của triển lãm lại là « Tổng kết 1 thế kỷ ».

Cũng giống như ở các triển lãm trước, một số công trình được xây dựng để chào mừng và phục vụ triển lãm hoàn cầu 1900 sau đó đã bị phá dỡ, một số khác lại được bảo tồn cho đến ngày nay và trở thành những công trình nổi tiếng của Paris, trong đó phải kể đến Grand Palais (Cung điện lớn) - giờ là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn ở Paris, Petit Palais (Cung điện nhỏ) - giờ là Bảo Tàng Mỹ Thuật Paris, cây cầu lộng lẫy Pont Alexandre III, biểu tượng cho tình hữu nghị Nga - Pháp, một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới.

Năm 2016, Paris đã đệ trình hồ sơ đăng cai tổ chức triển lãm hoàn cầu 2025, dự tính số tiền chi ra là 2,9 tỉ euro, thu về 3,1 tỉ. Dự án được thị trưởng Paris Anne Hidalgo, bộ trưởng kinh tế Pháp khi đó là ông Emmanuel Macron, nay là tổng thống Pháp, cũng như nhiều chính trị gia ủng hộ. Chúng ta hãy cùng chờ xem Paris liệu có giành được quyền đăng cai Triển lãm hoàn cầu 2025 như đã đạt được với Thế Vận Hội Olympic 2024 hay không !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.