Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG - KHÍ HẬU

One Planet Summit: Để thỏa thuận COP 21 thành hiện thực

Hai năm sau thỏa thuận Paris lịch sử ngăn chặn hiện tượng trái đất bị hâm nóng tại hội nghị COP 21, hôm nay 12/12/2017, thủ đô nước Pháp lại đón tiếp hàng chục lãnh đạo các quốc gia dự Thượng đỉnh về khí hậu mang tên One Planet Summit. Mục tiêu là thúc đẩy thế giới hành động mạnh hơn để có được những bước tiến cụ thể trong việc chống biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Môi Trường Pháp, Nicolas Hulot, phát biểu tại Hội nghị khí hậu thế giới "One Planet Summit" ngày 12/12/2017.
Bộ trưởng Môi Trường Pháp, Nicolas Hulot, phát biểu tại Hội nghị khí hậu thế giới "One Planet Summit" ngày 12/12/2017. Eric FEFERBERG / AFP
Quảng cáo

Từ COP 21, thế giới đã qua đến COP23, vừa diễn ra tại Bonn giữa tháng 11 vừa rồi, nhưng dường như những tiến bộ vẫn chưa đủ để đáp ứng mong đợi. One Planet Summit, được tổ chức theo sáng kiến của Pháp sau khi ông Donald Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris, sẽ tập trung bàn vào vấn đề cụ thể mang tính quyết định thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đó là tài chính.

Thỏa thuận COP 21 Paris giờ đã đi đến đâu?

Hội nghị quốc tế lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC), gọi tắt là COP 21, sau nhiều ngày thương thảo căng thẳng,  hôm 12/12/2015 đã thông qua được một bản thỏa thuận lịch sử ấn định mục tiêu từ nay đến cuối thế kỷ kiềm chế mức tăng trung bình nhiệt độ trái đất dưới 2°C và tiến tới giới hạn 1,5°C .

Phần cốt lõi của thỏa thuận Paris là: Đặt cơ sở quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, căn nguyên gây xáo trộn bầu khí hậu, bằng cách ấn định khung cam kết chính trị kinh tế và tài chính. Đồng thời thỏa thuận Paris khuyến khích chuyển đổi nhanh chóng các nguồn năng lượng sang hướng sạch hơn như năng lượng gió hay mặt trời.

COP 21 đã đưa ra được con số thể : Các nước ký thỏa thuận cam kết đến năm 2020 sẽ đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm trợ giúp cho những nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một năm sau hội nghị Paris, khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ lại quy tụ tại Marrakech, Maroc trong COP 22. Hội nghị lần đó đã đạt thêm một bước tiến cụ thể: Đến 2018 sẽ phải xác định được các hình thức áp dụng Thỏa thuận về khí hậu.  Thế nhưng tháng 6 vừa qua, tổng thống Donald Trump đã thông báo rút Mỹ ra khỏi những cam kết của thỏa thuận Paris. Một quyết định gây không ít hoang mang cho cộng đồng quốc tế và đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ trong cũng như ngoài Hoa Kỳ.

Cuộc đấu tranh bảo vệ ngôi nhà chung Trái đất vẫn tiếp diễn mặc cho thái độ thờ ơ và những toan tính tủn mủn của chính quyền Trump. Trong hai ngày 16 và 17 tháng 11 vừa qua, tại Bonn, Đức, đại diện các quốc gia ký thỏa thuận Paris đã gặp nhau trong kỳ COP 23 để tìm cách cụ thể hóa những cam kết.

Trong khi nước Mỹ giàu có và cũng là một trong hai quốc gia phát thải khi gây hiệu ứng nhiều nhất thế giới rút ra khỏi các cam kết bảo vệ bầu khí hậu chung của Trái đất, thì những nước nhỏ, chậm phát triển như Nicaragua và Syria đã chính thức tham gia COP23 tại Bonn. Ngoài ra, khoảng hai chục nước và hai bang của Hoa Kỳ đã gia nhập liên minh quốc tế cam kết từ bỏ sử dụng than đá sản xuất điện từ nay đến năm 2030.

Theo đại diện Pháp, bà Laurence Tubiana, đặc trách đàm phán về thay đổi khí hậu, COP23 đã đạt được hai điểm đáng chú ý: “Trước hết đó là các cam kết của các tác nhân ngoài chính chính phủ, như các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ hay các vùng. Trọng tâm của cam kết xoay quanh vấn đề sử dụng than đá”.

Tuy nhiên, kết quả của COP 23 vẫn còn chưa được như mong đợi hay “ nửa vời”, như đánh giá của ông Nicolas Hulot, bộ trưởng Môi Trường Pháp.  Ông Hulot nhận định, việc Hoa Kỳ rút khỏi tiến trình chống hâm nóng trái đất có tác động tiêu cực rõ rệt, nhưng thế giới vẫn quyết tâm và lạc quan vào tương lai của các thỏa thuận bảo vệ bầu khí hậu chung.

Hội nghị COP 24 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2018 tại Katowice, Ba Lan. Khi đó các nước tham gia ký thỏa thuận sẽ phải đúc kết được những  đường hướng chỉ đạo và các khả năng của mình về vấn đề phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chi phí tài chính cho công cuộc  chống biến đổi khí hậu trong một văn bản chỉ đạo thực hiện theo khuôn khổ của Thỏa thuận Paris.

Mong đợi gì ở One Planet Summit 2017 ?

Trước khi đạt được điều đó, các quốc gia và những tác nhân không thuộc chính phủ họp tại Paris hôm nay trong một hội nghị thượng đỉnh mang tên gọi One Planet Summit, được tổ chức theo sáng kiến của tổng thống Pháp. Nhiệm vụ của Thượng đỉnh Paris lần này là đưa các tác nhân tài chính của Nhà nước cũng như tư nhân hòa nhập vào cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22/11 vừa qua đã tuyên bố: “ Cái thiếu hiện nay đó là những dự án cụ thể, với nguồn tài chính thực sự cho các dự án đó”.  Ông nói thêm: “ Mục tiêu của cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/12 này không phải là đi đến một tuyên bố, mà là đạt được một danh sách các hành động và cam kết tài chính cụ thể của các nước và của các tổ chức tư nhân” để đối phó  với sự biến đổi khí hậu.

One Planet Summit  Paris tập trung huy động các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng , cũng như các tác nhân kinh tế khác như ngân hàng hay các chính phủ bắt tay vào những chương trình cụ thể vì môi trường khí hậu.  Hội nghị cũng muốn các quốc gia một lần nữa cụ thể hóa các chỉ tiêu con số  về năng lượng tái tạo cho từng giai đoạn.

Trong khuôn khổ One Planet Summit, có khoảng năm chục công ty sẽ tham gia  ký cam kết cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Như vậy đến nay đã có hơn 90 doanh nghiệp, trong đó đa số là các tập đoàn lớn chia sẻ quyết tâm cho cuộc đấu tranh chống hâm nóng  khí hậu.

Trong khoảng từ 2016 đến 2020, các công ty tham gia ký cam kết dự trù sẽ đầu tư khoảng 60 tỷ euro trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả năng lượng, công nghệ các-bon thấp hay làm nông nghiệp bền vững. Đã có hơn 1000 dự án nhằm hỗ trợ các nước thích nghi hoặc giảm thiểu tác động với các biến đổi khí hậu.

Các doanh nghiệp nói trên cũng dự tính sẽ thu thập nguồn vốn 220 tỷ euro cho các dự án góp phần đấu tranh chống hâm nóng khí hậu. Bên cạnh vấn đề tài chính, trong tổng số các doanh nghiệp ký thỏa thuận, đã có 60 công ty cam kết cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng những chỉ tiêu con số cụ thể.

Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Yong Kim, trước hội nghị thượng đỉnh Paris về khí hậu,  đã nhấn mạnh : “ Cơ quan năng lượng Quốc tế thẩm định cần phải có 3500 tỷ đô la mỗi năm trong suốt 30 năm để duy tri mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng tối thiểu 2°C”.

Vì thế, không có tiền thì các chỉ tiêu sẽ vẫn chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị và thế giới sẽ không có gì thay đổi.  Ngân hàng thế giới cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ tăng 28% nguồn tài chính để đáp ứng như cầu về vốn cho các dự án chống biến đổi khí hậu.

Hơn bao giờ hết để có những bước tiến cụ thể và hiệu quả, vấn đề nguồn tài chính đóng vai trò tiên quyết, nhưng đây cũng là vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.