Vào nội dung chính
TRIỂN LÃM - NHIẾP ẢNH

Paris tôn vinh Irving Penn nhân 100 năm ngày sinh

2017 đánh dấu 100 năm ngày sinh của Irving Penn, một trong những nhà nhiếp ảnh lẫy lừng nhất thế kỷ XX. Nhân dịp này, Viện bảo tàng Grand Palais tổ chức triển lãm tại Paris với sự hợp tác của Bảo tàng Metropolitan (New York) và Quỹ Irving Penn Foundation. Cuộc triển lãm lớn diễn trong 4 tháng liền từ 21/09/2017 tới 29/01/2018.

Chân dung Picasso, do Irving Penn chụp vào năm 1957
Chân dung Picasso, do Irving Penn chụp vào năm 1957 © REUTERS
Quảng cáo

Cuộc triển lãm tại bảo tàng Grand Palais tập hợp khoảng 240 bức nhiếp ảnh trưng bày theo chủ đề tại 11 gian triển lãm cho thấy tài năng chụp ảnh của Irving Penn dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Nếu như sở trường của ông là chụp ảnh chân dung (đa phần là những nghệ sĩ và nhân vật nổi tiếng) do ông làm việc cho tạp chí thời trang Vogue trong nhiều thập niên, thì vào những năm sau đó Irving Penn lao vào thử nghiệm chụp ảnh tĩnh vật (tàn thuốc lá hay mẫu bánh ngọt) hay ông chụp nét đa dạng của những nền văn hóa khác thông qua các bức chân dung của những con người mà ông tiếp xúc gặp gỡ nhân các chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới (Benin, Peru, Maroc, New Guinea ……)

Sinh trưởng tại bang New Jersey (1917-2009), Irving Penn xuất thân từ một gia đình có nhiều năng khiếu nghệ thuật. Em trai của ông (nhỏ hơn ông 5 tuổi) là đạo diễn Arthur Penn, nổi tiếng nhờ các bộ phim như The Miracle Worker (phim đoạt giải Oscar năm 1963) hay là phim Bonnie & Clyde (1967). Còn bản thân ông Irving Penn theo đuổi ngành hội họa và thiết kế, ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Công nghiệp Pennsylvania. Một khi ra trường, ông làm việc cho nhiều tạp chí nổi tiếng trong đó có Harper’s Bazaar, Condé Nast và nhất là Vogue, những tấm ảnh chân dung và thời trang của ông chinh phục giới phê bình lẫn độc giả.

Audrey Hepburn, Marlene Dietrich, Pablo Picasso, Alfred Hitchcock, Spencer Tracy, Yves Saint Laurent …… hầu hết các ngôi sao hay nhân vật nổi tiếng đều có chân dung thu vào ống kính nhiếp ảnh của Irving Penn. Đầu những năm 1950, ông bắt đầu loạt ảnh chụp chân dung khá độc đáo mà qua đó ông cố tình đặt chủ thể hay đối tượng của mình giữa những bức vách nhỏ, như thể họ bị kẹt trong những khung chật hẹp, những góc tam giác bức bối mà cân đối.

Những tấm chân dung thoạt nhìn tột cùng đơn giản nhưng thật ra cực kỳ trau chuốt, tỉ mỉ, tinh tế và hoàn chỉnh. Không một chi tiết nào có thể bị bỏ sót, trừ khi đó là chủ ý của ông : chủ thể hay đối tượng trong ảnh luôn được hiển thị rõ ràng. Irving Penn thừa hưởng cái tính cầu toàn ấy từ ông bố nguyên là một thợ đồng hồ, chăm chút cần mẫn : người ta chỉ nhìn thấy sản phẩm hoàn tất đơn giản, nhưng đằng sau là cả một công trình dài hơi với bao công đoạn phức tạp.

Nhiếp ảnh gia Irving Penn không những là một nghệ sĩ tài ba, ông còn là một chuyên gia kỹ thuật trong buồng tối : ông nắm vững tất cả các công đoạn, từ khâu bấm máy chụp hình cho tới khâu rửa hình và nghiên cứu các chất liệu nhiếp ảnh. Vào thập niên 1960, ông tìm tòi khám phá một kỹ thuật quan trọng để tự in những bức ảnh chụp của mình.

Do không hài lòng với kỹ thuật in hình của ngành xuất bản thương mại, ông sáng chế cách dùng chất bạch kim (platinum) thay vì dùng chất bạc thông thường. Những bức ảnh do ông tự in ra, có thêm nhiều màu sắc, gam màu thêm mượt mà, ảnh chụp vì thế mà tinh tế hơn. Có thể nói là từ cái tình cầu toàn, Irving Penn đã miệt mài tìm tòi để rồi tự sáng chế ra một phương pháp hoàn chỉnh giúp tăng lên chiều sâu và độ sáng của các bức ảnh chụp.

Trong vòng nhiều thập niên, Irving Penn đã làm việc cho Vogue, và đã thực hiện hơn 150 tấm ảnh bìa cho tạp chí thời trang này. Thế nhưng, ngoài công việc, ông vẫn dành thời gian để thử nghiệm trong nhiều lãnh vực khác, kể cả ảnh chụp phụ nữ khỏa thân, hay là chụp chân dung các tiểu thương hay những người thợ thủ công, trong các bộ trang phục tiêu biểu cho nghề nghiệp của họ tại Paris, Luân Đôn hay New York.

Vào giữa những năm 1970, tuy đã ngoài 60 tuổi, nhưng Irving Penn vẫn tiếp tục thử nghiệm với loạt ảnh chụp các đầu mẩu hay tàn tro thuốc lá, cũng như loạt ảnh chụp mảnh vỡ, đá vụn vỉa hè cho cuộc triển lãm tại bảo tàng Metropolitan, hầu hết các bức ảnh đều được thực hiện với công nghệ hình in tráng bằng chất bạch kim.

Lúc sinh tiền, Irving Penn từng được giới phê bình công nhận là một trong những nhà nhiếp ảnh gia có nhiều ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Đối với bản thân ông, chủ thể hay đối tượng không quan trọng bằng góc nhìn. Chính nhãn quan của người nghệ sĩ mới làm nên tác phẩm. Sinh thời, ông từng thốt lên câu nói nổi tiếng : “Photographing a cake can be art – Chụp một cái bánh cũng có thể là nghệ thuật”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.