Vào nội dung chính
PHÁP - NGOẠI GIAO

Pháp : Tổng thống Macron và chính sách ngoại giao "sáng tạo"

Đón tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles ; mời tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến dự Quốc Khánh Pháp và mời thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ vây bắt người Do Thái Vel’d’Hiv, trong các ngày 16 và 17/07/1942, báo Le Monde ngày 18/07/2017 có bài xã luận nhận định về chính sách « Ngoại giao sáng tạo của tổng thống Macron ».

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân đến dự lễ Quốc Khánh Pháp 14/07 theo lời mời của đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân đến dự lễ Quốc Khánh Pháp 14/07 theo lời mời của đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron. REUTERS/Christophe Archambault
Quảng cáo

Vua nước Phổ, Frédéric Đệ Nhị nói : « Nghệ thuật chính trị không phải là làm nẩy sinh các cơ hội mà là biết khai thác các cơ hội đó ». Theo báo Le Monde, kể từ ngày Emmanuel Macron trở thành chủ nhân điện Elysée, 10/05/2017, chính sách ngoại giao của ông đã áp dụng đúng nguyên tắc này.

Từ ba sáng kiến ngoại giao nói trên, tổng thống Macron đưa ra nhiều tín hiệu. Trước tiên, sự bạo dạn có thể bù đắp việc thiếu kinh nghiệm. Thứ hai, đối thoại vẫn tốt hơn là cô lập, tẩy chay và thứ ba là nước Pháp, cường quốc ngoại giao và quân sự, đã quay trở lại và khẳng định vị trí của mình trên sân khấu chính trị quốc tế.

Đối với Le Monde, tổng thống Macron đã thắng trong cuộc tấn công ngoại giao này ; ông đã áp dụng một phương pháp riêng, mang dấu ấn cá nhân, đó là đề cao vai trò của nước Pháp, tận dụng khả năng thuyết phục của mình và thẳng thắn trong đối thoại.

Trên báo Le Journal du Dimanche, Emmanuel Macron cho biết, khi thiết lập quan hệ trực tiếp với Donald Trump, ông muốn tránh tình trạng là nguyên thủ Hoa Kỳ, « xây dựng các liên minh do hoàn cảnh, mang tính cơ hội, với những quốc gia có thể đe dọa cấu trúc quốc tế mà chúng ta đang rất cần ». Le Monde đánh giá là tổng thống Pháp hiểu đúng vấn đề.

Trật tự quốc tế đang bị thay đổi trước các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và sâu sắc. Do vậy, điều cơ bản là phải giữ được những kênh liên lạc mở để kiên quyết tái khẳng định những nguyên tắc nền tảng của trật tự này. Tổng thống Pháp không nên lơ là : tuy bước khởi đầu thành công, nhưng ông vẫn phải thúc đẩy mạnh các sáng kiến này.

Cắt giảm ngân sách : Macron thách thức quân đội

Quan hệ căng thẳng giữa tổng thống Pháp với tổng tham mưu trưởng quân đội liên quan đến quyết định cắt giảm ngân sách quân đội là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của các tờ báo.

Le Monde trong bài « Cuộc khủng hoảng lớn giữa Macron và quân đội », điểm lại các sự kiện : ngày 11/07, bộ trưởng phụ trách ngân sách thông báo vào cuối năm 2017, quân đội phải tiết kiệm 850 triệu euro mua sắm thiết bị, cho dù tổng thống Macron cam kết là vào năm 2025, ngân sách quốc phòng sẽ tương đương 2% tổng sản phẩm nội địa Pháp.

Một ngày sau đó, phát biểu tại Ủy Ban Quốc Phòng Quốc Hội, tướng Pierre de Villiers, tổng tham mưu trưởng, đến tuổi nghỉ hưu nhưng vừa được tổng thống chấp thuận ở lại vị trí này thêm một năm nữa, đã chỉ trích việc cắt giảm ngân sách trong bối cảnh quân đội triển khai lực lượng chống khủng bố ở nhiều địa bàn bên ngoài.

Ngay lập tức, ngày 13/07, phát biểu tại bộ Quốc Phòng, tổng thống Macron đã công khai nhắc nhở tướng de Villiers với những lời lẽ rất cứng rắn và thể hiện quyền lực : « Tôi cho rằng việc phơi bày trước công chúng một số cuộc thảo luận là không đúng đắn, không nghiêm túc. Tôi là thủ trưởng của các vị… Tôi không hề cần đến các áp lực và bình luận ».

Ngày Quốc khánh, tướng de Villiers vẫn có mặt bên cạnh tổng thống để đi duyệt binh, nhưng ông cho các cộng sự biết là sẽ có một quyết định vào đầu tuần tới. Đến ngày 15/07, trên báo Le Journal du Dimanche, Emmanuel Macron nhấn mạnh : Nếu có điều gì đó làm cho tổng tham mưu trưởng đối lập với tổng thống thì tổng tham mưu trưởng phải thay đổi.

Về cuộc khủng hoảng này, Le Monde trích dẫn cựu tổng tham mưu trưởng Henri Gentégeat, cho rằng : Về cơ bản, quân đội phải phục tùng tổng thống và tổng thống có trách nhiệm khẳng định lại quyền lực của mình. Nhưng phương pháp của Macron gây tổn thương. Không thể công khai bày tỏ bất đồng như vậy đối với một vị tổng tham mưu trưởng trước mắt các thuộc cấp của ông.

Vẫn theo tướng Gentégeat, thực ra, tổng tham mưu trưởng de Villiers chỉ làm đúng bổn phận của ông khi bảo vệ ngân sách của quân đội. Tổng thống Macron sẽ hiểu ra điều này khi ông vào sân điện Invalides để làm lễ tưởng niệm chiến binh Pháp đầu tiên thiệt mạng do thiếu thốn thiết bị quân sự và đến lúc đó, thì những lời chỉ trích sẽ nhắm vào tổng thống.

Cũng về chủ đề này, Le Monde đăng ý kiến của tướng François Chauvancy nhận định rằng « Tổng thống Macron đã phá vỡ tín ước với quân đội ». Theo vị tướng này, lòng tin cậy bị mất khi ông Macron cho rằng sự bất bình của tướng de Villiers dường như là do vận động hành lang, gây sức ép của giới công nghiệp quân sự.

Nghĩ như vậy là không hiểu rõ tổng tham mưu trưởng de Villiers. Mặt khác, khi bày tỏ quan ngại về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, tướng de Villiers thực hiện đúng vai trò của mình. Có vị chỉ huy nào lại có thể chấp nhận việc giảm khả năng chiến đấu của quân đội với hậu quả nghiêm trọng là đe dọa sinh mệnh các binh sĩ.

Theo tướng Chauvancy, tổng thống Macron đã thất bại trong đợt trắc nghiệm đầu tiên về ngân sách. Việc một vị tổng thống, tổng tư lệnh quân đội làm nhục một thuộc cấp, một tổng tham mưu trưởng, sẽ tạo ngờ vực và làm mất trọng tín trong giới quân sự.

Anh Quốc và Liên Âu chia tay : Vòng đàm phán thứ hai

Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc vật vã chia tay. Hôm qua, đại diện Bruxelles và Luân Đôn đã bước vào vòng hai cuộc đàm phán. Le Figaro trên trang nhất dành một góc nhỏ thông báo : « Brexit, Bruxelles và Luân Đôn đề cập đến chủ đề nóng bỏng ».

Tờ báo ghi nhận dường như Vương Quốc Anh bước vào vòng đàm phán đầy vẻ khó khăn. Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra bắt đầu mất kiên nhẫn do việc Luân Đôn hôm qua đến với cuộc đàm phán hầu như tay trắng, không có một kế hoạch cụ thể nào.

Nhưng có lẽ cũng như bao cuộc ly dị thông thường khác, « tài chính » luôn là những vấn đề khó xử lý nhất. Phân chia tài sản luôn là nguồn cội các tranh cãi, nhưng trong cuộc chia tay này, món nợ mà Anh Quốc phải trả cho Liên Âu lại trở thành nguồn gốc căng thẳng giữa đôi bên. Libération khôi hài kết luận : « Brexit, hóa đơn và những rạn nứt ».

Trung Quốc : Tăng trưởng song hành cùng nợ nần

Tăng trưởng Trung Quốc trong quý II/2017 cao hơn mức dự báo. « 6,9% » - tựa ngắn gọn của Libération. Nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi « Nên vui mừng hay lo lắng ? », để rồi tự trả lời là đáng lo bởi vì như nhận định của Le Monde « Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với nợ ».

Nhật báo kinh tế nhìn nhận, quả thật mức tăng trưởng này trong quý II đủ để trấn an các đối tác thương mại. Là cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới, đầu tàu kinh tế của cả hành tinh, đóng góp đến 1/3 tổng sản phẩm nội địa toàn cầu, nhưng người khổng lồ Trung Quốc lại đi trên đôi chân bằng đất sét.

Tổng nợ toàn quốc, tính chung các lĩnh vực (doanh nghiệp, hộ gia đình, Nhà nước và địa phương) đã vượt quá 260% GDP, thay vì là 140% trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế 2008. Một con số chưa từng thấy. Mức nợ tăng vọt này có nguy cơ gây ra một « cú sốc về kinh tế và tài chính » như cảnh báo của cơ quan thẩm định tài chính Fitch.

Theo Les Echos, nguyên nhân là Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng trong ngắn hạn bất chấp những cải cách cơ cấu. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF - lấy làm tiếc là Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước, « trì hoãn các cải cách cần thiết để bảo đảm ổn định trong trung hạn, và thiếu vắng hiện đại hóa của Nhà nước để củng cố vai trò nền kinh tế thị trường ».

Les Echos ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trước những rủi ro tài chính. Dĩ nhiên Bắc Kinh đã điều chỉnh chính sách tiền tệ và siết chặt nhiều quy định trong những tháng gần đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn cam kết chiến đấu chống những rủi ro đó. Tuy nhiên các nhà quan sát không trông đợi sẽ có một cải cách lớn nào trước kỳ đại hội Đảng vào mùa thu năm nay. Giờ phải chờ xem liệu những cải cách đó có sẽ diễn ra sau đại hội hay không.

Bắc – Nam Triều Tiên : Hội ngộ khó khăn

Châu Âu vật vã lo chuyện chia tay với Anh Quốc, thì ngược lại bán đảo Triều Tiên lại khốn khổ lo lắng cho « hội ngộ Bắc – Nam ». Libération và Les Echos lần lượt loan báo : « Hai miền Triều Tiên, Seoul đề xuất nối lại đối thoại » và « bất chấp những khiêu khích, Seoul chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng ».

Nhật báo công giáo La Croix, trong bài viết đề tựa « Seoul tuyệt vọng giang tay với Bình Nhưỡng », cố gắng giải đáp ba câu hỏi.

Hàn Quốc đề nghị những gì ?

La Croix khẳng định có hai đề xuất khác nhau rõ rệt. Đề nghị thứ nhất mang tính chất quân sự : Tái khởi động đối thoại « Bàn Môn Điếm ». Seoul đề nghị tổ chức một cuộc nói chuyện giữa các giới chức quân đội hai bên, nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sau một loạt các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng từ đầu năm 2017.

Đề nghị thứ hai mang tính chất nhân đạo, do Hội Chữ Thập Đỏ Hàn Quốc đề xuất. Theo đó, hai bên sẽ lại tổ chức « hội ngộ » cho các gia đình ly tán do cuộc chiến tranh Triều Tiên. Địa điểm gặp thảo luận hồ sơ này vẫn sẽ là ở Bàn Môn Điếm, nhưng vào một thời điểm khác, dự tính khoảng vào đầu tháng 8 tới đây.

Hàn Quốc đối mặt với những thách thức nào ?

Không như người tiền nhiệm, bà Park Geun Hye, vừa bị phế truất, được cho là bảo thủ, tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là một người cởi mở, luôn chủ trương nối lại đàm phán. Trong bối cảnh chính quyền Donald Trump tỏ ra mất kiên nhẫn, luôn đe dọa dùng vũ lực và gia tăng trừng phạt cứng rắn với chế độ Kim Jong Un, Seoul đành phải thúc đẩy Bình Nhưỡng tái lập các kênh thông tin liên Triều đã có trước đây trong lĩnh vực quân sự và nhân đạo.

Bắc Triều Tiên phản ứng ra sao ?

Hiện tại Bình Nhưỡng vẫn chưa có phản hồi và có thể phải mất từ một đến hai ngày để đáp trả lại những đề nghị hữu hảo trên của Seoul. Điều đáng lưu ý là cho đến giờ Bắc Triều Tiên vẫn luôn nhấn mạnh không có ý định đàm phán với Hàn Quốc, được cho là một con rối của Hoa Kỳ.

Trong trường hợp Bình Nhưỡng chấp nhận cả hai hoặc chí ít là một trong hai đề xuất, điều này cũng có thể làm lóe lên một tia hy vọng mong manh nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng. Một điều chắc chắn là việc hâm nóng lại quan hệ liên Triều như những năm 2000 là còn xa vời.

Bởi vì, từ năm 2006, Bắc Triều Tiên đã năm lần thử hạt nhân, và đã thử thành công tên lửa liên lục địa hôm 04/07. Với Bình Nhưỡng, bấy nhiêu thành công đủ cho phép nước này không nhượng bộ một điều gì.

Venezuela : Quốc Hội Lập Hiến – « Không », Maduro ra đi – « Có »

Nhìn sang Nam Mỹ, liệu tổng thống Venezuela có chiều theo ý kiến của toàn dân hay không ? Hơn 7 triệu người dân, tức chiếm khoảng một phần tư dân số Venezuela đã tham gia một cuộc bỏ phiếu do phe đối lập tổ chức tham vấn ý kiến người dân về dự án Quốc Hội Lập Hiến của tổng thống Nicolas Maduro.

Kết quả thu được ngoài sự mong đợi, hơn 98% người tham gia khẳng định : Không muốn có Quốc Hội Lập Hiến, yêu cầu Quân đội bảo vệ Hiến Pháp hiện có và tổ chức bầu cử sớm trước khi ông Maduro hết nhiệm kỳ.

Nói tóm lại, « Tại Venezuela, phe đối lập đã ghi điểm », tựa của Libération. Les Echos nhận xét « Trưng cầu dân ý của đối lập thành công lớn ». La Croix ghi nhận « Thành công của người dân chống Quốc Hội Lập Hiến ».

Địa Trung Hải : Du khách hay bảo tồn ?

Tháng 7- 8 là mùa du lịch. Những bãi biển, những điểm tắm suối và hồ lại rộn rã tiếng cười du khách tắm mát dưới nắng nóng mùa hè. Nhưng Le Figaro đưa ra cảnh báo : « Tại Pháp, cứ 7 người thì có một người không biết bơi ».

Mỗi năm tại Pháp, tai nạn chết đuối đã cướp đi khoảng 500 sinh mạng. Thống kê năm 2015 cho thấy trong suốt mùa hè có đến gần 1300 vụ tai nạn, khoảng 1/3 số này đã thiệt mạng. Trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9, mỗi ngày tại Pháp có đến 3-4 vụ chết đuối. Điều đáng ngạc nhiên là 60% số người tử nạn là trên 45 tuổi. Nghịch lý là Pháp có những « kình ngư » nổi tiếng trên thế giới chẳng hạn như Laure Manaudou.

Hè không chỉ là lúc để nghỉ ngơi, mà còn là dịp để khám phá những địa danh khác. Đời sống khấm khá hơn, cộng với điều kiện đi lại ngày một hiện đại và thuận tiện, nhu cầu đi chơi của người dân ở nhiều nơi cũng ngày một lớn. Địa Trung Hải vốn nổi tiếng với những di tích lịch sử, những bãi biển xanh như ngọc, dưới bầu trời xanh lơ đẹp đến mê hồn là một trong số những điểm đến ưa thích của khách thập phương.

Tuy nhiên, Le Figaro lo lắng cho « Những viên ngọc Địa Trung Hải bị ngột ngạt trước làn sóng du lịch đại chúng ». Đe dọa khủng bố đang làm cho các trung tâm du lịch lớn như Barcelona, Luân Đôn, Paris hay Amsterdam vắng dần du khách.

Trong khi đó, tại những danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử ở xung quanh vùng Địa Trung Hải đang hứng chịu hiện tượng quá tải khách du lịch. Hiện tượng du lịch đại chúng ồ ạt đang đặt chính quyền địa phương trước những thách thức lớn về cơ sở hạ tầng, dự trữ nguồn nước sạch trên các đảo hay như xử lý rác thải… cũng như việc bảo tồn các di sản văn hóa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.