Vào nội dung chính
ĐỘC HẠI - MÔI TRƯỜNG

Pháp quyết duy trì luật cấm thuốc trừ sâu neonicotinoid

Luật về cấm thuốc trừ sâu neonicotinoid, thủ phạm của nạn ong chết, đã được Quốc Hội Pháp thông qua năm 2016. Mâu thuẫn bùng lên trong nội bộ tân chính phủ Pháp, sau khi bộ trưởng Nông Nghiệp đề nghị xét lại luật này, với lý do “không phù hợp với luật châu Âu”. Hôm qua, 27/06/2017, thủ tướng Pháp đã can thiệp, khẳng định sẽ không có việc xét lại luật. Theo các nhà quan sát, năm 2017 sẽ là năm “quyết định” của cuộc chiến chống thuốc trừ sâu neonicotinoid.

Apis mellifera là loài ong phổ biến nhất châu Âu (Photo : John Severns)
Apis mellifera là loài ong phổ biến nhất châu Âu (Photo : John Severns)
Quảng cáo

Chất neonicotinoid bị coi là thủ phạm chính của việc ong chết trên quy mô rất lớn tại châu Âu. Các thuốc trừ sâu có chứa neonicotinoid còn được mệnh danh là “thuốc diệt ong”, . Thiếu vai trò thụ phấn của ong, cũng như các côn trùng thụ phấn nói chung, sản xuất nông nghiệp sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Mâu thuẫn đầu tiên trong nội bộ tân chính phủ Pháp bùng lên khi bộ trưởng Nông Nghiệp Stéphane Travert phê phán luật đa dạng sinh học, cấm loại thuốc trừ sâu nói trên của Pháp, trên kênh RMC/BFMTV. Ngay lập tức bộ trưởng Sinh Thái - Đoàn Kết Nicolas Hulot khẳng định lệnh cấm, có hiệu lực từ tháng 9/2018, vẫn được giữ nguyên. Ông Hulot nhấn mạnh : “không chấp nhận bất cứ nhân nhượng nào”, một khi sức khỏe dân chúng bị đe dọa.

Thủ tướng Edouard Philippe đã can thiệp, ủng hộ quan điểm của bộ trưởng Sinh Thái. Phủ thủ tướng ra thông cáo thừa nhận đang phối hợp làm việc với các định chế châu Âu, để bảo đảm luật của Pháp phù hợp với luật pháp châu Âu. Chống các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm là cam kết của ứng cử viên tổng thống Macron, trong thời gian tranh cử.

Cuộc chiến pháp lý

Trên thực tế cuộc chiến pháp lý chống thuốc trừ sâu tại châu Âu kéo dài từ nhiều năm nay. Năm 2013, Liên Hiệp Châu Âu đã ra quyết định tạm thời cho sử dụng trong một thời gian nhất định ba loại thuốc trừ sâu neonicotinoid (bao gồm clothilianidin và imadacloprid của tập đoàn Bayer và thiamethoxam của Syngenta). Ủy Ban Châu Âu có kế hoạch đưa vấn đề này ra lấy quyết định chính thức của các nước thành viên vào tháng 7 tới.

Trong khi Liên Âu còn chần chừ, Paris đã có những nỗ lực đi trước [Pháp không đơn độc, Canada hiện cũng đang nỗ lực theo hướng này]. Luật Đa Dạng Sinh Học năm 2016 của Pháp dự kiến cấm toàn bộ các thuốc trừ sâu neonicotinoid, chứ không chỉ ba loại thuốc nói trên. Về nguyên tắc, không có quy định nào cấm một nước thành viên đi xa hơn các quy định hiện hành của Liên Hiệp Châu Âu, với điều kiện phải dựa trên các bằng chứng khoa học.

Trong khi chờ đợi kết quả của Cơ Quan An Ninh Thực Phẩm Châu Âu (EFSA), tổ chức môi trường Greenpeace đề nghị hai nhà khoa học Anh tổng hợp các nghiên cứu về tác động của thuốc neonicotinoid. Nghiên cứu rất phức tạp do nạn ong dại và ong nhà chết hàng loạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các tập đoàn công nghiệp thực phẩm và hóa chất nông nghiệp chắc chắn không chấp nhận bó tay.

Bên cạnh nạn ong chết, chính phủ Pháp đã yêu cầu Cơ Quan Quốc Gia An Toàn về Thực Phẩm, về Môi Trường và về Lao Động (ANSES) thực hiện một báo cáo về tác động của thuốc trừ sâu nói trên đến người.

Giải pháp thay thế

Nạn thuốc trừ sâu diệt ong, có hại cho sức khỏe đang được các định chế châu Âu xác minh, không chỉ là vấn đề của riêng Liên Âu mà là của toàn cầu. Thuốc trừ sâu có chứa neonicotinoid chiếm khoảng từ 30 đến 40% thị trường thuốc trừ sâu thế giới.

Trong những năm gần đây, lượng thuốc trừ sâu loại này tăng vọt trên quy mô toàn cầu (giữa năm 2013 và năm 2016, lượng tiêu thụ tăng 31%). Vấn đề đặt ra hiện nay là : Để có thể cấm được triệt để các loại thuốc trừ sâu độc hại nhận được sự đồng thuận xã hội, cần phải có các biện pháp mới thay thế, để bảo đảm sản xuất nông nghiệp không bị tác động.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.