Vào nội dung chính
PHÁP - ANH

Triển lãm David Hockney nhân sinh nhật 80 tuổi

Kể từ ngày 21/06 tới 23/10/2017, trung tâm văn hóa Pompidou (Beaubourg) hợp tác với viện bảo tàng Tate Britain của Anh và Metropolitan Museum của Mỹ để tổ chức tại Paris một cuộc triển lãm lớn về David Hockney, còn được mệnh danh là danh họa còn sống người Anh nổi tiếng nhất. Chương trình này được kèm theo một số sự kiện đặc biệt ngày 09/07/2017 để đánh dấu sinh nhật lần thứ 80 của David Hockney.

Họa sĩ Anh David Hockney giới thiệu tác phẩm ''Fred et Marcia Weisman'' tại trung tâm Pompidou
Họa sĩ Anh David Hockney giới thiệu tác phẩm ''Fred et Marcia Weisman'' tại trung tâm Pompidou Martin BUREAU / AFP
Quảng cáo

Cuộc triển lãm tại Paris tập hợp khoảng 180 tác phẩm đủ loại, kể cả ảnh chụp, tranh khắc, bản vẽ phác họa, nghệ thuật sắp đặt và lẽ dĩ nhiên các bức tranh sơn dầu (cho dù đó không phải là chất liệu sở trường) hay tranh acrylic cực kỳ nổi tiếng của ông như là các bức vẽ phong cảnh khổng lồ, các bức chân dung kép hay là các bức vẽ hồ tắm. Mục tiêu là để nhìn lại quá trình sáng tác của David Hockney trên hơn nửa thế kỷ, từ những bức vẽ đầu tiên khi ông mới tốt nghiệp trường mỹ thuật Royal College of Art ở Luân Đôn cho tới những năm tháng gần đây hơn, thời ông miệt mài đeo đuổi lối sáng tác kết hợp các ứng dụng công nghệ số để vẽ trên màn hình cảm ứng.

Các tác phẩm thực hiện trong khoảng 30 năm gần đây, tức là từ giữa những năm 1980 trở đi, cho thấy là David Hockney sống với hiện tại chứ ít khi nào mà tỏ ra hoài niệm hay ‘‘hồi cố’’. Trong sáng tác, ông liên tục dùng những máy móc như máy fax, máy in, vi tính cá nhân, và gần đây hơn nữa là màn hình iPad và máy chụp ảnh bằng kỹ thuật số. Tất cả các công cụ ấy là nhằm để phục vụ quan điểm ‘‘phổ biến nghệ thuật’’ của ông : sáng tác không phải là để giữ cho mình hay để cất giữ trong viện bảo tàng là là để chia sẻ với nhiều người : càng đông càng tốt ……

Cuộc triển lãm trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris cho thấy trước khi trở thành một tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật, David Hockney đã biết hấp thụ, sàng lọc nhiều luồng ảnh hưởng từ các bậc đàn anh. Cũng như Picasso, ông không tự ràng buộc mình vào trong một loại hình nghệ thuật duy nhất, ngoài hội họa David Hockney còn đam mê nhiếp ảnh, thiết kế đồ họa, nghệ thuật trang trí cho sân khấu opera.

Trong sáng tác, David Hockney từng chịu ảnh hưởng của lối vẽ trừu tượng sống động của trường phái biểu hiện nhưng ngôn ngữ hội họa lại không quá cầu kỳ thậm xưng, ông thiên về Alan Davie nhiều hơn là Jason Pollock. David Hockney cũng hấp thụ lối vẽ grafitti của Jean Dubuffet, nơi Francis Bacon ông thấm nhuần tư tưởng nhiều hơn là phong cách trong lối trực diện chủ đề đồng tính ngay từ những sáng tác đầu tay như bức tranh Two Men in a Shower (1963).

Trong số các tác phẩm quan trọng nhất của cuộc triển lãm, có bức tranh A Bigger Splash (1967) giúp cho ông nổi tiếng trên khắp thế giới cách đây đúng 50 năm. Bức tranh này được kèm theo video tái tạo khung cảnh của một ngôi nhà bên cạnh hồ tắm, những tia nước vọt vung tung tóe chứng tỏ có người vừa chúi đầu nhảy xuống hồ bơi. Cho dù bức tranh tuyệt đối không vẽ bóng dáng con người, nhưng qua thủ pháp gợi ý hơn là cho thấy, David Hockney vẫn tạo được một khung cảnh gần gũi và cực kỳ sống động.

Cuộc triển lãm tại Paris là dấu gạch nối giữa cuộc trưng bày trước đây tại Tate Gallery và sắp tới tại New York. David Hockney đang xem lại tất cả các tác phẩm của ông để chuẩn bị ra mắt bộ toàn tập với nhà xuất bản Taschen. Lúc đó ông mới phát hiện rằng trong nhiều thập niên qua, khi vẽ tranh (dù là với kỹ thuật truyền thống hay là với ứng dụng công nghệ số) ông thường hay áp dụng lối vẽ phối cảnh ngược mà không hề ý thức rõ rệt, điều mà theo ông là do ảnh hưởng của các bậc thầy cổ điển như Fra Angelico hay Pierrio Della Francesca.

Thủ pháp vẽ tranh có phối cảnh ngược khiến cho người đứng xem tranh trở thành tâm điểm, chiếu theo luật xa gần. Điều này có thể giải thích vì sao khi xem tranh của David Hockney, ta có cảm tưởng như bị lôi kéo, ‘’cuốn hút’’ vào trong tác phẩm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.