Vào nội dung chính
VĂN HOÁ

Triển lãm Giacometti tại Anh và Pháp

Cách đây một năm, nhân 50 năm ngày giỗ của Alberto Giacometti, cuộc triển lãm ‘‘Pure Presence’’ tại Viện bảo tàng National Portrait Gallery tại Luân Đôn đã thu hút đông đảo người xem. Sau thành công này, nhiều tác phẩm khác chưa được trưng bày của Giacometti (1901-1966) tiếp tục được khai thác qua hai cuộc triển lãm lớn tổ chức hầu như cùng lúc tại Luân Đôn cũng như tại Paris.

Quảng cáo

Tại Pháp, Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại của thành phố Paris còn được gọi là Palais de Tokyo, trưng bày các tác phẩm của Alberto Giacometti trong khuôn khổ cuộc triển lãm hội tụ ba tên tuổi lớn của làng nghệ thuật thế kỷ XX : bên cạnh nhà điêu khắc người Thụy Sĩ Giacometti, còn có hai danh họa là André Derain (1880-1954) và Balthus (1901-1966).

Hơn 350 tác phẩm trong đó có khoảng 100 tác phẩm của Giacometti (kể cả hội họa và điêu khắc) sáng tác trong giai đoạn 1930-1960, đối chiếu quan điểm của ba nghệ sĩ có sở thích giống nhau (trường phái nguyên sơ và các nền văn minh cổ đại) nhưng khác hẳn nhau về hành trình tìm tòi nghệ thuật.

Hồi đầu năm 2017, Viện bảo tàng Picasso ở thủ đô Paris từng tổ chức cuộc triển lãm Đối thoại giữa hai bậc thầy Picasso và Giacometti, cho dù họn rất khác nhau về mặt tánh tình và phong cách. Lúc sinh tiền, Giacometti thường xuyên gặp Picasso, cũng như danh họa Dalí và nhà nhiếp ảnh Brassaï, (nghệ danh của Gyula Halász).

Còn trong trường hợp của Giacometti, Derain và Balthus, cuộc đối thoại tay ba bắt đầu vào những năm 1930, khi họ quen nhau nhân cuộc triển lãm các tác phẩm của Balthus tại phòng tranh của Pierre Loeb. Cả ba tác giả này sau đó thường xuyên lui tới và hợp tác với nhóm nghệ sĩ theo chủ nghĩa siêu thực trong đó có André Breton, Pierre Reverdy hay Benjamin Péret …...

Trong giai đoạn những năm từ 1931 đến 1935, bản thân Alberto Giacometti đã sáng tác nhiều bức vẽ để làm hình bià hay để minh họa cho các tác phẩm của René Crevel, Tristan Tzara và André Breton.

Cuộc triển lãm tại Paris lần này đã tạo thêm một góc nhìn khác về tác phẩm của Giacometti mà ít ai biết đến : đó là sự giao lưu với Balthus và nhất là với André Derain chính là động lục thôi thúc Giacometti thử nghiệm với kịch nghệ sân khấu. Về vai vế, Derain lớn hơn Giacometti 20 tuổi, ông là một trong những người đã khai phóng trường phái dã thú và nổi tiếng trong làng sân khấu nhờ cái tài vẽ trang phục.

Nhờ vào sự khuyến khích của André Derain, từ những năm 1950 trở đi, ngoài hai lãnh vực điêu khắc và tranh vẽ, Alberto Giacometti còn tham gia vào việc tạo dựng hoạt cảnh cho một số vở kịch : tác phẩm không còn đơn thuần là một tâm điểm để ngắm nhìn mà là nhiều chi tiết sắp đặt trong không gian cố định.

Một trong những thành công đáng kể của ông là hoạt cảnh mà Alberto Giacometti đã dựng vào năm 1931 cho vở kịch ‘‘Les Bonnes’’ của Jean Genet tại nhà hát Odéon Paris. Nhiều năm trước đó Giacometti vẽ nhiều bức tranh kể cả các bức chân dung của nhà văn đồng tính từ năm 1954 đến 1957. Cũng từ cuộc gặp gỡ này mà Jean Genet đã viết một quyển tiểu luận về ‘‘nghiệp’’ sáng tác, đối chiếu hoàn cảnh của Giacometti (nhà điêu khắc) với ông (một nhà văn)

Ngoài cuộc triển lãm tại Paris, còn có một cuộc triển lãm lớn khác tổ chức tại Viện bảo tàng Tate Modern ở Luân Đôn từ đây cho tới trung tuầ tháng 9/2017. Có thể xem đây là phần tiếp nối cuộc triển lãm nhân 50 nãm ngày giỗ của Giacometti tại National Portrait Gallery kết thúc hồi tháng 01/2016.

Cả hai cuộc triển lãm tại Luân Đôn nhìn lại hơn 40 năm sự nghiệp và quá trình sáng tác liên tục của Giacometti, khẳng định vị trí của nhà điêu khắc Thụy Sĩ ngang tầm với các gốc đại thụ của thế kỷ XX như Picasso, Matisse, Dalí ……. Cuộc triển lãm thứ nhì về Giacometti tại bảo tàng Tate Modern ở Luân Đôn tập hợp hơn 250 tác phẩm kể cả các bức diêu khắc bằng đồng hay thạch cao, những bản vẽ quý hiếm, những bức phác họa chưa từng phổ biến nơi công chúng.

Quá trình sáng tác của Giacometti kéo dài trong vòng 40 năm từ những bức điêu khắc ‘’thô sơ’’ theo cảm hứng ‘‘nguyên thủy’’ tạc hình người đàn bà như một cái muỗng (1927) cho tới bức Người đàn ông rảo bước (1960) hay Người chỉ tay (1947) được Christie bán đấu giá tới mức kỷ lục 141 triệu đô la.

Nơi Giacometti nghệ thuật điêu khắc như thể được chắt lọc tột cùng, lược bỏ tất cả những điều không cần thiết để đạt tới cái lõi cái cốt, các bức tượng điêu khắc của Giacometti có những đường nét hầu như tối thiểu, dáng người trơ xương tựa như gốc cây chót vót, mùa đông rụng lá gầy guộc trơ trụi. Thế nhưng, cái thần của Giacometti là diễn đạt sự chuyển động qua cách gợi ý ở đường nét phác họa chứ không phải là trong các chi tiết tỉ mỉ, ông thổi luồng sinh khí khiến cho tượng đồng trong mắt người xem càng có thêm sức sống.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.