Vào nội dung chính
PHÁP - DU LỊCH

"Bà Đầm Thép" Eiffel lãnh hậu quả vì quá nổi tiếng

Quá nổi tiếng đôi khi cũng “mệt mỏi”. Nay đã gần 130 tuổi, "Bà Đầm Thép" Eiffel của Paris đang phải đối mặt với một bài toán khó: Trước nguy cơ sắp quá tải, làm thế nào tăng được nguồn thu… nhưng không tăng thêm lượng khách tham quan.

Tháp Eiffel niềm tự hào của nước Pháp.
Tháp Eiffel niềm tự hào của nước Pháp. Wikimedia by Jiel Beaumadier
Quảng cáo

Cũng như bao công trình nổi tiếng khác như Sagrada Familia tại Barcelona, hay như bảo tàng Louvre gần đây cũng bị quá tải trước sự thành công của cuộc triển lãm Vermeer, tháp Eiffel năm nay được 128 tuổi đang “oằn mình” trước lượng du khách quá đông.

Không nằm trong danh sách những tòa tháp cao nhất thế giới (kỷ lục thuộc về tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai, Tiểu Vương Quốc Ả Rập, cao 828m), tháp Eiffel được thiết kế bằng sắt tuy chỉ cao 324m nhưng lại là tòa tháp có đông khách tham quan nhất. Ngoại trừ hai năm đen tối của ngành du lịch Pháp, 2003 và 2016, mỗi năm Bà Đầm Thép Paris đón tiếp hơn 6 triệu lượt khách tham quan kể từ cuối những năm 1990. Năm 2014, tháp Eiffel đạt mức kỷ lục là 7,1 triệu lượt du khách.

Ngưỡng đặt ra là không được vượt quá con số 7,3 triệu du khách. Một thách thức lớn đang trông đợi vào Sete (Societe d’exploitation de la tour Eiffel), tập đoàn khai thác tháp Eiffel: Đó là làm sao đảm bảo được tương lai cho “Bà Đầm Thép” trong 15 năm tới trong khuôn khổ chương trình ủy quyền dịch vụ công, sắp được ký kết vào tháng 10/2017 với tòa thị chính Paris.

Trả lời phóng viên báo Le Figaro (số báo đăng ngày 27/05/2017), bà Anne Yannic, tổng giám đốc Sete, cho biết về tham vọng của tập đoàn là làm sao “mang lại cho tháp Eiffel vẻ uy nghi” cũng như là “tìm lại sức mạnh biểu tượng mà tòa tháp ít nhiều đã mất đi”.

Đây sẽ là một phương trình khó. Ông Jean-Bernard Bros, chủ tịch nhóm dân biểu thuộc đảng Cánh Tả Cấp Tiến tại Hội Đồng Paris và từng là chủ tịch Tập đoàn Sete giai đoạn 2001-2014, có lưu ý là “khi ông Gustave Eiffel xây dựng tòa tháp này nhân dịp Triễn Lãm Toàn Cầu năm 1889, ông nghĩ là Bà Đầm Thép có lẽ chỉ có thể đón mỗi năm có 500.000 lượt khách mà thôi”.

Đối với ông Jean-Bernard Bros, đã đến lúc các nhà quản lý nên xem xét lại mô hình kinh doanh và quản lý. Theo ông, nên chăng nghĩ đến chuyện giảm lượng khách tham quan hòng đảm bảo sự tồn tại của tháp và kéo dài được lâu hơn thời gian lên tháp, « sao cho việc tham quan không chỉ thu gọn trong việc lên tháp, chụp vài ba tấm hình và rồi đi xuống lại. Tổ chức lại việc xếp hàng một cách thông minh hơn và không dồn người trong các thang máy ».

Thế nhưng, ông Jean-François Martins, phụ trách ngành du lịch của tòa thị chính Paris, lưu ý rằng không chỉ là điểm du lịch, tháp Eiffel trước hết còn là một di tích lịch sử. Do đó, cần phải « đảm bảo công tác bảo trì ». Lượng khách tham quan đã chạm ngưỡng, chi phí cho việc tu dưỡng kỹ thuật là cao.

Theo Le Figaro, để có thể tăng thu nhập mà không tăng thêm lượng khách, ngoài việc phải tăng giá vé tham quan vào đầu tháng 11/2017, các nhà quản lý sẽ tìm kiếm thêm nhiều nguồn thu khác, chẳng hạn từ những hoạt động dịch vụ, kinh doanh ăn theo « Bà Đầm Thép » như quán ăn, quà lưu niệm…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.