Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017

Bầu cử Pháp: Các lãnh đạo châu Âu mong chờ Macron thắng cử

Ý thức rằng tuơng lai của Liên Hiệp Châu Âu phụ thuộc phần lớn vào kết quả vòng hai bầu cử tổng thống Pháp ngày 07/05/2017, các nhà lãnh đạo châu Âu gần như đồng loạt ủng hộ ứng cử viên cánh trung Emmanuel Macron thân châu Âu, chống ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, một người có lập trường chống hợp nhất châu Âu.

Ứng viên tổng thống Pháp cánh trung thuộc phong trào Tiến Bước! Emmanuel Macron
Ứng viên tổng thống Pháp cánh trung thuộc phong trào Tiến Bước! Emmanuel Macron RFI/Pierre René-Worms
Quảng cáo

Sau khi ông Macron về nhất trong vòng đầu ngày 23/04, qua mặt bà Le Pen, các lãnh đạo châu Âu đã vội gởi lời chúc mừng đến cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp. Điều này phản ánh mối lo ngại của họ trước đà tiến của các phong trào dân túy, bài châu Âu, tiếp theo sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh Quốc và chiến thắng của Donald Trump ở Hoa Kỳ.

Trong một đoạn video đăng trên trang Twitter hôm qua, cựu bộ trưởng Pháp, ủy viên châu Âu Michel Barnier, người đại diện cho Liên Hiệp Châu Âu thương lượng về Brexit với Luân Đôn, đã tuyên bố là ông sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron, để « nước Pháp vẫn là châu Âu ». Ngay cả chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, bình thường rất dè dặt, ngay từ tối 23/04 cũng đã chúc ông Macron « thêm can đảm cho giai đoạn tới ». Giải thích về sự can thiệp của ông Juncker vào bầu cử Pháp, phát ngôn viên của ông nói rằng « đây chỉ là một sự chọn lựa giữa một bên là bảo vệ châu Âu và bên kia là phá hủy châu Âu ».

Sau vòng một bầu cử tổng thống, ứng cử viên Macron thậm chí đã nhận được sự khích lệ của những lãnh đạo có xu hướng chính trị khác biệt, thậm chí đối chọi với ông, như thủ tướng bảo thủ Angela Merkel của Đức, thủ tướng cực tả Alexis Tsipras của Hy Lạp hay thủ tướng tự do Charles Michel của Bỉ.

Thái độ nói trên của lãnh đạo châu Âu là điều dễ hiểu do lập trường đối chọi nhau của hai ứng cử viên tổng thống Pháp về châu Âu. Bà Le Pen muốn tái lập các đường biên giới và đồng franc, tức là sẽ thương lượng với Bruxelles để đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng euro và khu vực tự do đi lại Schengen. Thậm chí ứng cử viên cực hữu còn dự tính tổ chức trưng cầu dân Ý về việc nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Ứng cử viên Macron thì trái lại muốn đẩy mạnh hơn nữa hội nhập châu Âu, cụ thể là muốn khu vực đồng euro phải có riêng một ngân sách, một Nghị viện và một bộ trưởng Tài Chính. Cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp còn chủ trương một « chính sách đầu tư châu Âu », đồng thời tăng cường châu Âu quốc phòng.

Đặc biệt, ông Macron còn cam kết sẽ khởi động lại cỗ máy Pháp-Đức, một điều gây nhiều hứng khởi tại Đức, vào lúc nước này chuẩn bị tổng tuyển cử vào tháng 9 tới. Nhiều nhân vật chủ chốt trong liên minh cầm quyền tại Đức đã hoan nghênh cam kết đó của cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp.

Theo phân tích của ông Vincenzo Scarpetta, thuộc trung tâm tham vấn Open Europe, được hãng tin AFP, trích dẫn hôm nay, cải tổ LHCA nói trên giấy tờ thì dễ, nhưng thực tế sẽ phức tạp hơn nhiều, nhất là vì những ý tưởng của ông Macron quá táo bạo. Ông Scarpetta nêu câu hỏi : « Ông ấy muốn một ngân sách và một bộ trưởng cho khu vực đồng euro. Đòi như thế thì có thực tế không, khi ta biết rằng sẽ phải sửa biết bao nhiêu hiệp ước. »

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Yann-Sven Rittelmeyer, thuộc Trung tâm Chính Sách Châu Âu (European Policy Center), lưu ý rằng khuôn khổ hành động của ông Macron, nếu đắc cử tổng thống Pháp, sẽ rất là hạn hẹp, nếu ông phải chung sống với một chính phủ thuộc phe khác sau cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 6 tới. Theo ông, các lãnh đạo châu Âu hiện giờ chỉ mong nguy cơ cực hữu bị đẩy lùi trước đã, cho nên họ chưa thật sự đo lường hết những vấn đề có thể nẩy sinh từ việc ông Macron không có được đa số ở Quốc Hội Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.