Vào nội dung chính
PHÁP - TRANH CỬ

Pháp : Vẫn xấp xỉ 60% muốn Macron làm tổng thống

Về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, theo một thăm dò dư luận hôm qua, 26/04/2017, của OpinionWay-Orpi cho báo Les Echos và đài Radio Classique, 60% cử tri có ý định bầu cho ứng cử viên Emmnuel Macron, lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! (En Marche !), và 40% cho Marine Le Pen, lãnh đạo phong trào cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (Front National). Tỉ lệ chênh lệch này cho thấy ủng hộ dành cho ông Macron có phần sụt giảm, nhưng không nhiều so với các cuộc thăm dò trước vòng một.

Ứng cử viên Emmanuel Macron dùng loa nói chuyện với các nhân viên nhà máy Whirlpool, Amiens, France, 26/04/2017.
Ứng cử viên Emmanuel Macron dùng loa nói chuyện với các nhân viên nhà máy Whirlpool, Amiens, France, 26/04/2017. Ảnh : Reuters
Quảng cáo

Thăm dò khác của Ifop-Fiducial, cũng được công bố hôm qua, cho thấy một kết quả tương tự : lãnh đạo Tiến bước ! được 60,5% ý định bầu. Theo thăm dò này, cựu bộ trưởng Kinh Tế có thể được thêm rất nhiều phiếu bầu từ các cử tri đã bầu cho những ứng cử viên chính thất bại trong vòng một. Cụ thể là 43% người bầu cho ứng cử viên cánh hữu Fillon, 47% cử tri của lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất Jean Luc Melenchon, muốn dồn phiếu cho Macron.

Tuy nhiên, về hoạt động của hai ứng cử viên trong giai đoạn tranh cử vòng hai, theo điều tra của Harris Interactive, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen được 61% người trả lời cho là thành công, trong khi đó 52% lại chê trách ứng cử viên về đầu vòng một Emmnuel Macron đã khởi sự kém trong những ngày vận động đầu tiên của vòng hai.

43% người được hỏi phê phán cựu bộ trưởng Kinh Tế đã tổ chức ăn mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử vòng một, tại nhà hàng La Rotonde, Paris, trong lúc 22% cho rằng ông có lý khi làm điều này.

Macron – Le Pen : Cuộc chạm trán nảy lửa tại Whirlpool

Cuộc tranh cử tổng thống Pháp vòng hai đột ngột nóng lên với cuộc chạm trán bất ngờ đầu tiên giữa hai ứng cử viên chung kết hôm qua, 26/04/2017, tại Whirlpool, một nhà máy sắp bị đóng cửa, ở miền bắc đất nước. Theo các nhà quan sát, cuộc đối đầu cho thấy sự đối lập hoàn toàn giữa cương lĩnh kinh tế của hai ứng cử viên, nhưng nhất là hai phong cách vận động tranh cử hoàn toàn khác biệt.

Để khởi sự trở lại cuộc tranh cử vòng hai, đang bị công chúng chê trách, ứng cử viên Tiến Bước ! có kế hoạch tiếp xúc với các nhân viên nhà máy Whirlpool, của chủ Hoa Kỳ, một xí nghiệp sản xuất đồ điện dân dụng đang có nguy cơ đóng cửa, và dự kiến sẽ chuyển sang Ba Lan vào tháng 6/2018, nhân viên ở đây hết sức phẫn nộ.

Nhà máy nói trên thuộc tỉnh Somme, vùng Hauts-de-France (cực bắc), khu vực được coi là căn cứ địa của lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen. Vòng một vừa qua, 30% cử tri tỉnh Somme bầu cho Marine Le Pen.

Kế hoạch vào thăm nhà máy của ông Macron thoạt tiên không được ban lãnh đạo doanh nghiệp chấp thuận. Emmanuel Macron buộc phải khởi sự với cuộc gặp các lãnh đạo công đoàn tại phòng thương mại thành phố Amiens, cách đó vài cây số. Đúng trong lúc ứng cử viên Tiến Bước ! đang họp, đối thủ Mặt Trận Quốc Gia bất ngờ tới thăm các công nhân Whirlpool đang bãi công. Ngoại trừ một kênh truyền hình, báo chí Pháp hoàn toàn không được báo trước về chuyến đi này. Bà Le Pen chỉ lưu lại mặt tại nhà máy trong vòng khoảng 20 phút đồng hồ gặp gỡ công nhân, chụp ảnh kỷ niệm. 

Ứng cử viên Emmanuel Macron rốt cục cũng vào được nhà máy vào buổi chiều, nhưng thoạt tiên ông đã được tiếp đón bằng những tràng la ó, chửi rủa, phản đối và khẩu hiệu « Marine (Le Pen), tổng thống ! », cứ như thể một cuộc mít tính của những người ủng hộ Mặt Trận Quốc Gia. Tuy nhiên, theo báo chí Pháp, sau một giờ kiên nhẫn đối thoại với công nhân, được truyền đi trực tiếp qua Facebook, rút cục lãnh đạo Tiến Bước ! đã có thể bày tỏ quan điểm của mình, trong bầu không khí có phần ít căng thẳng hơn lúc đầu.

Bắt tay các công nhân bãi công, ông Macron hứa sẽ trở lại sau bầu cử. « Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử hơn tuần nữa, vấn đề là chúng ta sẽ làm gì cùng nhau. Những việc cần làm sẽ rất lớn. Thách thức với chúng ta lớn như núi ! », ông kết luận trước khi rời nhà máy (Le Monde). 

Bình luận về diễn biến nói trên, ông Jean-Claude Mailly,  tổng thư ký FO (Sức mạnh Công nhân) - một nghiệp đoàn lớn tại Pháp - đánh giá cao việc ứng cử viên Macron tôn trọng « nguyên tắc dân chủ đại diện », khi làm việc với đại diện các nghiệp đoàn, cho dù không đồng ý với các đề xuất của lãnh đạo Tiến bước !. Đại diện FO đặc biệt chê trách hành động đánh bóng hình ảnh một cách thô thiển của ứng cử viên Le Pen. Về phần mình, nghiệp đoàn CGT, đứng thứ hai nước Pháp, chỉ trích một « cuộc đọ sức đáng hổ thẹn được truyền thông rầm rộ », trong khi các nhân viên Whirlpool cần « các cam kết và giải pháp cụ thể ».

Báo chí hoan nghênh "mànkhởi đầu thực sự" cho vòng 2

Trong khi đó, báo chí Pháp nhìn chung hoan nghênh cuộc chạm trán đầu tiên giữa Macron và Le Pen. Tờ báo miền bắc La Voix du Nord nhận xét : biến cố tại Amiens đúng là « màn khởi đầu thực sự cho cuộc tranh cử vòng hai ».

Báo Haute-Marne thì bình luận : « Đọ sức không khoan nhượng. Đọ sức đến cùng. Bị tụt lại trong các thăm dò dư luận, Marine Le Pen không có cách nào khác là phải đi nước trước, khiêu khích đối thủ, chọc giận đối thủ ».

Theo giới quan sát, cuộc chạm trán Whirpool làm nổi bật hai tiếp cận hoàn toàn đối nghịch.

Ứng cử viên Le Pen hứa hẹn « quốc hữu hóa tạm thời » xí nghiệp để chống lại việc sa thải, trong khi đó chủ trương của lãnh đạo Tiến Bước ! là gây áp lực với doanh nghiệp để đạt được một « chương trình xã hội » tối ưu, có nghĩa là chủ xí nghiệp chấp nhận tài trợ để nhân viên có điều kiện tìm được việc làm mới.

Đối lại quan điểm đóng cửa biên giới, bảo hộ kinh tế của bà Le Pen, là chủ trương chấp nhận cuộc chơi toàn cầu hóa của Emmanuel Macron. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.