Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIÊU KHẮC

Pháp kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của Rodin

Lúc sinh tiền, nhà điêu khắc Auguste Rodin (1840-1917) đã là một nhân vật nổi tiếng. Trước khi qua đời, ông đã tặng toàn bộ tác phẩm cho nhà nước Pháp. Tuy nhiên, do Rodin mất trong giai đoạn căng thẳng của thời Đệ Nhất Thế Chiến, cho nên tang lễ của ông đã không diễn ra đúng theo ước nguyện của gia đình.

Bức điêu khắc "Người Suy Tư" trong khuôn viên Viện bảo tàng Rodin.
Bức điêu khắc "Người Suy Tư" trong khuôn viên Viện bảo tàng Rodin. AFP PHOTO / BERTRAND GUAY
Quảng cáo

Để ghi nhận sự đóng góp của một tài năng lớn, nước Pháp trong năm 2017 tổ chức chương trình trọng thể gồm nhiều sinh hoạt để kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của Rodin, vì dù muốn hay không, ông vẫn là nhà điêu khắc người Pháp nổi danh nhất ở nước ngoài.

Kể từ ngày 23/03 cho tới cuối tháng 7, hơn 200 tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại viện bảo tàng Grand Palais. Cuộc triển lãm lớn chưa từng thấy này làm nổi bật cuộc đối thoại giữa Rodin với các nghệ sĩ cùng thời, cũng như tầm ảnh hưởng của ông đối với hàng hậu bối.

Bên cạnh các bậc thầy như các điêu khắc gia Antoine Bourdelle hay Giacometti, còn có nghệ sĩ người Anh Henry Moore hay Barry Flanagan, người Ailen, Max Beckmann hay Joseph Beuys, người Đức và nhất là Markus Lupertz thuộc trường phái ‘‘tân biểu hiện’’, những nghệ sĩ thuộc thế hệ con cháu đều thừa nhận họ từng gợi hứng từ tư tưởng sáng tác của Rodin.

Có thể nói là Viện bảo tàng Rodin ở Paris quận 7 là kho lưu trữ đầy đủ nhất, do tập hợp các tác phẩm quan trọng của Auguste Rodin về cùng một nơi. Thế nhưng, lần này Viện bảo tàng Rodin đã hợp tác với tổ chức RMN bao gồm khoảng 20 Bảo tàng Quốc gia để đối chiếu các bức điêu khắc của Rodin với các tác phẩm thuộc nhiều trào lưu nghệ thuật qua nhiều giai đoạn khác nhau ……

Có lẽ cũng vì thế mà các sinh hoạt tưởng niệm Rodin không chỉ diễn ra ở thủ đô Paris, mà còn được tổ chức tại nhiều thành phố khác ở Pháp, trong đó quan trọng nhất vẫn là Viện Bảo tàng Mỹ thuật Calais, rồi sau đó là Viện bảo tàng của các thành phố như Nantes, Aix les Bains hay Montpellier ……

Cũng trong chiều hướng này, nước Pháp cũng dự trù phát hành một bộ tem sưu tầm cũng như đồng tiền 2€ có tạc hình Auguste Rodin nhân 100 năm ngày giỗ của nhà điêu khắc. Trong khi đó, đạo diễn Jacques Doillon chuẩn bị quay một bộ phim tiểu sử về Rodin với Vincent Lindon trong vai chính, bộ phim nói về giai đoạn nhà điêu khắc Pháp thực hiện bức kiệt tác Porte de l’Enfer (Cổng Địa Ngục).
Còn trên thế giới, viện bảo tàng Metropolitan, New York là nơi đầu tiên ở nước ngoài tổ chức triển lãm lớn về Rodin, kế theo sau có Barnes Foundation ở Philadelphia. Từ giữa tháng Sáu 2017 trở đi sẽ có thêm các viện bảo tàng của Buenos Aires, Sydney, Thượng Hải đồng tham gia vào chương trình sinh hoạt.

Sở dĩ Rodin rất nổi tiếng ở nước ngoài là vì tài năng của ông được thế giới công nhận từ lúc ông còn sống. Ông là nhà điêu khắc Pháp đầu tiên được Viện bảo tàng Met (Metropolitan) của New York chọn để đặt tên cho một gian phòng triển lãm nghệ thuật điêu khắc vào năm 1912. Ông cũng là gương mặt Pháp đầu tiên có nhiều tác phẩm được trưng bày lúc sinh tiền tại Viện bảo tàng thủ đô Tokyo.

Từ các bức kiệt tác như Le Baiser (Nụ Hôn), Le Penseur (Người suy tư) hay L’Âge d’airain (Thời đại đồng thau), các tác phẩm của Auguste Rodin đều mang đậm nét biểu hiện, nhào nặn cơ thể con người một cách tinh tế hiện thực để nhấn mạnh trạng thái nội tâm, thần sắc linh động.

Cho dù Auguste Rodin không có chủ ý phá vỡ những quy ước cổ điển nhưng nỗ lực tìm tòi đeo đuổi sáng tạo của ông tự nó đã khai phóng cho ngành điêu khắc hiện đại. Dưới bàn tay của Rodin, ‘‘đồng thau’’ vẫn mềm dù có rắn rỏi cách mấy, ‘‘khuôn vàng thước ngọc’’ bị khuynh đảo từ lúc nào không hay …….
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.