Vào nội dung chính
PHÁP - Ý

Paris hẹn hò với thời hoàng kim Cinecittà

Sophia Loren, Monica Vitti, Gina Lollobrigida hay Claudia Cardinale : Các bức chân dung của các ngôi sao màn bạc Ý từng làm nên tên tuổi của nhà nhiếp ảnh Willy Rizzo. Từ đây cho tới 01/04/2017, khoảng 40 tấm ảnh chụp được trưng bày tại phòng nhiếp ảnh của gia đình ông, ở số 12 đường Verneuil, Paris quận 7. Cuộc triển lãm hoàn toàn miễn phí.

Quảng cáo

Điểm đáng ghi nhận ở đây là hầu hết các bức ảnh chụp vào những năm 1955-1965, đều chưa từng được công bố. Theo gia đình ông, lúc sinh tiền nhà nhiếp ảnh Willy Rizzo thực hiện rất nhiều bộ ảnh, có lúc ông chụp hơn cả trăm tấm hình chỉ trong nửa buổi, nhưng sau đó khi đăng báo, chỉ có vài tấm mới được chọn.

Sinh trưởng tại Napoli, Willy Rizzo (1928-2003) có hai dòng máu : bố người Ý, mẹ người Mỹ. Từ nhỏ ông đã đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, và từ năm 16 tuổi ông bắt đầu làm việc ban đầu tại phim trường Cinecittà ở thủ đô Ý, và sau đó là tại các liên hoan quốc tế. Từ Venise đến Cannes, từ Paris sang Hollywood, Willy Rizzo trở thành một gương mặt quen thuộc của giới diễn viên điện ảnh, rất nhiều các ngôi sao màn bạc nổi tiếng thời bấy giờ đều từng ngồi trước ống kính của Willy Rizzo.

Trong vòng hơn nửa thế kỷ sự nghiệp, Willy Rizzo đã chụp hàng ngàn tấm ảnh chân dung, bên cạnh các bức chụp phong cảnh Roma hay các danh lam liên quan tới nghệ thuật thứ 7. Giai đoạn những năm 1955-1965 là thời kỳ hoàng kim của phim trường Cinecittà, sức sáng tạo cũng như khối lượng phim sản xuất không thua gì kinh đô điện ảnh Hollywood.

Nhưng thay vì chụp trong studio, Willy Rizzo lại thích chụp các thần tượng màn bạc ở ngoài trời với ánh sáng tự nhiên ban ngày. Ông cũng tạo ra một mối quan hệ thân quen gần gũi, để cho các ngôi sao “quên đi” ống kính của nhà nhiếp ảnh, vì ông lúc nào cũng bên cạnh họ.

Trong số các bức “tuyệt tác” của Willy Rizzo, có các tấm chân dung của các diễn viên Marlene Dietrich, Giuletta Masina hay của các đạo diễn như Fellini hay Visconti. Ông cũng trở thành nhà nhiếp ảnh “ưng ý” của Anita Ekberg, thời cô trở thành “sex symbol” của điện ảnh thế giới nhờ bộ phim La Dolce Vita, sau khi đoạt vương miện Hoa hậu Thụy Điển năm 1950.

Từ giữa những năm 1970, Willy Rizzo chuyển sang sự nghiệp thứ nhì trong ngành trang trí nội thất và thiết kế design. Tuy nhiên, nghệ thuật nhiếp ảnh vẫn là mối tình đầu đời của ông. Ông rất vui khi cầm lại chiếc máy chụp hình để thực hiện các bức chân dung của Anouk Aimée hay gần đây hơn của Monica Belluci.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc triển lãm tại phòng trưng bày Studio Willy Rizzo mang tựa đề Hẹn hò với Cinecittà, vì cho tới giờ ông vẫn được xem như là người cất giữ chiếc “chìa khóa ký ức”, mở ra những khung trời kỷ niệm, chuyến phiêu lưu truy tìm những thước phim ngời sáng, lộng lẫy thuở hoàng kim.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.