Vào nội dung chính
PHÁP

Chính trường Pháp : Fillon còn cầm cự được bao lâu ?

Trong dòng thời sự được báo chí Pháp nêu bật hôm nay, 02/02/2017, có hai cái tên được nhắc đi nhắc lại : Donald Trump ở Mỹ và François Fillon ở Pháp. Nếu tân tổng thống Mỹ thu hút sự chú ý qua quyết định đề cử một nhân vật cực kỳ bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện, thì những tiết lộ càng lúc càng nghiêm trọng liên quan đến ông Fillon, ứng viên cánh hữu cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay, đã khiến cho tờ báo Pháp nào cũng tự hỏi là ông sẽ còn cầm cự được bao lâu nữa trước khi rút khỏi cuộc đua vào Điện Elysée.

Cựu thủ tướng Francois Fillon sau cuộc bầu cử sơ bộ ngày 27/11/2016.
Cựu thủ tướng Francois Fillon sau cuộc bầu cử sơ bộ ngày 27/11/2016. REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Nếu báo Le Monde (độc lập) còn phân vân tự hỏi ngay trong tựa đầu trang nhất : « Liệu François Fillon còn bám trụ được hay không ? », thì đồng nghiệp thiên tả Libération có vẻ chắc chắn là ứng viên Fillon sẽ phải bỏ cuộc, chỉ còn lại câu hỏi là « Bao giờ ? » mà tờ báo nêu ngay trên trang nhất.

Nhật báo Le Figaro (thiên hữu) không dứt khoát như vậy đối với ông Fillon. Trong tựa lớn trang nhất, tờ báo nhấn mạnh đến phản ứng của ứng viên cánh hữu trước những tiết lộ liên tiếp có hại cho uy tín của ông : « Trong tâm bão, Fillon tố cáo “chính quyền” ». Chính quyền ở đây dĩ nhiên là chính quyền cánh tả. Xã luận tờ Le Figaro đã khai triển hướng này và nêu bật một « Trùng hợp lạ thường ».

Riêng nhật báo kinh tế Les Echos thì chú ý đến các diễn biến dồn dập trong chính trường Pháp hiện nay để cho rằng « Ván bài trong cuộc bầu cử tổng thống đã được chia lại ».

Fillon : Từ vợ đến con đều hưởng việc giả, tiền thật ?

Để giải thích các khó khăn mà ứng viên tổng thống Pháp François Fillon đang gặp phải, Le Monde đã nhắc lại tiết lộ của tờ báo Canard Enchainé theo đó ngoài việc bà vợ của ông là Penelope Fillon bị tình nghi là đã được chi trả gần một triệu euros từ Quốc Hội Pháp và từ tạp chí Revue des Deux Mondes cho những công việc không có thật, bản thân ông Fillon cũng đã lấy quỹ nhà nước chi cho hai đứa con của mình gần một trăm ngàn euros tiền thù lao cho công việc trợ lý Quốc Hội.

Đối với Le Monde, cho đến giờ này, ông Fillon đang cố làm như không có chuyên gì xẩy ra, đã phản công bằng cách tố cáo « một chiến dịch bôi nhọ » chưa từng thấy, thế nhưng cuộc điều tra mà ngành tư pháp nước Pháp đang tiến hành đã tác hại đến chiến dịch vận động tranh cử của ông, và ngay trong đảng của ông, đã xuất hiện những suy nghĩ là cần phải cử người khác thay thế ông.

Khái niệm trợ lý Quốc Hội rất mơ hồ sẽ có lợi cho ông Fillon ?

Đồng nghiệp của Le Monde là Libération cũng đồng ý là dù ông Fillon có chống chọi, dù cuộc điều tra đang tiến hành có thể sẽ không đi đến đâu, sự thể đã tác hại đáng kể đến tư thế ứng viên tổng thống của ông.

Theo Libération, ông Fillon và những người thân cận với ông đang dặt cược trên khả năng là định nghĩa của công việc « trợ lý Quốc Hội » mơ hồ đến nỗi là gán công việc nào vào khái niệm này cũng được, vì vậy, tư pháp không thể tìm được chứng cứ là bà vợ hay hai đứa con của ông Fillon đã có việc làm giả.

Thế nhưng, cho dù vậy, uy tín của ông Fillon vẫn bị sứt mẻ, điều tệ hại nhất với một ứng viên tổng thống : một cuộc thăm dò dư luận trước khi tờ báo Canard Enchainé tung ra loạt tiết lộ thứ hai, đã có kết quả không hay cho ông Fillon : Có đến ba phần tư người được hỏi không tin vào những lời giải thích của ông. Chưa hết, các khảo sát mới nhất về ý định bỏ phiếu của cử tri cho thấy tỷ lệ chọn ông sụt giảm đáng kể.

Đối với Libération, chỉ cần vài kết quả thăm dò như vậy nữa là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR của ông sẽ hoảng loạn, và sẽ phải tuyên bố rằng ông Fillon không còn là con chủ bài thành công nữa, mà đã trở thành cản lực.

Chiến thuật phản công của Fillon : Tố cáo chính quyền bôi nhọ

Nhật báo thiên hữu Le Figaro dĩ nhiên đã cố tìm cách bênh vực cho ông Fillon. Tờ báo đã phân tích cặn kẽ sách lược phản công của ông Fillon đã tố cáo chính quyền hiện tại và cánh tả đã đứng đằng sau các tiết lộ vốn chỉ là một chiến dịch nhằm bôi nhọ ông. Tờ báo đã lập lại lời tố cáo của ông Fillon, theo đó chính quyền cánh tả đang tiến hành một cuộc « đảo chánh định chế ».

Le Figaro ghi nhận là lần đầu tiên từ khi vụ tai tiếng bùng lên, ông Fillon đã lên án đích danh chính quyền : « Chiến dịch này do chính quyền tung ra, do cảnh tả tung ra. Họ là những kẻ vốn biết rằng không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và đã chọn các biện pháp phi dân chủ ».

Le Figaro ghi nhận việc Điện Elysée đã bác bỏ ngay những cáo buộc trên, nhưng đã nêu bật điều được tờ báo gọi là « trùng hợp kỳ lạ », tựa đề bài xã luận : « không ai có thể không nhìn thấy một sự trùng hợp kỳ lạ giữa việc tiết lộ các vụ này với thời điểm gần ngày bầu cử tổng thống... Ông Fillon là ứng viên có nhiều triển vọng chiến thắng nhất cho nên ông đã trở thành đối tượng cần triệt hạ… Câu hỏi đặt ra là ai có lợi trong vụ này ».

Hoa Kỳ : Donald “bảo thủ hóa” Tòa Án Tối Cao

Về thời sự quốc tế, điểm nhấn chung của các báo vẫn là các quyết định của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, mà nổi bật nhất là sự kiện ông Trump vừa quyết định đề cử thẩm phán Neil Gorsuch, một gương mặt cực kỳ bảo thủ làm thẩm phán suốt đời tại Tối Cao Pháp Viện Mỹ.

Đối với Le Figaro, rõ ràng là ông Trump đang đẩy định chế tư pháp tối cao của nước Mỹ về phía bảo thủ. Theo Le Figaro, ông Gorsuch là hiện thân của các ưu tiên xã hội bảo thủ mà đảng Cộng Hòa Mỹ theo đuổi, từ việc chống phá thai, chống hôn nhân đồng giới, cho đến bảo vệ quyền mang súng, hay các giá trị Thiên Chúa Giáo.

Le Figaro cho rằng, khi đề cử thẩm phán Gorsuch, ông Trump đã mặc nhiên khởi sự một cuộc chiến tại Thượng Viện Mỹ, định chế có nhiệm vụ phê duyệt đề nghị của tổng thống. Đảng Dân Chủ sẽ chống lại đề cử của ông Trump, và dù không nắm được đa số để bác bỏ, đảng này sẽ tìm đủ mọi cách để trì hoãn việc phê duyệt, và trường đấu giữa hai bên có thể kéo dài hàng tháng trời.

Le Monde cũng cùng một suy nghĩ với Le Figaro, nêu bật việc ông Trump đề cử một người chuộng cổ, trung thành với nguyên bản của Hiến Pháp cách nay hàng trăm năm, mà không cần chú ý đến những thay đổi trong xã hội. Le Monde cũng ghi nhận là đề nghị của tân tổng thống Mỹ cần phải được Thượng Viện phê chuẩn.

Bí mật đời tư của công dân châu Âu bị chính quyền Trump đe dọa ?

Về ông Trump, báo Libération đã đặc biệt chú ý đến một quyết định của ông liên quan đến các dữ liệu cá nhân và có tác động trực tiếp đến người châu Âu.

Trong bài viết mang tựa đề « Donald Trump : Và bây giờ đến lượt các dữ liệu cá nhân », nhật báo Pháp ghi nhận là tân tổng thống Mỹ đã thông qua một sắc lệnh làm suy yếu một thỏa thuận giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, trên nguyên tắc có chức năng đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu của các công dân châu Âu được lưu trữ tại Hoa Kỳ.

Đối với Libération, vấn đề các dữ liệu cá nhân của người được các tập đoàn tin học Mỹ lưu trữ trên đất Mỹ đã được đề cập đến một cách âm thầm trong một sắc lệnh chống nhập cư được tân tổng thống Mỹ ký ban hành vào tuần trước.

Một hai dòng chữ trong sắc lệnh đó đã gióng lên tiếng chuông báo động nơi giới quan tâm đến việc bảo vệ đời sống riêng tư ở châu Âu. Các điều khoản đó quy định rằng những ai không phải là công dân Mỹ hay cư dân thường trú tại Mỹ sẽ không nằm trong diện áp dụng của đạo luật quy định các giới hạn đối với các cơ quan liên bang Mỹ trong việc sử dụng các thông tin cá nhân.

Các điểm nói trên đã gây nên mối lo ngại cho tương lai của thỏa thuận mang tên Privacy Shield, một thỏa thuận khung giữa Châu Âu và Hoa Kỳ trong lãnh vực chuyển giao dữ liệu cá nhân từ Châu Âu qua Mỹ, có hiệu lực vào mùa hè này.

Được đàm phán sau những tiết lộ của Edward Snowden về các hoạt động giám sát do cơ quan an ninh quốc gia Mỹ NSA thực hiện, thỏa thuận này trên nguyên tắc sẽ bảo đảm là các dữ liệu cá nhân của các công dân châu Âu được hưởng một mức độ bảo mật tại Mỹ tương đương với những gì được luật pháp châu Âu quy định...

Tại Bruxelles, theo Libération, Ủy Ban Châu Âu đã lên tiếng trấn an. Tuy nhiên, nếu trước mắt sắc lệnh Trump không trực tiếp phá bỏ các khuôn khổ pháp lý hiện hành, thì các tín hiệu tiêu cực mà phía chính quyền Trump phát đi đã khiến nhiều người lo ngại, nhất là trong giới đã lên án những thiếu sót của thỏa thuận Privacy Shield.

Hồng Kông : Một tỷ phú nắm giữ nhiều bí mật về giới lãnh đạo Trung Quốc bị bắt cóc

Về châu Á, sự kiện được các báo Pháp quan tâm nhất chính là vụ gọi là mất tích mới đây của một nhà tỷ phú thuộc điện giàu nhất Trung Quốc tại Hồng Kông, với các thông tin báo chí khẳng định rằng nhân vật này đã bị an ninh Bắc Kinh bắt cóc.

Dưới tựa đề « Một nhà tài phiệt Trung Quốc biến mất tại Hồng Kông, Le Figaro đã cho rằng vụ nhà tỷ phú Trung Quốc Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) bị mất tích đã khiến nỗi quan ngại gia tăng trước tầm khống chế ngày càng mạnh của Bắc Kinh trên vùng đặc khu hành chính này. Khi tìm cách ẩn thân tại Hồng Kông, có lẽ ông Tiêu Kiến Hoa nghĩ rằng ông có thể sống an toàn, không bị Trung Quốc phiền hà.

Theo Le Figaro, trường hợp mà báo Anh Financial Times cho là ông bị an ninh Trung Quốc bắt cóc, có thể là có liên quan đến cuộc chiến khốc liệt chống tham nhũng do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành. Vào năm 2014, nhà tỷ phú này từng lên tiếng phủ nhận việc ông muốn chạy qua Hồng Kông để tránh chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc.

Trả lời Le Figaro, chuyên gia về Trung Quốc Lâm Hòa Lập (Willy Lam) tại Hồng Kông đã gắn kết các quan hệ chặt chẽ của nhà tỷ phú Trung Quốc với các lãnh đạo Trung Quốc, để giả định về nguyên nhân khiến ông bị an ninh Trung Quốc bắt cóc đưa về Hoa Lục để thẩm vấn :

« Tiêu Kiến Hoa đã đóng một vai trò trung gian tài chính cho một số phe cánh ở thượng tầng lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông đã mua cổ phần, tài sản địa ốc hoặc doanh nghiệp cho gia đình của giới lãnh đạo vốn không muốn tên tuổi của mình bị lộ công khai ». Trước khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, nhà tỷ phú này đã có quan hệ với phe của ông Tập Cận Bình, vì thế, theo ông Lâm Hòa Lập, ông Tiêu Kiến Hoa có thể là đã biết được « các chi tiết phiền phức của một số giao dịch ». Doanh nhân Trung Quốc cũng có quan hệ với các phe phái đối lập với Tập Cận Bình, cho nên cũng có thể cung cấp cho chủ tịch Trung Quốc phương tiện để loại trừ các đối thủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.