Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Pháp-Đức : Giải Nhân Quyền 2016 cho nhóm Mũ Trắng

Đăng ngày:

Trong năm 2016 vừa qua, trong bối cảnh bạo lực gia tăng, nhiều « địa chấn chính trị », với các làn sóng « dân túy », « dân tộc chủ nghĩa » dâng cao tại nhiều nơi trên thế giới, bảo vệ nhân quyền ngày càng trở nên khó khăn và là lĩnh vực rất có nguy cơ bị coi nhẹ, nhiều người hoạt động nhân quyền bị quy là tay chân của các thế lực chính trị. Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian này, giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới vẫn nỗ lực và cũng có thêm sáng kiến để tri ân họ. Tạp chí Đó Đây của RFI tuần cuối năm 2016 điểm lại một số gương mặt tiêu biểu, nhưng trước hết xin giới thiệu về lực lượng Mũ Trắng, tổ chức vừa được Pháp và Đức trao tặng Giải thưởng Đặc biệt về Nhân Quyền.

Những người Áo Trắng giải cứu nạn nhân tại Aleppo, Syria, ngày 20/09/2014.
Những người Áo Trắng giải cứu nạn nhân tại Aleppo, Syria, ngày 20/09/2014. REUTERS/Hosam Katan
Quảng cáo

Trong lĩnh vực nhân quyền, trước hết phải kể đến hàng ngàn con người đã mạo hiểm cuộc sống của mình để cứu vớt các nạn nhân trong chiến tranh. Tại Syria, một xứ sở được coi là nguy hiểm nhất hành tinh, nơi các hoạt động cứu trợ nhân đạo được coi là vô cùng nan giải, rất nhiều « những anh hùng vô danh », do lực lượng « Mũ Trắng » đào tạo, với khoảng 3.000 tình nguyện viên, đã tham gia các hoạt động tìm kiếm người sống sót sau các trận bom, pháo, chống hỏa hoạn, khắc phục thiệt hại…

Lực lượng Mũ Trắng – tên thường gọi của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria (Syria Civil Defence) – là một ứng cử viên sáng giá của giải Nobel Hòa Bình năm nay (1). Theo một con số thống kê hồi tháng 9/2016, khoảng 60.000 mạng sống đã được cứu thoát nhờ các tình nguyện viên.

Ngày 01/12/2016, chính quyền Pháp và Đức trao Giải thưởng Đặc biệt về Nhân Quyền và Nhà Nước Pháp Quyền cho những người Mũ Trắng (2).

Vốn là thợ bánh mì, thợ may, bán hàng hay giáo viên…, những người tham gia lực lượng tình nguyện Mũ Trắng Syria đã được huấn luyện để trở thành lính cứu hỏa, người tìm kiếm cứu nạn, nhân viên y tế, huấn luyện sơ cứu, tự bảo vệ cho dân cư các vùng có chiến sự… Ít nhất tính cho đến tháng 10/2016, đã có 145 người Mũ Trắng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Trả lời RFI, ông James Sadri, lãnh đạo « The Syrian Campaign », tổ chức phi chính phủ đầu tiên giới thiệu về lực lượng Mũ Trắng, cho biết : « sứ mạng của lực lượng Mũ Trắng là can thiệp tại các vùng, nơi không còn một cơ sở dịch vụ công nào còn hoạt động, nơi không còn trường học, bệnh viện ».

Nhân quyền là điều kiện tiên quyết của hòa bình và công lý

Sự dấn thân của nhóm Mũ Trắng đã thu hút sự chú ý của quốc tế đến tình trạng người chết do bị bom đạn bừa bãi của các bên tham chiến tại Syria, đặc biệt do không quân Nga. Cùng với một số tổ chức nhân đạo khác tại Syria, nhóm Mũ Trắng là nguồn cung cấp các thông tin tại chỗ về tình trạng bạo lực nhắm vào thường dân. Có thể nói, nhóm Mũ Trắng và nhiều lực lượng có mặt tại chỗ đã  giúp cộng đồng quốc tế hiểu được thực sự mức độ tàn bạo của cuộc chiến tranh này, góp phần đưa các bên vào bàn đàm phán, nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến đẫm máu, đến nay đã gần 6 năm, khiến gần 300.000 người chết, hơn 10 triệu người phải tha hương. 

Đây là lần đầu tiên Pháp và Đức trao giải thưởng về Nhân Quyền và Nhà Nước Pháp Quyền. Cùng với nhóm Mũ Trắng là 14 cá nhân khác ở khắp nơi trên thế giới, đã được vinh danh, vì các nỗ lực không quản nguy hiểm, hy sinh, để giúp người. Pháp và Đức đặc biệt chú ý đến trường hợp của luật sư Trung Quốc Lý Hòa Bình (Li Huaping), bị chính quyền Trung Quốc cầm tù từ 15 tháng nay. Vợ của ông, bà Vương Tiễu Lĩnh (Wang Qiaoling) được trao giải vì « đã lên tiếng không mệt mỏi cho gia đình của các luật sư, các nhà hoạt động bị giam giữ ».

Thông điệp chung trong lễ trao giải của hai ngoại trưởng Pháp, ông Jean-Marc Ayrault, và Đức, ông Frank-Walter Steinmeier, nhấn mạnh :

« Nhân quyền vừa là nền tảng, vừa là điều kiện tiên quyết cho hòa bình và công lý trên thế giới. Sau các xung đột khủng khiếp toàn cầu của thế kỷ XX, chúng tôi đã cam kết bảo vệ và thúc đẩy các quyền này – điều mà chúng tôi đang thực hiện trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu/OSCE, Hội Đồng Châu Âu và Liên Hiệp Châu Âu.

Điều quan trọng là chúng ta phải cảnh giác để thành quả này không bị thách thức. Pháp và Đức ý thức được mối nguy hiểm của việc các nhân quyền căn bản bị sói mòn hiện nay, và kiên quyết sát cánh cùng nhau để bảo vệ. Cuộc chiến này cần phải được tiến hành một cách kiên định hơn nữa trong một thế giới ngày càng có nhiều chính phủ thu hẹp các quyền tự do căn bản, nhân danh các lý do an ninh, ổn định chính trị hay đặc thù văn hóa… ».

« Mẹ Theresa của nước Nga » qua đời

Tranh đấu cho nhân quyền không phải là độc quyền của bất cứ xã hội nào. Trong những ngày cuối năm này, giới bảo vệ nhân quyền chấn động với sự ra đi của « Bác sĩ Liza », một nhà hoạt động nhân đạo người Nga, thiệt mạng trong chuyến bay quân sự tại Biển Đen ngày 25/12, cùng đoàn hợp xướng Hồng Quân, trên đường tới Syria.

« Bác sĩ Liza », biệt danh của bà Elizaveta Glinka, 54 tuổi, giám đốc hiệp hội từ thiện Spravedlivaya Pomchtch, rất nổi tiếng tại Nga, với hoạt động trong hầu khắp các lĩnh vực nhân đạo, từ cứu trợ các bệnh nhân gặp khó khăn, đến nạn nhân hỏa hoạn, thiên tai,… tại một quốc gia, mà dịch vụ công vắng mặt hoặc không hiệu quả ở nhiều nơi. Bản thân bà đã thường xuyên tới và hỗ trợ nhiều thực phẩm và thuốc men cho thường dân tại vùng Donbass, Ukraina, nơi chiến tranh bùng nổ giữa lực lượng ly khai thân Nga với chính quyền Kiev. Đầu tháng này, tổng thống Nga Putin trao tặng giải thưởng Quốc Gia về Nhân Quyền và Thiện Nguyện, cho người vốn là một thành viên tích cực của phong trào đối lập chống Putin.

Bác sĩ "Liza"
Bác sĩ "Liza" Ảnh : Wikimedia commun

Về sự ra đi của « bác sĩ Liza », trang mạng The Russia Beyond the Headlines, được coi là thân chính quyền Nga, có bài « Vì sự sống, chống chiến tranh : Nhớ về Elizaveta Glinka ». Bài dẫn lại mô tả của chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Nga, Mikhail Fedotov, dân chúng ở khắp nơi ở nước Nga, từ quan chức cao cấp đến các nhà đối lập chống điện Kremlin, coi bà như « một vị thánh », một « Mẹ Theresa » (3).

Tờ báo nêu bật thái độ « chống chiến tranh » của bác sĩ Liza. Bà từng nói muốn đưa tất cả các những nhà chính trị đã gây chiến, tới phòng điều trị tích cực cho các trẻ em bị thương ở Donbass, để họ chứng kiến những việc họ đã gây ra.

Trong bài diễn văn nhận giải thưởng Quốc Gia về Nhân Quyền Nga, hơn hai tuần trước khi mất, bác sĩ Liza một lần nữa nhấn mạnh đến những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, những nỗi đau của trẻ em tại Donbass và Syria, với lời kết mang hy vọng : « Chúng ta tin rằng lòng tốt, tình thương và lòng từ bi cuối cùng sẽ mạnh hơn mọi vũ khí ».

Ân Xá Quốc Tế : 33 lý do để hy vọng

Những giải thưởng nhân quyền lớn của châu Âu năm nay, đặc biệt hướng đến khu vực Trung Đông, nơi hoành hành của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong một thời gian dài. Giải Sakharov « vì tự do tư tưởng » năm 2016 của Nghị Viện Châu Âu được trao cho hai thiếu nữ người Yezidis, Nadia Murad và Lamiya Aji Bachar, đã nỗ lực để thoát được khỏi nhà tù Daech. Giải Nhân Quyền Vaclav Havel của Hội Đồng Châu Âu cũng được tặng cho cô Nadia Murad. Sắc tộc Yezidis, với gần một triệu dân, ở miền bắc Irak, đứng trước nguy cơ diệt chủng, vì Daech. Hơn chục ngàn thiếu nữ Yezidis bị Daech bắt cóc làm nô lệ tình dục.

Trong bối cảnh thế giới đứng trước nguy cơ chiến tranh và bạo lực gia tăng, những xâm phạm nhân quyền tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng, các thách thức là hết sức lớn đối với giới bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, không vì thế mà để cho tâm trạng bi quan che lấp thực tại, che lấp niềm hy vọng, vốn là động lực cho mọi hành động. Đây chính là quan điểm của tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Ân Xá Quốc Tế/Amnesty International khi nhìn lại năm 2016.

Ân Xá Quốc Tế thừa nhận « khắp nơi, chúng ta thấy năm 2016 dường như là một năm khủng khiếp », nhưng theo tổ chức bảo vệ nhân quyền có tuổi đời trên nửa thế kỷ này, thì có « 33 lý do để rút ra một kết luận tích cực về năm 2016 ». 33 lý do đó chính là « 33 cách hành động », mà những người bảo vệ nhân quyền đã đóng góp trong, để đạt được các thành tựu nói trên. Tổ chức bảo vệ nhân quyền nhấn mạnh : « Phẫn nộ là không đủ. Sự việc chỉ thay đổi khi chúng ta cùng nhau hành động ».

Amnesty International dẫn lại lời tâm sự của một nhà hoạt động Miến Điện vừa được trả tự do : « Cảm ơn rất nhiều mỗi người trong số các vị, không chỉ vì đã tham gia vào chương trình giúp cho tôi được trả tự do, mà cũng vì đã giúp chúng ta hy vọng và tin ».

Theo Ân Xá Quốc Tế, trong năm vừa qua, các nhà hoạt động đã tham gia vào việc giúp trả lại tự do cho hơn 650 người, bị giam cầm một cách bất công, đồng thời đóng góp vào việc thay đổi hệ thống pháp luật về nhân quyền tại 40 quốc gia.

Ân Xá Quốc Tế, một hiệp hội  tranh đấu cho nhân quyền hàng đầu, với khoảng 7 triệu người ủng hộ trên khắp thế giới.
Ân Xá Quốc Tế, một hiệp hội tranh đấu cho nhân quyền hàng đầu, với khoảng 7 triệu người ủng hộ trên khắp thế giới. Logo của AI

Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh đến việc có thêm hai nước hủy án tử hình, Ả Rập Xê Út đình chỉ việc sử dụng bom chùm, Peru ra luật về những người mất tích dưới chế độ độc tài, Canada và Úc có các tiến bộ về quyền của người bản địa, Na Uy và Đan Mạch về quyền của người chuyển giới và đặc biệt là các tiến bộ ở nhiều nước trong việc ra luật chống tra tấn... Các áp lực của Ân Xá Quốc Tế và Omega Research Foundation đã buộc Liên Hiệp Châu Âu phải siết chặt quy định về việc bán các dụng cụ, có thể được sử dụng cho tra tấn hay hành quyết, Philippines lần đầu tiên kết án một sĩ quan cảnh sát về tội tra tấn đầu năm 2016, kể từ khi ra luật vào năm 2009…

Cũng Ân Xá Quốc Tế, trong những ngày cuối năm, đã khởi động một chiến dịch đánh động công luận về các đe dọa đối với xã hội dân sự, đang huy động chữ ký nhằm báo động « ngày càng trở thành mục tiêu của nhiều chính quyền trên khắp thế giới ». Ân Xá Quốc Tế huy động chữ ký nhằm tổ chức các hoạt động, để ủng hộ 10 nạn nhân bị đàn áp tiêu biểu.

Giải Goldman vinh danh người giữ đất, giữ rừng

Nhân quyền bao gồm nhiều lĩnh vực. Một trong những quyền căn bản nhất của con người là được sống trong môi trường trong sạch, an toàn. Tuy nhiên, khắp nơi trên thế giới quyền này đang bị đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Giải thưởng môi trường Goldman rất có uy tín năm vừa qua đặc biệt chú ý đến cuộc đấu tranh giữ đất, giữ rừng. Toàn bộ sáu giải thưởng của Goldman 2016 đều trao cho những nhà tranh đấu hoạt động trong lĩnh vực này. Mỗi người được vinh danh được trao tặng 125.000 đô la để tiếp tục cuộc chiến.

Luật sư Leng Ouch, một trong sáu nhà hoạt động nói trên, đã được trao tặng giải Goldman vì công lao chống nạn phá rừng tại Cam Bốt, nơi có tốc độ phá rừng nhanh nhất thế giới hiện nay, theo Global Forest Watch. Bảo vệ rừng là công việc rất nguy hiểm tại Cam Bốt, nhiều nhà hoạt động môi trường đã bị sát hại.

Luật sư Leng Ouch, người Cam Bốt
Luật sư Leng Ouch, người Cam Bốt Ảnh của Goldman environmental prize

Riêng về Trung Quốc, trong cuốn sách « Khủng hoảng môi trường tại Trung Quốc », mới ra mắt hồi tháng 10/2016, chuyên gia về kinh tế và chính trị Trung Quốc, nhà nghiên cứu Jean-François Huchet (giảng viên đại học INALCO – Paris) nhận xét cường quốc kinh tế châu Á « nghiện than đá » đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng môi trường « nghiêm trọng », sau ba thập niên phát triển liên tục. Tại Trung Quốc, nước, không khí và đất không thứ gì thoát khỏi ô nhiễm (5).

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cuối năm 2016 với AFP, ông Ngô Lập Hồng (Wu Lihong), một người từng bị chính quyền bỏ tù ba năm, vì tranh đấu cho môi trường, nhận xét : « Người ta đã hi sinh dân chúng cho mục tiêu phát triển ». Sau giai đoạn bỏ tù nhiều nhà tranh đấu, đến lượt chính quyền Trung Quốc bị đặt trước tình trạng buộc phải thừa nhận sự phá sản của chính sách đánh đổi môi trường vì tăng trưởng. Nhưng vấn đề là : Làm thế nào để trả lại sự trong lành cho môi trường, khi các doanh nghiệp không chấp nhận từ bỏ quyền lợi ?

Nhạc phẩm giới thiệu trong Tạp chí

* Nocturne op.48 no.1 in C minor của Chopin, do nghệ sĩ Valentina Lisitsa thể hiện.
 

----

1) Lực lượng Mũ Trắng cũng đã được vinh danh với Giải thưởng Right Livelihood 2016, được coi là một « Giải Nobel Khác » (Tên đầy đủ của Giải là Right Livelihood vì các Nhân Quyền Căn Bản và các Giá Trị trong hoàn cảnh Chiến Tranh và Đàn Áp/2016 Right Livelihood Awards Uphold Fundamental Human Rights and Values in the Face of War and Repression).

2) Giải thưởng Nhân Quyền Pháp – Đức thường niên kể từ 2016 là một sáng kiến toàn cầu dựa trên các sáng kiến phối hợp trước đó của hai nước ở quy mô địa phương, kể từ năm 2010. Cụ thể là các giải « Antonio Nario » tại Colombia, các giải Nhân Quyền Pháp - Đức tại Nicaragua, Costa Rica, Guinée, và giải « Gilberto Bosques » tại Mêhicô.

3) Báo The Russia Beyond the Headlines kể lại là bác sĩ Elizaveta Glinka từng được tiếp xúc với kinh nghiệm hoạt động từ thiện trong thời gian sống tại Hoa Kỳ những năm 1980. Libération, ngày 26/12/2016, có bài « Bác sĩ Liza : Nhân loại đớn đau », nhắc đến sự thờ ơ của nhà hoạt động nhân đạo trước các chỉ trích của một bộ phận đối lập, về các hoạt động mà họ coi là cộng tác với chính quyền Putin. Trong buổi lễ nhận giải tại điện Kremlin, Mẹ Theresa của nước Nga tuyên bố : « Chúng tôi, những người bảo vệ nhân quyền, ở bên ngoài chính trị, cũng như những người mà chúng tôi bảo vệ ».

4) Ông Luis Jorge Rivera Herrera được giải, vì bảo vệ được hành lang sinh thái đông bắc Puerto Rico (Mỹ), rộng 3.000 acre (tương đương 12 km²). Ông Edward Loure bảo vệ được quyền quản lý vùng đất chăn thả của các cộng đồng bản địa tại Tanzania (châu Phi), rộng 200.000 acre (tương đương 800 km²), vừa bảo vệ nguồn sống dân cư, vừa bảo vệ các hệ sinh thái.

Bà Máxima Acuña được tặng thưởng, vì cuộc chiến dũng cảm, vẫn đang tiếp tục, chống lại dự án khai mỏ khổng lồ tại Peru (Nam Mỹ), của tập đoàn đa quốc gia Newmont, có 50% vốn Hoa Kỳ. Bà Destiny Watford đã chống lại thành công một dự án nhà máy đốt rác, quy mô 4000 tấn/ngày, lớn nhất nước Mỹ, tại thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, khiến tiểu bang này có nguy cơ trở thành nơi ô nhiễm nhất Mỹ. Cơ quan môi trường Maryland quyết định hủy bỏ dự án đầu năm nay. Còn nữ luật sư Zuzana Čaputová được vinh danh do cuộc chiến chống lại một dự án khu rác thải lớn tại Slovakia (châu Âu), với sự hỗ trợ của Greenpeace.

5) Theo một số thống kê, ô nhiễm không khí tại Trung Quốc khiến gần 1,2 triệu người chết sớm, chiếm gần 40% số người chết sớm trên thế giới vì nguyên nhân này. Một nửa sông ngòi bị ô nhiễm trầm trọng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.