Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Paris vén màn các cuộc « Chiến tranh bí mật »

Đăng ngày:

Cuộc chiến Syria và xung đột tại Ukraina đã làm cho quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi. Thêm vào đó, Matxcơva ngày càng bị nghi ngờ can thiệp vào trong các cuộc bầu cử tổng thống tại một số nước phương Tây như đợt bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Hơi hướm của một cuộc chiến tranh lạnh như đang trỗi dậy.

"Đừng nói!"-Một áp phích tuyên truyền kêu gọi cảnh giác gián điệp dân sự bằng tiếng Pháp và Ả Rập, được trưng bày tại triển lãm "Những cuộc chiến bí mật".
"Đừng nói!"-Một áp phích tuyên truyền kêu gọi cảnh giác gián điệp dân sự bằng tiếng Pháp và Ả Rập, được trưng bày tại triển lãm "Những cuộc chiến bí mật". RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Trong bầu không khí lạnh giá này, bảo tàng Quân đội Invalides tại Paris mở một cuộc triển lãm mang chủ đề « Những cuộc chiến bí mật », kéo dài cho đến hết ngày 29/01/2017, trưng bày các hiện vật và tài liệu của một thời có thể nói là « huyền thoại » nhất của ngành tình báo thế giới.

Một bầu không khí chiến tranh lạnh. Đó là những cảm nhận đầu tiên khi vừa đặt chân vào không gian triển lãm. Treo lơ lửng ở trước cửa phòng trưng bày là một quả bom mầu xanh dương, một mô hình được mô phỏng theo kích thước thật của quả bom nguyên tử đầu tiên. Dưới nền ánh sáng vừa phải là những dãy tủ kính trưng bày khoảng 400 hiện vật và các tài liệu được giải mật đến từ các bảo tàng Anh quốc và kho lưu trữ Tổng cục tình báo DGSE Pháp. Rất nhiều hiện vật được trưng bày tại đây là các vật dụng do các điệp viên của CIA (Mỹ), KGB (Nga), MI6 hay SOE (Anh) hay SDECE (Pháp) sử dụng.

Bộ dao găm nhỏ.
Bộ dao găm nhỏ. RFI / Tiếng Việt

Những "bảo bối" của các điệp viên

Người xem như thể lạc vào thế giới của James Bond 007 hay OSS 117. Ở đó quý vị có thể thích thú khám phá chiếc túi chứa các loại dao găm dùng trong trường hợp khẩn cấp để vô hiệu hóa hay trừ khử kẻ thù. Hay như các dụng cụ dùng để phá hoại một cơ sở nào đó như lời giải thích của cô Carine Lachèvre trong một phóng sự của đài phát thanh Franceinfo.

« Người xem sẽ thấy có một sách hướng dẫn chỉ cách làm thế nào phá hỏng một cây cầu hay làm thế nào đặt mìn đánh hỏng một con tầu. Ở đây còn có cả một tập sách hướng dẫn đấu tay không, vài tài liệu để học cách tuyển dụng nguồn cung cấp thông tin, dạy cách dùng móc phá khóa một cách kín đáo, mã hóa các tin nhắn. »

Nghệ thuật « dị dung » không chỉ có trong các bộ phim võ thuật cổ trang Hồng Kông mà chúng ta quen thấy, đó còn là một trong những kỹ năng và phương pháp không thể thiếu cho các hoạt động tình báo. Cô Carine Lachèvre nói tiếp : « Ở đây quí vị có thể xem nhiều món tóc giả, râu mép giả, những lọn tóc giả hay như khuôn bằng thạch cao để làm mũi giả bằng chất silicon. Có rất nhiều món đồ từng phục vụ cho Stati, cơ quan tình báo Đông Đức cũ ».

Nhưng có lẽ, đôi khi những kỹ xảo « hóa trang » sơ khai ấy cũng chưa đủ bảo đảm để bảo toàn sứ mạng nên có lúc cũng phải dựa đến các kỹ thuật chỉnh hình tinh vi hơn. Một cựu điệp viên sẽ thuật lại trong một đoạn video những đợt phẫu thuật chỉnh cằm và tai mà anh đã phải trải qua để thay hình đổi dạng.

Ở đây, công chúng như bị lóa mắt trước những bộ « đồ nghề » tưởng chừng chỉ thấy trong phim ảnh : từ đôi giày nam có giấu lưỡi dao nhỏ ở đế để cắt dây trói, những khẩu súng ngắn hãm thanh có từ năm 1940 hay như chiếc máy ảnh mini Minox mà James Bond sử dụng trong bộ phim On her Majesty’s Secret Service.

Đôi giày nam có giấu một con dao nhỏ ở đế giày.
Đôi giày nam có giấu một con dao nhỏ ở đế giày. RFI / Tiếng Việt

Thực tế hòa quyện cùng viễn tưởng. Vài trích đoạn những bộ phim tình báo nổi tiếng, James Bond, Lawrence d’Arabie; vài bộ trang phục và vật dụng dùng trong phim ảnh, như bộ smoking của OSS 117. Đôi khi thực tế vượt xa cả sức tưởng tượng của chúng ta như một số loại vũ khí được che giấu một cách tài tình.

« Những chiếc dù này, còn được gọi là những chiếc dù Bulgari. Dường như chính cơ quan tình báo Xô Viết KGB đã mua một lô dù thế này rồi biến chúng thành một loại vũ khí có tẩm độc. Chẳng hạn, có ai đó xô đẩy bạn bằng cách dùng chiếc dù chạm vào một điểm nào đó trên cơ thể mà bạn không hề hay biết. Vài giờ sau đó, bạn cảm thấy bị sốt cao và thế là … bạn sẽ chết ».

Hay như một số vật dụng bề ngoài trông có vẻ tầm thường, không có vẻ gì nguy hiểm như những thỏi son, những điếu thuốc lá nhưng lại là những vũ khí chết người :

« Thế nhưng, thỏi son này không phải là son môi, mà đó là một dạng súng ngắn sử dụng một lần, dùng để nhắm vào một mục tiêu rất gần. Hay như hộp thuốc lá này để toàn thuốc lá thật, trừ điếu thứ sáu này ».

Chiến tranh Đông Dương, mảnh ghép quan trọng của tình báo Pháp

Bầu không khí triển lãm như thêm phần bí mật với những tiếng thì thầm phát ra từ những chiếc loa. « Nói khẽ thôi, tai vách mạch rừng ». Đó là vì quý vị đang đứng trước các áp phích tuyên truyền cảnh giác gián điệp dân sự bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức và Ả Rập.

Một số bài báo liên quan đến các vụ án gián điệp nổi tiếng cũng được trưng bày tại đây như là bằng chứng của một cuộc chiến « ngầm ». Một bài viết điều tra trên nhật báo Pháp France Soir ngày 27/09/1963 với hàng tựa lớn : « Lời thú tội của Georges Pâques : Tôi đã cung cấp thông tin cho Nga vì sợ chiến tranh nguyên tử ». Hay một bài nhận định trên tờ Le Monde ngày 06/04/1983 đề tựa : « Trục xuất 47 công chức Xô Viết gây căng thẳng nghiêm trọng giữa Paris và Matxcơva ».

Mỗi một hiện vật như là một « bằng chứng lịch sử » làm sống lại thời kỳ bi hùng về các cuộc chiến tranh Đệ Nhất và Đệ Nhị khốc liệt tại châu Âu ; những cuộc đọ sức đấu trí không mệt mỏi của thời chiến tranh lạnh ; và đôi khi cả nỗi thất bại cay đắng như trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Đó còn là một phần linh hồn trong lịch sử ngành tình báo Pháp.

Nằm rải rác đó đây trong khu triển lãm một vài hồ sơ giải mật liên quan đến nhiều con người sau này trở thành nhân vật lịch sử. Một « Nguyễn Tất Thành, còn gọi là Nguyễn Ái Quốc, sinh ngày 15 tháng Giêng năm 1894, tại Kim Liên, hay ở Vinh (An Nam) … ». Cuối mẫu giấy có một hàng chữ cỡ lớn đề rằng : « Nhà cách mạng ». Theo bảng chú thích, phiếu theo dõi này được cơ quan phản gián Pháp lập trong những năm 1920.

Tập hồ sơ theo dõi Võ Nguyên Giáp.
Tập hồ sơ theo dõi Võ Nguyên Giáp. RFI / Tiếng Việt

Hay như một Võ Nguyên Giáp, mà hồ sơ được trang trọng trưng bày trong một chiếc tủ kính riêng, bao gồm cả ảnh chụp lúc thiếu niên và thời trai trẻ. Ở trang ghi là Phiếu An ninh chung mang số hiệu N° 5.251 là một lý lịch trích ngang được viết tay nắn nót, ghi rõ họ tên là Võ Giáp, hay còn gọi là Võ tư Giáp, Võ nguyên Giáp.

Theo như phần chú thích, tập hồ sơ theo dõi này đã được các cơ quan an ninh và tình báo Pháp thiết lập từ năm 1927 – 1957. Tham gia phong trào cách mạng từ năm 14 tuổi, Tổng cục an ninh của chính phủ toàn quyền Đông Dương đã theo dõi ông ngay từ tháng 4/1927. Ông bị nghi là một trong những người cầm đầu chính trong cuộc đình công của trường Quốc Học Huế.

Một vài phiếu theo dõi những người sống ở trong hay ngoài nước bị tình nghi làm gián điệp cho Việt minh ; phiếu tuyển dụng người bản xứ làm mật vụ cho SDECE. Hay như báo cáo theo dõi cuộc họp các nhà cách mạng Việt Nam tại tỉnh Quảng Đông, đề ngày 25/01/1949… như để tạo thêm điểm nhấn cho cuộc chiến tranh bí mật tại Đông Dương.

Quả thật, Đông Dương là một mảnh ghép khá quan trọng trong lịch sử ngành tình báo Pháp. Những gì được trưng bày trong triển lãm « Các cuộc chiến bí mật » tại Invalides được trích ra từ một bảo tàng khác, « bảo tàng gián điệp ». Một bảo tàng « bí mật » nằm trong lòng trụ sở Tổng cục tình báo Pháp DGSE, không bao giờ được mở ra cho công chúng và chỉ dành riêng cho các nhân viên tại đây.

Theo các hồ sơ được trưng bày tại DGSE hiện nay mà phóng viên báo Le Figaro đã có đặc quyền được tiếp cận nhân dịp ngày Di sản Liên Hiệp Châu Âu hồi trung tuần tháng 9/2016, vào tháng 2/1947, một nhánh của SDECE, tiền thân của DGSE đã được thành lập tại Sài Gòn.

Có tên gọi « Căn cứ 40 » (Base 40), cơ quan này có nhiệm vụ thu thập thông tin, phản gián, lập phiếu theo dõi, nghe lén, phân tích và tiến hành chống cuộc chiến tranh du kích của Việt Minh. Sơ đồ tổ chức được tiết lộ ở đây cho thấy rõ một mạng lưới gián điệp thật sự rộng lớn tập trung xung quanh bộ chỉ huy mang bí số « Percy ». Và trong vòng 10 năm (1947 – 1956), đứng đầu cơ quan đáng gờm này là đại tá Maurice Belleux.

Từ Sài Gòn, cơ quan dò tìm tập trung mọi thông tin về Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia và Thái Lan phép triển khai một tầm nhìn khu vực. Nhưng có lẽ hoạt động hiệu quả nhất là Bộ phận Kỹ thuật Dò tìm STR đóng tại Đà Lạt, tập trung hàng chục chuyên gia nghe lén. Mọi tai nghe đều hướng về Trung Quốc và tất cả các nguồn khác cho phép vạch rõ các hoạt động của Việt-minh. Dữ liệu thu thập được phân loại theo mầu : Phiếu Vàng liên quan đến những cuộc nghe mã hóa và phiếu Trắng là không mã hóa. 

Giờ đây, công nghệ thông tin phát triển giúp cho việc đánh cắp thông tin dễ dàng hơn, với một khối lượng lớn hơn và nhanh hơn. Cho dù là ta hay địch, thì cuộc triển lãm « chiến tranh bí mật » này như là một sự hoài niệm về một thời vàng son, một thời « lẫy lừng » của ngành tình báo thế giới nói chung, với bao nỗi nhọc nhằn, buồn vui lẫn lộn. Người hoạt động bí mật cũng như một người nghệ sĩ đa năng, biến hóa khôn lường, vui đùa cùng số mệnh để rồi « được thì làm vua » mà « thua thì làm giặc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.