Vào nội dung chính
PHÁP - EURO 2016

Euro 2016 và sức mạnh của nhà tài trợ

Vậy là hàng triệu khán giả hâm mộ trái bóng tròn đã được hòa mình vào nhiều trận cầu li kì, hấp dẫn của giải Vô địch Bóng đá Châu Âu Euro 2016 từ hôm thứ sáu 10/06/2016. Bên cạnh những trận so tài sôi động, còn có những trận đấu âm thầm khác diễn ra bên lề giải đấu lớn này. Đó là trận tranh tài giữa các nhà cung cấp đồ dùng thể thao, cụ thể giữa Nike, Adidas và Puma. Trên đây là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos ngày 07/06/2016. 

Logo của Cúp bóng đá châu Âu Euro 2016
Logo của Cúp bóng đá châu Âu Euro 2016
Quảng cáo

Hơn 12 tỷ euro là con số mới nhất do nhóm nghiên cứu NPD công bố về thị trường kinh doanh các sản phẩm ăn theo bóng đá dành cho các nhà cung cấp trang thiết bị thể thao. Tuy chỉ chiếm có 5% thị trường đồ thể thao thế giới, nhưng bóng đá vẫn là một thị trường lớn, không thể bỏ qua. Và giải Euro 2016 lần này một lần nữa sẽ là nơi diễn ra một trận đấu mới giữa Nike và Adidas, đương nhiên có cả Puma, kể từ giờ quyết định không ngồi trên ghế « dự bị ».

Hiện tại Adidas vẫn luôn dẫn trước Nike, với mức doanh thu hơn hai tỷ euro nhờ vào quả bóng tròn, môn thể thao phổ biến nhất hành tinh. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Frédéric Tain, tổng biên tập trang mạng Sport-Guide, thì thương hiệu Mỹ đang muốn vươn lên thành nhãn hiệu hàng đầu trong bóng đá.

Ông nói : « Nike mỗi năm càng tiến gần, nhưng Adidas, vốn đã khá nổi tiếng từ lâu hiện vẫn luôn dẫn trước. Nếu đối chiếu với năm rồi, thì trong năm diễn ra Cúp Bóng đá Thế giới tại Brazil, cả hai nhãn hiệu này có doanh thu gần như bằng nhau, với mức tăng trưởng tương đương 20% ».

Theo Les Echos, cương vị đối tác chính thức cho Euro 2016 có lẽ sẽ giúp cho Adidas gia tăng mức bán ra. Thương hiệu Đức này còn cung cấp bóng cho kỳ tranh giải. Ở kỳ giải vô địch lần trước, Adidas đã bán ra hơn 7 triệu sản phẩm. Bên cạnh đó, Adidas còn trang bị cho hơn một chục đội bóng, trong đó có đội đương kim vô địch thế giới (Đức) và đương kim vô địch Châu Âu (Tây Ban Nha).

Nike,với hợp đồng cung cấp cho 6 quốc gia tranh giải lần này, cũng nắm giữ một lá chủ bài với nước Pháp, nước chủ nhà. Bên cạnh đó còn có cả Bồ Đào Nha và Anh. Về phần mình, Puma tài trợ cho năm đội bóng, với một đội có giá trị bảo toàn là Ý.

Tuy nhiên, ông Frédéric Tain tỏ ra tương đối : « Kinh doanh áo các đội tuyển quốc gia thật ra bị hạn chế hơn nhiều so với áo các danh thủ trong các câu lạc bộ lớn. Nếu như chiếc áo của đội tuyển Đức bán ra được hơn 2 triệu chiếc, một con số kỷ lục trong năm 2014, thì đội Barça và Munich là hơn 3 triệu chiếc mỗi năm ».

Chính vì thế, ngoài các đội tuyển, các nhà cung cấp dụng cụ thể thao còn đặt cược ngày càng nhiều vào các cầu thủ. Hãng Adidas nhấn mạnh : « Chính các danh thủ mới làm cho các em nhỏ mơ ước và thúc giục các em phải sắm các đôi giày ».

Thương hiệu Đức này đã bội thu khi ký được hợp đồng tài trợ đầu tiên cho danh thủ Pháp, Paul Pogba hồi tháng Ba năm nay. Một nhân vật mà nhật báo thể thao l’Equipe của Pháp đánh giá là « có tính cách lập dị ». Adidas đã cho phát hành với số lượng hạn chế loại giầy thể thao không dây buộc, với hai mầu chính là đen và vàng óng, những mầu sắc do chính Pogba chọn. Trong khi đó, Nike lại chọn danh thủ Cristiano Ronaldo.

Euro 2016 : Chiếc tủ kính công nghệ

Euro 2016 cũng là dịp để các hãng đồ thể thao phô trương các cách tân của mình. Áo dành cho các cầu thủ của đội tuyển Pháp được thiết kế bằng công nghệ Aeroswift, một công nghệ mới do hãng Nike nộp bằng sáng chế, cho phép hút mồ hôi nhanh.

Puma thì chọn khâu thiết kế mẫu mã, mỗi chiếc giày mang hai mầu khác nhau là vàng và hồng. Một kiểu thiết kế được cho là khá liều lĩnh. Puma muốn gây sự chú ý bằng cách trang bị giày cho các cầu thủ như Olivier Giroud, Antoine Griezmann (đều là cầu thủ Pháp) hay như Sergio Aguero, tiền vệ tấn công nổi tiếng của Achentina.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Puma đưa ra kiểu thiết kế « chơi trội » như thế này. Ông Richard Teyssier, chủ hãng thương hiệu Pháp này nhắc lại : « Trong kỳ Cúp Vô địch Thế giới 2014, chúng tôi đã tung ra loại mẫu mã Puma Tricks với một bên vàng và một bên xanh dương. Chúng tôi đã bán sạch trong vài tuần ».

Đối với các hãng này, các kỳ giải lớn còn là một điểm giao tiếp, do tập trung một lượng khán giản đông đảo kỷ lục. Frédéric Tain, chủ biên trang mạng Sport-Guide nêu rõ : « Rất nhiều trận tranh tài trong giải Cúp Bóng đá Châu Âu 2012 đã thu hút trên 20 triệu khán giả truyền hình tại nhiều quốc gia khác nhau như Đức, Anh hay Ý chẳng hạn ».

Pháp : Lệnh cấm rượu không có hiệu lực tại “Fan zone” của Euro 2016

Trong khi Pháp cấm bán rượu hay các đồ uống có chất cồn tại một vài thành phố - nơi diễn ra giải đấu bóng đá Euro 2016 để tránh các vụ va chạm giữa các cổ động viên thì sự có mặt của hãng bia Carlsberg như một nhà tài trợ chính của giải đang là đề tài gây nhiều tranh luận.

Rượu bia, tác nhân của các vụ bạo lực giữa các cổ động viên

Chỉ một ngày sau khi giải bóng đá Châu Âu Euro 2016 chính thức khai mạc, 10/06/2016, bạo lực đã gia tăng tại một số thành phố lớn – nơi diễn ra các giải đấu như Marseille, Lyon hay Lille, với nhiều hậu quả rất nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính đều xuất phát từ việc tiêu thụ bia rượu.

Trước tình trạng này Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã yêu cầu các tỉnh trưởng cho thiết lập các vùng nằm trong « bán kính nhạy cảm » mà tại đó nghiêm cấm bán rượu trong suốt những ngày diễn ra giải đấu Euro 2016.

Tuy nhiên, quyết định này lại đang gây nhiều bối rối bởi lẽ người ta biết rằng Carlsberg – một hãng bia lớn của Đan Mạch và là một trong những nhà tài trợ lớn của giải – lại được phép bán tại các « fan zone » - khu vực dành cho những người hâm mộ.

Tiến sĩ Bernard Basset, phó chủ tịch Hiệp hội quốc gia về phòng ngừa sự lệ thuộc vào đồ uống chứa chất cồn nhận định : « Khi một hãng bia là nhà tài trợ cho sự kiện thể thao thì rõ ràng đây là một thông tin quảng cáo. Quảng cáo để khuyến khích người ta tiêu thụ nhiều bia hơn ».

Carlsberg khéo léo lách luật

Theo đạo luật mang tên cựu Bộ trưởng Y tế của Pháp Evin, ra đời 10/01/1991, liên quan đến việc hạn chế quảng cáo đồ uống có chất cồn để bảo vệ thanh thiếu niên, chỉ có một điểm nhỏ để người ta phân biệt một bên là các sự kiện thể thao và một bên là việc tiêu thụ đồ uống chứa chất cồn. Ông Olivier Poulet, thành viên đoàn luật sư của thành phố Rennes của Pháp cho biết : « Luật Evin không cho phép một mác rượu bia trở thành nhà tài trợ cho một sự kiện thể thao diễn ra trên lãnh thổ của Pháp hay nói chính xác hơn là không cho phép cung cấp thông tin về nhà tài trợ này ».

Về phía Carlsberg, hãng bia này đã khéo léo lách luật để vẫn là nhà tài trợ cho giải đấu thể thao nhưng không chính thức tiến hành quảng cáo. Cụ thể là từ đầu giải đấu Euro 2016 tại Pháp, hãng bia này chỉ công bố mẫu sản phẩm đồ uống không chứa chất cồn của mình tại quốc gia này. Đây là cách để hãng bia này vẫn được biết đến và nếu suy rộng ra là để tăng sức bán của loại đồ uống chứa chất cồn của hãng này tại các quốc gia khác ở châu Âu.

Bản thân cựu Bộ Trưởng Y tế Pháp Claude Evin đã tuyên bố trên kênh truyền hình Pháp BFMTV : « Chúng ta đang trên lãnh thổ quốc gia. Không có việc tồn tại các điều khoản « phi lãnh thổ » tại các khu dành cho người hâm mộ được. Đối với tôi, những gì đang diễn ra bên trong đó với sự có mặt của Carlsberg là trái với luật pháp ».

Như vậy là cùng một lúc người ta cho phép bán bia tại fan zones nhưng lại cấm bán rượu bia xung quanh những khu vực này. Về phía người dân sống gần các khu « fan zone », họ cũng gặp ít nhiều phiền toái, bởi lẽ một mặt họ đã phải vất vả trong việc di chuyển và đậu đỗ xe vì số lượng người đổ đến fan zones là rất đông, mặt khác họ sẽ lại còn phải xuất trình giấy tờ chứng thực nơi mình sinh sống để có thể mua được một chai rượu. Điều này bị coi như là hết sức vô lý với người dân nơi đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.