Vào nội dung chính
CÔNG TY MA - NGA - ANH

Du lịch Luân Đôn : Thăm nhà các tỷ phú rửa tiền

Nhân thượng đỉnh chống tham nhũng tại Luân Đôn, báo Libération, ngày 12/06/2016, giới thiệu « Kleptocracy Tour », tên một tua du lịch độc đáo tại Luân Đôn, mà du khách là nhà báo, nhà hoạt động xã hội. Đích thăm là nơi ở của các đại tỷ phú, bị tình nghi trốn thuế, rửa tiền.

Khu Westminster, trung tâm thủ đô Luân Đôn, nơi tên tuổi chủ nhân 10% bất động sản bị che giấu.
Khu Westminster, trung tâm thủ đô Luân Đôn, nơi tên tuổi chủ nhân 10% bất động sản bị che giấu. Ảnh : David Castor/Palais de Westminster Londres Parlement
Quảng cáo

Thượng đỉnh toàn cầu chống tham nhũng được tổ chức hôm nay 12/05/2016, tại Luân Đôn, thủ đô Anh Quốc. Vấn đề minh bạch tài chính là nội dung chủ yếu của cuộc họp, diễn ra ít tuần sau vụ Panama Papers. Hàng triệu tài liệu được công bố, cho thấy quy mô chưa từng có của các hoạt động cất giấu tiền tại các « thiên đường thuế » xa xôi, mà một phần khá lớn trong đó thuộc chủ quyền của Vương Quốc Anh. Nhân dịp này, báo Libération có bài phóng sự, đưa độc giả đến với một tua du lịch đặc biệt, để phần nào mường tượng ra quy mô của thiên đường thuế nằm ngay tại thủ đô Anh Quốc, mà khách hàng chủ yếu là giới tài phiệt Nga, thân cận với tổng thống Putin.

« Kleptocracy Tour » là tên của một tua du lịch độc đáo tại Luân Đôn, mà du khách là nhà báo, nhà hoạt động xã hội, giảng viên đại học, thậm chí các chính trị gia. Đích thăm là nơi ở của các đại tỷ phú, mà Luân Đôn có tổng cộng 77 người, đứng hàng đầu thế giới, theo tờ Sunday Times.

Kleptocracy Tour là một sáng kiến, được tổ chức chống tham nhũng ClamUK.org, tung ra cách nay vài tháng, nhằm phơi bày trước công chúng một hệ thống rửa tiền khổng lồ qua các đầu tư vào bất động sản tại Luân Đôn.

Một người trong nhóm hướng dẫn dẫn đoàn thăm quan là ông Roman Borisovich, một nhà ly khai người Nga. Từng làm việc cho một công ty bảo hiểm lớn của Nga, ông cảm thấy « hãi hùng về việc nền kinh tế quốc gia và xã hội bị tan rã, do tham nhũng quy mô rất lớn ». Ông quyết định ủng hộ đối lập, nhưng buộc phải lưu vong sau đó, khi ông Putin trở lại làm tổng thống năm 2012.

Các nhân vật hàng đầu của nước Nga

Trong số các điểm thăm quan có căn hộ của một người Nga, tên Olga Shuvalova, chủ nhân một doanh nghiệp bình phong tại quần đảo Vierges của Anh Quốc, vừa bị lộ diện trong vụ Panama Papers. Căn hộ nằm ngay sát Phủ Thủ Tướng Anh. Bà Olga là vợ một người nổi tiếng, ông Igor Ivanovitch Chouvalov, phó thủ tướng thứ nhất của chính quyền Nga.

Du khách cũng được giới thiệu về một căn hộ nằm trong một ngôi nhà sang trọng khác, thuộc sở hữu của Leonid Fedun, một phó chủ tịch LUKoil, tập đoàn dầu mỏ lớn thứ hai của nước Nga, cũng là một người thân cận của ông Putin…. Và cả một loạt những người thân khác của tổng thống Nga.

Các tỷ phú tại Luân Đôn không chỉ có người Nga. Theo một thống kê của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International), 36.342 bất động sản, với tổng số 5,7 km² diện tích ở của Luân Đôn, thuộc về các công ty bình phong, được đặt tại các thiên đường thuế. Danh tính chủ nhân của 10% nhà ở tại khu trung tâm Westminster bị che giấu.

Theo người hướng dẫn đoàn thăm quan, việc giới tài phiệt tham nhũng đầu tư vào bất động sản khiến giá nhà ở Luân Đôn trở nên rất đắt đỏ, nhưng thiệt hại lớn nhất vẫn là các quốc gia bị biển thủ tài chính. Nhà ly khai Nga tỏ ra tin tưởng vào cam kết của thủ tướng Anh, với tuyên bố sẽ buộc các chủ nhân phải kê khai tên tuổi thực với mỗi giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, ông Roman Borisovich cũng sẵn sàng trước khả năng thượng đỉnh chống tham nhũng hôm nay sẽ chỉ kết thúc với « các biện pháp nửa vời ». Ông tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì tua du lịch Kleptocracy tại Luân Đôn, « cho đến khi nào có thay đổi thực sự ».

Công bố thông tin về người sở hữu công ty ma : Pháp đi đầu

Vụ Panama Papers vẫn không nguôi gây chấn động. « Panama Papers : Hàng nghìn công ty bình phong của ngân hàng nông nghiệp Pháp Crédit Agricole (lộ diện) » là tựa trang nhất của báo Le Monde. Vẫn theo Le Monde, giám đốc của ngân hàng Pháp Société Général đã phải giải trình trước Thượng viện hôm qua về vấn đề này, nhưng việc bào chữa không thuyết phục.

Về chủ đề này, báo kinh tế Les Echos có bài « Nước Pháp thể hiện sự minh bạch đối với những người hưởng lợi từ các công ty bình phong », với nhận định : vụ Panama Papers buộc bộ Tài chính phải công bố các công ty bình phong Pháp. Và điều này được đánh giá là một quyết định mang tính biểu tượng quan trọng, cho dù chưa phải là « một cách mạng trong cuộc chiến chống trốn thuế ». Kể từ ngày 30/06 tới, thông tin về những người được hưởng lợi từ 16.000 công ty bình phong  sẽ được công bố. Cho đến nay, Pháp là nước đầu tiên làm việc này. Ngoài ra có Anh và Nam Phi đã cam kết. Hồi cuối năm ngoái, châu Âu đã có một chỉ thị yêu cầu các nước lưu trữ thông tin về các công ty bình phong, nhưng không bắt buộc phải công bố.

Báo Le Monde cũng đề cập đến vai trò của nước Mỹ trong vụ Panama Papers. Phụ trương kinh tế của Le Monde dẫn ý kiến của liên minh đảng Xanh tại Nghị Viện Châu Âu lên án tính chất bất minh trong hệ thống thuế khóa của Hoa Kỳ, và đặt câu hỏi : « Liệu Washington có thực sự nỗ lực trong cuộc chiến chống trốn thuế ? ». Theo báo cáo được công bố hôm qua, đảng Xanh châu Âu khẳng định có sự bất cân xứng giữa Hoa Kỳ và Châu Âu trong việc trao đổi thông tin về chủ đề này.

Luật lao động Pháp : Tâm điểm mâu thuẫn

Một chủ đề lớn khác của báo chí Pháp hôm nay là sự rạn nứt trong nội bộ đảng Xã Hội cánh tả cầm quyền Pháp, sau khi chính phủ quyết định sử dụng điều khoản 49.3, để buộc thông qua luật cải cách lao động, vốn bị nhiều thành phần xã hội phản đối quyết liệt. Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Đảng Xã Hội tan hoang một năm trước cuộc bầu cử tổng thống ». Tờ báo thiên hữu ghi nhận, « chỉ còn thiếu hai chữ ký để các dân biểu cánh tả đưa được kiến nghị phế truất thủ tướng ra bỏ phiếu. Trong số những người ký vào kiến nghị có 4 cựu bộ trưởng của đa số cầm quyền ». Bài xã luận Le Figaro đánh giá : « đây là lần đầu tiên trong lịch sử của nền đệ ngũ Cộng hòa Pháp, người ta thấy các dân biểu của đảng đa số hợp sức lại đòi phế truất thủ tướng của chính phe mình. Đảng Xã hội chống đảng Xã Hội ».

Cho dù không công nhận nguy cơ tan vỡ hoàn toàn, Libération cũng thừa nhận mức độ rạn nứt là rất lớn, và điều này để ngỏ những viễn cảnh đáng lo khác. « Sự bất lực trong việc tìm ra một thỏa hiệp chính trị chắc chắn sẽ mở đường cho việc nhiều ứng cử viên cánh tả thuộc phái cải cách ra ứng cử tổng thống, và nếu không tổ chức được một cuộc bầu cử sơ bộ trong cánh tả, cánh tả sẽ ra tranh cử với hàng ngũ phân tán, và điều này sẽ dẫn đến thất bại ».

« Luật lao động : thất vọng lớn trong giới doanh nhân » là hàng tựa chính của báo Les Echos. Tờ báo ghi nhận, cánh tả đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của mình kể từ khi lên nắm quyền, năm 2012. Medef, hiệp hội của giới chủ, dự đoán : luật này sẽ không có « tác động » nào đến việc tạo thêm công ăn việc làm.

Về phần mình, l’Humanité có phỏng vấn lãnh đạo nghiệp đoàn CGT, kêu gọi gia tăng áp lực chống lại luật cải cách lao động. Nhật báo cộng sản dự báo « phong trào xã hội có nhiều phần sẽ không hạ vũ khí trong những ngày và những tuần tới », khi nhắc lại cách nay 10 năm, một cải cách tương tự rốt cục đã bị hủy bỏ do các phong trào xã hội.

Về chủ đề này, bên cạnh các mô tả về « diễn biến phức tạp của luật cải cách lao động El Khomri », báo Công Giáo La Croix cung cấp nhiều thông tin về cải cách « thị trường lao động » tại 5 quốc gia láng giềng : Anh, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Ý, để độc giả so sánh. Các kinh nghiệm là hết sức khác nhau. Nếu như tại Tây Ban Nha, các luật cải cách không được lòng dân đã được chính quyền áp đặt, thì tại Hà Lan, việc cải cách đã diễn ra với sự hợp tác của các đối tác xã hội.

Luật lao động El Khomri gây nhiều chấn động cũng là chủ đề số một của tờ Libération, nhưng dưới một góc nhìn khác. Nhật báo thiên tả chạy tựa trang nhất : « Luật lao động : Cuộc biểu dương lực lượng của cánh hữu theo chủ trương tự do », hướng đến sự kiện, bốn ứng cử viên tổng thống sơ bộ của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) chính thức công bố các nội dung chính trong cương lĩnh kinh tế của họ. Theo Libération, tất cả đều tấn công vào nền tảng của bộ luật lao động.

Đức : Uy tín các đảng cầm quyền suy giảm

Về thời sự châu Âu, Le Figaro chú ý đến tình hình lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền Đức, bà Merkel đang mất đi nhiều chỗ dựa trong đảng. Theo Le Figaro, bà Merkel có khả năng ra tái ứng cử chức thủ tướng lần thứ tư, và bà có thể tìm cách liên kết với đảng Xanh, do bị nhiều phản đối trong nội bộ đảng mình, và cử tri cánh hữu truyền thống, kể từ khủng hoảng nhập cư.

Về tình hình chính trị Đức, Le Monde có bài « các đảng phái nằm quyền bị mất điểm theo các thăm dò dư luận ». Liên đảng cầm quyền cánh hữu và đảng xã hội cánh tả chỉ nhận được sự ủng hộ của 50% cử tri theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất ngày 10/05. Lực lượng thu được nhiều ảnh hưởng hiện tại là đảng cực hữu AfD, với tỷ lệ 15% cử tri ủng hộ trên toàn quốc.

Có nên coi đạo Thiên Chúa là cội rễ của châu Âu ?

Về văn hóa chính trị, mục thảo luận của báo Le Figaro đưa ra một số ý kiến xung quanh đề tài : Liệu có nên coi đạo Thiên Chúa như là cội rễ của văn minh châu Âu ? Chủ đề này đã từng nhiều lần được bàn đi, xới lại. Nhân dịp giáo hoàng Phanxicô được Nghị Viện Châu Âu trao giải thưởng quốc tế cao quý Charlemagne « Vì sự thống nhất của châu Âu », tờ báo trở lại vấn đề.

Le Figaro dẫn hai quan điểm. Một của giáo sư sử học Stéphane Fatti, chuyên gia về giai đoạn Hậu Kỳ Cổ Đại (đại học Bourgogne-France-Comté), theo đó châu Âu không chỉ có cội rễ Thiên Chúa Giáo, mà "cả từ các nền văn minh cổ đại" Hy Lạp, La Mã. Trong khi đó, cựu bộ trưởng tài chính Pháp Pierre Moscovici, ủy viên kinh tế châu Âu, khẳng định "không nên quy châu Âu về các cội rễ Thiên Chúa Giáo, vì làm như vậy có nghĩa là gạt qua một bên một bộ phận người châu Âu".

Trong bài diễn từ nhận giải, giáo hoàng Phanxicô không nói đến cội rễ Thiên Chúa Giáo của châu Âu. Ông chỉ nhấn mạnh đến « tinh thần của châu Âu » là « sáng tạo, thiên tài, có khả năng vươn lên, thoát ra khỏi những giới hạn của chính mình ». Người đứng đầu Vatican có nhắc đến một cách khiêm tốn vị trí của Giáo Hội Công Giáo, « có khả năng và nghĩa vụ đóng góp » vào sự « phục hưng » của châu Âu, mà « không tìm kiếm điều gì khác hơn ». Giải thưởng Charlemagne đã từng được trao cho giáo hoàng Joan Phao Lồ II, ít lâu trước khi ông mất năm 2005,… vì công lao trong tiến trình dân chủ hóa Đông Âu trước đây, được đánh dấu với sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989.

Vì sao người Pháp từng rất ghét  Shakespeare ?

Nhân dịp 400 năm giỗ đại văn hào Anh Shakespeare, nổi tiếng với nhiều tác phẩm bi kịch và lãng mạn, như « Vua Lia », « Hamlet » hay « Romeo và Juliet », phụ trương văn học của Le Figaro có bài giới thiệu phần hài kịch trong trước tác của ông, nhân dịp xuất bản tuyển tập hài kịch "Pléiade", với tác giả là nghệ sĩ kịch Denis Podalydès và giáo sư Michael Edwards, Collège de France.

Trong cuốn sách này, nghệ sĩ Podalydès, từng đóng nhiều vai kịch Shakespeare, "giải thích về thiên tài nhà văn Anh và vì sao trong một thời gian dài người Pháp lại rất ghét ông".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.