Vào nội dung chính
COP21 - KHÍ HẬU - ẤN ĐỘ

Khí hậu : Ấn Độ trước bài toán nan giải

Trước thềm Thượng đỉnh quốc tế về khí hậu COP21 Paris, mọi chú ý đang dồn về phía Thủ tướng Narendra Modi : Ấn Độ là nguồn khải thí carbon gây ô nhiễm thứ tư trên thế giới và đang trên đà phát triển để đưa gần 40 % dân số thoát khỏi cảnh bần cùng. Làm thế nào New Delhi có thể dung hòa mục tiêu phát triển với tiêu chí giảm khí thải làm hâm nóng trái đất ?

25 % diện tích Ấn Độ trước nguy cơ sa mạc hóa.
25 % diện tích Ấn Độ trước nguy cơ sa mạc hóa. Reuters
Quảng cáo

Trong suốt quá trình đàm phán, Ấn Độ luôn khẳng định : ưu tiên hàng đầu của quốc gia Nam Á này là phát triển kinh tế. Trước hết là để đưa một phần tư dân số thoát khỏi cảnh đói nghèo, cung cấp điện cho 350 triệu dân cư, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa đất nước rộng lớn với trên một tỷ người, xây dựng cơ sở hạ tầng cho một nền kinh tế còn rất lạc hậu.

Để đạt được những mục tiêu đó, chắc chắn Ấn Độ sẽ phải tiếp tục nhả thêm khói làm hâm nóng bầu khí quyển. Ấn Độ chưa thể cho phép giảm mức độ lệ thuộc vào than đá, một nguồn năng lượng thải nhiều khí carbon, gây hiệu ứng lồng kính.

Ngoài ra các nhà thương thuyết của Ấn Độ trước khi đến Paris lần này luôn nhắc nhở các đối tác rằng, nếu so sánh mức CO2 thải ra theo đầu người, thì một công dân Ấn Độ chỉ gây ô nhiễm không khí bằng 1 phần 10 người Mỹ, hay bằng 1phần 3 so với một người đang sống ở Pháp.

New Delhi căn cứ trên những thống kê đó để mặc cả với quốc tế, rằng nếu như Ấn Độ phải cố gắng giảm bớt lượng thải khí, và đòi các nước công nghiệp tân tiến nhường quota CO2 cho các nước đang phát triển. Mục đích không nói ra của New Delhi là đã đến lúc các nước nghèo cần có cơ hội để vươn lên. Ấn Độ không phủ nhận mục tiêu giảm thải khí bảo vệ hành tinh là trách nhiệm chung của nhân loại nhưng theo quan điểm của New Delhi, với hoàn cảnh hiện tại Ấn Độ chưa thể cho phép mình đề ra mục tiêu giảm lượng carbon, như là một số nước đã làm. Hơn nữa như chính Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, Prakash Javadekar đã trả lời hãng thông tấn Pháp AFP : trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, các nước giàu phải cáng đáng nhiều hơn các nước nghèo.

Bài toán nan giải

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là New Delhi phủi tay trước vấn đề biến đổi khí hậu. Hai tuần lễ trước Thượng đỉnh COP21 Paris, tiếp Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Thủ tướng Modi đề cập tới một kế hoạch đầy tham vọng về năng lượng tái tạo. Ấn Độ mong muốn đến năm 2030, năng lượng mặt trời phải bảo đảm được 40 % nhu cầu của toàn quốc. Tỷ lệ này như vậy được nâng cao lên gấp 25 lần so với hiện tại.

Bên cạnh đó, New Delhi chuẩn bị kêu gọi cộng đồng quốc tế thành lập một « mạng lưới năng lượng mặt trời », để các nước chậm phát triển cùng chia sẻ kinh nghiệp và kỹ thuật sản xuất pin mặt trời, tương tự như cuộc « cách mạng » đã khá thành công tại Trung Quốc.

Ngoại trưởng Pháp tán đồng sáng kiến đó của Ấn Độ và Paris hứa hỗ trợ New Delhi để dự án đó được thực hiện đến nơi đến chốn. Có điều, Ấn Độ cần đến 1 tỷ đô la để thực hiện chương trình năng lượng xanh nói trên. Thứ nữa, như các nhà quan sát ghi nhận : bất kỳ một dự án nào chỉ có thể thành công nếu được đa số người dân hưởng ứng. Ngặt một nỗi, đối với người dân Ấn Độ, năng lượng xanh, hay mục tiêu giảm lượng thải khí carbon vì môi trường … là những khái niệm vừa trừu tượng, vừa xa vời.

Thực tế là trước mắt người dân Ấn Độ còn quá nghèo để có thể nghĩ đến khí hậu. Đa số dân cư tại quốc gia Nam Á này còn trong cảnh chỉ vừa đủ sống qua ngày với những đồng lương ít ỏi. Trong hoàn cảnh đó, bụi mù, hay nước nhiễm độc tạm thời bị đẩy xuống hàng thứ yếu, miễn sao người lao động có việc làm đều đặn để nhận được từng đồng lương hàng tháng.

Ấn Độ, nạn nhân của biến đổi khí hậu

Bài toán của New Delhi tưởng chừng như đơn giản, trước một bên là mục tiêu tăng trưởng và bên kia là tiêu chí giảm hiệu ứng nhà kính. Có điều Ấn Độ dường như không còn nhiều thời gian, khi quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới này lại là một trong những nạn nhân đầu tiên của hiện tượng trái đất đang bị hâm nóng.

Băng tuyết trên dẫy Himalaya đang tan chảy ở mức báo động : theo quan sát của nhà khoa học Shakil Ahmad Romshoo, hai sông băng trong vùng đã bị xóa tên trong chỉ vỏn vẹn 50 năm qua. Đà tan băng này có khuynh hướng tiếp diễn với nhịp độ dồn dập hơn. Hồ nước ngọt trong khu vực cùng thời kỳ bị thu hẹp lại đến 27 %. Hậu quả kèm theo là vùng Cachemire và ở các khu lưu vực đang mất đi một nguồn nước quý hiếm.

Vẫn theo nhà khoa học Romshoo, trong nửa thế kỷ qua, nông dân Ấn Độ đã phải thay đổi cách sinh hoạt, để thích nghi với các mạch sông ngòi ngày càng khô cạn. Những người trồng lúa đã xoay quan trồng cây ăn quả, nhưng liệu rằng, vựa lúa của Ấn Độ sẽ còn đủ sức nuôi hơn một tỷ miệng ăn trong bao lâu ? Một thay đổi quan trọng khác được các chuyên gia và những người trong cuộc ghi nhận đó là do thời thiết ấm lên, mới chỉ đến độ tháng Tư, các lớp tuyết trên dãy núi Himalaya đã tan gần hết. Tuyết tan nhanh như vậy tạo nên những cơn lũ lớn, cuốn trôi hoa màu, để rồi những tháng còn lại trong năm, giới nông gia phải đương đầu với nắng hạn.

Ở các vùng nông thôn, ngày càng thường có cảnh, nông dân nổi dậy hay thậm chí là tự vẫn vì nợ nần chồng chất, do hạn hán, lũ lụt dồn dập cuốn trôi cơ nghiệp. Nhưng trong công luận Ấn Độ, có bao nhiêu người nghĩ rằng đấy là những nạn nhân đầu tiên do hiện tượng biến đổi khí hậu gây nên ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.