Vào nội dung chính
CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

COP21 : Quốc tế cam kết những gì ?

Để Thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu Paris COP21 thành công, nước Pháp đã nỗ lực vận động thế giới đưa ra những cam kết cụ thể, ít ra là về ý định đóng góp cho một mục tiêu chung vì tương lai của nhân loại. Quốc tế đã cam kết những gì để giảm thải khí carbon làm hâm nóng trái đất ?

Logo Hội nghị khí hậu Paris COP21
Logo Hội nghị khí hậu Paris COP21
Quảng cáo

Thất bại tại Hội nghị khí hậu COP15 tổ chức tại Copenhagen năm 2009 vĩnh viễn chôn vùi Nghị định thư Kyoto, khi chỉ có các quốc gia công nghiệp phát triển- ngoại trừ Mỹ, đề ra mục tiêu giảm lượng phát khí thải CO2. Từ đó tới nay, vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ là mối quan tâm của các nước giàu. Những nền kinh tế đang trỗi dậy, từ Ấn Độ đến Brazil hay Nam Phi đều đã xem đây là một vấn đề chung của nhân loại. Điều đó đã được thể hiện tại thượng đỉnh Cancun-Mêhicô năm 2010.

Trong 5 năm qua, từ những tuyên bố rất chung chung về quyết tâm hành động vì môi trường, cộng đồng quốc tế đã có những bước tiến cụ thể. Liên Hiệp Quốc và với chương trình vận động ráo riết của Pháp, 195 quốc gia đến dự Hội nghị chống biến đổi khí hậu Paris lần này đã nhất trí về mục tiêu giữ nhiệt độ của trái đất tăng không quá 2° C từ nay tới cuối thế kỷ.

Cho tới giữa tháng 11/2015, 161 quốc gia đã chính thức công bố những ý định để hoàn thành mục tiêu đó.

Một thế giới mới đang được hình thành

Khác với tại Copenhagen cách nay 6 năm, lần này, Mỹ và Trung Quốc đã bước lên tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hai quốc gia gây ô nhiễm nhất hành tinh đều đã đưa ra những cam kết cụ thể, lấy năm 2030 làm cột mốc.

Trước hết là Trung Quốc : « công xưởng » của thế giới không thể thay đổi mô hình phát triển và sản xuất trong một sớm một chiều. Than đá sẽ vẫn được trọng dụng để bảo đảm nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế thứ 2 của toàn cầu. Nhưng Bắc Kinh hứa là lượng thải khí CO2 của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm đi kể từ năm 2030. Một tín hiệu khả quan khác là ngành công nghệ xanh bắt đầu phát triển tại quốc gia đông dân nhất hành tinh này, và Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong công nghệ chế tạo pin mặt trời. Lại cũng Trung Quốc đang có những bước tiến rất dài trong lĩnh vực năng lượng gió.

Về phía Hoa Kỳ ngày 03/08/2015 được coi là một cột mốc quan trọng khi tổng thống Barack Obama công bố kế hoạch « America's Clean Power Plan » đầy cao vọng : các nhà máy điện lực của Hoa Kỳ kể từ năm 2030 giảm 32 % lượng thải khí CO2. Chính quyền liên bang hứa trợp cấp cho các ngành năng lượng tái tạo, để trong tương lai, năng lượng sạch bảo đảm được gần 30 % nhu cầu của cả nước.

Nhìn tới nỗ lực của các nước chậm phát triển, để chuẩn bị cho thượng đỉnh Paris, một nước nhỏ như Pérou đã huy động 13 bộ, 300 chuyên gia để soạn thảo một chương trình hành động. Quốc hội Colombia thì đã phê chuẩn dự luật mới về môi trường. Hơn 60 quốc gia trên toàn cầu đã tổ chức các cuộc hội thảo về khí hậu và đã nhường lời cho các tổ chức xã hội dân sự.

Ưu tư hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới là làm thế nào tìm ra một mô hình phát triển mới, ít hao tốn năng lượng hơn và ít gây tổn hại cho môi trường chung quanh hơn.

Theo tổng kết của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu như tất cả những quốc gia trên thế giới thực hiện được những gì đã hứa, thì đến năm 2050 năng lượng sạch sẽ bảo đảm được đến 70 % nhu cầu tiêu thụ của nhân loại thay vì 34 % như hiện tại. Những nước nhỏ và còn kém phát triển như Vanuatu, Cap Vert, Samoa hay Papouasie Nouvelle-Guinée thậm chí còn nuôi tham vọng sử dụng 100 % năng lượng tái tạo vào năm 2030 ! 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.