Vào nội dung chính
MA TÚY

Afghanistan : Căn cứ địa của đế chế ma túy thế giới

Miễn tội hình sự cho người dùng cần sa, con đường khổ nạn của người tị nạn từ Trung Đông sang Châu Âu, về hưu ở tuổi 63 : cải cách trong khu vực tư nhân tại Pháp, và phản ứng của các trí thức, nghệ sĩ trẻ Pháp với các nhân vật « tân phản động » được truyền thông cổ vũ là tựa đề trang nhất số ra cuối tuần của một số nhật báo lớn tại Pháp. Đề tài ma túy cũng là chủ đề chính của tuần san l'Express : « Hiểm họa heroin (thường gọi là bạch phiến) », với tâm điểm là đế chế ma túy thế giới, mà căn cứ địa số một là Afghanistan, quốc gia nằm ở trung tâm Châu Á.

Một nhân viên an ninh Afghanistan trên cánh đồng thuốc phiện.
Một nhân viên an ninh Afghanistan trên cánh đồng thuốc phiện. Ảnh : multimedia.org
Quảng cáo

Chính phủ Pháp vừa ra một nghị định cho phép cảnh sát phạt tiền đối với người hút cần sa, thay vì làm các thủ tục để đưa ra tòa theo luật trước đây. Tuy nhiên, Le Monde bình luận : trên thực tế, quy định mới này không đồng nghĩa hoàn toàn với việc miễn tội hình sự đối với cần sa, cũng như không làm giảm nhẹ gánh nặng cho ngành tư pháp, bởi việc phạt tiền vẫn đòi hỏi sự cho phép của công tố viên.

Cần sa : Phạt nặng thì khó, nhưng hợp pháp hóa không dễ

Một bài viết khác của Le Monde ghi nhận sự lúng túng của các chính phủ Pháp, từ hàng chục năm qua trước vấn đề cần sa, dù thuộc cánh hữu hay cánh tả, thường có một thái độ chung, « không phi hình sự hóa, cũng không hợp pháp hóa ». Theo Chủ tịch Hiệp hội về chất gây nghiện Pháp, Jean-Pierre Couteron, sự thay đổi trong hình thức phạt này, dù là một « tiến bộ trên phương diện kỹ thuật, nhưng không phải là một cuộc cách mạng về phương diện luật hình sự », bởi hút cần sa vẫn bị coi là phạm tội. Làm gì để ngăn chặn việc gia tăng sử dụng cần sa hiện vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Hơn 2.000 km² thuốc phiện và 70 tỉ đô la lợi nhuận

Cần sa được coi là một ma túy nhẹ hơn rất nhiều so với nhiều loại khác, và ma túy là câu chuyện toàn thế giới. Hồ sơ của L'Express về « heroin » đưa độc giả đến với Afghanistan, cỗ máy trồng và sản xuất thuốc phiện số một thế giới. Theo cơ quan Liên Hiệp Quốc chống ma túy ONUDC, chưa bao giờ sản lượng thuốc phiện lại cao và giá cả lại thấp như hiện nay. Người ta thường nói đến khu vực « tam giác vàng », ngã ba biên giới Miến Điện – Thái Lan – Lào, nổi tiếng là cơ sở cung cấp ma túy cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên Afghanistan lại chiếm đến 85% lượng hero bán ra ra toàn cầu.

Theo một chuyên gia của tổ chức Y sĩ Thế giới, thuốc phiện được sản xuất ồ ạt, kể từ năm 1979, do sự khuyến khích của Hoa Kỳ đối với phe nổi dậy chống sự xâm lược của Liên Xô. Can thiệp quân sự của NATO sau đó đã không đảo ngược được xu hướng này, cho dù CIA vào thời điểm đó có thử nghiệm một chương trình reo rắc nấm, làm thối rễ cây thuốc phiện.

Một chuyên gia viện Iris Pháp ước tính lợi nhuận do thuốc phiện mang lại cho nền kinh tế địa phương là khoảng 3,5 tỉ đô la/năm, tức nhiều hơn ngân sách cho bộ máy nhà nước. Người hưởng lợi trước hết nhờ thuốc phiện là các thủ lĩnh chiến tranh địa phương, phe Taliban, hay thành phần tham nhũng trong chính quyền, với hệ quả trực tiếp là khoảng 1 triệu trên 38 triệu dân Afghanistan nghiện ma túy. Vẫn theo cơ quan chống ma túy Liên Hiệp Quốc, tổng diện tích trồng thuốc phiện lên tới 2.254 km² hồi năm ngoái, với sản lượng khoảng 7.000 tấn. Hàng trăm phòng bào chế ma túy các loại, rải rác khắp nước, kể cả ở Kabul, cung cấp khoảng 400 tấn heroin « tinh khiết » mỗi năm. Thuốc phiện và heroin từ Afghanistan mang lại đến gần 70 tỉ đô la cho các tập đoàn kiểm soát việc sản xuất và buôn bán ma túy toàn cầu.

Trong lòng thế giới ma túy

L'Express có cuộc phỏng vấn đáng chú ý với một cựu nhân viên cơ quan an ninh chống ma túy Hoa Kỳ. Ông Edward Follis từng xâm nhập vào các mạng lưới buôn lậu thuốc phiện và heroin lớn hàng đầu tại Afghanistan, có quan hệ mật thiết với Taliban. Cựu nhân viên an ninh Mỹ cho biết nhiều triệu phú trùm buôn lậu ma túy Afghanistan có cuộc sống rất đơn giản, giống như một người nông dân bình thường, nhưng có rất nhiều tiền gửi tại Dubai, Pakistan hay Thổ Nhĩ Kỳ. Cuốn sách của cựu nhân viên Mỹ « Ở trong lòng thế giới ma túy khủng bố » thuật lại những liên hệ mật thiết với Haji Juma Khan, một trùm ma túy thuộc loại lớn nhất Afghanistan. Chính ông đã giúp người này thoát khỏi một cuộc tấn công của máy bay không người lái Mỹ.

Ông Follios ghi nhận tình hình hiện nay càng thêm đáng ngại với sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đang tranh giành ảnh hưởng với Taliban. Heroin Afghanistan mang lại cho IS một tỷ đô la riêng trong năm nay. Một điều nghịch lý là, chính người sử dụng ma túy Mỹ lại góp phần nuôi dưỡng IS. Có thể dự đoán được mức độ gia tăng của lượng ma túy tiêu thụ, khi người ta sử dụng ngày càng nhiều các chất giảm đau (« painkiller »), gây nghiện.

Tị nạn : Châu Âu buộc phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ

Về thời sự quốc tế, thỏa thuận về người tị nạn của Châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ, được nhiều báo Pháp quan tâm. Bài của Le Monde « Người tị nạn : Châu Âu buộc phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ » nhấn mạnh đến áp lực ngày càng gia tăng từ Ankara buộc Châu Âu phải có nhiều nhân nhượng, đổi lại với việc Thổ Nhĩ Kỳ giữ chân được « hơn hai triệu người tị nạn » Syria tại nước này. Tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ hồi năm 2005, có thể sẽ được tái khởi động.

Về người tị nạn, La Croix dành nhiều trang đầu cho bài thuật của phóng viên về con đường khổ ải của một cặp di dân Syria, từ Hy Lạp tới Đức, còn gọi là « con đường Balkan », nơi hàng chục nghìn người đã đi qua để đến được miền đất hứa. « Tôi đã báo trước với cha mẹ, sẽ không bao giờ trở lại » là hàng tựa của hồ sơ này.

Cũng về người tị nạn, nhưng là từ phía nam. L'Express có hồ sơ « Miền nam sa mạc Sahara, phải chăng là một Afghanistan mới của chúng ta ? ». Sự vắng mặt của nhà nước, nạn tham nhũng, buôn lậu, nổi dậy, giới trẻ bị tước đoạt là các chủ đề được nêu lên trong cuốn sách của nghiên cứu Serge Michailof « Africanistan. Châu Phi khủng hoảng phải chăng sẽ có mặt tại ngoại ô của chúng ta ?», được trích giới thiệu.

Cuộc hẹn Blois : « Liên hoan Cannes » của ngành sử học

Những thách thức hiện tại cần được soi sáng từ lịch sử. Le Monde có bài tổng thuật Liên hoan sử học lần thứ 18 tại thành phố Blois (Pháp), một sự kiện thường được ví với « Liên hoan Cannes của ngành sử học ».

Hơn 40.000 khách đã tham dự ba ngày Liên hoan Lịch sử, từ ngày 08 đến ngày 11/10. « Các đế chế » là chủ đề chính của cuộc hẹn lịch sử năm nay. Bài « Khi lịch sử toàn thể cho phép sự trở lại của các đế chế » của Le Monde nêu ra nhiều thách thức đối với giới nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc nước lớn nhiều nơi trỗi dậy trong cuộc toàn cầu hóa đầy bất trắc : « Con phượng hoàng đế chế có thể đã chết, nhưng sự sùng bái nền độc tài quân phiệt vẫn còn nguyên vẹn khi nền dân chủ, thế giới Ả Rập và nước Nga đang ở trong một bước ngoặt lớn ».

Hai tác phẩm đoạt giải thưởng của Liên hoan năm nay là « Nền dân chủ chống lại giới chuyên gia. Những công chức nô lệ thời Hy Lạp cổ đại » của Paulin Ismard, và « Những người Ả Rập, vận mệnh của họ và của chúng ta » của Jean-Pierre Filiu.

Ấn Độ : Một cuộc thanh lọc văn hóa lớn

Nhìn sang Châu Á, tuần san Le Courrrier international dành nhiều bài cho hồ sơ « Ấn Độ : Cuộc thanh lọc văn hóa lớn ». Hồ sơ lược lại những nét lớn của chính sách dân tộc chủ nghĩa của đảng cầm quyền BJP của Thủ tướng Narendra Modi, kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 5/2014, với chiến thắng áp đảo.

Chủ trương của đảng cầm quyền là thanh lọc toàn bộ những gì lây nhiễm bên ngoài vào nền văn hóa Ấn Độ « thuần khiết », mà văn hóa là lĩnh vực đầu tiên. Người lãnh đạo việc thực thi chủ trương này là Bộ trưởng Văn hóa Ấn Độ, Tiến sĩ Mahes Sharma. Le Courrier International dẫn lại một câu nói của viên Bộ trưởng : « Nếu phải hy sinh một ai đó để bảo vệ các tình cảm tôn giáo của một phần xã hội, thì điều đó cũng không hề gì ».

Thịt bò trở thành một điểm nóng của nhiều bạo lực cộng đồng, kể từ khi bang Maharashtra, do đảng BJP cầm quyền, cấm bán và tiêu thụ thịt bò. Cuối tháng 9 vừa qua, một cư dân Ấn Độ đã bị tra tấn đến chết vì chuyện này. Làn sóng chống ăn thịt bò, con vật được truyền thống của đa số người Ấn coi là thiêng liêng, đã làm phá sản cả một ngành dịch vụ của người Hồi giáo tại Ấn Độ, khiến căng thẳng xã hội gia tăng. 

Khôi phục truyền thống Yoga cũng nằm trong nỗ lực thanh lọc văn hóa của đảng của Thủ tướng Modi. Với ảnh hưởng của Ấn Độ, kể từ năm 2015, Liên Hiệp Quốc ấn định ngày Yoga thế giới, vào tháng 6/2015, được 190 nước hưởng ứng.

Chủ trương thanh trừng văn hóa của ông Modi không phải lúc nào cũng được áp dụng thông suốt. Le Courrier International dẫn trường hợp lệnh ngăn chặn gần 900 địa chỉ intenet bị coi là « khiêu dâm », chỉ có hiệu lực trong 5 ngày. Một biện pháp khác nhằm khống chế các mạng xã hội hồi tháng Chín, chỉ có hiệu lực trong một ngày, trước khi được dỡ bỏ, với lý do Thủ tướng Ấn chuẩn bị thăm trụ sở Facebook tại Hoa Kỳ. 

Pháp : Người tình tổng thống và giải nhất Doanh nhân toàn cầu gốc Syria

Tuần san Le Nouvel Observateur với trang nhất « Julie Gayet, các quan hệ, các tham vọng và vai trò thực sự », dành một phóng sự cho nữ tài tử điện ảnh, nhân vật bí ẩn người tình của Tổng thống Pháp. Người phụ nữ không chấp nhận cương vị là « vợ của » của một nhân vật danh tiếng. L’Obs ghi nhận « ảnh hưởng của bà đang ngày càng lớn trong giới chính trị - văn hóa ». 

Trong khi đó, nhân vật trung tâm của tuần san L’Express là nhà doanh nghiệp gốc Syria Mohed Altrad, người vừa đoạt giải Doanh nhân toàn cầu 2015 hồi tháng 6/2015. Ông chủ Altrad, hãng sản xuất giàn giáo lớn nhất Châu Âu mang tên ông, là một người Pháp đầu tiên đoạt giải thưởng đặc biệt này. Trả lời phỏng vấn l'Express, ông Mohed Altrad hồi tưởng lại tuổi thơ đầy bất hạnh của mình tại Syria, trước khi đến Pháp. « Tôi đã tìm được chỗ đứng của mình tại Pháp » là tựa đề bài phỏng vấn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.